Văn hóa và đời sống
Những việc cần làm từ nay đến Đại hội XIII của Đảng
Mỗi lần trước Đại hội Đảng có nhiều việc cần phải làm lắm, nhưng có hai loại việc rất quan trọng, rất cần thiết. Một là, những việc liên quan đến nhiệm kỳ Đại hội XII và văn kiện Đại hội XIII; Hai là, công tác nhân sự. Mỗi loại việc có ý nghĩa riêng. Làm tốt cả hai việc thì Đại hội thành công tốt đẹp. Đó là một điều chắc chắn.
Những việc liên quan đến nhiệm kỳ Đại hội XII và góp ý cho văn kiện Đại hội XIII
Kiểm điểm nhiệm kỳ Đại hội XII. Việc làm này vô cùng quan trọng, vì biết đúng những gì đã qua làm được, làm tốt và chưa được, chưa tốt, khuyết điểm, sai lầm thì mới có biện pháp cho nhiệm kỳ Đại hội XIII. Quan trọng nhất là phải tìm cho ra, cho trúng nguyên nhân ưu điểm và khuyết điểm.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của việc làm này là Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật mà Đại hội VI đã nêu lên, được nhắc lại ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Sự thật ở đây là cả ưu điểm và khuyết điểm.
Về ưu điểm. Phải nhìn cho hết, cho đúng, không tô hồng. Phải rất biện chứng, khách quan. Vừa căn cứ vào chỉ tiêu đề ra vừa phải xuất phát từ thực tiễn của cả nhiệm kỳ. Phải nhìn cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là chất lượng. Chỉ ra đúng nguyên nhân, không dừng lại một cách chung chung. Phải bám nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” để thấy rõ nguyên nhân ưu điểm, đâu là của tập thể, đâu là của cá nhân, đâu là vai trò của quần chúng nhân dân.
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh cũng thế, có nhiều việc phải chỉ rõ do bản lĩnh, trí tuệ, của Người mà thắng lợi. Phạm vi toàn Đảng, từng Đảng bộ các bộ, ban, ngành, tỉnh cũng phải chỉ rõ được điều này. Không thấy tập thể và cá nhân mạnh cái gì thì làm sao mà phát huy được. Ưu điểm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về hạn chế, khuyết điểm, sai lầm. Phải chỉ ra cho hết, cho đúng, cho trúng, không bôi đen. Phải nhìn thẳng, không nhìn nghiêng; phải nói rõ, không nói lấp lửng, mập mờ, vòng vo; phải đánh giá đúng, không đánh giá sai. Phải khách quan, biện chứng, xem xét thật kỹ. Bên cạnh chỉ tiêu về con số, phải rất chú ý đánh giá về những cái không thể cân, đo, đong, đếm nhưng quan trọng hơn con số, như lòng dân, niềm tin. Ví dụ, Đảng ta nói giảm niềm tin của dân, thì nguyên nhân ở đâu? Phải đánh giá toàn diện, không phiến diện. Phải làm rõ khuyết điểm, sai lầm nào thuộc tập thể, cái nào thuộc cá nhân theo nguyên tắc “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”.
Bác Hồ nhiều lần nêu gương tự phê bình, nhận khuyết điểm về mình, tại sao chúng ta lại không? Một thí dụ: ngày 28-1-1946, Người viết trên báo Cứu quốc bài Tự phê bình, trong đó có đoạn: “Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào… Tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.191-192).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lời Tổng Bí thư Đảng ta nói nhiều lần, phải chú trọng tìm nguyên nhân chủ quan sinh ra khuyết điểm, sai lầm. Phải xóa bỏ tư duy cũ kỹ mấy chục năm trước đây khi truy tìm nguyên nhân, cho rằng: “Mất mùa là do thiên tai. Được mùa là do thiên tài Đảng ta!”. Trở lại bài báo của Bác. Người có nói đến nguyên nhân khách quan như vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác. Nhưng Người lại khẳng định nguyên nhân chủ quan là do “lỗi tại tôi”.
Tư duy, cách nhìn của Bác và những lời tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta hiện nay cần phải được quán triệt thật sự sâu sắc trong đại hội Đảng bộ các cấp hiện nay. Không như thế thì những vấn đề còn lại không đem lại mấy hiệu quả, thậm chí bị sai lệch. Bởi vì, sai lầm, khuyết điểm là phản giá trị, nhưng nhận ra sai lầm, nguyên nhân sai lầm, để tìm cách khắc phục, sửa chữa sai lầm lại là giá trị. Không tìm đúng nguyên nhân của bệnh thì không thể chữa khỏi bệnh, dẫn đến bệnh chồng bệnh, lây truyền, di căn thì vô cùng nguy hiểm. Nói như Bác, “không chết cũng la lết quả dưa”.
