Đất Nghệ

Nhân vật họ Nguyễn Trọng có công lớn trong bảo vệ biên giới Tổ quốc

Nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Trọng Trung Cần. Nguồn ảnh truyenhinhnghean.vn

I. NGUỒN GỐC TỔ TIÊN VÀ CÁC CHI HỌ

Họ Nguyễn Trọng vốn quê gốc ở thôn Bến Nễ, xã Ước Lệ, huyện Hưng Nguyên chuyển cư sang làng Trung Cần, nay thuộc xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Qua gia phả được biết, vị thủy tổ đầu tiên ở làng Trung Cần là ông Nguyễn Trọng Quyên. Ông là người giỏi văn học, từng làm quan với chức Bác sĩ. Từ vị thủy tổ đã phát tích ra các chi họ Nguyễn Trọng là Trung Cần, Nam Phúc, Dương Liễu, Vân Diên (Nam Đàn), Nghi Thạch (Nghi Lộc), Đức La (Đức Thọ), Đô Yên, Hưng Long (Hưng Nguyên), Hùng Sơn (Anh Sơn), Thanh An và Thanh Văn (Thanh Chương), Quỳnh Dị (Hoàng Mai), Sơn Hà, (Hương Sơn), Ý Yên (Nam Định) và còn các chi họ khác đang tìm về để kết nối…

Qua văn tế giỗ tổ hàng năm và gia phả các chi họ thì họ Nguyễn Trọng đã nối đời sinh dưỡng được hàng trăm nhân vật tài năng văn võ, có đóng góp công lao chođất nước, quê hương trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật....

Điều đặc biệt ở dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần là dòng họ có truyền thống hiếu học khoa bảng, có nhiều đời có người thi đậu tiến sĩ, cử nhân, làm quan triều đình, có bốn đời, nhiều lần được triều đình cử đi sứ nhà Thanh, làm rạng rỡ đất nước và có nhiều đời được triều đình cử đảm đương chức vụ nơi có biên giới với Trung Quốc. Đôi câu đối cổ ở nhà thờ họ Nguyễn Trọng Trung Cần:

Nhất môn hàn mặc truyền thi lễ;

Lưỡng quốc giang sơn chí tính danh.

Nghiên bút một nhà truyền thi lễ;

Non sông hai nước nhớ họ tên.

II. DÒNG HỌ BỐN ĐỜI ĐƯỢC CỬ LÀM QUAN BIÊN TRẤN, ĐI SỨ VÀ CÓ NHIỀU CÔNG LAO BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC

Nguyễn Trọng Tuyển là người có tài năng đức độ, có công với triều đình Lê Trung Hưng, thời Vĩnh Thịnh (1706-1719), làm quan đến Viên ngoại lang bộ Lại, phong Tham nghị xứ Lạng Sơn, tước Nam. Khi làm Tham nghị xứ Lạng Sơn, ông đã góp nhiều công lao tham mưu xây dựng các kế sách bảo đảm an ninh chính trị, ổn định đời sống của người dân vùng biên cương đất nước ở Lạng Sơn và các tỉnh phía Đông Bắc lúc bấy giờ. Có lẽ do thấy ông có nhiều kinh nghiệm làm quan trấn trị ở vùng biên giới có thể truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau, nên triều đình cũng đã cử con trai ông là Nguyễn Trọng Thường giữ chức Hiến sát xứ Lạng Sơn để lo việc bảo vệ biên giới hai nước Việt - Trung.

Nguyễn Trọng Thường (1680-1737), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Làm quan trải nhiều chức đến Đông các Đại Học sĩ, Triều liệt đại phu, Trung trinh đại phu, Khuông Mỹ doãn (1732); Hình bộ Hữu Thị lang, Tả Thị lang, Giám thí khoa thi Hội (1733); Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Tả Thị lang; năm Long Đức 3 (1734) tiếp và đi sứ nhà Thanh; năm Vĩnh Hựu 3 (1737) làm Chánh sứ Cống Sứ Bắc triều, khi trở về đến Hán Khẩu thì lâm bệnh mất (?), được gia tặng Công bộ Thượng thư, tước Cần Quận công; có để lại tác phẩm và biên tập, viết lời dẫn cho tập thơ đi sứ “Mặc Ông sứ tập” của bố vợ là Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn; được triều Lê ban nhiều sắc phong; được thờ ở đình Trung Cần và Văn Thánh tổng, huyện; tên ông được đề trên bia TS Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và đặt cho một đường phố ở Vinh.

Tượng Cần Quận công Nguyễn Trọng Thường

Hiện dòng họ còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong triều đình ban cho TS Nguyễn Trọng Thường, đã góp phần vào việc khẳng định thêm vị trí vẻ vang xứng đáng với dân với nước của ông, trong đó có sắc phong cử ông giữ chức vụ làm quan ở biên giới đạo Hưng Hóa và xứ Lạng Sơn, nội dung cụ thể như sau:

Sắc cho Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1712), thưởng bốn tư là Nguyễn Trọng Thường. Do phụng chỉ của Nguyên soái Thống quốc chính An Đô vương chuẩn cho nhậm chức tiến triều làm việc, triều thần có nghị bàn, trao cho nhậm chức Giám sát Ngự sử, đáng là Cẩn sự lang Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hóa, bậc Hạ liên. Vậy nên ban sắc!

Ngày 21 tháng 10 năm Vĩnh Thịnh 8 (1712).

Sắc cho Cẩn sự lang Giám sát ngự sử, hạ liên của đạo Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Thường. Do nhậm chức làm tốt công việc, phụng chỉ của Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư An vương, triều thần có nghị bàn, nên thăng chức Hiến sát sứ, đáng là Mậu lâm lang Thanh hình Hiến sát sứ ty Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, bậc Hạ trật. Vậy nên ban sắc!

 Ngày 18 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 10 (1714).

Sắc cho Mậu lâm lang Thanh hình Hiến sát sứ ty Hiến sát sứ xứ Lạng Sơn, bậc Hạ trật là Nguyễn Trọng Thường. Do nhậm chức làm tốt công việc, phụng chỉ của Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư An vương, triều thần có nghị bàn nên bình nhậm chức Cấp sự trung, đáng là Tiến công thứ lang Công khoa Cấp sự trung, bậc Hạ tự. Vậy nên ban sắc!

 Ngày mồng 8 tháng 11 năm Vĩnh Thịnh 12 (1716).

Qua các sắc phong trên, TS Nguyễn Trọng Thường đã được triều đình tín nhiệm cử làm các chức quan quan trọng là Cẩn sự lang đạo Hưng Hóa và Hiến sát sứ xứ Lạng sơn là hai nơi trọng yếu biên giới ở phía Tây Bắc và Đông Bắc nước ta với Trung Quốc và Lào lúc bấy giờ. Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực thi có hiệu quả trách nhiệm của mình nên liên tục nhiều năm được triều đình thăng thêm chức tước, phẩm hàm như các sắc phong đã thể hiện.Ngoài ra, Nguyễn Trọng Thường còn kiêm thêm chức Tri thị nội Thư tả Hình phiên bên phủ chúa Trịnh.

 Cũng vì có tài trong việc giữ gìn biên giới đất nước, nên ông còn được cử vào các phái đoàn ngoại giao và làm Chánh sứ sang Trung Quốc để bàn thảo quốc sự giữ vững biên giới và tình hòa hảo hữu nghị hai nước Việt - Trung. Các sách địa chí, lịch sử địa phương và đất nước cũng ghi chép tiểu sử và ca tụng ông với tài năng, đức độ, được lòng dân tín nhiệm yêu mến khi làm quan ở biên giới và làm trọn nhiệm vụ đi sứ.

SáchĐại Nam nhất thống chí,  Tập 1(1) có ghi về ông như sau:

Nguyễn Trọng Thường: Người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712), năm Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tông. Ông tính ngay thẳng trung hậu, trải làm quan các tỉnh Lạng Sơn, Sơn Tây, đến đâu dân cũng ca tụng. Năm Long Đức thứ 3 (1734) đời Lê Thuần Tông, sang sứ Trung Hoa, lúc về, mất ở Hán Khẩu, được truy tặng Lại bộ Tả Thị lang, tước Quận công. Con là Trọng Đang, cháu là Trọng Đường đều đậu Tiến sĩ, (tr. 842).

