Khách mời văn hóa
Trí thức Nghệ xưa và nay
Từ phải sang: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Nhà báo Hồ Bất Khuất, PGS. TS Phan Huy Dũng
Lời tòa soạn: Hướng tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An, Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức bàn tròn với chủ đề “Trí thức Nghệ xưa và nay”. Hy vọng, thông qua những ý kiến bàn luận của các khách mời là những nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu xứ Nghệ, chúng ta có thể thấy được phần nào đặc trưng của trí thức Nghệ; những biến đổi của họ theo lịch sử; đóng góp của họ đối với sự phát triển của địa phương nói riêng, cả nước nói chung và vấn đề đặt ra đối với tầng lớp này trong hiện tại. VHNA cũng mong muốn nhận được những ý kiến tham gia, phản hồi từ độc giả về nội dung này. Trân trọng!
Trang Đoan: Trước hết, xin trân trọng cảm ơn các ông đã nhận lời mời tham gia bàn tròn hôm nay. Thưa các ông, nói đến những thành tựu trong phát triển của xứ Nghệ, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của tầng lớp trí thức. Nhìn lại chặng đường đã qua, các ông có thể khái quát một số đóng góp tiêu biểu của trí thức Nghệ trong lịch sử được không ạ?
Nhà Nghiên cứu văn hóa dân gian (NCVHDG) Nguyễn Hùng Vĩ: Trong thời phong kiến, nhà nước thường coi trí thức thuộc về hàng văn quan và những đóng góp của họ được đánh giá cao cũng như được sử dụng vào các công việc như chép sử, đi sứ, ngự sử, biên soạn học liệu..., trong đó, việc chép sử cần những người có tri thức toàn diện nhất. Còn việc văn chương thi phú thì đã đi học, đi làm thì ai cũng có sáng tác theo phương châm ngôn chí, tải đạo. Tất cả các việc đó trí thức xứ Nghệ đều có những danh nhân xuất sắc. Đời Trần, Hồ Tông Thốc, người Đông Thành, nổi tiếng với tác phẩm là bộ Việt sử cương mục được nhà sử học Ngô Sĩ Liên đánh giá cao. Đời Lê có Bùi Cầm Hổ, người Thiên Lộc, làm đến ngự sử và được đi sứ; Phan Viên làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám; Hà Công Trình, người Thiên Lộc, làm Thượng thư bộ binh kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám; Cao Quýnh, người Đông Thành, làm đến Đông các Đại học sĩ; Lê Quảng Chí, người Kỳ Hoa làm Đông các Đại học sĩ, ban tặng chức Thượng thư; Phan Ứng Toàn, người Thạch Hà, làm Tế tửu Quốc tử giám; Trần Tước, người La Giang, làm đến Giám sát ngự sử; Hoàng Trưng, người La Giang, làm đến Tả thị lang bộ Lễ kiêm Hàn công Viện hàn lâm; Nguyển Tử Trọng, người Hương Sơn, làm đến Đô ngự sử; Hoàng Nhạc, người Đông Thành đi sứ Chiêm Thành, lại được cử đi sứ nhà Minh... Thời Lê mạt cũng rất nhiều trí thức được trọng dụng như Nguyễn Văn Giai, người Thiên Lộc, làm đến Tham tụng Thượng thư bộ Lại, kiêm Đô ngự sử, tặng Đại tư đồ; Ngô Trí Hòa, người Đông Thành làm Thượng thư bộ Hộ kiêm tế tửu Quốc Tử Giám, khi chết được ban tặng tước Xuân quận công; Hồ Sĩ Dương, người Quỳnh Lưu, Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các Đại học sĩ, làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, là một trong nhiều tác giả tham soạn Đại Việt sử ký toàn thư; Nguyễn Quang Thiện, người Hưng Nguyên, làm Giám sát đô ngự sử; Nguyễn Sĩ Giáo, người Thanh Chương, làm Thị độc rồi lên Giám sát Đô ngự sử;… Cuối triều Lê, dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Trường Lưu, họ Cao Xuân ở Diễn Châu... là những dòng họ nổi tiếng nhân tài.
Về văn chương trước tác, người đương thời là Bùi Dương Lịch có viết: "Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mà cứng cỏi, ít bóng bẩy (hoa lệ). Vì rằng văn chương là tiếng nói của lòng, khí chất con người như thế nên phát lời ra văn cũng như thế. Bởi vì khí chất như thế nên không chuộng những sự hoa sức bề ngoài và ít lấy văn chượng để tự phụ... Gần đây các ông (người Nghệ An) sinh ra và lớn lên ở kinh đô mới có những thi tập lưu truyền với đời, đó cũng là do khí vị đã có sự thay đổi". Chắc cụ muốn nói đến cái học phong của Hồng Lam nổi lên ngay trong thời đại cụ sống. Đó là một làn sóng văn chương với chủ nghĩa nhân văn khẳng định vị thế học phong xứ Nghệ. "Anh là nho sĩ Nghệ An/Gặp em là gái Đông Ngàn Cổ Loa". Câu hát đó tôi được nghe lần đầu khi đi sưu tầm trên đất Đông Anh cách nay 44 năm, chắc là ký vãng về thời kỳ này, thời kỳ ông đồ Nghệ tràn ra Bắc dạy học.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một làn sóng các chí sĩ yêu nước chống Pháp mà cụ Phan Bội Châu là lá cờ đầu. Đó là thời kỳ của "Đặng, Huỳnh, Ngô ba bốn bác hàn huyên/Ngoài cửa ngục lầm than mà khẳng khái". Họ là những trí thức đầu sóng ngọn gió đem uy tín và tri thức của mình, lay động toàn thể nhân dân trên con đường giải phóng dân tộc.
