- Ai kể chuyện ấy với đồng chí?
- Dạ thưa, bác Dương Quang Đông.
- Anh Năm Đông hả? Đúng đấy. Chuyên thế này…
Bác Giàu sửa lại gối đầu, nửa ngồi, nửa nằm, hồi tưởng và kể cho tôi nghe với một giọng rất khúc chiết, rành rẽ như đã nghĩ rất kỹ từ bao giờ:
Cuối năm 1945, khi Nam Bộ bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi là Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Uy ban kháng chiến Nam Bộ, được Bác Hồ gọi ra Hà Nội. Ở thủ đô Hà Nội, theo đề nghị của tôi và được Bác Hồ, anh Võ Nguyên Giáp đồng ý cho tôi đi Thái Lan với tư cách là Tổng bộ Việt Minh để làm việc với Phó vương, Thủ tướng Thái Lan là Luổng-pri-đi. Cùng đi với tôi có anh Phạm Ngọc Thạch, sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúng tôi làm 3 nhiệm vụ chính, một là xin thật nhiều súng đạn rồi tổ chức chuyển về cho Nam Bộ kháng chiến, hai là vận động, tổ chức thành lập, huấn luyện đội quân Việt kiều về giúp Nam Bộ kháng chiến, ba là khai thông tuyến liên lạc, tiếp tế từ Thái Lan qua Campuchia về Nam Bộ và vận động nước bạn chống thực dân Pháp để chia lửa với Việt Nam. Ở Thái Lan, tôi gặp anh Dương Quang Đông. Anh Năm Đông cho biết được xứ ủy Nam Kỳ giao cùng với Sơn Ngọc Minh mang vàng sang Thái Lan mua vũ khí chuyển về cho Nam Bộ kháng chiến và nếu có điều kiện thì làm những nhiệm vụ như của chúng tôi. Cũng cần nói thêm, anh Năm Đông là bạn tù với tôi ở căng Tà Lài, cùng nhau vượt ngục năm 1941. Anh Năm Đông là người đã vận động, tổ chức, phục hồi Xứ ủy Nam Kỳ sau khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Từ năm 1943 đến tháng 5/1945, anh Năm Đông là Bí thư Xứ ủy Nam Kì và là người đã bàn giao chức vụ Bí thư Xứ ủy cho tôi từ tháng 5/1945. Với tư cách thường vụ Xứ ủy, được giao chỉ huy, chốt giữ dinh Xã Tây (tức trụ sở Uy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Đêm 22, rạng ngày 23/9/1945, anh Năm Đông là người nổ súng đầu tiên, giáng trả đòn tấn công của thực dân Pháp và sau này trở thành tiếng súng đầu tiên của Nam Bộ Kháng Chiến. Trong lòng tôi, anh Năm Đông luôn là một nhà tổ chức hành động thực tiễn tài giỏi. Một người cộng sản luôn sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ miễn là nhiệm vụ ấy, công việc ấy có lợi cho Cách Mạng, dù có khó khăn đến mấy. Ở Thái Lan, tôi nhận được điện của Hà Nội cử đi dự hội nghị Châu Á, tổ chức tại Niu-Đêli, An Độ do Đảng Quốc Đại (I) của Thủ tướng Nê-ru tổ chức và mời Việt Nam. Cùng đi với tôi có anh Luân, dược sĩ cao cấp, sau này anh Luân là Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Miến Điện. Sau hội nghị Á Châu, chúng tôi còn tổ chức hội nghị Đông Nam Á tại Băng-cốc, Thái Lan gồm có đại diện các nước Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Malaixia, Philippin và Việt Nam. Từ hội nghị ở An Độ đến hội nghị ở Băng-cốc, tôi nhiều lần tiếp xúc với đòan Malaixia và được biết thêm, phong trào kháng chiến chống Nhật ở Malaixia rất mạnh. Phong trào này do Đảng Cộng Sản lãnh đạo và rất có uy tín. Thủ lĩnh phong trào hình như là một người Việt Nam. Sau khi Nhật đầu hàng, phe kháng chiến thu được rất nhiều súng đạn và có lực lượng rất lớn. Tôi nảy ra ý định đi Malaixia xin vũ khí cho Nam Bộ. Tại Malaixia, tôi được gặp lãnh tụ của phong trào kháng chiến, đồng thời là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản. Tôi ngờ ngợ anh này là Ngô Gia Tự, bởi vì hồi ở Côn Đảo, Bác Tôn Đức Thắng tổ chức cho anh Ngô Gia Tự và một số người tù vượt ngục nhưng không thấy về đất liền. Hay là anh Tự sang đây rồi làm nhiệm vụ Quốc tế