SáchNghệ Tĩnh tạp ký có ghi:

Nguyễn Trọng Thường người xã Trung Cần, 32 tuổi đậu Đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Hữu thị lang. Phụng sai làm Chánh sứ đoàn bộ sang Thanh (Trung Quốc) tuế cống. Khi trở về đến Hán Khẩu thì lâm bệnh chết. Được truy tặng chức Lại bộ Tả thị lang, tước Cần Quận công. Sau tái ấm tặng Cộng bộ Thượng thư. Ông là cha của Nguyễn Trọng Đang/Đương, là ông của Nguyễn Đường. Cha con ông cháu đều phụng Bắc sứ.

Bổ sung cho ghi chép của các sách trên, sách Nghệ An ký (2) cho biết thêm: 

Tínhông đứng đắn, đôn hậu, trải làm quan ở Lạng Sơn, Sơn Tây, đến đâu cũng đều được dân ca tụng là tốt đức. Đời Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 3 (1734), ông vâng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, trở về đến Hán Khẩu thì mất. Con cháu ông đông đúc các đời có người văn học.

SáchĐại Việt sử ký tục biên (1676-1789) (3)có ghi:

- Giáp Dần, [Long Đức] năm thứ ba (1734). Cho Đoàn Bá Dung làm Đô ngự sử (Nhập thị Bồi tụng), Cao Huy Trạc làm Tả thị lang bộ Lại, Nguyễn Trọng Thường làm Hữu thị lang bộ Hộ

- Tháng Tám ngày 13 (10-10-1734) sai quan Hầu mệnh là Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Tông Quai đem bọn Đồng trung thư Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cao đến trước cửa Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong…

Như vậy, Nguyễn Trọng Thường được triều đình cử dẫn đầu đoàn nghênh tiếp sứ nhà Thanh sang sách phong cho vua Lê Thuần Tông (tên thật là Lê Duy Tường (1699-1735) con trưởng của Lê Dụ Tông) tại Lạng Sơn. Đến tháng 11 âm lịch năm Giáp Dần (12-1734), đoàn sứ triều Thanh là Lý Học Du chức Khởi cư chú Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm tá lĩnh Xuân Sơn, Binh khoa Cấp sự trung đến nước ta, vào ngày 9 tháng Chạp (tức 2-01-1735) làm lễ Sách phong cho Lê Thuần Tông, ngày hôm sau 10 tháng Chạp (3-01-1735) làm lễ tế dụ cho vua Lê Dụ Tông.

Khi viết về tiểu sử của Nguyễn Trọng Thường, các sách lịch sử, địa chí xưa đều thống nhất chép là ông đi Sứ năm 1734 và mất ở Hán Khẩu, Trung Quốc. TS Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học Việt Nam) đã nghiên cứu tài liệuĐại Thanh thực lụcmột bộ Quốc sử theo thể thực lụccủa nhà Thanh, Trung Quốc, thì đến năm 1737 ông vẫn còn sống:

- Ngày Bính Dần, niên hiệu Càn Long thứ 2 (8-3-1737) Quốc vương An Nam là Lê Duy Hỗ mất, (vua) nối ngôi là Lê Duy Vĩ sai Bồi thần là Nguyễn Trọng Thường, Vũ Huy, Vũ Duy Tể dâng biểu báo tang, kèm theo sản vật cống tiến. Báo xuống cho Bộ thần biết.

(Đại Thanh thực lục, Cao Tông thực lục, quyển 36, trang 11).

- Ngày Đinh Sửu, niên hiệu Càn Long thứ 2 (19-3-1737) Quốc vương An Nam nối ngôi là Lê Duy Vĩ sai Bồi thần là Nguyễn Trọng Thường, Vũ Huy, Vũ Duy Tể dâng biểu cống tiến sản vật của năm Ung Chính thứ 10 (1732) và Ung Chính thứ 13 (1735). Ban thưởng như lệ định. Đình chỉ việc ban yến tiệc.(Đại Thanh thực lục, Cao Tông thực lục, quyển 37, trang 3).