Những người đầu thế kỷ XX tạo nên một làn sóng trí thức mới tiếp nối tinh thần của những thế hệ liền ngay trước đó mà Hồ Chí Minh là biểu tượng. Đây là thế hệ nhiều người đã trực tiếp truyền lại tri thức cho thế hệ chúng tôi. Từ ngày đi học, chúng tôi đã thụ giáo, gặp gỡ, đọc sách của nhiều trí thức nổi tiếng xứ Nghệ: Nguyễn Phan Chánh, Tôn Quang Phiệt, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Huy Cận, Xuân Diệu, Trần Đình Hượu, Nguyễn Đức Nam, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê, Phan Huy Lê, Cao Xuân Hạo, Hà Văn Tấn, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Tài Tuệ... Họ là những trí thức được cả xã hội thừa nhận và kính trọng. Trở về trên ta có thể thấy đó là ba làn sóng trí thức mạnh mẽ nhất, tự nhiệm nhất mà người Nghệ đã đóng góp cho đất nước này. Chúng tôi chỉ biết ngưỡng vọng mà khó lòng theo kịp trong thời buổi hiện nay.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Tôi lấy mốc từ 1930 - Ngày thành lập Đảng cho đến nay để đánh giá nhé! Như vậy khoảng thời gian chúng ta nhận xét, đánh giá là 90 năm.
Từ khi thành lập Đảng đến Cách mạng Tháng Tám thành công, những người tham gia hoạt động cách mạng chủ yếu là trí thức. Trí thức Nghệ nổi bật ở giai đoạn này với người sáng lập Đảng, những đảng viên đầu tiên, những Tổng Bí thư đầu tiên. Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng điều này. Những tên tuổi nổi bật là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Giai đoạn thứ hai từ 1945 đến 1954 - Kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này đất xứ Nghệ là vùng tự do, người xứ Nghệ tham gia kháng chiến tích cực; một số lãnh đạo xuất sắc của xứ Nghệ cũng được bổ sung cho chiến trường, lên chiến khu. Đây là giai đoạn trí thức Nghệ có nhiều cống hiến tích cực nhưng âm thầm. Tôi chỉ nói một chi tiết này để chứng tỏ điều đó. Đại hội II của Đảng (năm 1951) bầu được 29 Ủy viên Trung ương (cả chính thức lẫn dự khuyết), người Nghệ có mặt rất nhiều trong danh sách này, có xã (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) chiếm tới 3 người. Nói như vậy để thấy vai trò quan trọng của trí thức Nghệ trong giai đoạn này.
Giai đoạn ba từ 1954 đến 1975 với hai nhiệm vụ là xây dựng miền Bắc và chi viện chiến đấu ở miền Nam. Trí thức Nghệ có những đóng góp xuất sắc trong cả hai nhiệm vụ. Nhiều cá nhân người Nghệ nổi bật trong quân sự, chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học... Những cá nhân xuất sắc thì rất nhiều, tôi chỉ kể một số tên tuổi: Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, (bà) Ngô Bá Thành, Nguyễn Thúc Hào...
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một chút về một trí thức góp phần quan trọng trong việc tạo nên đội ngũ trí thức tiếp theo. Đó là cố giáo sư Tạ Quang Bửu. Ông Bửu được xem là người tinh thông nhiều lĩnh vực, trước khi làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (1959-1976), ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là người nhìn xa trông rộng, có chiến lược thông thoáng trong việc đào tạo đội ngũ trí thức: Chỉ căn cứ vào năng lực trí tuệ chứ không căn cứ vào lý lịch. Chính vì vậy mà nhiều người, trong đó có Phan Đình Diệu, Văn Như Cương được gửi đi đào tạo tiến sĩ ở Liên Xô từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX, mặc dù họ không phải là đảng viên.
PGS. TS Phan Huy Dũng: Thú thực, tôi không đi sâu tìm hiểu lĩnh vực này nên chắc không trả lời được thấu đáo, cụ thể. Nhưng nếu được phép trình bày khái quát, thì ý kiến của tôi là:
Thứ nhất, trí thức Nghệ luôn có đóng góp nổi bật cho lịch sử nước nhà kể từ thời trung đại đến nay.
Thứ hai, không hiếm khi, đó là những đóng góp có tính nền tảng, bẻ hướng đi của cả một thời kì lịch sử và bước chuyển của cả một nền văn hóa.
Thứ ba, trí thức Nghệ thường thể hiện được giá trị, vai trò của mình rõ nét hơn trong những thời điểm thử thách ngặt nghèo của lịch sử dân tộc.
Trang Đoan:Vậy trong suốt quá trình đó, theo các ông, trí thức Nghệ đã bộc lộ những cá tính, nét riêng đặc trưng nào ạ?
