Đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Kỷ niệm 93 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2023), sáng 10/9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Khu di tích quốc gia Xô viết Nghệ Tĩnh, huyện Hưng Nguyên.
Dự lễ dâng hoa, dâng hương có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ tưởng niệm các Liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Nhà tưởng niệm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tại không gian trưng bày chuyên đề: "Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người". Ảnh: Thành Duy
Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ An, Đoàn đại biểu đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nhà Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Trước anh linh gần 2.000 liệt sĩ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Đoàn đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các liệt sĩ và nguyện hứa một lòng đoàn kết, trung thành tuyện đối với sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu để xây dựng tỉnh Nghệ An ngày một phát triển, xứng danh với truyền thống quê hương Xô viết anh hùng.



Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An về dâng hoa, dâng hương tại Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh (huyện Hưng Nguyên). Ảnh: Thành Duy
Tại thị trấn huyện Hưng Nguyên các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tại khu mộ; Nhà Tưởng niệm, Đài Tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh, bày tỏ lòng thành kính và sự tri ân sâu sắc trước những người con Xô viết, các bậc tiền nhân đã ngã xuống trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thành Duy
Cách đây 93 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh đã anh dũng đứng lên làm cuộc cách mạng "long trời chuyển đất" với đỉnh cao Xô viết anh hùng.
Ngày 01/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, sau đó, nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.
Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã.
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định sức mạnh của quần chúng công - nông, chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam, góp phần rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này. 93 năm đã trôi qua, nhưng giá trị, ý nghĩa to lớn của Xô viết Nghệ - Tĩnh vẫn mãi được ghi nhớ như một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam.