Khách mời văn hóa
Đại dịch Covid - 19 và các thách thức đặt ra đối với nền kinh tế toàn cầu
Lời tòa soạn: Vừa qua, trên trang Blog cá nhân, TS Trương Hồng Quang (hiện đang sống, làm việc tại Berlin, Đức) đã có cuộc phỏng vấn với nhà kinh tế học Trần Quốc Hùng (1) (hiện đang sống, làm việc tại Washington, Hoa Kỳ) về tình hình dịch bệnh Covid-19 và những tác động tới kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. VHNA xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuộc trao đổi trên. Quý độc giả có thể trực tiếp nghe lại (bản gốc) cuộc trò chuyện trên trang Blog Trương Hồng Quang. Đây là kỳ 3 trong chuỗi Podcast “Sống chung với Corona - Podcast tiếng Việt từ Berlin” do tác giả thực hiện.
Trương Hồng Quang: Xin chào nhà kinh tế Trần Quốc Hùng, trân trọng cảm ơn ông hôm nay từ Washington đã vui lòng có buổi trò chuyện với chương trình “Sống chung với Corona - Podcast tiếng Việt từ Berlin”. Trước hết, nếu được, xin ông chia sẻ về tình hình dịch bệnh ở Hoa Kỳ nói chung và ở vùng ông sống nói riêng. Dịch bệnh này chi phối thế nào đến cuộc sống hàng ngày của người dân hay cá nhân ông với tư cách là một người nghiên cứu kinh tế ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Vâng, tình hình dịch Covid-19 đang lan truyền rất mạnh ở Mỹ cũng như châu Âu. Đến ngày hôm nay thì toàn nước Mỹ đã có 104.256 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.700 người tử vong. Trung tâm phát dịch đã chuyển từ Trung Quốc trong vài tuần trước sang châu Âu, chủ yếu là Ý, Tây Ban Nha, sau đó là Mỹ. Một trường hợp cũng cần phải theo dõi nữa là Iran, số ca nhiễm cũng tăng lên rất nhanh. Trong các bang của Mỹ, bang có nhiều ca nhiễm bệnh nhất là ở New York với 44.000 người. Sau đó là ở California khoảng 4000 người, bang Washington khoảng 3000 người, và sau đó dưới 3.000 - trên 2.500 người là ở Louisiana, Florida, Illinois. Có rất nhiều bang ở Mỹ có số ca nhiễm bệnh tăng, trong thời gian 1-2 tuần sắp tới có thể tăng nhanh hơn. Toàn 50 tiểu bang Mỹ đều có ca nhiễm bệnh. Một chuyện cũng cần theo dõi, có thể xem là một tin vui nhỏ, là tại quận New Rochelle ở ngoài thành phố New York (ổ bệnh đầu tiên phát hiện tại New York) trong thời gian 2-3 tuần vừa qua đã thực hiện chiến dịch cách ly, ở nhà khoanh vùng rất chặt chẽ nên có dấu hiệu số ca nhiễm mới bắt đầu giảm. Điều đó chứng tỏ thực hiện những biện pháp cách ly một cách hiệu quả sẽ góp phần quan trọng để giảm sự tăng tốc ca nhiễm mới. Hy vọng New York trong thời gian sắp tới tốc độ lây nhiễm cũng sẽ chậm đi như thế.