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Đó là trí thức Nghệ ham hiểu biết, cần cù, chịu khó, giàu nhiệt huyết, thẳng thắn, trung thực, có bản lĩnh, có niềm tin, nhạy bén, sáng tạo... Những đức tính này của trí thức Nghệ cũng giống trí thức vùng miền khác nhưng ở trí thức Nghệ, chúng luôn được đẩy lên cao hơn một chút, nghĩa là có tính cực đoan trong đó.
PGS. TS Phan Huy Dũng: Muốn tìm hiểu cá tính, đặc trưng của trí thức Nghệ, không thể chỉ căn cứ vào những quan sát bề ngoài hay những suy đoán dựa trên các luận đề “khó cãi” từng có về người Nghệ nói chung, dù đôi điều được rút ra theo kiểu này cũng có một cái lí nào đó. Tôi không hề thấy tự tin trong việc tóm bắt thực tế phong phú, sống động để nhốt vào trong một cái rọ chật hẹp, mang ít nhiều định kiến. Tuy vậy, nảy ra tức thì trong suy nghĩ của tôi là các từ như “kiên định”, “ráo riết”, “triệt để”, “dấn thân”… Nhưng cũng cần nói thêm rằng: cái mà người ta có thể nghĩ là đặc trưng của các trí thức Nghệ, thực ra, không có gì khác, là đặc trưng của người Nghệ nói chung chứ không riêng gì của trí thức. Quá chú tâm tìm đặc trưng vùng miền của trí thức Nghệ, không khéo ta quên mất họ là trí thức, chỉ thấy họ là người Nghệ mà thôi. Trí thức phải hướng tới các giá trị phổ quát. Để đánh giá một trí thức, yếu tố vùng miền chỉ nên được nhìn nhận là một cái gì rất phụ. Về cơ bản, chỉ những người viết tiểu sử là có hứng thú với vấn đề này.
Nhà NCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Với tôi, nét đặc trưng nhất đó là bộc trực trong giao tiếp. Đâu đâu thì cũng có những tính cách, cá tính bộc trực. Nhưng bằng nghiệm sinh, tôi thấy tính cách này nổi lên rất rõ ở môi trường trí thức xứ Nghệ. Đây không phải là một nhận định có tính nghiên cứu gì cả, mà chỉ là một ý kiến kiểu bàn tròn vui vẻ qua kinh nghiệm mà thôi. Không chỉ có tôi, nghe bài giảng một số thầy “Nghệ” nổi tiếng ở trường đại học, so sánh với các thầy khác, tôi nhận ra tính cách bộc trực ở các thầy “nhà mình” là quá rõ. Trước tính cách đó, thường gặp những phản ứng tiêu cực. Người nhẹ thì cho đó là lối “nói cộc lốc”, người quen uyển chuyển thì cho là “bốp chát”, các phụ huynh gia giáo kỹ tính thì coi như “nhà quê ít được dạy”, người chấp nhặt thì cho là “láo”. Nhưng nói chung thì đa số đều thể tất và họ gom lại trong vài chữ NÓNG, chữ “GÀN”.
Trang Đoan: Tôi cho rằng những đặc trưng tính cách ấy ít nhiều đã tạo nên “thương hiệu” của trí thức Nghệ. Tuy nhiên, chúng ta bàn về điều này mục đích không phải là để cá biệt hóa, để khẳng định thương hiệu mà là để thấy và hiểu phần nào chính nó đã tác động, chi phối tới cách hành xử, làm việc; tới các tác phẩm, công trình, thành tựu,… của trí thức Nghệ. Vậy, để hiểu sâu hơn, các ông có thể giải thích điều gì tạo nên sự khác biệt trong tính cách ấy không ạ?
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Sự khác biệt của trí thức Nghệ so với trí thức vùng miền khác là do các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa... tạo nên. Đất miền Trung thiên nhiên đẹp, hùng vĩ nhưng khí hậu vô cùng khắc nghiệt đã đào luyện nên những con người nhanh nhẹn, hoạt bát cả về thể chất lẫn tinh thần; họ mạnh mẽ, sâu sắc trong tư duy nhưng không kém lãng mạn, mộng mơ. Đặc biệt, vùng đất này có truyền thống hiếu học và truyền thống này luôn luôn được phát huy. Cái nghèo về vật chất cũng thúc đẩy trí thức Nghệ tạo giá trị riêng cho mình là sự liêm khiết, thanh tao, cứng cỏi, hài hước...
