Đất Nghệ

Sáng mãi ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh

Sức mạnh công- nông dưới ngọn cờ của Đảng

Ngay sau khi ra đời (3/2/1930), Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát động nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân và nông dân trên toàn quốc. Để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Tỉnh ủy Vinh- Bến Thủy, do đồng chí Lê Mao, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên thường trực Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách, đã quyết định tổ chức cuộc biểu tình lớn. Sáng sớm ngày 1/5/1930, khoảng 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (phủ Hưng Nguyên), An Hậu, Đức Hậu (huyện Nghi Lộc), kéo vào Vinh đòi quyền lợi; nhiều công nhân các nhà máy cũng tham gia. Công sứ Pháp đã lệnh cho lính canh bảo vệ các nhà máy. Tri phủ Hưng Nguyên lệnh

cho lính ngăn cản đoàn biểu tình, nhưng binh lính đã không bắn, đoàn người cứ tiến. “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền” (1). Khi đoàn biều tình kéo đến Bến Thủy thì bị đàn áp dã man, khiến 6 người chết và 18 người bị thương.

Cũng trong sáng 1/5/1930, tại huyện Thanh Chương, khoảng 3.000 người các làng La Mạc, Hạnh lâm, Đức Nhuận, tập trung tại Hạnh Lâm, đòi ruộng đất do tên chủ đồn điền Ký Viễn chiếm đoạt. Ký Viễn bỏ chạy, nhưng 2 ngày sau, Công sứ Pháp và Tổng đốc An Tĩnh cho lính đến đàn áp, khoảng 1.500 nông dân, bất chấp dụ dỗ và đe dọa khép chặt vòng vây. Chúng phải lệnh cho lính xả súng vào đoàn biểu tình để tháo chạy, khiến 18 người chết và 17 người bị thương.

Ngày 10/5/1930, khoảng 500 công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy mít tinh, đưa yêu sách đòi quyền lợi. Chủ nhà máy gọi cảnh sát đàn áp. Công nhân kéo về làng Yên Dũng mít tinh rồi tuyên bố bãi công. Sau đó, nhiều nhà máy ở Vinh- Bến Thủy cũng bãi công, mít tinh đòi quyền lợi.

Ngày 27/6/1930 Công hội Vinh đã tổ chức cho 1.000 công nhân các nhà máy, phu xe cùng đình công đòi chủ thực hiện các yêu sách.

Trong tháng 6/1930 liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình: Tại Thanh Chương, ngày 1/6, khoảng 3.000 người tham gia. Tại Anh Sơn, ngày 2/6, hơn 200 người tham gia; ngày 11/6 có 500 người tham gia. Tại Nghi Lộc, ngày 2/6 có 500 người tham gia. Tại Nam Đàn, ngày 18/6 có 600 người tham gia. Tại Quỳnh Lưu, ngày 20/6 khoảng 600 người tham gia.

Tỉnh Đảng bộ tiếp tục phát động đấu tranh với quy mô lớn hơn. Tại Nam Đàn, ngày 30/8/1930 khoảng 3000 người biểu tình, kéo về huyện lỵ, buộc Tri huyện phải ký vào yêu sách của nhân dân.

Tại Thanh Chương, ngày 1/9/1930, khoảng 20.000 người biểu tình mang theo 200 lá cờ đỏ búa liềm,  và nhiều khẩu hiệu, bất chấp lính nổ súng gây thương vong, vẫn tập hợp thành đội hình đấu tranh, kéo về huyện đường, khiến Tri huyện, nha lại và lính bỏ chạy lên đồn Thanh Quả.

Tại Can Lộc, ngày 1/8/1930, gần 500 người biểu tình kéo về huyện lỵ Nghèn. Trước uy thế của quần chúng, Tri huyện Can Lộc phải nhận bản yêu sách và hứa sau 10 ngày sẽ giải quyết, nhưng không thực hiện. Sáng ngày 7/9/1930, hơn 2.000 người lại rầm rộ kéo về huyện đường. Tri huyện cùng nha lại và lính tráng hốt hoảng chạy trốn theo cổng sau. Nhân dân làm chủ chính quyền. Những ngày tiếp theo, hàng nghìn nông dân ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Ðức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình  kéo lên huyện lỵ đấu tranh thắng lợi.

Ngày 22/12/1930, hơn 1.500 nông dân của hai tổng Lai Thạch và Lai Khê vừa kéo đến Ngã Ba Nghèn để tập hợp lực lượng với các tổng vùng dưới huyện, liền bị đàn áp. Chúng xả súng vào đoàn biểu tình, khiến 42 người chết, 100 người bị thương. (2).