Trương Hồng Quang: Ở Đức, cách đây khoảng một tuần, Chính phủ cũng bắt đầu đã có những biện pháp hạn chế tiếp xúc hay cách ly xã hội. Theo phát ngôn gần đây nhất của Phủ Thủ tướng Liên bang thì hiện nay biện pháp này sẽ tiếp diễn ít nhất đến 20/4, tới sau dịp lễ Phục sinh. Chiến lược chính bây giờ vẫn là chiến lược phi dược phẩm, cách ly xã hội, tức là người dân bình thường, như ở Berlin nơi tôi đang sống, được khuyến cáo hạn chế đi ra đường (tối đa chỉ có 2 người, hoặc những người cùng gia đình, được phép đi cùng nhau ra đường), mọi hoạt động giao tiếp xã hội giảm tới mức thấp nhất. Đối với người dân Mỹ hay ở chỗ ông hiện nay dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Ở những tiểu bang mà tôi vừa kể trên như New York, Washington, California,… thì lệnh “shelter in place” tức là ở tại nhà, cách ly không đi ra ngoài, giảm tụ tập đông đã thực hiện vài tuần nay rồi. Tôi nghĩ cái đó rõ ràng có ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường. Nhưng chúng ta phải nhớ việc cách ly hay là ở trong nhà, không tụ tập nhiều là cần thiết nhưng chưa đủ. Bản thân tôi nghĩ quan trọng hơn là phải tiếp tục xét nghiệm càng nhiều càng tốt để phát hiện người nhiễm bệnh ở đâu, đặc biệt là người nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu của bệnh như ho, sốt hoặc khó thở. Trong mấy tháng vừa qua các nhà khoa học đã nghiên cứu trong số những người nhiễm bệnh ở Trung Quốc cũng như các nơi khác số người nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu chiếm một tỷ lệ khá cao chứ không phải nhỏ. Những người này rất nguy hiểm vì họ nhiễm bệnh nhưng nhiều khi bản thân không biết, người xung quanh không biết, họ tiếp xúc giao dịch bình thường và chính là nguồn lây truyền bệnh đáng sợ. Muốn phát hiện những người đó thì phải xét nghiệm nhiều hơn. Tôi nghĩ là so với một số nước có kết quả tích cực trong việc này như Hàn Quốc thì việc xét nghiệm ở Mỹ cũng như ở châu Âu vẫn còn ít so với số xét nghiệm cần có trên tổng số dân trong nước. Sau khi xét nghiệm phát hiện ra người bị nhiễm bệnh thì phải tiến hành cách ly, chữa trị họ và quan trọng là tìm manh mối những người có giao dịch, tiếp xúc với họ trong 2 tuần trước đó để xét nghiệm, phát hiện cách ly nếu cần. Tôi nghĩ phải thực hiện những biện pháp này thì mới giảm sự tăng tốc của dịch.
Trương Hồng Quang: Nếu có thể được, xin ông sơ bộ mô tả lại những chặng quan trọng nhất trong chính sách đối phó với dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ. Từ trước đến nay, nó đã trải qua những chặng chính như thế nào và hiện nay Chính phủ Hoa Kỳ và các bang đang theo đuổi chiến lược, chương trình hành động cụ thể như thế nào ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Nói chung các bang phản ứng có tính bị động. Tôi nghĩ Mỹ đã lỡ một cơ hội rất quan trọng. Khi Trung Quốc bùng phát dịch mạnh trong thời điểm tháng 2 đầu tháng 3 vừa rồi đã tạo cho thế giới một “cửa sổ” khoảng 4-5 tuần để chuẩn bị các phương tiện, khẩu trang, máy móc, tinh thần để khi dịch lan đến các nước sẽ phản ứng chủ động hơn, tuy nhiên phương Tây gồm Mỹ và châu Âu có vẻ như đã đánh mất cơ hội đó. Chính vì vậy rõ ràng phản ứng có tính bị động. Các bang có số nhiễm bệnh tăng cao đã dùng biện pháp cô lập, cách ly, giới hạn giao tiếp,… nhưng thiếu rất nhiều các thiết bị quan trọng cho bác sỹ, y tá ở tuyến đầu để chống dịch bệnh như khẩu trang, găng tay, máy thở,... Tôi nghĩ cần phải cấp tốc tăng cường những thiết bị y tế đó để giúp các bác sỹ, y tá đối phó với dịch bệnh.
Trương Hồng Quang: Bây giờ xin phép chúng ta bước vào chủ đề chính của cuộc trao đổi hôm nay với ông, với tư cách một chuyên gia kinh tế - tài chính, về “Đại dịch Corona và các thách thức đặt ra đối với kinh tế, tài chính và thương mại toàn cầu”. Hôm thứ năm vừa qua, ngày 26/3/2020, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã họp trực tuyến. Một chi tiết là từ Đức, bà Thủ tướng Angela Merkel, chắc ông cũng biết, đang phải cách ly và bà đã phải tham dự cuộc họp từ nhà riêng. Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị G20 lần này là đưa ra gói hỗ trợ 5.000 tỷ USD. Chủ nhật tuần trước, trên trang Atlantic Council, ông đã có bài phân tích về những thách thức của đại dịch Corona tới kinh tế toàn cầu. Ông cũng có nêu ra 3 đòi hỏi đối với Hội nghị Thượng đỉnh G20 này. Trước hết, nếu được, xin ông giới thiệu một lần nữa các quan điểm của ông và nội dung của 3 kỳ vọng đặt ra đối với Hội nghị G20. Ông đánh giá thế nào về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh vừa rồi, căn cứ vào những kỳ vọng, phân tích mà ông đã nêu ra trong bài báo đề cập ở trên ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Vâng, Hội nghị Thượng đỉnh vừa rồi kết quả của nó đã thể hiện qua tuyên bố chung. Đối với tôi, kết quả này tốt hơn kịch bản xấu nhất mà tôi nghĩ có thể xảy ra, nhưng đáng lẽ nên mạnh mẽ hơn, có những biện pháp dứt khoát hơn. Đó là điểm không đạt được kỳ vọng.
Cụ thể, thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh, ít ra về mặt tuyên bố, đã khẳng định một cách rõ ràng là cả thế giới sẽ hợp tác thành một mặt trận thống nhất để chống lại đại dịch do virus Corona gây ra - một mối đe dọa chung cho toàn nhân loại. Tôi nghĩ đó là một phát biểu rõ ràng rất cần thiết trong lúc này. Thứ hai, cụ thể hơn, Hội nghị đồng ý cam kết chia sẻ kinh nghiệm, tin tức, dữ liệu để phòng chống dịch; tăng cường sản xuất những thiết bị y tế cần thiết và sẽ cung cấp các thiết bị này trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt; phân phối tới những nơi nào cần. Tôi nghĩ đó là những phát biểu cần thiết, vì trong thời gian qua một số nước đã bắt đầu cấm xuất khẩu những thiết bị y tế, nông phẩm thiết yếu. Đó là động thái rất cần để chứng tỏ thế giới đoàn kết, hợp tác chống lại dịch bệnh. Thứ ba, đã có một số bước tiến nhỏ đáng khích lệ trong cam kết giữ cho thương mại tiếp tục được trôi chảy; cho những vận chuyển về hàng hóa, đặc biệt là các thiết bị y tế, nông sản, thực phẩm thiết yếu đi qua các biên giới quốc gia trên cơ sở thị trường. Tôi nghĩ đây là tuyên bố quan trọng để chống lại một số nước bắt đầu có chính sách cấm vận làm cho suy thoái kinh tế nặng hơn và ảnh hưởng đến chống dịch.
Điều cần làm nhiều hơn mà vừa rồi trong thông cáo của Hội nghị G20 đưa ra chưa đủ là hiện nay cả thế giới đã tung ra gói kích cầu khoảng 5.000 tỷ USD như bạn đã nói. Điểm không vừa lòng với tôi là con số đạt được giống y như gói Hội nghị G20 năm 2009 ở London đã đưa ra. Trong khi đó, 5.000 tỷ USD 11 năm trước khác với 5.000 tỷ USD hiện nay, sức đóng góp 5.000 tỷ USD hiện nay ít hơn nhiều so với 11 năm trước. Thêm vào đó, ảnh hưởng của Covid-19 tới kinh tế toàn cầu kỳ này, tôi nghĩ là nặng nề và sẽ tạo ra một cuộc suy thoái sâu, rộng, và lâu để có thể khôi phục lại so với năm 2009. Vì vậy, tôi mong các nước G20 tiếp tục tăng cường các biện pháp kích cầu của mình để góp phần giúp hạn chế các ảnh hưởng xấu của dịch Covid-19 đối với kinh tế.
Trương Hồng Quang: Trong bài báo vừa nêu trên, ông có đề cập một trong những hành động cụ thể để G20 lấy lại uy tín của mình là kích thích kinh tế toàn cầu thông qua việc đẩy lùi thuế quan áp đặt trong cuộc chiến tranh thương mại thời gian qua, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một vấn đề rất thú vị ông cũng nêu ra trong bài báo là ưu tiên đối với thanh khoản đồng Đô la hiện nay và ảnh hưởng của nó đối với các quốc gia, hệ thống tiền tệ trên thế giới. Ông có thể nói cụ thể hơn về hai vấn đề này được không ạ? Liệu hiện nay có thỏa thuận nào nhằm đẩy lùi thuế quan áp đặt trong cuộc chiến tranh thương mại, tạo đồng thuận trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay hay không? Và vấn đề thứ hai là thanh khoản đồng Đô la.