Nhà NCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cũng đã băn khoăn mãi về việc giải thích tại sao lại như vậy? Đối chiếu trong ca dao dân ca thì cũng khá rõ nhưng đó vẫn là biểu hiện mà thôi. Gốc tích nó ở đâu trong chính cuộc sống thực sinh mà đã tạo ra tính cách này? Thứ nhất là chuyện KINH và TRẠI. Khái niệm “Kinh trạng nguyên” và “Trại trạng nguyên” có từ thời Trần. Đây là sự phân biệt trên hiện thực đời sống văn hóa lúc đó. Những người tứ chiếng quanh kinh thành đậu thì được gọi khác và người đậu xứ Nghệ được gọi khác. Xưa nay, Trại trạng nguyên cũng chỉ ghi danh mỗi cụ Bạch Liêu đời Trần. Ngược lên nhà Lý, cái tên Nghệ An được định danh. Nó vừa mang một sứ mạng, một nhiệm vụ, lại vừa như là một khát vọng của một triều đình mạnh mẽ, đang xây dựng, mở rộng quốc gia Đại Việt. Nghệ An có nghĩa là trị an, là an định, là bình trị, là bình an… cho một xứ, điểm tựa cho cả quốc gia. Vương hầu, tướng lĩnh vào đó là những người văn võ kiêm toàn, được quân vương tin cậy trao quân mệnh khai khẩn, lập làng, giáo hóa, đánh giặc, thu phục các thế lực, sản xuất, giao thương… trên một không gian mà điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt với gió Lào, nắng cháy, bão lụt, đồng bằng nhỏ hẹp, đất xấu, dân nghèo. Về thiết chế xã hội, trong khi Bắc Bộ qua 1.000 năm Bắc thuộc về cơ bản đã khá ổn định làng xã, chùa chiền, chợ búa, địa giới và các tập tục, lề thói thì xứ Nghệ vẫn rất cần phải an định mọi thứ. Đối diện một điều kiện tự nhiên và xã hội như vậy, tính thực tiễn là lối ứng xử văn hóa hiệu quả nhất: tư duy nhanh, truyền đạt nhanh, hành động nhanh để đạt hiệu quả sớm nhất. Cái đó sớm trở thành tập tính.
Đi nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi nghiệm ra một điều là tại những trung tâm ổn định ở miền núi như chiềng, viềng…, ở những làng ổn định cơ sở vật chất lâu dài thì mới có thể lưu giữ dày dặn vốn văn hóa truyền thống. Còn ở những cư dân nhỏ lẻ, phiêu dạt hoặc di trú thì khó lòng mà tích lũy lâu bền. Đó là một thực tế, đúng cho từng cá nhân, từng gia đình đến những cộng đồng lớn hơn, cả đến những nền văn minh. Xứ Nghệ chưa bao giờ là “Kinh”. Huyền thoại Việt Thường thì quá xa để chúng ta khẳng định dù đã có những suy tư lãng mạn. Phượng Hoàng Trung Đô là ý đồ rõ ràng nhưng đáng tiếc nó chưa bao giờ ở thể hoàn thành cả. Sự dùng dằng của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với việc định đô ở đây là sự dùng dằng hữu lý.
Cái tinh thần thực tiễn trong điều kiện địa - văn hóa đó, trong sứ mệnh với quốc gia đó, đã tạo nên một nét tính cách truyền đời cho đến các thế hệ hôm nay. Không phải là không trí tuệ hoặc ít lễ nghĩa mà nó phải ưu tiên tinh lực văn hóa cho thực tiễn, nó giải quyết nhanh và hiệu quả bài toán tồn tại, nó là sự lựa chọn để vượt qua thử thách, nhiều khi không chỉ cho bản thân xứ sở mà cho cả quốc gia. Trong “chiến thuật” giao tiếp ngôn ngữ, nó lựa chọn sự ngắn gọn, thiết thực, trực tuyến để đi đến kết quả. Đó là ngôn ngữ của những trạng huống hành động cần ứng xử đặc biệt, cụ thể nhất là trạng huống chiến tranh.
Thứ hai lại còn vấn đề thổ âm nữa. Dù mỗi vùng của toàn xứ có thổ âm khác nhau nhưng nói chung tiếng Nghệ, so với Bắc Bộ là nặng, không “véo von”. Sự phân biệt, nhìn từ Bắc Bộ, là khá rõ ràng. Khi phát âm, riêng sự khu biệt này đã là một bất lợi vì dễ gây ra những dị ứng ban đầu từ người nghe. Đối với giao tiếp xã hội nói chung, nó không được lòng đối tượng giao tiếp thường nhật. Còn trong môi trường đại học và giới nghiên cứu lại khác. Đối tượng giao tiếp nhỏ hẹp này, họ cần thông điệp chứa đựng thông tin khoa học kỹ thuật là chính, và thể tất những yếu tố ứng xử đời thường với các sắc thái khác của nó. Chính yếu tố “Trại” cùng với phương âm dễ khu biệt đã cộng hưởng làm tính bộc trực nâng lên một mức độ rất ấn tượng khi ứng xử với cộng đồng xã hội nói chung.
PGS.TS Phan Huy Dũng: Lời đáp cho câu hỏi này đã được ngầm báo trong câu trả lời cho vấn đề nêu trước đó. Tôi có cảm tưởng việc tìm cội nguồn những khác biệt của đối tượng được gọi là trí thức Nghệ, vô tình lại là việc phân tích những yếu tố cản trở một con người có học ở xứ Nghệ vươn tới tầm của một trí thức dân tộc. Đã thế, câu trả lời có thể rất chung là: điều tạo nên sự khác biệt ấy chính là sự độc đáo riêng có của xứ Nghệ về địa lí, lịch sử và văn hóa, mà những độc đáo này thì đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra.
Trang Đoan: Hiện nay, theo các ông, trí thức Nghệ có còn duy trì những nét riêng ấy hay không? Họ đã có những thay đổi như thế nào?
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Nhìn chung, trí thức Nghệ hiện nay về cơ bản vẫn duy trì được những nét riêng của vùng đất được gọi là xứ Nghệ. Tuy nhiên, họ cũng đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay. Đó là một bộ phận trở nên uyển chuyển, mềm mại hơn trong giao tiếp; đã có tính thực dụng (thực tế) trong hoạt động chính trị; đã biết tiết chế nên chừng mực hơn trong việc thể hiện quan điểm, nhận thức của mình.