Từ việc xác định được thời gian đi sứ, cho phép chúng ta đưa ra kết luận: năm 1734, Nguyễn Trọng Thường vẫn còn hiện diện trên dương gian và ông còn phụng sự cho triều vua Lê Ý Tông, đảm nhiệm vai trò Chánh sứ ít nhất cho đến cuối năm 1737 đầu năm 1738.

Bia Tam đại hoàng hoa tứ đại sứ Nguyễn Trọng (4) là bia đá của dòng họ xưa để ở nhà thờ đại tôn, được Nguyễn Nhân Lục, người xã Nam Trung có tiền nhân thông gia với họ Nguyễn Trọng (bà Nguyễn Thị Sách, vợ của Nguyễn Trọng Võ) đã chép lại nguyên chữ Hán và phiên dịch, thì Nguyễn Trọng Thường đi sứ 2 lần:

Nguyễn Trọng Thường đỗ khoa Nhâm Thìn Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khâm tứ vinh quy. Thăng quan Đông các Đại học sĩ phụng vâng Bắc sứ. Thăng Công bộ Hữu Thị lang, tước Cần Xuyên hầu, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Khâm sai Cống bộ Chánh sứ qua Yên Đài. Cống sự hoàn thành phụng chỉ về nước. Thăng Công bộ Thượng thư, Trụ quốc thượng trật. Lịch Lê triều sắc phong mỹ tự. Nguyễn triều sắc phong Dực bảo Trung hưng tôn thần.

Ông đi sứ lần thứ nhất khi làm quan Đông các Đại học sĩ, Phụng vâng Bắc sứ, khi về thăng Công bộ Hữu Thị lang, Cần Xuyên hầu, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Lần 2, ông làm Cống bộ Chánh sứ, về sau ban tặng Công bộ Thượng thư, Trụ quốc Thượng trật. Như vậy, bia không thấy nói việc đi sứ về bị chết ở Hán Khẩu, Trung Hoa và ít ra ông đã đi sứ 2 lần.

Nguyễn Trọng Thường với vai trò Chánh sứ của triều đình Đại Việt vào thời Lê Trung Hưng đã làm trọn việc “toàn quân mệnh”, không làm “nhục mệnh vua” của một Sứ thần trong giai đoạn vương triều có nhiều biến chuyển. Ông mở đầu cho truyền thống ngoại giao xuất sắc, lừng lẫy của dòng họ Nguyễn Trọng, Trung Cần, Nghệ An và hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời phong kiến.

Nguyễn Trọng Đương (1723-1786), húy là Tiêu, thụy Đôn Nhã, tự Tượng Hiền. Con trai của Nguyễn Trọng Thường, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý, làm Phó sứ sang nhà Thanh (1761), trở về thăng Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá. Khi làm Đốc trấn Lạng Sơn vào năm 1785, ông đã tổ chức trùng tu xây dựng lại đài Ngưỡng Đức một cách chắc chắn bằng gạch đá (trước đó làm bằng tranh tre), là một công trình làm nơi dừng chân nghỉ và đón tiếp các Sứ đoàn nước ta đi sứ sang Trung Quốc và trở thành như một cột mốc biên giới vững chắc giữa nước ta và Trung Quốc. Ông cũng đã cho dựng bia ghi dấu và trực tiếp soạn bài văn bia Trùng tu quan thượng Ngưỡng Đức đài bi ký. Tử trận khi làm Đốc thị trấn Thuận Quảng (6-1786), được truy phong Hữu Thị lang, tước hầu; được triều Nguyễn sắc phong là Dực bảo Trung hưng linh phù chi Thần thờ ở đình Trung Cần và Văn Thánh tổng, huyện; tên ông có ở bia TS tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Sách Thanh Chương huyện chí (5) trong mụcTrung Cần xã Nguyễn công có ghi về ông:

Nguyễn Trọng Đương, húy Triết, con thứ 2 của Cần Quận công. Từ nhỏ đã rất thông mẫn. Năm 24 tuổi, lĩnh Hương tiến, giữ chức Thiêm tri Lại phiên. Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Cảnh Hưng 30 (1769), năm 46 tuổi. Ngày vinh quy, ông đi theo con đường cũ của ông cụ thân sinh đã đi ngày trước. Miễn cho hàng tổng tạo con đường mới, theo như lệ cũ đón quan Nghè. Làm quan tới chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, Lạp Sơn bá, phụng sai Đốc đồng xứ Kinh Bắc, công việc ở nội hạt thông suốt nghiêm minh. Lại về giữ chức Thự Tham chính xứ Thanh Hoa.