Ông Trần Quốc Hùng: Về vấn đề thuế mậu dịch thì chưa có biện pháp gì rõ ràng, mạnh mẽ như tôi đề nghị. Trong thời điểm này, nếu các nước lớn cụ thể Mỹ và Trung Quốc, đồng ý bỏ chiến tranh thương mại và đặt thuế mậu dịch trở lại nguyên trạng trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung 2 năm trước thì sẽ phục hồi tin tưởng của giới đầu tư thế giới cũng như doanh nghiệp thế giới đối với khả năng phối hợp, cộng tác của các nước lớn trong thế giới để chống đại dịch, nhưng thực tế chưa được như vậy. Trong phân tích của tôi lúc nãy là đã có một số dấu hiệu rất nhỏ nhưng đi đúng hướng cần phát huy thêm. Chẳng hạn như về phía Mỹ, Chính phủ đã nghiên cứu và sắp tới sẽ xem xét bỏ hoặc giảm thuế đối với các mặt hàng thiết bị y tế, dược phẩm. Về phía Trung Quốc, trong thời gian mấy tháng vừa qua cũng đã giảm thuế mậu dịch trên một số mặt hàng này. Những biện pháp này nên tiếp tục, đẩy mạnh thêm. Đây là hướng đi đúng nhưng bây giờ vẫn còn rất ít.
Về mặt thanh khoản thì cụ thể kinh tế thế giới cũng như hệ thống tài chính thế giới dựa vào đồng Đô la rất nhiều. Các doanh nghiệp, chính phủ, ngân hàng trên thế giới ngoài nước Mỹ đã vay tiền Đô la hoặc đầu tư vào đồng Đô la. Khi có đại dịch thì có khuynh hướng tất cả giới đầu tư muốn bán tài sản về tài chính mình có để đổi thành đồng Đô la, tạo nên tình trạng khan hiếm đồng Đô la đối với người dùng Đô la bên ngoài nước Mỹ. Vì vậy phải có biện pháp giải quyết vấn đề này, nếu không các doanh nghiệp cũng như ngân hàng ngoài nước Mỹ phải sử dụng hay nợ đồng Đô la không chi trả, thanh khoản được, tù đó sẽ tạo ra khủng hoảng doanh nghiệp, khủng hoảng ngân hàng và làm khủng hoảng kinh tế nặng nề thêm. Vừa rồi Cục dự trữ Liên Bang của Mỹ có biện pháp là trao đổi đồng Đô la với các đồng tiền khác gọi là “Currency swap line” giữa Mỹ với 5 nước thị trường phát triển và 4 nước thị trường mới nổi. Đó là biện pháp đúng, cần thiết nhưng nó không cung cấp thanh khoản cho đại đa số thế giới, cho các nước phát triển khác không thuộc các nước có “swap line” với Mỹ. Tôi nghĩ đây là lúc G20 nên mạnh dạn ủng hộ tăng cường khả năng cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), để IMF có thể hỗ trợ giúp các nước đang phát triển, các nước thị trường mới nổi, đặc biệt là các nước nghèo đang gặp khủng hoảng kinh tế rất khó khăn.
Trương Hồng Quang: Xin phép đi sâu một chút vào chủ đề Đại dịch Corona và thị trường chứng khoán. Trong một bài báo khác đăng trên Atlantic Council ông có nêu hiện tượng tháo khoán, bán tháo mạnh mẽ và dữ dội trên thị trường tài chính thế giới hiện nay như là biểu hiện của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự giảm sút niềm tin của nhà đầu tư. Trong bài báo ông cũng nêu những vấn đề thú vị như: cấu trúc thị trường mong manh hiện nay phụ thuộc nền tảng giao dịch điện tử với số lượng người chơi rất lớn, hiện tượng những nhà giao dịch cao tầng thực hiện khối lượng giao dịch khổng lồ trong khung thời gian nano giây nhưng với độ sâu thị trường rất ít. Đó là những vấn đề cực kỳ thú vị nhưng với những người ngoại đạo rất khó hiểu. Ông có chia sẻ thêm những nhận định của ông về ảnh hưởng của đại dịch Corona với thị trường chứng khoán không ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Trong thời gian vừa rồi, khi đại dịch bắt đầu lan sang các nước phương Tây nói chung, thì giới đầu tư đã phản ứng rất mạnh mẽ, tại vì họ hoang mang không biết đại dịch này sẽ lan tới đâu. Những ảnh hưởng đối với kinh tế càng ngày càng rõ ràng, nhất là những hoạt động về giao thông vận tải, buôn bán, dịch vụ, du lịch v.v… bị giảm sút mạnh mẽ, chưa từng thấy trong mấy chục năm vừa qua. Việc này đưa tới tình trạng giới đầu tư muốn bảo vệ đồng vốn của mình và muốn đổi sang tiền mặt là đồng Đô la. Như vậy sức ép bán mà không có bên nào đứng ra mua tạo ra lỗ hổng làm giá cả giảm rất nhanh. Trong thời gian qua, ngân hàng trung ương ở Mỹ cũng như ở châu Âu và các nước khác với các khoản kích cầu, như ở Mỹ là khoản 2.000 tỷ USD mới được Quốc hội thông qua và Tổng thống Donald Trump ký thành luật, đã thay đổi phần nào sự hoang mang, mất niềm tin. Vì giới đầu tư bây giờ có thể nghĩ sự trợ giúp của ngân hàng trung ương sẽ tạo ra thanh khoản cần thiết, giúp cho thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái khoán khác có thể bắt đầu ổn định. Chúng ta thấy mấy ngày trong tuần vừa rồi thị trường có dấu hiệu ổn định, tăng trưởng trở lại. Chúng ta sẽ chờ xem trong tương lai như thế nào.
Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện giờ cũng cần xem xét khả năng dịch bệnh Corona đã lên tới đỉnh chưa? Hiện nay dấu hiệu ở Mỹ, Ý, Tây Ban Nha nói chung cho thấy số ca nhiễm bắt đầu chậm lại và đạt đỉnh giống như Trung Quốc trong mấy tuần trước ở Hồ Bắc, Vũ Hán. Nếu dịch bệnh Corona lên tới đỉnh thì thị trường chứng khoán cũng sẽ đạt tới đáy.
Trương Hồng Quang: Trong bài viết của ông cũng đề cập đến những vấn đề chuyên sâu như: Thỏa thuận mới cho vay NAB, được thiết kế để có hỗ trợ tài chính cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện nay ông cho biết nó được giới hạn ở mức quyền rút vốn đặc biệt với 182 tỷ USD. Theo đề xuất của ông NAB có thể được tăng đáng kể đề phù hợp với khả năng cho vay tiềm năng IMF lên 1000 tỷ USD để hỗ trợ cho các nước có nhu cầu. Ông có thể nói rõ thêm một chút về vấn đề này được không ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Vâng, NAB - New Arrangements to Borrow, tức là dòng tín dụng các nước phụ trợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế khi cần. Trong gói 2.000 tỷ Quốc hội Mỹ vừa thông qua có một phần nhỏ để tăng gấp đôi NAB từ khoảng 250 tỷ USD lên 500 tỷ USD. Hy vọng G20 và Mỹ sẽ dùng cái đó để vận động các nước khác trong G20 đồng ý cho phép tăng đóng góp cho IMF. Như vậy, có thể tăng khả năng cho vay của IMF hiện giờ lên 1000 tỷ USD. Thực ra số còn lại để cho vay là khoảng trên 700 tỷ USD thôi vì các chương trình hiện có cho khoảng 20 nước đã dùng trên 200 tỷ USD rồi. Như vậy có một dấu hiệu tích cực là cộng đồng thế giới có khả năng phối hợp hoạt động nhanh giúp IMF tăng thêm vốn để có khả năng giúp các nước đang phát triển hoặc các nước nghèo. Quan trọng hơn cả là kêu gọi chung giữa IMF, ngân hàng thế giới (WB) đối với các nước nghèo, 76 nước đang nhận trợ giúp của ngân hàng thế giới. Giờ họ đang gặp khó khăn là trong năm nay phải trả nợ khoảng 40 tỷ USD. Đây là con số rất lớn với các nước nghèo vì vậy giảm cho họ việc trả nợ trong năm nay là một kêu gọi xác đáng và G20 nên ủng hộ.
Trương Hồng Quang: Thưa ông, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 họp một ngày, Quốc hội Cộng hòa LB Đức đã có quyết định đưa ra gói cứu trợ 156 tỷ Euro, cộng thêm phần bảo lãnh với tổng số tiền 600 tỷ Euro. Sau Hội nghị G20, Liên minh châu Âu cũng có hội nghị thượng đỉnh họp trực tuyến. Ông bình luận về chính sách, gói cứu trợ này của CHLB Đức, và có thể trong phạm vi rộng hơn là của Liên minh châu Âu, như thế nào? Liệu những điều đó có đáp ứng được những thách thức trước mắt trong cuộc khủng hoảng hiện nay hay không ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Khoản kích cầu của Đức như vậy là tương đối chậm, đáng lẽ nên làm sớm hơn, nhưng ít ra chậm còn hơn không. Khoản kích cầu với tầm cỡ như vậy có thể góp phần ổn định phần nào tình trạng kinh tế suy thoái ở Đức. Tuy nhiên, điều cần phải quan tâm ở Liên minh châu Âu là chính sách kinh tế, khoản kích cầu nói chung xảy ra riêng lẻ, từng nước một chứ Liên minh châu Âu không có một chính sách, khoản kích cầu tài chính chung để giúp cho cả khối. Như vậy, những nước như Đức và các nước phía Bắc EU có khả năng tài chính tốt hơn, có nền kinh tế tốt hơn sẽ dùng những biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn các nước ở phía Nam EU như Ý chẳng hạn - những nước có nợ công chính phủ rất cao, kinh tế đang suy thoái nên khả năng có các biện pháp kích cầu sẽ bị giới hạn. Vì thế, việc Liên minh châu Âu không thể đồng ý có một gói kích cầu tài chính chung cho cả khối sẽ góp phần làm suy yếu tính đoàn kết trong nội bộ châu Âu. Thêm vào đó, Trung Quốc, trong thời gian vài tuần qua đã tăng cường chính sách gọi là “Ngoại giao khẩu trang”, tiến hành xuất cảng, cấp miễn phí găng tay, khẩu trang, thiết bị y tế cho các nước nhiễm dịch cao như Ý chẳng hạn, sẽ góp phần gây chia rẽ nội bộ các nước Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ đó là một điều không tốt với EU.