Nhà NCDG Nguyễn Hùng Vĩ: Xin được kể một câu chuyện nhỏ như này để coi như trả lời cho câu hỏi đó. Vào đại học, tôi thường về nhà anh chị mình ngày Chủ nhật. Đó là một khu tập thể toàn là các gia đình trí thức. Tôi thường giặt giũ, rửa rau và giao tiếp với mọi người ở bể nước chung đối diện phòng anh chị. Họ hỏi gì tôi nói nấy. Anh tôi sau bữa ăn liền dặn dò: “Em ạ, ngoài này khi nói năng, trả lời người khác phải thưa gọi cẩn thận. Họ hỏi gì, đầu tiên phải “vâng ạ” hoặc “dạ vâng” rồi mới nói tiếp. Mà nói phải có đầu có cuối.” Tôi giật mình vì xưa nay, về cơ bản tôi là một học sinh ngoan, được mẹ dạy đối xử rất có trên có dưới. Tuy nhiên, lời nói thì… tôi không nghe được mình đã nói gì, cũng giống như người không soi gương nên chả biết điệu đi dáng đứng của mình bao giờ. Nhưng từ đó, tôi chú ý lắng nghe và cố học cách nói năng lịch sự. Học ở bạn bè, ở các đàn anh cùng lớp là người Bắc Bộ, có những người con nhà danh gia thế phiệt. Sau này, do nghiên cứu văn hóa tứ chiếng quanh Hà Nội nên lại càng học nhiều hơn. Vậy mà… nhiều lúc vẫn lòi cái đuôi Nghệ “bộc trực” ra, đặc biệt khi tranh luận một vấn đề khoa học nào đó gay go. Vậy mà… đến già vẫn chưa thuộc hết bài, vẫn phải học tiếp. Gặp đồng hương trong giới nghiên cứu, đôi khi tôi cũng tâm sự về những bất lợi của lối nói bộc trực trong giao tiếp. Đa số phản ứng: “Thôi ông ơi! Không chi bằng thực. Cứ thẳng mực tàu cho nhanh, văn vẻ làm chi”. Đúng là bản tính khó dời!
Trang Đoan: Tôi nhận thấy dường như phần lớn trí thức đang sinh sống, làm việc trên đất Nghệ hiện nay còn ngại phản biện và chưa đổi mới nhiều trong tư duy. Tất nhiên, trí thức tôi đề cập ở đây là theo cách đại bộ phận trong xã hội vẫn gọi, công nhận. Các ông nghĩ sao về điều đó? Nếu có, các ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao không?
PGS. TS Phan Huy Dũng: Lẽ ra, việc định nghĩa trí thức phải được nêu lên từ đầu. Ý thức phản biện, khả năng phản biện là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định phẩm tính trí thức ở một người có học. Không dám phản biện, sống “mũ ni che tai” thì có là trí thức nữa đâu. Nhưng thôi, để trả lời câu hỏi này, phải tạm xem trí thức là người có học vấn, được đào tạo và hoạt động trong môi trường học thuật. Theo đó, tôi thấy nhận xét được nêu đây là có lí. Quả là có sự ngại phản biện. Quả là có sự ù lì trong tư duy. Và điều đó chắc chắn chẳng hay ho gì. Nguyên nhân không khó xác định, vì nó cũng là nguyên nhân bao trùm đã khiến cho “trí thức” nước nhà (không riêng gì xứ Nghệ) không còn xem phản biện như một điều kiện tồn tại thiết yếu nữa. Ở những nơi có lực lượng “trí thức” đông đảo, việc “góp tiếng” bao giờ cũng thuận lợi hơn, so với nơi lực lượng thưa thớt, mỏng manh. Nếu có điều gì đáng hổ thẹn, thì đó là nỗi hổ thẹn chung, chứ chả của riêng “trí thức” ở một khu vực nào.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Tôi tách riêng “phản biện” và “tư duy” thành hai phần. Đúng là một bộ phận không nhỏ trí thức đang sinh sống, làm việc trên đất Nghệ hiện nay ngại phản biện. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày, từ thành thị đến nông thôn; từ các cơ quan công quyền đến các cơ sở giáo dục. Tôi có tham dự, quan sát một số hội nghị, hội thảo và thấy các loại ý kiến ở đó hầu như chỉ có một chiều; người có chức, có quyền, có ảnh hưởng nói như thế nào thì những người nói sau đều dựa vào đó mà thể hiện quan điểm của mình. Họ hầu như không dám nói khác, chứ đừng nói tới chuyện họ phản đối ý kiến của người có quyền chỉ đạo. Nguyên nhân thì có nhiều. Nguyên nhân bao trùm là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tập thể ở các cơ quan công quyền. Ở đó, khi nào người ta cũng đề cao dân chủ nhưng là dân chủ tập trung. Điều này có nghĩa là người đứng đầu cơ quan đó sẽ quyết định gần như tất cả các vấn đề. Biết được như vậy rồi, những người dưới quyền trong cái tập thể đó không nói khác đi nữa vì nói khác chẳng có ý nghĩa gì, ngoài việc đánh mất sự thiện cảm của thủ trưởng.
