Văn hóa và đời sống
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Hành trình về với di sản
Ban Quản lý Di tích Nghệ An có gần 30 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó chỉ có 4 nam, quản lý hơn 2602 di tích và một số lĩnh vực thuộc di sản văn hóa phi vật thể. Người ít, khối lượng công việc lớn, thường xuyên di chuyển về các địa phương để thực hiện nhiệm vụ. Kiểm kê cổ vật được xem là một trong những nhiệm vụ nặng nề, vất vả nhất. Chỉ có đam mê cháy bỏng và lòng yêu nghề tha thiết cùng sự cảm thông sâu sắc của gia đình mới giúp các anh chị bám trụ được với cái nghề mà thoạt nhìn, tưởng như “sung sướng” này.
Dưới cái nắng như đổ lửa vào những ngày đầu hạ, đoàn kiểm kê cổ vật thực hiện nhiệm vụ tại các di tích đã xếp hạng ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Vai mang ba lô, tay cầm máy ảnh, tay ôm cặp tài liệu là hình ảnh thường thấy của các anh chị mỗi khi lên đường, thoạt nhìn khiến người ta liên tưởng đến những anh “Tây ba lô” nhưng những ba lô ấy lại được khoác trên những dáng người nhỏ nhắn, càng khiến người ta thêm khâm phục ý chí và tinh thần làm việc của các anh chị em Ban quản lý Di tích Nghệ An.
Để đến được các di tích, anh chị em di chuyển bằng xe máy, có đoàn may mắn được đi trên những tuyến đường bằng phẳng, có đoàn lại phải trèo đèo, lội suối, qua nhiều chặng đường gian nan.
Cán bộ Ban quản lý Di tích tỉnh trên con đường hành trình kiểm kê và làm lý lịch cho các hiện vật tại di tích
Sau khi làm thủ tục hành chính, cùng với tổ quản lý di tích, mọi người bắt tay ngay vào công việc, người khuân, người vác, người làm vệ sinh dọn dẹp, không khí làm việc khẩn trương từ đầu đến cuối buổi. Điều khiến các bác, các cô, các chú ở địa phương ngạc nhiên là các anh chị xắn tay vào mang vác, khiêng, lau chùi…thoăn thoắt như những người lao động chân tay thực thụ. Tuy nhiệm vụ chính là kiểm kê cổ vật nhưng trong quá trình làm việc, các anh chị còn lồng ghép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như hướng dẫn bài trí, sắp xếp đồ thờ tự, kiểm tra, hướng dẫn công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phòng cháy chữa cháy…. Anh Nguyễn Công Hồng – cán bộ văn hóa xã Hoa Thành kể lại “Tưởng các o chú cán bộ tỉnh về chỉ ngồi chỉ đạo, không nghĩ họ lại tích cực xắn tay áo làm việc cùng mọi người. Đến giờ ăn giục nghỉ tay ăn cơm mà vẫn không chịu, phải hoàn thành công việc mới chịu dừng tay”. Nhờ tinh thần làm việc ấy mà cán bộ địa phương, các bác, các chú trong tổ quản lý di tích từ ngờ vực, sang nể trọng, quý mến. Bác Phan Tất Đức – thành viên tổ quản lý di tích đền thờ Phan Tất Thông cho biết “Tôi rất nể các chị, hai cô người nhỏ nhỏ mà gì cũng làm, còn giúp chúng tôi bài trí lại các ban thờ gọn gàng, sạch sẽ, làm việc đâu ra đó, đến chén nước cũng không kịp uống”.
Trong quá trình tác nghiệp, có nhiều di vật, cổ vật như hương án, long ngai bài vị, ngai thờ…không thể di chuyển để lấy hình ảnh, buộc các anh chị em phải tìm vị trí chụp cho phù hợp. Vậy nên hình ảnh các anh chị lăn lê, bò trườn đã không còn xa lạ. Chị Thùy Vân – cán bộ Ban quản lý Di tích cho biết “Em công tác ở bộ phận hành chính nên đây là lần đầu tiên được tham gia kiểm kê cổ vật. Có làm thì mới biết được các anh chị đã vất vả thế nào. Em được giao nhiệm vụ chụp ảnh, nhiều cái phải chui, bò dưới gầm bàn, phải nghiêng đầu mới lấy được hình ảnh”.
Một buổi tác nghiệp tại di tích của cán bộ Ban quản lý di tích
Lại có một số trường hợp ban đầu không chịu hợp tác, với lý do không dám mạo phạm, nhất là di dời các di vật, cổ vật mang tính “kiêng kỵ” như long ngai bài vị, mũ áo… của các bậc thần linh, tiên tổ. Vậy là các anh chị lại phải làm những tuyên truyền viên, thực hiện công tác dân vận, phân tích cái được, lợi ích khi thực hiện kiểm kê cho tổ quản lý di tích, nhất là với những di tích mang tính chất dòng họ. Khi đã đả thông được tư tưởng cho các cụ, các bác, thì công việc mới được bắt đầu. Chị Lê Anh Tú – Phó Trưởng phòng VHTT huyện Yên Thành tâm sự với vẻ mặt ngạc nhiên “Mình thật sự bất ngờ về khả năng dân vận của các bạn. Lúc đưa các bạn đến di tích, các cụ đang rất căng thẳng và kiên quyết “ba không” (không mở cửa chính, không di chuyển long ngai bài vị, không cởi áo bài vị). Rồi mình có việc phải đi, lúc quay lại thấy cửa đã được mở, long ngai bài vị đang được chụp ảnh và áo của các vị tiên tổ thì đang được phơi ngoài sân. Nhìn gương mặt các cụ thì thấy ai cũng phấn khởi, không có dấu hiệu của sự cau có, khó chịu”.
Chị em phải tự bưng bê, sắp xếp hiện vật
Thế mới thấy, để bám trụ được với nghề, các anh chị không chỉ cần có kiến thức chuyên môn, có sức khỏe mà còn cần các kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng dân vận…. Có lẽ, trong mắt nhiều người, không ai nghĩ làm “o di sản” lại vất vả đến thế. Thành quả mà các anh chị thu hoạch được từ sự đam mê ấy là tình cảm trân quý của các địa phương, các tổ quản lý di tích, là lời hỏi thăm, nhắc tên đầy trìu mến của các bác mỗi khi có người quen về di tích. Đúng như lời các anh chị nói, làm nghề này lãi mỗi tình cảm./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511570
2233
2336
21944
218443
121356
114511570