Trương Hồng Quang: Tôi cũng muốn hỏi thêm về chính sách của Trung Quốc, ngoài chính sách “Ngoại giao khẩu trang” như chúng ta đang theo dõi hiện nay. Nếu so sánh với các biện pháp kinh tế vĩ mô, kích cầu của EU, Hoa Kỳ thì ông đánh giá hiện nay Trung Quốc có chiến lược nào trong việc phục hồi kinh tế của họ? Những biện pháp kinh tế vĩ mô nào sẽ được đưa ra trong thời gian tới ạ? Hiện nay, dường như giai đoạn phong tỏa xã hội Trung Quốc đã tạm thời dừng lại, họ bắt đầu mở lại sản xuất bình thường, ông đánh giá xu hướng phát triển kinh tế, những chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới sẽ như thế nào ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Dịch bệnh này rõ ràng phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, trung tâm ở Trung Quốc thì số nhiễm bệnh, tử vong tăng rất cao. Trong vài tuần vừa rồi, trung tâm bệnh dịch chuyển sang phương Tây là ở Mỹ và châu Âu. Như vậy ảnh hưởng kinh tế rõ ràng cũng có 2 thời kỳ. Trong quý I ảnh hưởng đối với kinh tế Trung Quốc rất nặng. Những số liệu, dữ liệu kinh tế tháng 1, tháng 2 vừa qua cho thấy trong quý I tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc giảm ước tính 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề này là tìm mọi cách cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp nhỏ ngoài nhà nước tiếp tục hoạt động trở lại, và có biện pháp hỗ trợ để họ không sa thải nhân công, giúp giảm số thất nghiệp và những nhân công đó vẫn có thu nhập để tiếp tục tiêu dùng, sinh hoạt. Biện pháp của họ chủ yếu là như vậy. Thứ hai là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để một phần là xây dựng cơ sở hạ tầng, một phần là tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, nói chung ảnh hưởng về kích cầu tài chính của Trung Quốc đến nay là rất nhỏ, chỉ 0,8% đối với Tổng sản phẩm trong nước. Trong khi đó, ở Mỹ, nếu tính cả gói 2.000 tỷ vừa được thông qua và những biện pháp đã làm trong mấy tuần trước đây thì kích cầu chiếm khoảng 14% Tổng sản phẩm quốc nội. Như vậy con số rất lớn, đi đầu trên thế giới. Tôi nghĩ Trung Quốc cần phải tăng cường kích cầu hơn nữa.