Còn về tư duy, tôi cho rằng trí thức Nghệ vẫn chịu khó đổi mới (vì đây là đặc tính của những người ham hiểu biết), chỉ có điều họ ít thể hiện những cái mới đó trong sinh hoạt hàng ngày; họ giữ khá kín và chờ thời (đây là nét mới của trí thức Nghệ). Nguyên nhân là những người hăng hái thể hiện cái mới trong tư duy thường phải trả giá khá đắt, có khi là cả sự nghiệp chính trị. Nhìn vào thực tế này, trí thức Nghệ trở nên e dè và ít thể hiện cái sắc sảo, mới mẻ trong tư duy của mình.
Trang Đoan: Tôi đã đọc, nghe có ý kiến rằng đội ngũ trí thức tại Nghệ An hiện đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, đóng góp chưa nhiều. Các ông nghĩ sao về điều này?
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Tôi cho rằng, đội ngũ trí thức thực sự của Nghệ An hiện nay không đông về số lượng (đừng quan tâm đến học hàm, học vị!). Điều này có mấy nguyên nhân sau: 1. Cải cách ruộng đất (mà Đảng ta công nhận có sai và sửa sai) đã làm cho đội ngũ tinh hoa ở nông thôn (là cơ sở quan trọng để tạo nên đội ngũ trí thức xứ Nghệ) bị tổn thương nghiêm trọng, số lượng giảm đi rất nhiều. Sau đó, vì “chủ nghĩa lý lịch” (quan niệm của lãnh đạo địa phương) nên con cháu họ cũng không được học ở những cơ sở đào tạo có chất lượng, vì vậy, trên thực tế đội ngũ trí thức giảm rất nhiều; 2. Những cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh chống Mỹ, đã thu hút gần hết những chàng trai, cô gái giỏi của chúng ta ra mặt trận; đáng ra họ được cầm bút thì họ phải cầm súng và ít có cơ hội để làm giàu trí tuệ của mình; 3. Nền giáo dục của chúng ta những năm gần đây chú tâm cung cấp những phẩm chất để sau này làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, doanh nhân... chứ không chú trọng tới việc tạo cho họ thói quen phản biện (một trong những phẩm chất cốt yếu của trí thức). Với 3 nguyên nhân cơ bản như vậy, theo tôi, hiện nay ở xứ Nghệ đội ngũ trí thức thực chất là không đông, thiếu chất hào sảng nên chưa có những đóng góp có ý nghĩa to lớn.
PGS. TS Phan Huy Dũng: Những nhận định kiểu này, tôi thấy vừa chung chung, vừa công thức, chả khác gì mấy những mẫu câu báo cáo quen thuộc. Nói sai thì cũng chẳng sai, có điều, nó không nêu được bản chất vấn đề. Căn cứ vào đâu để nói đông về số lượng? Nếu đánh đồng trí thức với người có học vị, học hàm, thì số “trí thức” ấy phải tỉ lệ thuận với số trường đại học, số cơ quan nghiên cứu đóng trên địa bàn chứ. Trên thực tế, Nghệ An hiện có phải là nơi ưu trội về mặt này đâu! Còn chất lượng? Cứ đề cao sự tuân phục và an toàn thì hiển nhiên sẽ là “đóng góp chưa nhiều”. Lúc đó, dù có “đông” thì cũng như chẳng có ai vậy!
Trang Đoan: Ngoài vấn đề về chất lượng, từ xưa đến nay, Nghệ An còn phải đối mặt với thực trạng chảy máu chất xám. Những người giỏi, người tài thường chọn lập nghiệp xa quê hương và dường như xa quê thì mới có thể phát triển tốt được. Các ông có thể lý giải điều này không ạ?
Nhà NCVHDG Nguyễn Hùng Vĩ: Những "làn sóng" ra kinh kỳ của trí thức xứ Nghệ trong quá khứ chủ yếu từ những biến động chính trị chứ không hẳn vì lý do cuộc sống hoặc kinh tế. Nhà Lê lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của nhà Minh. Thanh Hóa là đất khởi binh nhưng Nghệ An, vốn trước đó là địa bàn khởi nghĩa của tôn thất nhà Trần, nay đã trở thành địa bàn chiến lược để cuộc khởi nghĩa chuyển hướng, phát triển và thắng lợi. Lê Lợi thành lập triều đình mới và Thăng Long xưa được chọn làm kinh đô, có tên Đông Đô. Các võ tướng, văn thần và quân đội của họ, chủ yếu người Thanh Nghệ, được tin cậy điều về bảo vệ kinh thành và triều đình mới, vốn trước đây thuộc triều đại nhà Trần. Gia phả nhiều dòng họ quanh Đông Đô có nguồn gốc ở quá trình điều chuyển đó. Đó là lý do chính trị.
Nhà Mạc thay thế nhà Lê ở kinh thành, nhưng gần như ngay lập tức, Thanh - Nghệ đã lập nên Nam triều và hầu hết bất tuân triều đình mới Bắc triều. Hơn 70 năm sau, cuộc trùng hưng thành công, người Thanh - Nghệ lại được tin cậy ủng hộ triều đình vua Lê chúa Trịnh. Phải đến hai thế kỷ Lê Trịnh, xứ Nghệ có một cuộc tích lũy học vấn liên tục và bền bỉ để tạo nên học phong của mình, tạo vốn liếng tri thức và tinh thần cho một phong cách vượt khó và hiếu học, một nền tảng kiến thức vững vàng cho lớp lớp trí thức phong kiến, mà các triều đại sau này như nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn tin dùng.
