Văn hóa và đời sống
Hồ Chí Minh và sự nghiệp giáo dục
Bác Hồ thăm trường Sư phạm miền núi Nghệ An. Ảnh tư liệu
Về các trụ cột của giáo dục
Hồ Chí Minh không có một tấm huân chương nào của Việt Nam trên ngực áo, cũng chẳng có bằng cấp gì cả, học hành trên ghế nhà trường thì dang dở, nhưng công trạng cho sự tiến bộ xã hội thì lớn, tri thức thì dày, cao, sâu và rộng. Năm 1938, đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Liên Xô với tên là Lin, hết năm thứ nhất, đã nhận đề tài viết luận án Phó Tiến sĩ sử học, nhưng Hồ Chí Minh xin thôi học để về nước. Ở nước Mỹ có ông Bill Gates đang học Đại học Harvard thì bỏ học để đi kinh doanh, sau đó trở thành tỷ phú giàu nhất nhì thế giới. Còn Hồ Chí Minh bỏ nghiên cứu sinh nhưng không phải để đi kinh doanh mà là để mưu đại sự cho dân tộc và nhân loại với sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội - Giải phóng con người. Nhìn Hồ Chí Minh với tư chất và vị thế là Nhà văn hóa thì tôi thấy trong đó, ông chínhnhà chiến lược giáo dục, bởi vì giáo dục là một trong những lĩnh vực nhạy cốt yếu nhất của văn hóa. Có con người là đã có giáo dục. Giáo dục là của từng con người rồi sau mới là của gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong tập Nhật ký trong tù, ở bài số 100, Hồ Chí Minh nêu lên vai trò rất lớn của giáo dục:
Dạ bán
Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân.
Nghĩa là:
Nửa đêm
Lúc ngủ, mọi người đều có vẻ thuần hậu,
Tỉnh dậy, mới phân biệt rõ người thiện, kẻ ác;
Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu,
Phần lớn đều do giáo dục mà nên.
Nam Trân dịch:
Nửa đêm
Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Cuộc đời của Hồ Chí Minh là cuộc đời tự học là chủ yếu. Năm 1961, tâm sự với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chí Minh nói rằng, tuy năm nay 71 tuổi, nhưng ngày nào ông cũng học. Còn ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, từng có lúc làm phiên dịch tiếng Nga cho Hồ Chí Minh thì kể lại rằng, một lần thấy Hồ Chí Minh mở bao thuốc lá để lấy thuốc hút, rơi ra mẩu giấy trong đó ghi 20 từ tiếng Nga mà Hồ Chí Minh nhẩm học hằng ngày. Thấy lạ, là vì biết rõ Hồ Chí Minh thạo tiếng Nga, giờ lại thấy Hồ Chí Minh học hằng ngày như thế. Hồ Chí Minh nói rằng, lâu rồi ông không dùng tiếng Nga, có thể quên nhiều, do đó phải học hằng ngày; rằng, 20 từ mỗi ngày nếu có rơi rụng thì cũng được 10 từ. Ham học và ý chí vươn lên về tri thức ở Hồ Chí Minh là như thế!
Chính vì vậy, không ai thấy sớm và nhanh nhạy như Hồ Chí Minh, trong lúc bộn bề trăm thứ việc ngay sau giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã nhìn thấy được ba thứ giặc cần tập trung sức lực của cả toàn dân tộc vào để chống: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Dốt là một loại giặc thì chỉ có Hồ Chí Minh mới nhận ra được như thế, chỉ có Hồ Chí Minh mới nói được như thế, bởi vì ông quan niệm rằng, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
Trong dịp đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 9-1949, Hồ Chí Minh đã ghi vào sổ của Trường:
Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ,
Học để phụng sự Đoàn thể,
phụng sự giai cấp và nhân dân,
phụng sự Tổ quốc và nhân loại
Muốn đạt mục đích, thì phải
Cần, kiệm, liêm, chính,
Chí công, vô tư.