Trương Hồng Quang: Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam, ông Vũ Khoan vừa có bài báo gây được sự chú ý rất cao trên tờ Vietnamnet nhận định rằng các gói cứu trợ khổng lồ đang đặt ra hiện nay và việc chạy đua hạ lãi suất có thể giúp các doanh nghiệp tạm né được nguy cơ phá sản hàng loạt nhưng chưa thể đủ để phục hồi lại kinh tế. Vấn đề đặt ra xin được chia sẻ với ông trên tư cách một nhà kinh tế: Trước tất cả những diễn biến hiện nay, trước trào lưu toàn cầu hoá đang diễn ra với các hệ lụy rất lớn - chẳng hạn như chúng ta có thể thấy khẩu trang, các thiết bị bảo hộ y tế,... hầu hết sản xuất tại Trung Quốc nên khi thị trường Trung Quốc không cung cấp được thì các nơi khác cũng xảy ra khủng hoảng - liệu sẽ cần có những thay đổi như thế nào trong thời kỳ hậu khủng hoảng Corona? Những biện pháp cứu trợ bước đầu tiên chưa đủ để phục hồi kinh tế, vậy những biện pháp hồi sinh kinh tế sắp tới như thế nào? Liệu chúng ta có thể hình dung đến một mô hình tăng trưởng khác, hay sẽ có sự thay đổi xu hướng toàn cầu hóa sau đại dịch này hay không ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Trong tình trạng khủng hoảng như hiện nay thì kích cầu rất quan trọng, nhưng phải nhớ không chỉ trước mắt mà phải tính cho cả những quý sắp tới. Chẳng hạn như ở Việt Nam, trong quý I, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội giảm rất nhiều, từ khoảng 6-7% xuống còn khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II, quý III khả năng tiếp tục giảm. Như tôi nói, dịch bệnh, ảnh hưởng kinh tế chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu. Như vậy ở châu Á nói chung trong quý I giảm nhiều, còn ở châu Âu quý I giảm ít hơn song sang quý II sẽ giảm nặng nề. Ví dụ như ở EU trong quý I ước tính giảm khoảng 0,6% nhưng trong quý II có thể giảm tới 13% vì ảnh hưởng về kinh tế, ngừng trệ sản xuất, tiêu thụ sẽ càng ngày càng mạnh hơn. Trong quý II, về dịch bệnh thì ở Trung Quốc và châu Á tương đối ít nguy cơ hơn so với quý I, nhưng ảnh hưởng kinh tế làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu từ châu Á. Việt Nam là một nước dựa vào xuất khẩu rất lớn (xuất nhập khẩu gần bằng 200% GDP) nên ảnh hưởng kinh tế trong quý II sẽ rất mạnh mẽ, chúng ta cần đề phòng chuyện này. Tôi nghĩ đó là điều cần chú ý.
Về việc thay đổi mô hình toàn cầu hóa và những dây chuyền sản xuất toàn cầu thì rõ ràng trong 2 năm vừa rồi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bây giờ là ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ bắt buộc mọi người điều chỉnh để thích ứng lại những kinh nghiệm tiêu cực chúng ta đã có trong thời gian vừa qua. Mọi nước phải nghĩ lại nếu lệ thuộc những mặt hàng chiến lược, những dược phẩm, thực phẩm cần thiết vào Trung Quốc hay một nước khác như thế có tốt hay không. Tôi nghĩ trong thời gian sắp tới tất cả các nước phải rà soát lại chính sách kinh tế của mình để có thể đáp ứng thích hợp.
Trương Hồng Quang: Ở phần cuối buổi nói chuyện hôm nay, xin phép được nói về trường hợp của Việt Nam. Vừa rồi ông đã đề cập đến ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam. Chắc ông cũng biết đầu năm vừa rồi, sau quá trình đàm phán lâu dài, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã được phê chuẩn và Việt Nam rõ ràng đã có những kỳ vọng rất lớn vào Hiệp định này. Ông vừa đề cập đến việc suy thoái kinh tế của châu Âu sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thêm một ý nữa là sau giai đoạn 1 với những thành công lớn trong đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang bước sang giai đoạn hai với những biện pháp cách ly, chuẩn bị các biện pháp phong tỏa xã hội, có nghĩa là các hoạt động của người dân sẽ bị hạn chế ở mức tối đa, hoạt động kinh tế cũng sẽ bị hạn chế. Ông đánh giá những thách thức lớn nhất nào đặt ra cho Việt Nam trên phương diện chính sách kinh tế, đặc biệt trước những đòi hỏi về mặt quốc tế, lẫn những thay đổi trong chính sách chống dịch hiện nay ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Về việc chống dịch hiện nay, từ khi bùng phát đến tháng 3 Việt Nam chỉ có 16 trường hợp nhưng sau đó, trong 3-4 tuần vừa rồi tăng nhanh lên hàng trăm trường hợp. Tôi nghĩ, rõ ràng sắp tới Việt Nam phải có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để