Sang đầu thế kỷ XX, xứ Nghệ là đất của "cựu học", các trí sĩ hô hào chống Pháp rầm rộ và quyết liệt. Vận động cách mạng giải phóng dân tộc được trí thức ủng hộ để đi đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời kháng chiến chống Pháp, khu Tư là đất thuộc vùng giải phóng. Trí thức cả nước theo kháng chiến dồn về Thanh Nghệ và trưởng thành tại nơi đây. Ở đó, họ đào tạo một lớp trí thức kháng chiến mới có trình độ và sẵn sàng xả thân vì dân tộc. Hòa bình lập lại 1954, những trí thức đó được tin cậy và nhiều người được giao nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa mới. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị.
Các bậc thầy của lớp như chúng tôi là những người như vậy. Họ là những người thấm đẫm lẽ sống của nhà Nho, đầy tinh thần tự nhiệm, "quốc gia hưng vong sất phu hữu trách", "vũ trụ nội giai ngô phận sự". Họ là những người tiếp cận Tây học sớm để có phương pháp và tư cách tiếp cận tồn tại, đề xuất các phương án phát triển văn hóa và xã hội. Họ tiếp cận chủ nghĩa Mác trên tinh thần ứng dụng cho việc bảo vệ và xây dựng xã hội mới. Từ nhu cầu của "nhiệm vụ", họ quyết liệt tự tu dưỡng và trở thành các học giả nổi tiếng. Một đặc điểm của cả thế hệ đó là họ cực nghèo. Nghĩ lại các bậc thầy của mình, chúng tôi vẫn ngậm ngùi về những nghèo khổ mà họ gánh chịu suốt cả cuộc đời. Nói chung, cái phẩm chất "an bần lạc đạo" đã cứu rỗi họ. Phải nói là không ai được “hưởng thụ” và “hưởng lạc” như chúng tôi bây giờ. Họ thật đáng ngưỡng vọng. Như vậy, lớp lớp trí thức "đi ra" trong suốt trường kỳ lịch sử đã mang đậm đà màu sắc "chính trị" như thế. Thế hệ chúng tôi vừa chịu ảnh hưởng của họ, vừa tan ra muôn vẻ trong thời buổi "kinh tế thị trường" bây giờ. Tuy nhiên, có một điều, ai ai cũng hướng về quê hương bản quán của mình, níu giữ sự đam mê, sự hy sinh mà các bậc tiền bối đã truyền lại.
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Đúng là những người Nghệ giỏi giang thường rời xứ Nghệ và lập nghiệp ở xứ người; trong số họ có nhiều người thành đạt. Điều này không phải bây giớ mới xẩy ra, mà xẩy ra từ lâu rồi, gần như là điều tất yếu. Người Nghệ có hai cách nhìn nhận hiện tượng này. Khi ông Nguyễn Hữu Bản giữ cương vị Bí thư Thành ủy Vinh (vào cuối những năm 90s thế kỷ trước), ông có viết một bài báo đăng trên Tạp chí Sinh Viên nói về chuyện xứ Nghệ sẵn sàng trải thảm đỏ để đón những người giỏi trở về. Một phái ủng hộ quan điểm của ông Bản. Phái khác phản đối vì họ cho rằng, xứ Nghệ không thiếu người tài, không cần người tài trở về để gây căng thẳng vì “ghế ít, đít nhiều”. Như vậy, ở đây người Nghệ tỏ ra tự tin hơi thái quá.
Nhưng vấn đề chảy máu chất xám không nghiêm trọng bằng vấn đề lãng phí chất xám. Thực tế cho thấy nhiều trí thức Nghệ không phát huy được năng lực của mình vì họ không được nhìn nhận đúng, không được tạo điều kiện để làm việc có hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên trong dân gian có câu: “Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh không sử dụng”. Hình như một số cán bộ lãnh đạo ở xứ Nghệ không cần cấp dưới của mình thông minh, tài giỏi; họ chỉ cần người trung thành và dễ bảo là được. Nghệ An có một “mỏ” trí thức là cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Vinh nhưng tỉnh hầu như không quan tâm đến kiến thức, trí tuệ, sức sáng tạo của họ, mà chỉ xem họ là những người cần quản lý. Đấy chẳng phải là sự lãng phí chất xám sao!?
PGS. TS Phan Huy Dũng: Vấn đề nêu ở đây là vấn đề chung của những vùng thường được xác định tính chất bằng hai tiếng: “tỉnh lẻ”. Nghệ An là tỉnh lẻ, vậy nên việc “chảy máu chất xám” ở đây chẳng có gì lạ. Các vùng trung tâm (như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn) luôn hút người và tạo điều kiện tốt hơn cho những kẻ có tài khẳng định mình. Vậy cớ gì phải đóng chốt ở quê hương, để đến khi so sánh, thấy mình chẳng bằng ai? Người ta có thể tìm lí do để phiền trách từ cơ chế sử dụng, trọng đãi, từ tầm nhìn của lãnh đạo (điều này luôn là một thực tế), nhưng nếu hai khúc mắc này được giải tỏa, thì vẫn còn tồn tại một vấn đề lớn hơn: trong hoạch định chung, Nghệ An đã được xếp vào vị trí đầu tư ưu tiên hay chưa? Đành rằng mỗi tỉnh phải tự vượt lên, nhưng sự thực đó chỉ là chuyện lí thuyết mà khi cần, người ta có thể nêu lên để thực hiện việc đổ lỗi.