Muốn tìm đúng khuyết điểm, sai lầm, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, phương pháp và trách nhiệm. Bốn tố chất đó không thể thiếu tố chất nào. Bao trùm và xuyên suốt là mỗi đảng viên trong đại hội Đảng phải luôn luôn suy nghĩ vì quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, tức là nhận rõ trách nhiệm vì nước, vì dân. Lấy cái đó làm nền tảng, lại phải có năng lực trí tuệ phân tích các loại, mức độ khuyết điểm, sai lầm. Rất cần bản lĩnh của người đảng viên cộng sản để nhận ra các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khuyết điểm (nếu có) và phê bình người khác.
Trong đại hội Đảng ở các bộ, ban, ngành, tỉnh mà không làm tốt điều này thì rất khó làm tốt ở Đại hội XIII.
Góp ý cho các văn kiện ở Đại hội XIII. Đại hội XIII có nhiều văn kiện, quan trọng nhất là Báo cáo chính trị. Các văn kiện này đã được chuẩn bị công phu, qua nhiều khâu, nhiều bước, tập hợp được trí tuệ, tâm huyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhiều lớp cán bộ nguyên lãnh đạo cao cấp, đảng viên lão thành, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không nên quan niệm thế là xong xuôi hẳn, còn gì mà góp ý! Kinh nghiệm góp ý cho văn kiện các Đại hội Đảng trước đây, như Đại hội VI, Đại hội VII, Đại hội XII… là bài học vô cùng bổ ích và quý báu.
Theo lời dạy của Lênin, không có cái gì là một “kiểu mẫu hoàn bị” cả, đặc biệt là việc soạn thảo các văn kiện của một đại hội Đảng. Nó luôn luôn được bổ sung từ thực tiễn và trí tuệ của nhân dân, sàng lọc, phát triển dần tới chỗ hoàn chỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh, ban, ngành, bộ đòi hỏi trí tuệ, tâm huyết để góp ý cho các văn kiện trình Đại hội XIII.
Trở lại Đại hội VI, sáu tháng trước khi khai mạc Đại hội, đồng chí Trường Chinh không tán thành Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ nhất và đề nghị dự thảo lần thứ hai. Hai mươi ngày trước khi khai mạc Đại hội VI, tại Hội nghị lần thứ 11 khóa V (Họp từ ngày 17-11 đến ngày 25-11-1986), Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá dự thảo báo cáo chính trị lần này đã được nâng cao về chất lượng, phản ánh được những ý kiến đóng góp của đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, các hội nghị cán bộ, các tầng lớp nhân dân, kết luận của Bộ Chính trị. Nhưng đồng chí vẫn đề nghị viết lại hoặc làm rõ thêm một cách cụ thể một số chỗ, một số ý trong Dự thảo báo cáo.
Cũng như nhiều Đại hội trước đây, khi thảo luận góp ý các văn kiện, chúng ta phải khắc phục tư tưởng vừa chủ quan, nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ. Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn cởi mở và xây dựng, phát huy dân chủ, phải có những đóng góp thích đáng vào việc bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo chính trị sẽ trình Đại hội XIII.
Công tác nhân sự ở Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII
Đây là nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định của một Đại hội. Nhiều bài phát biểu gần đây và trong Hội nghị Trung ương 12, người đứng đầu Đảng ta nói nhiều đến công tác nhân sự Đại hội XIII. Từ trăn trở về vận mệnh của đất nước, muốn có được đội ngũ Ủy viên viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là người đứng đầu xứng tầm với những vị trí được nhân dân và Đảng giáo phó, ông nhấn mạnh không để lọt người có biểu hiện xu nịnh, chạy chọt, giàu nhanh, nhiều đất, không rõ nguồn gốc vào Ban Chấp hành Trung ương. Sự trăn trở của Tổng Bí thư cũng là trăn trở của nhân dân và những cán bộ, đảng viên tốt.