Không thấy Hồ Chí Minh nói là học để lấy bằng cấp, chứng chỉ, để chứng minh “phần cứng” cho hồ sơ xét làm cái này cái nọ như bây giờ. Mãi đến năm 1996, Báo cáo Delord của UNESCO về tầm nhìn giáo dục thế kỷ XXI mới nêu được 4 trụ cột - cái điều mà Hồ Chí Minh đã viết như trên đây trong sổ của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương cách đónhững 47 năm: 1) Learning to know (Học để biết), 2) Learning to work (Học để làm việc), 3) Learning to live together (Học để chung sống với nhau), 4) Learning to be (Học để làm người).
Quan điểm giáo dục
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục chủ yếu biểu đạt ở những nội dung sau đây:
Một là, nền giáo dục bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển của đất nước.Tôi rất tâm đắc với những gì Hồ Chí Minh nêu những nội dung phản ánh về mục tiêu giáo dục Việt Nam ngay trong năm học đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu của chính thể mới, Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường và nhấn mạnh rằng, đây là bắt đầu của một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam là gì? Hồ Chí Minh so sánh mục tiêu của nền giáo dục cũ của thực dân - phong kiến với mục tiêu của nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông mong rằng, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ông nêu lên rằng, một nền giáo dục theo mục tiêu phải là nền giáo dục phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Đây là quan niệm của một tư duy giáo dục rất tiên tiến, nghĩa là giáo dục là một quá trình kích thích tư duy, kích thích sự phát triển, làm cho mọi năng lực của con người được bồi đắp, phát lộ và thích ứng với yêu cầu của cuộc sống.
Đã gọi là giáo dục theo mục tiêu thì không phải cứ chạy theo khối lượng kiến thức, mà là ở chỗ trang bị kiến thức gì để đạt chất lượng phục vụ cho mục tiêu. Nhiều lúc Hồ Chí Minh chỉ nêu lên những yêu cầu tưởng chừng như rất đơn giản trong giáo dục, nhưng đó là yêu cầu về mục tiêu, thiết thực và có hiệu quả. Chẳng hạn, trong cuộc vận động xóa nạn mù chữ để diệt giặc dốt ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Hồ Chí Minh chỉ nêu yêu cầu là làm cho mọi người biết đọc, biết viết. Thế thôi. Nhưng đó quả là một cuộc cách mạng thực sự để nâng cao dân trí. Hồ Chí Minh nêu lên yêu cầu rằng, phải dạy cho đồng bào:
1. Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm.
2. Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm.
3. Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp.
4. Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca), để nâng cao lòng yêu nước.
5. Đạo đức của công dân, để thành người công dân đứng đắn.
Một tâm lý thường thấy ở nhiều nhà giáo dục hiện nay ở Việt Nam là muốn trang bị thật nhiều tri thức cho học sinh, thành thử cấu tạo và thời lượng chương trình học tập các môn học rất nặng. Đã gọi là giáo dục phổ thông thì phải dạy cho con người (thường là lớp trẻ) những kiến thức tối thiểu, thông thường, đại chúng mà ai cũng cần để có thể sống, hòa nhập, thích nghi tốt với cộng đồng tại nơi và thời điểm mà họ đang sống. Như vậy, giáo dục phổ thông, nếu tiếp cận theo mục tiêu, thì là sự truyền dạy những kiến thức, những kỹ năng sống cơ bản, sát thực, cần thiết để người được tiếp nhận có thể áp dụng vào cuộc sống, nhằm thích nghi với xã hội. Điều này loại bỏ những kiến thức cao siêu, hàn lâm, không thực tế, nhồi nhét, áp đặt.
Giáo dục theo mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã làm là một nền giáo dục cho học sinh biết cái nào là đúng, cái nào là sai, biết phân biệt được tốt, xấu, có lòng tự trọng, kính yêu cha mẹ, ông bà, yêu anh chị em, những người trong họ hàng thân tộc, những người láng giềng, các bạn bè trong lớp, những người chung quanh, biết chấp hành luật pháp, những quy định đúng đắn của cộng đồng. Yêu nước chính là từ những cái yếu tố đó mà thành. Cuộc vận động về đời sống mới mà có thời kỳ Hồ Chí Minh phát động với cái đích không phải là cao siêu mà chỉ là từ những việc làm nho nhỏ như làm cho mọi người làm tốt 4 phép tính cộng trừ nhân chia, ăn ở sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh cho cá nhân mình và cho cộng đồng, không nói tục, chửi bậy, không mê tín dị đoan, con người với con người có quan hệ đúng mực.