cộng sản giao cho. Người Việt Nam ta giỏi lắm, biết đâu. Tôi chưa từng gặp anh Ngô Gia Tự nên bao nhiêu câu hỏi không tìm được lời giải đáp. Trong khi làm việc, người ấy xưng tên là Lai- đặc và nói hòan tòan bằng tiếng Anh. Người ấy bảo với tôi là có nghe danh Trần Văn Giàu ở Việt Nam. Nhiều lần tôi gợi ý khéo song người ấy rất giữ bí mật gốc gác của mình. Nhưng khi tôi nói rõ mục đích chuyến đi và đặt vấn đề xin súng đạn giúp Nam Bộ kháng chiến thì người ấy rất sẵn sàng và còn quyết định cho cả tàu thủy chuyên chở đến địa điểm mà tôi yêu cầu. Người ấy còn đề nghị nếu Chính phủ Hồ Chí Minh đồng ý, Đảng Cộng Sản Malaixia sẽ chi viện cả quân đội của phong trào kháng chiến sang giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp. Mừng quá, tôi lập tức trở về Thái Lan kể hết sự tình cho anh Dương Quang Đông nghe. Tôi cũng nêu lên mối ngờ vực và niềm tự hào khôn xiết về một Lai- đặc hay Ngô Gia Tự của chúng ta. Nghe chuyện, anh Năm Đông cười rồi bảo tôi: Ai chứ anh Ngô Gia Tự thì tôi rành lắm. Vì năm 1929, 1930 bác Tôn Đức Thắng giao cho tôi đưa anh Ngô Gia Tự đi bàn giao cơ sở Đảng của Xứ ủy, tôi và Lý Tự Trọng là giao liên của an Ngô Gia Tự. Nhưng Lai- đặc có lẽ không phải là anh Ngô Gia Tự vì lúc đón bác Tôn Đức Thắng từ Côn Đảo về, nghe bác Tôn kể anh Ngô Gia Tự và một số anh em vượt ngục đã hi sinh giữa trùng khơi vì gặp bão lớn. Anh Năm Đông còn bảo để anh đi sang trực tiếp vừa tổ chức vận chuyển vũ khí về cho Nam Bộ, vừa để xem Lai- đặc có phải là bạn cũ, Đảng viên của Xứ ủy hay không.
x
x x
Năm nay đã hơn 100 tuổi, nhưng bác Dương Quang Đông vẫn khỏe và rất minh mẫn. Bác vừa được Trung Ương cử làm thành viên Hội đồng khoa học viết lại lịch sử Nam Bộ kháng chiến do đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng, Cố vấn Ban Chấp Hành Trương Ương làm Chủ tịch. Năm 1927, theo chỉ thị của Bác Hồ, Bác Tôn Đức Thắng tổ chức ra Chi bộ Cộng Sản quốc tế đầu tiên ở Nam Kỳ. Bác Năm Đông là Đảng viên trong Chi Bộ Cộng Sản quốc tế đầu tiên ấy do Bác Tôn Đức Thắng làm Bí thư và trực tiếp giới thiệu. Những người biết bác Năm Đông đều rất khâm phục tính cương trực, thẳng thắn, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Tổ quốc. Hơn 70 tuổi Đảng, 5 lần bị địch bắt cầm tù, đã từng là Bí thư Xứ ủy, có lẽ Bác là người duy nhất kiên quyết đề nghị Xứ ủy giao lại chức vụ cao ấy cho người khác tài giỏi hơn mình, vì như vậy sẽ có lợi nhiều hơn cho dân, cho Đảng, cho sự nghiệp Cách Mạng. Được Đảng và Nhà nước cho căn nhà, bác bán đi mua nhà nhỏ hơn để lấy tiền dưỡng gìa. Có lẽ Bác là người duy nhất đã hiến 80 cây vàng để cứu trợ đồng bào đồng bằng Sông Cửu Long bị lũ lụt và ủng hộ bệnh viện miễn phí An Bình. Tôi nhớ có lần phê phán một đồng chí cán bộ cao cấp, bác thẳng thắn nói: “Đồng chí nghỉ đi, làm lãnh đạo mà tiếng xấu tràn đồng, nếu có làm thêm cũng chỉ có hại cho uy tín của Đảng mà thôi.” Bác gái kể, có lần bác khuyên bác Năm Đông: “Ông thẳng quá, rủi người ta ghét, nó đòm cho một phát thì khổ.” Ai dè, ổng nói: “Vào Đảng hơn 70 năm nay, nếu vì Đảng chống tiêu cực, có bị bọn xấu giết thì vẫn còn hơn ốm đau dầm dề, khổ cho bà phải chăm sóc. Bà không thấy tấm gương Liên Xô tan vỡ là vì bọn cơ hội lên nắm chính quyền, phản bội, phá hết thành quả Cách Mạng đấy. Cỡ mình mà còn sợ không dám đấu tranh thì thử hỏi còn ai dám nói. Mình còn sợ hi sinh thì biểu ai hi sinh. Bọn cơ hội, nhân danh Đảng mà tham nhũng, làm hại người tốt, làm lợi cho kẻ xấu thì phải trừng trị thẳng tay. Dẫu có chết cũng là chết vinh quang.”