Cuộc biểu tình lịch sử 12-9-1930

Tại phủ Hưng Nguyên, Tỉnh ủy chỉ đạo Lê Xuân Đào, Bí thư chi bộ Trúc – Lam - Giang họp liên Chi bộ để bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lớn kéo về Phủ lị để trao yêu sách cho Tri phủ Hưng Nguyên. Ba đảng viên được giao chỉ huy cuộc biểu tình: Nguyễn Ngọc Ngoạn - Tổng chỉ huy, Bùi Ngọc Quyến- Phó tổng chỉ huy, Nguyễn Thị Phia - Tuyên truyền cổ động.

Theo kế hoạch, 3 giờ sáng ngày 12/9/1930, từng đoàn người mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, đi theo người cầm cờ đỏ búa liềm, rầm rập tiến về đình Xuân Hòa. Nhân dân các làng Long Xuyên, Xuân Trạch, Mai Sơn, Đông Châu thuộc tổng Phù Long (3) ở phía nam sông Lam đã dùng đò vượt sông đêm 11/9 để đến địa điểm tập kết đúng giờ. Đoàn biểu tình hàng ngũ chỉnh tề, rầm rộ kéo xuống ga Yên Xuân, cắt đường dây điện thoại, ra tín hiệu cho đoàn tàu Bắc- Nam đỗ lại. Đoàn biểu tình kêu gọi khách trên tàu tham gia cuộc mít tinh cùng đoàn biểu tình. Đồng chí Nguyễn Thị Phia đứng trên mô đất cao để diễn thuyết, vạch tội ác của thực dân Pháp và Chính quyền bù nhìn Nam triều, hô hào nhân dân đứng lên theo Cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Toàn thể đồng bào dự mít tinh nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi. Nhiều bó truyền đơn được tung lên các toa tàu. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy. Một đội lính kéo đến, bắn súng chỉ thiên hăm dọa, đoàn biểu tình vẫn hàng ngũ chỉnh tề, hùng dũng tiến về phía trước. Trên đường về phủ lị, đoàn dừng lại diễn thuyết tại các làng: Phù Xá, Thông Lãng, Hoàng Cần,…Số người tham gia càng lúc càng đông, đến 8.000 người. Khoảng 10 giờ sáng, khi đoàn biểu tình vừa qua cầu Hôn, trên đường quốc lộ 49 (nay là QL46) thuộc xã Thái Lão (nay thuộc thị trấn Hưng Nguyên) thì “Hai chiếc máy bay từ Vinh lên. Mấy quả bom lần lượt ném xuống, máu chảy đỏ cả một quảng đường dài. Nhưng đoàn biểu tình vẫn hăm hở tiến. Thấy thế, giặc không dám ném bom nữa. Một lúc sau, mấy chiếc xe chở hàng trăm lính lê dương và khố xanh từ Vinh lên, xả súng bắn vào đoàn biểu tình. Trước sau 174 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Chiều hôm ấy dân chúng tổng Thông Lãng và xã Thái Lão ra nhặt xác những người hi sinh đem về chôn thì máy bay đế quốc lại tới ném bom một lần nữa, thêm 43 người thiệt mạng...” (4).

Mộ các liệt sĩ phong trào XVNT 1930-1931 tại Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên)

Nhiều địa phương ở Nghệ Tĩnh đã bất chấp súng đạn quân thù, tổ chức các cuộc biểu tình chống khủng bố và truy điệu liệt sỹ hy sinh ở Thái Lão. Ngay trong đêm 12/9 có 2 cuộc mít tinh: ở Nam Đàn có 5.000 người tham gia; ở Thanh Chương, 2 tổng Bích Hào và Võ Liệt có 4000 người tham gia. Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức lễ mính tinh và truy điệu liệt sỹ hy sinh ở Thái Lão, tại làng Lộc Đa (nay thuộc thành phố Vinh) và tại chợ Cồn (Thanh Chương) có hàng chục ngàn người tham gia. Những người hi sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 mà thân nhân còn nhận dạng được thì đem về quê mai táng. Số đông còn lại nằm trong mộ tập thể tại dăm Nhà Hôn, xã Thái Lão. Nơi đây được Nhà nước xây dựng thành Nghĩa trang Liệt sĩ Thái Lão 12/9/1930. Năm 1956, tinh Nghệ An xây dựng thành Khu di tích Đài Liệt sĩ Thái Lão 12/9/1930.

Ngày 9/12/1961, khi về thăm quê lần 2, Bác Hồ đã đến đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm các Liệt sĩ. Năm 1988, Đài Liệt sĩ Thái Lão được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Năm 1990, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh quyết định chọn ngày 12/9/1930 là Ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đài Liệt sĩ Thái Lão được nâng cấp thành Đài tưởng niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt; Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh" gồm xây dựng khu mộ và đền thờ, quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh và tượng đài, các hạng mục hạ tầng và phụ trợ có liên quan. (Đến năm 2020, dự án đã xây dựng xong các hạng mục: khu mộ liệt sỹ, đền thờ, tường rào, còn các hạng mục khác đang tiếp tục xây dựng).