Tri thức là vô cùng tận. Liệu trong một cấp học có trang bị được hết không, liệu trong cả hệ thống các cấp học có trang bị được hết không, ngay cả các hệ chuyên sâu, chuyên biệt? Không thể! Cái điều không thể đó hiện nay nhiều người trong chúng ta chưa thông lắm, vẫn cứ ép, vẫn cứ muốn tải thật nhiều mà họ cho rằng như thế mới đạt được mục tiêu.
Hồ Chí Minh mượn ý của Nho giáo để đưa ra một thông điệp: vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Trồng người, sự nghiệp đó mới chính là mục tiêu mà nền giáo dục mới của nước ta phải đạt tới. Sự học, do đó, không có trang sách cuối cùng, như Hồ Chí Minh đã thực thi: học trên ghế nhà trường, học trong cuộc sống, học cả cuộc đời.
Hai là, giáo dục toàn diện. Hồ Chí Minh quan niệm: con người là một chỉnh thể gồm cả đức và tài, hoặc có một cách diễn đạt khác mà Hồ Chí Minh viết là vừa “hồng” vừa “chuyên”, nghĩa là vừa có phẩm chất vừa có năng lực. Sở dĩ gọi là tổng thể là bởi vì nếu thiếu một trong hai vế đó thì không phải là người theo đúng nghĩa một con người hoàn chỉnh như Hồ Chí Minh quan niệm rằng, nếu thiếu một trong những đức cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ không thành người. Giáo dục, có lúc, có nơi là tác động vào con người, làm cho con người ta về mặt này hay mặt kia, nhưng mặt này hay mặt kia đó, về tổng thể, đều phải tuân theo quan điểm giáo dục toàn diện. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: trong việc giáo dục, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất.
Thực chất, đó là quan điểm làm phát triển con người Việt Nam. Con người Việt Nam (mà có lúc nhiều người gọi là “con người mới”, “con người Việt Nam hiện đại”), tổng hợp lại theo quan điểm của Hồ Chí Minh, phải là con người có những phẩm chất và năng lực sau đây:
- Con người có đạo đức cách mạng, có lý tưởng, có tình yêu đất nước, nhân văn, có quan hệ đúng mực với những người chung quanh, có ý chí vươn lên về mọi mặt trong cuộc sống để luôn luôn trở thành người có ích cho xã hội.
- Con người có những kỹ năng cần thiết để ứng xử thành công với tất cả các mối quan hệ tự nhiên, xã hội.
- Con người có những tri thức nhất định, cần thiết, chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ mà người đó đảm nhiệm trong xã hội; đem những tri thức đó áp dụng vào trong thực tế, lao động sáng tạo, đóng góp phần tích cực làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân.
- Con người phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe để có sức khỏe tốt.
Tổng thể, trùm lên tất cả, con người đó phải là con người có văn hóa. Bốn yếu tố: nhà trường - gia đình - xã hội - tự bản thân mỗi con người Việt Nam phải có trách nhiệm vươn lên để đáp ứng được những yêu cầu đó. Có thể có sự giáo dục chuyên sâu, chuyên biệt về một hay nhiều lĩnh vực nào đó, nhưng con người được giáo dục chỉ được coi là thành công khi con người đó được giáo dục toàn diện văn - đức - thể - mỹ… Đức - Tài trọn vẹn, ấy mới là người được giáo dục thành công.
Ba là, giáo dục thiết thực. Giáo dục thiết thực không phải là theo lối thực dụng. Giáo dục thiết thực cũng là để phục vụ đạt mục tiêu. Giáo dục thiết thực, theo Hồ Chí Minh, là giáo dục cho con người:
- Yêu Tổ quốc, cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc thì phải chống lại.
- Yêu nhân dân.
- Yêu khoa học (tri thức chuyên môn).
- Yêu đạo đức.
Cho nên, Hồ Chí Minh chú trọng tới giáo dục thiết thực để làm cho con người có đức - tài phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đối với các em học sinh khi ở nhà phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần…ở trường thì phải đoàn kết giúp đỡ anh chị em thi đua học tập; phải đoàn kết giữa thàÝy và trò, phải luôn luôn tiến bộ. Rõ ràng là, giáo dục thiết thực ở đây hoàn toàn khác với kiểu giáo dục nhồi nhét tri thức, áp đặt tư duy, uốn bẻ theo khuôn phép hành động.
Bốn là, học đi đôi với hành. Hồ Chí Minh đề cập vấn đề này và chính đó là một vế để đạt mục tiêu giáo dục. Cho đến nay, năng lực, kỹ năng thực hành của học sinh các cấp ở Việt Nam so với những học sinh cùng hạng, cùng cấp ở nhiều nước trên thế giới là yếu. Hành ở đây là hành những điều đã tiếp thu, đã được học, không phải chỉ là lao động sản xuất nói chung, không phải là đi cuốc đất trồng rau trồng sắn sau mỗi buổi học. Đúng là có lúc việc đó cũng là cần thiết khi điều kiện vật chất (cái ăn) cho học sinh, nhất là các trường dân tộc nội trú, còn thiếu.
Trong học đi đôi với hành, phương pháp giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, nhiều người đang phê bình cách dạy và học của Việt Nam rất lạc hậu… Đã từ sớm, Hồ Chí Minh đã áp dụng phương pháp dạy và học tích cực (trong thời gian dạy ở Trường Dục Thanh và các lớp huấn luyện cán bộ, trong đó có các lớp của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Hồ Chí Minh coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947, xuất bản năm 1948), Hồ Chí Minh nêu: lấy tự học làm cốt, có sự thảo luận và chỉ đạo, hướng dẫn giúp vào. Hồ Chí Minh cũng không ít lần nhắc nhở những người làm công tác giáo dục là phải nhận rõ đối tượng, những đặc điểm của đối tượng để giáo dục cho thích hợp; phải giảng giải rõ ràng, dễ hiểu, đừng sáo rỗng; chống học vẹt; phải làm cho học sinh độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng; học tập suốt đời, học lẫn nhau, học mọi lúc, mọi nơi.
Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ thày, cô giáo. Nói đến lĩnh vực giáo dục, trước hết phải nói đến đội ngũ thày, cô giáo. Có thày giỏi thì mới có trò giỏi. Hồ Chí Minh cũng quan niệm như thế. Thày giáo, theo Hồ Chí Minh, là lực lượng tiên phong, là lực lượng xung kích trên mặt trận giáo dục. Quan điểm của Hồ Chí Minh trên mặt này thể hiện ở những vấn đề chủ yếu sau đây:
- Đội ngũ này phải luôn luôn tự giáo dục, rèn luyện, phải yêu nghề, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
- Có kiến thức và phương pháp giáo dục tốt.
- Kiên trì, nhẫn nại, không quản ngại khó khăn, gian khổ.
- Cả xã hội phải quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ thày, cô giáo vừa có phẩm chất, vừa có năng lực để đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, mà theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ đó được tôn vinh, không có tượng đồng, bia đá nào sánh kịp.
Tháng 5 này là dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ tới Nhà giáo dục Hồ Chí Minh trong nỗi lo toan cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, đó là điều trăn trở của mọi người Việt Nam yêu nước, trước hết phải là nỗi niềm, là sự để tâm của tổ chức Đảng cho xứng danh dân trao cho Đảng vai trò cầm quyền để mưu lợi cho Tổ quốc, chứ không vì lợi ích nhóm, không vì cái ghế quyền lực lo cho bản thân mình, nhóm mình, gia đình mình.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511065
264
2359
21439
217938
121356
114511065