Nghe thì vậy, nhưng bác Năm Đông trông rất hiền lành, đặc biệt bác có nụ cười rạng rỡ, đầm ấm, thân tình rất thu hút người khác. Bác Năm Đông bồi hồi nhớ lại: “Dạo đó, nghe Trần Văn Giàu kể, tôi liền thu xếp đi ngay sang Malaixia. Tôi đến trụ sở Đảng Cộng Sản tìm gặp Lai- đặc. Hồi ấy, sau kháng Nhật thắng lợi, Đảng Cộng Sản Malaixia họat động công khai, rất có thanh thế, có trụ sở lớn, treo cờ đỏ búa liềm đàng hòang, Tổng Bí Thư oai vệ lắm. Ngay ngày đầu gặp nhau, tôi đã nhận ra Lai- đặc chính là Phạm Văn Đắc, quê ở Long Đất, Bà Rịa, học sinh trường Hùynh Khương Ninh. Chính tôi đã giới thiệu Phạm Văn Đắc vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930, sinh họat tại Chi bộ Tân Định, Sài Gòn. Đến năm 1931, giặc Pháp khủng bố trắng, tôi và Đắc cùng tạm lánh sang Thái Lan. Đầu năm 1932, tôi quay về Sài Gòn nhưng tìm mãi không gặp được Đắc. Cuộc gặp nhau trên đất khách quê người lần này, tôi mừng lắm. Nhưng Lai- đặc Phạm Văn Đắc lại tỏ ra rất bình thản và đặc biệt trong câu chuyện không bao giờ Lai- đặc nói tiếng Việt. Tuy vậy, Lai- đặc tiếp tôi rất thân tình, bố trí nơi ăn ở đàng hòang. Khi tôi đề nghị giúp Nam Bộ đánh Pháp thì được Lai- đặc ủng hộ rất nhiệt tình và còn bàn phương án tổ chức chu đáo, khoa học. Lai- đặc đã cho tôi 5 chiếc tàu thủy lớn, hàng vạn khẩu súng, đạn dược, thuốc men để chở về Việt Nam, đương nhiên là cho không. Lai- đặc còn đề nghị đưa quân của Đảng Cộng Sản Malaixia sang giúp Việt Minh đánh Pháp. Sau hơn 3 tháng ở Malaixia, một bữa, tôi ngồi hút thuốc một mình trong trụ sở thì Lai- đặc ghé vào vỗ vai ra hiệu cho tôi đi ra ngoài vườn dạo chơi. Khi chỉ còn hai người, Lai- đặc ôm tôi khóc và nói: “Hòang (tên tôi lúc còn đi học) ơi, mày tha lỗi cho tao nghe. Nhận ra mày ngay từ đầu nhưng phải bí mật để lo đại sự. Mày cần gì cho Nam Bộ kháng chiến, tao sẽ hết lòng và tìm mọi cách đáp ứng, kể cả sức người, tính mạng. Nhưng từ rày khi gặp nhau mày đừng nhìn tao như thế và cũng đừng tìm cách kiểm tra tung tích. Dạo đó tao không về Sài Gòn với mày được là có lý do của tổ chức. Mày chỉ cần biết tao mãi mãi là người Cộng sản chân chính. Nhiệm vụ của tao đang làm là do Quốc tế Cộng Sản giao cho.”
Bác Năm Đông bật lửa, châm thuốc hút, mắt nhìn ra xa, vành mi ngấn lệ, chợt Bác quay sang tôi nói như tâm sự với lớp trẻ: “Đồng chí ạ, cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hòan tòan thắng lợi. Trong sự nghiệp ấy có công lao của biết bao bạn bè quốc tế. Làmsao mà tri ân hết được nhỉ? Những năm Nam Bộ kháng chiến, nhân dân Thái Lan, chính phủ Luổng-pri-đi, Bộ trưởng Ngọai giao Nai Tiên và Bộ trưởng Nội Vụ Nai Thoong In, anh Na, anh Xổm là Uy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Thái Lan, nhà sư Báo An, Việt kiều, những người Cộng sản Mailaixia như Lai- đặc – Phạm Văn Đắc và nhiều đồng chí khác đã giúp chúng ta hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, giúp một cách vô tư vì chính nghĩa. Nhiều lúc, tôi muốn có một lời cảm ơn họ. Đồng chí có thể giúp tôi được không? Cảm ơn trên báo của đồng chí chẳng hạn? Đồng chí biết không, khi trở lại Thái Lan, Lai- đặc bảo tôi mang theo một tiểu đoàn quân. Vì không liên lạc được với Trung Ương để xin chỉ thị, tôi bảo người thì không thiếu. Lai- đặc đề nghị tôi mang về một đại đội, tôi cũng không dám nhận. Cuối cùng, nể Lai- đặc, tôi chỉ nhận có 4 người đưa về nước cùng với đoàn tàu. Trải qua 30 năm chiến đấu trường kì, tưởng không còn ai sống sót. Thế mà vừa rồi tôi được Ban tổ chức Chính phủ chuyển tài liệu nhờ xác minh cho một đồng chí trong bốn người tôi đưa về hồi ấy còn sống ở Rạch Giá, Kiên Giang để họ được hưởng chế độ chính sách. Đó là đồng chí Puồi – Trần Văn Quang, là một trong 4 đồng chí mà Lai- đặc tuyển chọn gửi cho tôi mang về Tổ quốc tham gia đánh thực dân Pháp từ năm 1946. Anh Puồi vừa gửi thư lên cảm ơn tôi và hứa sẽ sắp xếp lên chơi thăm thủ trưởng cũ. Người ta cảm ơn mà tôi thấy mình có lỗi, đồng chí ạ.” Bác Năm Đông đưa thư của đồng chí Puồi – Trần Văn Quang cho tôi xem. Lá thư gửi Tiểu đòan trưởng Năm Đông. Đó là bức thư của những người bạn chiến đấu mừng cho nhau còn sống và mừng cho sự nghiệp đổi mới của Đảng trên đà thắng lợi. Chỉ tiếc là đã quá già yếu nên không đi thăm thú mà tán gẫu chơi với nhau. Một lá thư được viết từ một tâm hồn thanh thản và mừng vui vì được Đảng, Nhà nước, người chỉ huy cũ biết, nhớ công lao của mình để báo đáp lúc tuổi đã xế chiều. Đọc lá thư, lòng tôi tràn đầy xúc động, còn bác Dương Quang Đông thì khóc. Tôi hứa với bác sẽ viết trên báo lời cảm ơn, lời tri ân của bác đối với những người đã giúp bác, giúp Đảng, giúp dân, giúp Cách Mạng Việt Nam. Nếu bài báo này được đăng vào dịp Xuân mới thì lòng tôi cũng thanh thản với hai đồng chí lão thành Cách Mạng và cũng là món quà Xuân mừng nhà Cách Mạng lão thành đầy uy tín ở Nam Bộ, thành phố mang tên Bác Hồ./.
.............................
(*) Bài viết này đã đăng trên báo Quân đội nhân dân số Tết Nhâm Ngọ 2002. Nay, trong buồn đau về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Giàu, xin đăng lại để bày tỏ tình cảm kính trọng và tri ân các bậc tiền bối. Nguồn: nguyentrongtao.org