Trang Đoan: Nhận thức rõ tình trạng đó, Nghệ An đã trăn trở nhiều về cách thu hút, tập hợp trí thức, phát huy vai trò của họ trong xây dựng quê hương, song vẫn chưa hiệu quả. Theo các ông, muốn đạt được điều này, tỉnh cần phải làm gì?
PGS. TS Phan Huy Dũng: Vâng, không thể phủ nhận những ý đồ tốt đẹp của lãnh đạo, chính quyền tỉnh. Nhưng trên vấn đề này, chẳng thể duy ý chí. Việc “tập hợp”, “phát huy” không thể là một hoạt động riêng rẽ, tách rời chiến lược phát triển của cả tỉnh. Nó chỉ là một bộ phận trong hệ thống, không thể tự một mình tốt lên được. Không ít người nghe “lời kêu gọi” (không thể nói là không thành tâm) đã “về”, nhưng “đậu” chưa được bao lâu, họ đã phải “bay”, khi không có đủ điều kiện để thi thố. Hơi đơn giản hóa vấn đề một tí, tôi nghĩ, thôi chưa vội nói tới việc chiêu mộ anh tài rất thực dụng, hãy dựng kế hoạch phát triển của cả tỉnh trước đi đã. Có nó, tự nhiên người ta sẽ lập tức tìm về, chẳng phải đợi ai thống thiết hô hào…
Nhà báo Hồ Bất Khuất: Đúng là Nghệ An phải tìm cách phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh hơn nữa vì hiện thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới đạt khoảng 60% mức bình quân của cả nước và thuộc nhóm thấp nhất. Trên thực tế, mấy năm gần đây, Nghệ An đã bắt đầu khởi sắc, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với tăng trưởng bình quân của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển đấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Nghệ An.
Đúng là Nghệ An đang trăn trở tìm cách thu hút trí lực của đội ngũ trí thức để xây dựng quê hương nhưng chưa có cách làm phù hợp để đạt hiệu quả. Nói thẳng ra là rất hiếm trí thức người Nghệ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay ở nước ngoài có ý định về Nghệ An, dù tỉnh có trải “thảm hồng, thảm đỏ” rộng dài bao nhiêu đi chăng nữa. Vì vậy, cần phải làm cách khác. Đó là phải có tư tưởng cầu thị, tranh thủ ý kiến của trí thức người Nghệ làm việc ở nơi khác, bỏ ý định mời họ về.
Hiện nay, lãnh đạo Nghệ An cũng chịu khó vào Nam, ra Bắc gặp gỡ người Nghệ có vai trò, vị trí ở những nơi đó. Tuy nhiên, họ chỉ gặp lãnh đạo ở nơi đó chứ ít khi gặp trí thức ở nơi đó (từ khi đổi mới đến nay, nhất là hiện nay, lãnh đạo nhiều khi không phải là trí thức nữa). Năm 2018, Nghệ An thành lập tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch tỉnh. Đây là một ý tưởng rất hay nhưng tiếc rằng có quá ít trí thức trong đó. Tại sao trong tổ đó không có những người như ông Nguyễn Trần Bạt, Trần Văn Tùng? Trên thực tế, trí thức Nghệ ở khắp nơi không thiếu nhưng họ không phải là những tên tuổi nổi bật trên báo chí hay ở chính trường. Để gặp và tận dụng, phát huy được ý kiến của những trí thức này, cần thay đổi cách tiếp cận. Cách tiếp cận có hiệu quả là không phải tổ chức những cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo một cách hoành tráng, mà tìm hiểu qua những tổ chức hội nho nhỏ. Ví dụ, ở Hà Nội có Hội những cựu học sinh trường chuyên Nghệ Tĩnh. Nếu lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dự một buổi gặp mặt của họ (hoặc gặp gỡ một số hội viên của hội này), sẽ tìm ra tên tuổi của những trí thức đích thực. Những người này có thể giúp quê hương tìm ra con đường phát triển nhanh, đúng hướng, bền vững.
Trang Đoan: Quả thực, như các ông đánh giá, việc chảy máu chất xám là đáng ngại nhưng đáng lo hơn chính là lãng phí chất xám. Tôi biết, và hiểu, cảm giác của một số người trẻ về quê cống hiến nhưng cuối cùng lại mòn mỏi chờ đợi hay thất vọng, mai một đi vì không được tạo điều kiện phát huy khả năng. Chính vì vậy, theo tôi, có thể xót xa, nhưng phải nói rằng nếu không tạo được một môi trường trong sạch, minh bạch, đủ tốt để người tài làm việc thì hãy mong họ tìm được nơi phù hợp để phát huy trí tuệ, khả năng của mình.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn các ông đã tham gia bàn tròn hôm nay. Chúc các ông ở cương vị, lĩnh vực, địa phương nào cũng luôn phát huy hết thế mạnh của trí thức Nghệ, có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương, đất nước!
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung 2013
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114510986
2344
2347
21360
217859
121356
114510986