Người đứng đầu Đảng ta không chỉ nêu tiêu chuẩn của những Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, mà cũng nhấn mạnh một số giải pháp để có được những Ủy viên Trung ương có đức, có tài, có bản lĩnh, tận tâm tận lực vì nước vì dân. Đây là những đóng góp rất lớn của Tổng Bí thư, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, tạo nên một bầu không khí mới trước khi tiến hành Đại hội XIII.
Cùng với những giải pháp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư đã nêu và từng bước thực hiện với những kết quả đáng khích lệ, rất cần một cách làm, mà nếu có bản lĩnh làm một cách thật sự, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, đó là “dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.281).
Điều này không mới. Đảng ta - nhất là đồng chí Tổng Bí thư - nhiều lần nói và đã thực hiện. Nhưng xem ra nhiều nơi chưa thật sự hiểu thấu và làm đúng lời Bác dạy. Quy định, tiêu chuẩn, các bước tiến hành có đủ hết. Nhưng khi thực hiện, nhiều nơi vẫn nghiêng về nội bộ, “đóng cửa” trong Đảng, thậm chí - núp dưới hình thức này, khác - làm theo ý muốn, theo chủ quan, bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bác Hồ chỉ rõ dân chúng tinh lắm. Họ hay so sánh. Họ nhiều tai, nhiều mắt, cái gì cũng nghe, cái gì cũng thấy. Họ biết phân biệt thật giả, đúng sai, biết cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm, ai làm việc hay, việc quấy. “Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.336). Dân chúng có thể giúp Đảng giải quyết tốt cả nghị quyết, cán bộ và tổ chức. Bác viết; “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.337-338).
Chỉ riêng việc hiểu thấu và làm đúng những lời Bác dạy, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Để công tác nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII có hiệu quả như mong muốn của Tổng Bí thư, đây là cơ hội vàng chúng ta phải thật sự đẩy mạnh làm theo, làm đúng, làm tốt, có hiệu quả những lời dạy của Bác về dựa vào dân mà xây dựng Đảng, sửa chữa cán bộ.
Làm được như vậy là hợp ý Đảng, lòng dân. Mà như Tổng Bí thư đã nói: “Hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.80). Ông còn nói rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Sđd, tr.116-117).
Từ những lời dạy của Bác và những gợi mở của Tổng Bí thư, từ nay đến Đại hội XIII, cần phải có cách xem xét, rà soát đội ngũ Ủy viên Trung ương. Một trong những biện pháp tốt nhất là phải có cách nghe dân, không phải chỉ là nghe đại cử tri mà phải nghe mọi người, đặc biệt chú trọng những người “không quan trọng” trong ngoặc như cách viết của Bác. Muốn kiểm tra những sai phạm của một Ủy viên Trung ương, một Bộ trưởng, một Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh theo dư luận có đúng hay không thì phải chú trọng kênh nhân dân, những người phục vụ, nấu bếp, dọn vệ sinh, lái xe. Đảng cầm quyền thì phải có cách sàng lọc, so sánh, đối chiếu những ý kiến đó để biết đúng sai thế nào. Khi làm việc đó, phải nhớ lời Bác dạy: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.421).
Muốn cho dân tin thì từ nay đến Đại hội XIII, trước khi bầu những đồng chí mới vào Ban Chấp hành Trung ương, rất cần rà soát đội ngũ Ủy viên Trung ương khóa XII, xem dư luận dân chúng “xì xèo” đúng hay sai. Không làm dứt điểm, làm nhanh, làm tốt được điều này, để dây dưa đến Đại hội XIII, sẽ dẫn đến “thầm thì thậm thụt”, “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm” như nhiều lần Bác chỉ ra, do cách làm không được dân chủ. Như thế rất nguy hiểm. Nếu có điều đó diễn ra thì đừng đổ lỗi cho dân, mà phải xem lại cách làm của chúng ta.
Có những trường hợp Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị đã bị Đảng kỷ luật cảnh cáo mà vẫn để trong Bộ Chính trị thì dân “thậm thà thậm thụt” cũng đúng thôi. Giống như năm trước, có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương làm những việc không tốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, bị kỷ luật cảnh cáo, mà vẫn đăng đàn diễn thuyết sang sảng về học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, thì dân không “nhiều mồm” mới là lạ.
Đã gọi là những việc cần làm thì phải làm ngay. Để có được niềm tin của dân thì phải làm và làm thì phải dựa vào dân và làm thật sự. Bởi vì có dân là có tất cả như Bác Hồ đã dạy và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần khẳng định.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511066
265
2359
21440
217939
121356
114511066