Văn hóa và đời sống

Công tác dân tộc: Chính sách chồng chéo, hiệu quả thấp

Huyện Tương Dương, Nghệ An tổ chức gặp mặt những người uy tín vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn và trao đổi về công tác dân tộc

Công tác dân tộc là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sự thể hiện quan trọng nhất của công tác dân tộc là xây dựng và thực hiện các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang có nhiều bất cập do có quá nhiều chính sách chồng chéo lẫn nhau, tính hiệu quả lại còn thấp.

Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách dân tộc được phân chia thành 13 nhóm chính sách và liên quan đến 16 Bộ, Ngành cấp Trung ương triển khai chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, cả nước có 96 chính sách được thể hiện qua 152 văn bản đang có hiệu lực chỉ đạo thực hiện chung cho các địa phương trong cả nước. Đây cũng là cơ sở nền tảng để các địa phương xây dựng các chính sách riêng tùy vào điều kiện đặc thù của địa phương. Ví như ở Nghệ An hiện nay, chính sách dân tộc còn có hiệu lực trên địa bàn tỉnh có tới 70 văn bản của Trung ương, 12 văn bản của tỉnh liên quan trực tiếp đến 14 sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện. Điều đó cho thấy có cả một khối chính sách dân tộc khổng lồ đang được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

 Nhưng nhìn chung, vùng dân tộc ở miền núi Nghệ An vẫn là một khu vực nghèo đói với tỷ lệ hộ nghèo cao, hàng năm vẫn phải nhận viện trợ từ Trung ương và các khu vực khác trong việc xóa đói giảm nghèo. Dù đời sống người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cao, nhưng sự phát triển vẫn chậm chạp và thiếu bền vững. Bằng chứng là đời sống người dân được cải thiện nhờ vào sự hỗ trợ từ các chính sách hơn là quá trình phát triển mang lại. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhưng lại chưa phát triển được nội lực tại chỗ. Đặc biệt, kinh tế xã hội phát triển vẫn còn chậm trong khi văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số lại bị mai một, mất mát nhanh chóng. Đời sống người dân được nâng cao nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng giãn ra, hình thành những nguy cơ gây xung đột xã hội. Đến năm 2020, nhiều chính sách đi đến giai đoạn cuối, hoặc cũng kết thúc một giai đoạn triển khai thì việc nhìn nhận lại tính hiệu quả của nó là cần thiết.

Thực tế cho thấy có nhiều chính sách đã thực hiện nhưng hiệu quả rất thấp.

Như Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 thiếu hiệu quả vì việc giao đất giao rừng chưa hợp lý và lại liên quan đến nhiều ban ngành khác nhau: từ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Chính sách Xã hội nên quá trình triển khai vẫn bị chậm trễ do trục trặc ở khâu này, khâu kia. Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg (nay được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ) là cơ sở để địa phương ban hành hàng loạt chính sách khác, như:Quyết định số 559/QĐ.UBND.TM ngày 27/02/2008 của UBND tỉnh phê duyệt sơ bộ nội dung 12 dự án định canh, định cư tập trung; Quyết định số 5562/QĐ-UBND-TM ngày 09/12/2008 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục 33 điểm định canh, định cư xen ghép; Quyết định số 3102/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg để thực hiện hỗ trợ các nội dung: Đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng; Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An để thực hiện chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg…  Các chính sách tái định cư dù đã bố trí lại địa điểm sinh sống cho người dân nhưng còn nhiều bất cập, do đó ở nhiều điểm tái định cư người dân bỏ về quê cũ, gây nên những xáo trộn xã hội nhất định. Những người ở lại cũng chưa có được cuộc sống ổn định do bất cập trong việc nhà ở sau nhiều năm bị hư hại, thiếu đất, nước để canh tác… Hay như Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025, được ban hành từ năm 2017 nhưng phải đến cuối năm 2019 mới bắt đầu thực hiện. Nghĩa là gần hết giai đoạn 1 thì mới bắt đầu, chưa kể quá trình xây dựng đề án này thì số liệu vô cùng lộn xộn và sai lệch. Có thể nói ngay từ đầu đã cho thấy đề án thiếu tính hiệu. Ngay cả chương trình 135, một chương trình mang tầm chiến lược quốc gia với nguồn kinh phí rất lớn và được giải ngân tương đối đầy đủ nhất trong số các chương trình, chính sách dành cho đồng bào vùng sâu vùng xa nhưng hiệu quả vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư của nhà nước và sự mong chờ của người dân.

 

Người dân Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện tương Dương, Nghệ An được thụ hưởng nhà văn hóa cộng đồng từ Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020. Ảnh Hồ Hà 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa chính sách và thiếu hiệu quả trong công tác dân tộc hiện nay.

Trước hết là do có quá nhiều chính sách nên chồng chéo lên nhau, làm cho quá trình quản lý và triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Với một hệ thống chính sách dày đặc và chồng chéo như đã kể trên thì việc thực hiện sao cho minh bạch, hợp lý và hiệu quả là một thách thức cho mọi địa phương. Có những vấn đề, nội dung nằm trong diện tác động của nhiều chính sách.

