Xứ Nghệ ngày nay
Hương ước góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng ở Tương Dương
Tương Dương là huyện miền núi vùng cao đặc biệt khó khăn với diện tích tự nhiên 281.193 ha; toàn huyệncó 16 xã, 01 thị trấn, 146 khối, làng, bản, trên 18.607 hộ với hơn 76.878 người. Tương Dương cũng là huyện có tới đồng bào của dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộ thiểu số: Thái, Thổ, H’Mông, Khơ mú, Ơ Đu.
Nhận thức sâu sắc về vai trò ý nghĩa của hương ước, quy ước đối với đời sống của người dân nơi cộng đồng, trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Tương Dương được chú trọng. Quá trình soạn thảo và ban hành hương ước quy ước được thực hiện qua nhiều bước để đảm bảo toàn dân cùng tham gia xây dựng. Việc lấy ý kiến người dân được thực hiện bằng nhiều hình thức, hoặc sao gửi bản dự thảo về từng hộ gia đình, hòm thư tiếp nhận ý kiến đóng góp, hoặc lồng ghép, lấy ý kiến góp ý trong cuộc họp khối, bản..., sau đó ban soạn thảo mới hoàn chỉnh.
Các nội dung giáo dục đạo đức lối sống gia đình; gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc được các khối, làng, bản quan tâm, đặt lên hàng đầu trong các quy ước, hương ước của mình.
Giáo dục truyền thống, gìn giữ thuần phong, mỹ tục được xác định là một trong những mục đích quan trọng trong xây dựng hương ước, quy ước ở các làng, bản. Tương Dương là huyện miền núi, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi đồng bào có một nét đặc trưng riêng, người Thái có tục làm vắn, làm vía cho người thân, hát khắp, lăm, nhuôn, cồng chiêng, khắc luống trong ngày hội; người Mông có hát cừ xia để tỏ tình giao duyên… Tất cả những sinh hoạt văn hóa truyền thống ấy đều được các hương ước điều chỉnh với mục đích giúp các bản gìn giữ được nét văn hóa cổ truyền trong cuộc sống đương đại.
Thầy mo thực hiện bài cúng trong lễ đón Tiếng sấm đầu năm của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Ảnh La Trang
Làng, bản là nơi hình thành và gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Các di sản trong các làng, bản của Tương Dương rất phong phú và đa dạng bao gồm di sản văn hóa vật thể vàphi vật thể, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của mỗi làng, bản. Chúng được cộng đồng làng bản bảo vệ nghiêm ngặt, giữ gìn chu đáo. Các bản hương ước quy ước đều rất chú trọng đến việc bảo vệ các di sản văn của làng, bản, như các quy định về bảo vệkhuôn viên đền Vạn Cửa Rào và nghi thức tế, lễ trong lễ hội; các ngành nghề cổ truyền như bốc thuốc nam, thuốc gia truyền, nghề dệt…
Huyện Tương Dương còn có các lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội cầu mùa của đồng bào Thái, Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu... Thông qua hoạt động lễ hội truyền thống nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các làng, bản được duy trì và phát triển như: các nghi lễ cúng tế...; hát khắp, lăm, nhuôn,… cùng các trò chơi dân gian truyền thống như đua thuyền, tung còn, bắn nỏ, kéo co... Các sinh hoạt văn hóa gắn với các lễ hội cũng đều được đưa vào quy định trong các hương ước.
Nội dung các bản hương ước, quy ước xây dựng làng, bản hiện nay đều có những điều, khoản quy định rất cụ thể trong việc gìn giữ nền nếp gia phong của gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản. Những lối sống hướng tới cuộc sống tốt đẹp, hòa thuận, biết ơn tổ tiên, cội nguồn dân tộc, chăm chỉ hăng say lao động, đoàn kết... và cả những giá trị văn hóa mới cũng được hương ước ở nhiều bản đưa vào. Nhưbản làng có truyền thống hiếu học, trong nội dung của quy ước, hương ước bản ấy sẽ đưa vấn đề tạo điều kiện cho trẻ em trong độ tuổi được đến trường, đưa ra quy định về xây dựng quỹ khuyến học của làng, bản để làm phần thưởng khích lệ con em đạt thành tích cao. Hay hương ước bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền đưa nội dung cấm người ngoài bản đến đánh bắt cá, nòng nọc ở đoạn suối qua bản để bảo vệ nguồn thủy sản của bản mình. Xã Tam Hợp, Tam Thái đưa ra nội dung cấm đánh bắt cá mát để bảo tồn giống cá mát và làm điểm ngắm cá cho du khách. Còn những tập tục đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, lối sống được coi là hủ tục như làm lễ tang cho người chết để dài ngày, kết hôn ở tuổi vị thành niên, ép hôn, cưỡng hôn, thách cưới cao, thách cưới bằng bạc nén… dần dần được bài trừ. Như Hương ước của bản Yên Tân, xã Yên Hòa gồm 7 chương, 24 điều, trong đó chương 3 - Nếp sống văn hóa, có 3 điều (điều 9, điều 10 và điều 11) quy định rất cụ thể về việc cưới, việc tang, phòng chống các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Ở Tương Dương, một hộ gia đình thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống nên các bản hương ước chú trọng đến việc giáo dục đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên biết hướng thiện, biết cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; giáo dục thực hiện nề nếp gia phong, dòng họ,có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ, làng bản: con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ, ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội; anh em hòa thuận, gắn bó nhau; đối với xóm làng phải hòa thuận, cư xử đúng mực, đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn như: hỏa hoạn, thủy hoạn, tang gia, ốm đau không có con cái nuôi dưỡng, chăm sóc... Ở mỗi gia đình, mỗi dân tộc lại có những quy tắc riêng về nếp ăn, ở, đi lại, ứng xử, giao tiếp giữa các thành viên. Trong các gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc xây dựng mối quan hệ ứng xử hài hòa, đoàn kết, tương thân tương ái còn có những quy định rất chặt chẽ trong quan hệ hôn nhân, thứ bậc, địa vị. Những gia đình có nền nếp, gia phong, con cháu cư xử đúng mực, sống hòa thuận, hiếu thảo, đoàn kết, tiết nghĩa luôn được cộng đồng tôn trọng và ngược lại những gia đình không có nền nếp, mất đoàn kết sẽ bị cộng đồng chê trách, coi thường.
Bên cạnh việc giáo dục con cháu về thuần phong, mỹ tục của làng, của dân tộc, các bản hương ước quy ước còn lên án, răn đe, nhắc nhở những hành vi vi phạm những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, quy định của làng đặt ra như: việc con cái bất hiếu với cha mẹ; những người lười biếng, không chịu làm ăn, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp hay làm những điều trái với luân thường, đạo lý làm người. Có thể bị nhắc nhở, phê bình trong các cuộc họp làng, bản.
Mặc dù còn những hạn chế như: nhìn nhận công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có lúc, có nơi còn hạn chế; Chất lượng của hương ước, quy ước chưa cao, cá biệt có nơi còn coi việc xây dựng hương ước, quy ước để hoàn thành tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng; Có những hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của địa phương; Nội dung hương ước, quy ước thiếu thiết thực, không cụ thể hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật; Nhưng, có thể khẳng định hương ước, quy ước đã có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cưở Tương Dương.Và từ đó nó đã góp phần làm thay đổi đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người dân; góp phần bảo vệ và phát huy nề nếp gia phong cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511032
231
2359
21406
217905
121356
114511032