Năm ấy có lệ cống mỗi bộ 3 sứ thần. Triều đình chọn ông. Có người đã từng đi sứ khuyên ông nên từ chối. Ông nói Nam Bắc là theo mệnh lệnh, chức phận đạo làm tôi phải tuân theo. Huống hồ kinh đô Trung Châu nổi tiếng là văn vật, mà Tiên công đã từng đi sứ, nay sao lại xin từ. Nói rồi lên đường. Trên đường đi không hề trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ về triều, thăng Hàn lâm viện Thị thư.

Năm Canh Tý (1780), Đốc trấn Lạng Sơn. Ở đây công việc trôi chảy, được dân mến mộ lập đền thờ sống ông. Có bức trướng ca ngợi: Phượng bút tế mỹ, khắc thiều tiền nhân, quyết đức nhược công, đương tất hữu bảo thế nhi tư nhân giả hồ! Nghi hồ đình tiền quế thụ, bất cận tam hòe ngũ quế kỷ dã. Hựu viết: Hạnh ngộ công nhu viễn năng nhĩ, tri tứ phương chi dân, tụ tứ phương chi hóa, giao dịch nhi thoái, các đắc sở kỳ. Phi thị dân như tử, kiến công như kiến phụ mẫu dã.

Có nghĩa là: Bút phượng tốt đẹp, nối nghiệp tiền nhân, sáng đức như ông, tất đời được bảo hộ, mọi người được thấm ơn ông. Xứng đáng là những cây hòe, cây quế trước sân. Lại có câu: May được gặp ông khiến cho kẻ xa quy phục về gần, làm yên dân tứ phương, tụ hợp hàng hóa tứ phương, trao đổi với nhau ai về chốn nấy. Phải chăng là, ông coi dân như con, và dân gặp ông như gặp được cha mẹ vậy! Lại câu ca ngợi công đức của ông:

Danh vang Bắc Đẩu, đức trứ Nam bang, cái Trung Châu bút dã.

(Tiếng tăm như sao Bắc Đẩu, đức lớn rạng trời Nam, ngọn bút trùm đất Trung Châu).

Nguyễn Trọng Đường (1746-1811), húy Viễn, cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường và cháu gọi Nguyễn Trọng Đương bằng chú ruột (đường điệt). Năm 34 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Thịnh khoa Kỷ Hợi - Cảnh Hưng 40 (1779) đời Lê Hiển Tổng. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám, tên ông được ghi ở bia thứ 9, hàng thứ nhất dãy bên trái. Khoa này lấy đỗ 15 tiến sĩ, ông đứng thứ 12/13 Đệ tam giáp. Văn bia ghi:

Nguyễn Đường người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, đỗ Tứ trọng, Huấn đạo, ứng chế đỗ thứ 2, thế khoa, chú cháu đồng triều, thi đỗ năm 34 tuổi.

Ông làm quan đến chức Hiệu thảo. Năm Nhâm Dần (1782), giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ đạo Sơn Nam. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), được triều đình cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Hoàng Bình Chính và Phó sứ Lê Hữu Dung sang tuế cống nhà Thanh. Ông được hoàng đế nhà Thanh khen ngợi ban chức Lưỡng quốc Hàn lâm và bức đại tự 4 chữ Tam thế sứ hoa thêu trên lá cờ bằng gấm đặc biệt nổi danh đất Trung Châu (Trung Quốc). Khi về, ông được thăng Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá. Khi về có ông Tú tài tặng thơ rằng:

Nam quốc nhất tinh củng Bắc thần

Thế khang vạn lý giản Nho thần

Ngũ vân minh thước khai Hành điện

Tam thế y quan bái Thánh nhân

Thái bút hân thừa thiên thượng chiếu

Kim bàn bão ẩm thượng phương trân

Mai hoa hương lý quy thuyền ẩn

Nhất lộ phong xuân luân phát tân.

Dịch nghĩa (Bùi Văn Chất):

Một ngôi sao nước Nam chạm tới chùm sao Bắc Đẩu

Chọn vị Nho thần bắc thang muôn dặm (tới nơi)

Mây ngũ sắc, chim khách kêu báo tin đã mở cửa Hành điện

Ba đời liên tiếp làm quan đều được gặp Thánh nhân

Sóng ngọn bút đã hân hạnh soạn chiếu nhà vua

Rực màu vàng thỏa thuê sơn hào, hải vị

Cây hoa mai đáp thuyền trở về quê hương

Con đường thoáng gió xuân luôn rạng bức chiếu thư.

Về nước, ông giữ chức Đốc đồng Thanh Hoa. Sau năm Bính Ngọ (1786), ông về ở ẩn tại Tào Khê, Thanh Hoa. Mỗi lần nhớ quê, để tránh Nguyễn Thận [Trấn thủ Nghệ An của Tây Sơn], ông về Nghệ thường đi vào ban đêm, tảng sáng lại đi, người làng không kịp biết. Triều Gia Long chỉ thụ Kim Hoa điện Đại học sĩ, giữ chức Đốc học Sơn Nam thượng, tước Thanh Ngọc hầu. Năm Tân Mùi (1811), ông qua đời khi còn tại chức (theo “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch. tr. 75 -76).

Hiện dòng họ còn lưu giữ sắc phong của vua Thành Thái triều Nguyễn phong Thần cho Nguyễn Trọng Đường và được thờ ở đình Trung Cần.

Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Trung Cần xã phụng sự Tiến sĩ Khâm sai, Lạng Sơn Đốc trấn tướng công chi thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, trước phong vi Đoan túc Dực bảo Trung Hưng chi thần, chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Thành Thái lục niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Tạm dịch:

Sắc cho xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phụng thờ thần: Tiến sĩ Khâm sai, Đốc trấn Lạng Sơn. Thần đã có công bảo vệ đất nước, che chở phù hộ cho dân, nhiều lần tỏ rõ linh ứng, đến nay vẫn chưa được dự phong. Nay [Trẫm] kính noi mệnh lớn, tưởng nhớ công lao tốt đẹp của thần, phong cho là Đoan túc Dực bảo Trung hưng, chuẩn cho phụng thờ như trước. Thần hãy phù hộ, bảo vệ cho con dân của ta. Hãy nghe theo!

Ngày 25 tháng 9 năm Thành Thái thứ 6 (1894).

Ông còn có công đứng ra chủ trương và vận động dòng họ, nhân dân xây dựng đình Trung Cần. Đình còn đến ngày nay là một công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử đẹp nổi tiếng ở Nghệ An và nước ta, được Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia.