Ví dụ người Ơ Đu ở bản Văng Môn hiện nay chẳng hạn, thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, lại sinh sống ở địa bàn thuộc vùng 30a nên có rất nhiều chính sách đang thực hiện. Từ các chính sách thuộc chương trình 135, chính sách thuộc đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chính sách dành cho nhóm tái định cư, rồi chính sách thuộc đề án bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật trình diễn của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, rồi chính sách xây dựng nông thôn mới. Có nhiều nội dung, nhất là liên quan đến cơ sở vật chất của người Ơ Đu ở Văng Môn được quy định đến trong nhiều chính sách. Mà quy định trong các chính sách này lại khác nhau nhiều nên nhiều khi cán bộ địa phương không biết xem xét và xử lý theo quy định của chính sách nào. Không chỉ chồng chéo về nội dung mà còn chồng chéo về công tác quản lý, thực hiện khi các chính sách khác nhau do các cơ quan chủ quản khác nhau, các chủ đầu tư khác nhau và nhiều bên liên quan khác. Nó làm cho quá trình thực hiện chính sách trở nên phức tạp. Dù các chính sách được ban hành đều đưa ra những hướng dẫn thực hiện nhưng vào thực tiễn vẫn khó, nhất là việc làm sao cho người dân hiểu và thực hiện theo khi mà có quá nhiều chính sách liên quan với nhau. Bên cạnh đó, các chủ trương chính sách này thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau nên qua trình thực hiện nếu không phối hợp ăn ý sẽ bị chậm trễ, kết quả hạn chế.

Ví dụ như việc việc xây dựng và trang bị cơ sở vật chất cho nhà văn hóa cho người Ơ Đu ở Văng Môn liên quan đến cả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội do Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư, vừa liên quan đến Đề án bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn các dân tộc thiểu số Nghệ An do Sở Văn hóaThể thao tỉnh làm chủ đầu tư nên mới có chuyện nhà cửa chưa xây dựng xong nhưng nhiều trang thiết bị đắt tiền đã mua về để vậy. Tức là chưa xây xong nhà đã sắm nội thất....

Nguyên nhân thứ hai là thiếu nguồn kinh phí trầm trọng để chính sách phát triển miền núi hiện nay đi vào cuộc sống. Tức là khi xây dựng chính sách, người ta chưa tính hết tính khả thi, nguồn lực để thực hiện chính sách. Theo số liệu theo dõi của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, trong mấy năm gần đây, chính sách được cấp kinh phí tương đối đầy đủ nhất là Chương trình 135, số còn lại, cao nhất cũng chỉ đạt 12%, có chính sách chỉ cấp được 0,5% nguồn kinh phí so với mức được phê duyệt. Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, các đề án, chính sách được phê duyệt với những nguồn kinh phí lớn nhưng khi thực tế giải ngân thì thiếu kinh phí trầm trọng. Thêm nữa, nhiều khâu quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách bị bỏ qua. Khi thực hiện lại lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chính sách khác nhau vào một đối tượng nên tạo ra tình trạng phức tạp, khó quản lý và dễ bị sai sót. Cũng do thiếu kinh phí nên người ta cũng bỏ qua yếu tố nghiên cứu khoa học trước, trong và sau khi thực hiện chính sách. Hệ quả là chính sách đưa ra không sát thực tế, không có tính khoa học và cũng không được sửa đổi kịp thời để phù hợp với cuộc sống. Đó là chưa kể, hầu hết các chính sách dân tộc do địa phương ban hành gần đây thiênvề việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong khi đó các chính sách phát triển vẫn còn hạn chế.

 

 Cán bộ ngành Văn hóa trao đổi với đồng bào dân tộc Thái ở Quế Phong về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian

Một nguyên nhân nữa làm cho công tác dân tộc chưa đạt hiệu quả cao là nhân tố con người. Con người luôn là nhân tố quan trọng của mọi quá trình phát triển. Phát triển miền núi, xét cho cùng là phát triển con người đang sinh sống ở vùng miền đó. Các chính sách có hiệu quả hay không là phần quan trọng là nhờ vào con người thực hiện và tiếp nhận. Theo ghi nhận, trong mấy năm qua, trình độ đội ngũ cán bộ ở miền núi đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tại chỗ. Họ là người dân địa phương, được đào tạo để về làm việc tại quê nhà sẽ có động lực để cống hiến hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ mà các chính sách phát triển miền núi đề ra thì chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương hiện nay vẫn còn hạn chế. Có nhiều nơi, nhiều cán bộ địa phương chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ, nên chưa thể thuyết phục được người dân cùng đoàn kết thực hiện các chính sách. Hơn nữa, nhiều vấn đề chưa giải quyết được thỏa đáng. Chưa kể còn có những cán bộ vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến xã hội.

Nói tóm lại, công tác dân tộc là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm trong nhiều thập kỷ qua. Hàng loạt chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhưng cũng vì có quá nhiều chính sách chồng chéo nhau, nhiều chính sách thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính khả thi nên nhìn chung hiệu quả của công tác dân tộc vẫn còn hạn chế. Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề này để có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới. Đó cũng là việc cần phải làm trước khi đi vào thực hiện chương trình công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 sắp tới với nguồn kinh phí hơn 271 nghìn tỷ đồng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511896

Hôm nay

2222

Hôm qua

2337

Tuần này

22270

Tháng này

218769

Tháng qua

121356

Tất cả

114511896