cách ly, giảm bớt giao dịch, tiếp xúc, tụ họp v.v... Một điểm quan trọng nữa mà Việt Nam làm ít hơn so với các nước xung quanh chẳng hạn như Hàn Quốc đó là xét nghiệm để phát hiện người nhiễm bệnh, nhất là những người nhiễm mà không có biểu hiện bệnh. Tôi nghĩ cần xét nghiệm để biết rõ tình trạng lan truyền của bệnh rộng tới đâu. Về mặt chính sách kinh tế, Hiệp định thương mại tự do với EU là tốt, tích cực nhưng về trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần phải chuyển hướng kinh tế một chút, vì bây giờ kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất nhập khẩu và thị trường thế giới rất lớn, Việt Nam là một trong những nước mở cửa lớn nhất thế giới. Như tôi đã nói lúc nãy, tổng xuất nhập khẩu chiếm khoảng 200% GDP. Như vậy, nếu bình thường thì tốt, nhưng nếu xảy ra sự cố như đại dịch lần này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, vì giao thông vận tải, xuất nhập khẩu bị suy sụp lớn. Nói chung, nền kinh tế phát triển nên cân bằng hơn là phụ thuộc vào một ngành, chẳng hạn như bây giờ là xuất nhập khẩu. Vì vậy, nên phát triển sức cầu trong nước, gồm cả sức cầu tiêu thụ của nhân dân cũng như sức cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rõ ràng là cần thiết phải được đầu tư nhiều hơn để hiện đại hóa theo kiểu thế kỷ XXI. Tôi nghĩ thử thách rất quan trọng cho Việt Nam trong những năm sắp tới là làm sao để chuyển hướng kinh tế từ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu trong giai đoạn phát triển vừa qua, sang giai đoạn mới là kinh tế được thúc đẩy bởi nội lực trong nước, bởi những đòi hỏi và nhu cầu ở trong nước, vừa tiêu thụ, vừa đầu tư ở trong nước.
Trương Hồng Quang: Ông có niềm tin Việt Nam sẽ thành công trong bước chuyển đổi như vậy trong thời gian sắp tới không ạ?
Ông Trần Quốc Hùng: Nếu mọi người đưa ra những suy nghĩ và Chính phủ nhận thức được đúng những điểm này thì từ đó sẽ có những biện pháp đúng để thực hiện việc chuyển đổi này, còn nếu không Việt Nam sẽ tiếp tục ở thế bị động trong tình trạng phát triển kinh tế thế giới.
Trương Hồng Quang: Vâng, xin chân thành cảm ơn kinh tế gia Trần Quốc Hùng đã có buổi trò chuyện rất bổ ích và rất cần thiết ngày hôm nay. Với tầm nhìn bao quát, từ những thông tin cụ thể, chính xác, từ giác độ chuyên môn sâu tôi thiết nghĩ là ông đã giúp cho tất cả chúng ta, kể cả những người không phải trong giới kinh tế, có định hướng lớn về vấn đề rất lớn là tình hình kinh tế toàn cầu trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Xin chúc ông dồi dào sức khỏe và bình an. Xin chúc ông tiếp tục có những thành quả nghiên cứu mới. Rất hy vọng ông cùng các chuyên gia Việt Nam hàng đầu trên khắp thế giới ở mọi lĩnh vực chuyên môn khác nhau như y tế, kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật sẽ tiếp tục chia sẻ những hiểu biết, ý tưởng của mình cho cộng đồng của chúng ta. Xin chân thành cảm ơn ông!
Trang Đoan ghi
(1). Trần Quốc Hùng là một kinh tế gia Hoa Kỳ gốc Việt. Từ năm 2007 đến khi nghỉ hưu năm 2018 ông làm việc tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Từ năm 2012, ông giữ vị trí Giám đốc điều hành IIF, đồng thời phụ trách bộ phận chính sách thị trường mới nổi và phân tích thị trường vốn toàn cầu. Trước khi gia nhập IIF, ông đã có sáu năm làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tư cách là Phó Giám đốc của Bộ phận Thị trường tiền tệ và Thị trường vốn, và là người chịu trách nhiệm chính về Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu của IMF. Từ năm 1998 đến 2001, ông làm việc tại London với tư cách là Giám đốc điều hành, Nhà kinh tế trưởng và Trưởng phòng nghiên cứu toàn cầu tại Rabobank International. Trước đó ông đã có 12 năm làm việc cho Deutsche Bank tại các trụ sở ở New York, Frankfurt và Singapore, bao gồm các chức vụ Giám đốc nghiên cứu thu nhập cố định toàn cầu (1987-1990) và Giám đốc điều hành của Deutsche Bank Research (1991-1995). Trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp của mình, ông đã phục vụ ở các vị trí cấp cao trong nghiên cứu thu nhập cố định quốc tế cho Merrill Lynch (1984-1987) và Salomon Brothers (1979-1984) ở New York.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511032
231
2359
21406
217905
121356
114511032