Nguyễn Trọng Võ (chưa rõ năm sinh - mất?), con trai của Nguyễn Trọng Đường, là Nho sinh được triều Nguyễn triệu vào Kinh chọn làm quan. Triều Minh Mệnh thứ 2 có chiếu triệu Sĩ nhân Nguyễn Trọng Vũ (Võ) vào Kinh, đặc ban Phó Đốc học thành Gia Định (1821).Sách Đại Nam thực lục ghi: Tháng 3 năm Tân Tỵ (1821), triều đình Huế đã chọn 2 người Bắc Thành là Hàn lâm Tu soạn Nguyễn Đăng Sở làm Đốc học thành Gia Định và sĩ nhân Nghệ An là Nguyễn Trọng Vũ làm Phó Đốc học để “làm thầy dạy bảo cho điều lễ nhượng thì dễ hóa làm thiện mà thành tài cũng nhiều đó”. Đây là một chức vụ rất quan trọng, phụ trách việc học tập của cả thành Gia Định, bao gồm 5 trấn là Phiên An, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Hà Tiên (tức toàn bộ vùng đất Nam Bộ ngày nay). Sau đó Nguyễn Trọng Võ được điều về Kinh bổ Công bộ Chủ sự, Thự Lang trung, Cai bạ Lang trung, thăng Hàn lâm viện Thị độc sĩ. Ất Phó sứ sang nhà Thanh năm Giáp Thân (1824).Chánh sứ năm Ất Dậu - 1825), Thự Thiêm sự Công bộ, Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ là Nguyễn Trọng Vũ và Tri phủ Thuận An, Thiếu thiêm sự Thiêm sự phủ là Nguyễn Hữu Nhân sung làm Giáp, Ất phó sứ. Cùng sự kiện trên, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ lại chép xảy ra vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825). Tháng 3 năm Bính Tuất (1826), cả hai đoàn sứ thần trở về, đem theo sách Đài quy dâng lên. Vua Minh Mệnh xem và dụ bảo cho triều thần “nên xét rõ sách này, chước lượng mà làm”. Với sách Đài quy này, triều đình Huế đã tham khảo và hoàn thiện hệ thống Lục khoa (6 khoa, tương ứng với sáu bộ: Lại, Lễ, Binh, Hộ, Hình, Công) và chức quan Giám sát Ngự sử, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan ở Trung ương với các thành, doanh, trấn. Nguyễn Trọng Vũ được thăng thụ chức Thiêm sự Công bộ (tháng 7/1826). Phái đi làm Tham hiệp Sơn Tây (tháng 9/1826). Sau đó, lần lượt giữ các chức Tham hiệp Nam Định (3/1828), Hiệp trấn Hưng Hóa (7/1828). Gia hàm Hữu Thị lang bộ Công, sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh năm Mậu Tý (1828), lúc sang có thứ phu nhân là Nguyễn Thị Sách cùng đi. Thăng đến Binh bộ Hữu Thị lang (1833), thăng Thự Hữu Tham tri bộ Binh, hàm Tòng nhị phẩm, sung Toản tu (biên soạn) sách Thực lục về liệt Thánh… Phu nhân Nguyễn Thị Tỉnh, con gái của Tiến sĩ Nguyễn Khuê, quê ở Cổ Đan;thứ  phu nhân Nguyễn Thị Sách ở làng Trung Cần được đi sứ cùng phu quân.Quan Nội đình là Lễ bộ Tham tri Phan Huy Đề tặng câu đối để ca ngợi Nguyễn Trọng Võ và dòng họ của ông:

Quốc thể ngũ niên trùng Cống phỉ;

Thư hương tam thế ngũ Hoàng hoa.

Tạm dịch:

Năm năm hai lần sang Tàu vì quốc thể;

Ba đời (Tiến sĩ), năm lượt thần Sứ được vinh Nho.

Một nhà mà:Ba chú cháu đỗ Tiến sĩ, hai anh em đỗ Tiến sĩ, ba chú cháu đi sứ, hai anh em đi sứ, hai ông cháu đi sứ, hai vợ chồng đi sứ, Nguyễn Trọng Thường và Nguyễn Trọng Võ hai lần đi sứ quả là việc hiếm thấy trong lịch sử. Đây là kỳ tích của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần trong bang giao. Lại với ba thế hệ, bốn người: Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường cùng được cử làm mệnh quan ở biên giới Lạng Sơn, Hưng Hóa và đều được lịch sử ghi chép, được lòng dân ca tụng, đã chứng tỏ được đức độ, tài năng quản lý, bảo vệ biên cương của dòng họ này. Dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần xứng đáng với kỷ lục ghi nét về sự kế tục nhiều đời làm quan biên giới và đi sứ của dòng họ ở nước ta. Di duệ dòng họ còn có Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn) được Đảng và Nhà nước cử làm Bộ trưởng Bộ Công an đã có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng kể trên xứng đáng được đặt tên cho các đường phố ở Vinh và các trường học ở địa phương.

 

 

Chú thích:

1. Đại Nam nhất thống chí. Quốc sử quán triều Nguyễn. H., Lao động, 2012

2. Nghệ An ký. Bùi Dương Lịch/Nguyễn Thị Thảo dịch.- H., KHXH, 2004.

3. Đại Việt sử ký tục biên

4. Tam đại hoàng hoa tứ đại sứ Nguyễn Trọng,Nam Đàn xưa và nay, H., VHTT, 2000.

5. Thanh Chương huyện chí,Bùi Dương Lịch/Bùi Văn Chất dịch, NA, 2008.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511023

Hôm nay

222

Hôm qua

2359

Tuần này

21397

Tháng này

217896

Tháng qua

121356

Tất cả

114511023