Chính quyền Xô Viết

Xứ ủy Trung kỳ đã lãnh đạo nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sử dụng nhiều hình thức, cả đấu tranh chính trị lẫn kinh tế; cả vận động, tuyên truyền và bạo lực cách mạng, để lật đổ chính quyền cũ. Từ tháng 9/1930, bộ máy chính quyền thực dân – phong kiến từ huyện đến làng xã nhiều nơi bị tê liệt, tan rã. Các ban chấp hành Nông hội đỏ (Thôn bộ nông, Xã bộ nông) đã đứng ra điều hành công việc. Chính quyền Xô Viết (5) được hành lập ở hầu khắp các làng xã ở thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Can Lộc , Nghi Xuân, Thạch Hà ,  Đức Thọ ,  Hương Khê, Hương Sơn, và nhiều làng ở Anh Sơn, Đô Lương, Con Cuông,...

Do tương quan lực lượng giữa ta và địch, hình thức hoạt động chính quyền Xô Viết có khác nhau. Ở các xã bộ máy cai trị hoàn toàn tan rã, quần chúng tập trung tại đình làng, buộc hào lý phải mang triện bạ nộp cho Ban chấp hành Nông hội đỏ. Sau khi thanh toán xong các khoản công quỹ, sổ sách đều đem thiêu huỷ. Ban chấp hành Nông hội điều hành mọi công việc như một cấp chính quyền cơ sở, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Ở những nơi bộ máy hào lý vẫn còn, nhưng chịu phục tùng mọi điều kiện của tổ chức cách mạng thỉ không tịch thu triện bạ. Thực chất ở đây, Nông hội đỏ vẫn tự giải quyết mọi công việc. Cũng có nơi Nông hội đỏ buộc bộ máy hào lý phải thực hiện mọi yêu cầu của quần chúng. Ở những nơi phong trào còn yếu, bộ

máy hào lý vẫn nắm quyền hành, đảng viên và cán bộ Nông hội bí mật liên lạc với những người chức sắc có cảm tình với cách mạng, đưa họ vào Thôn bộ nông và giải quyết một số vấn đề cấp thiết cho nhân dân.

Chính quyến Xô Viết đã xoá bỏ mọi luật lệ của chế độ thực dân- - phong kiến, đem lại tự do dân chủ cho nhân dân. Lấy ruộng đất công chia cho dân cày nghèo. “Vay lúa nhà giàu” để cứu đói, bài trừ hủ tục, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, bói toán, mê tín dị đoan; tổ chức học chữ Quốc ngữ; thành lập đội Xích vệ (tự vệ đỏ) để bảo vệ thành quả cách mạng, vũ khí chủ yếu là gậy gộc, dáo mác.

Hoảng sợ trước cao trào cách mạng, chính quyền thực dân - phong kiến đã dùng chính sách dã man và thâm độc “khủng bố trắng” Nghệ Tĩnh. Chúng bố trí những viên quan chống cộng sản khét tiếng, tăng cường đồn bốt, binh lính và tay sai để cũng cố bộ máy cai trị; ra sức bắt bớ, chém giết tàn bạo. Riêng ở tỉnh Nghệ An, đến đầu năm 1932 đã có gần 1.500 người bị giết, 6.681 người bị bắt giam. Đến tháng cuối tháng 3/1931 hầu hết chính quyền Xô Viết không đã thể tồn tại.

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) diễn ra chỉ 7-8 tháng, thời cơ giành chính quyền cả nước chưa đến, nên đã bị đán áp. “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô- Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam; Phong trào đó tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (6). Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Phân bộ độc lập, vào tháng 4/1931.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng, tri ân các bậc tiền bối, phấn đấu hết mình để xây dựng quê hương,

 

 

Tài liệu tham khảo 
1/Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập 1 (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia,1998
2/ Lịch sử Đảng bộ Hưng Nguyên, tập 1 (1930-1945), Ban thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên, 2000.Chú thích:
1/ Văn kiện Đảng (1930-1935): Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng TW xuất bản, Hà Nội, 1977, t 1, tr 51.
2/ Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã dựng Đài tưởng niệm tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh1930-1931 ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc và tấm bia ghi tên các liệt sĩ hi sinh.
3/ Từ năm 1946 các làng này thuộc xã Nam Cường huyện Nam Đàn.
4 /Hoàng Trung Thông- Xô Viết Nghệ Tĩnh, XB 1950, tr44-47.
5/ Từ “Xô Viết” lần đầu tiên xuất hiện trong bức thư của TW Đảng gửi Xứ ủy Trung Kỳ tháng 9/1930.
6/ Hồ Chí Minh: toàn tập, Xb lần 2, Nxb Chính trị Quốc gia,

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511628

Hôm nay

2291

Hôm qua

2336

Tuần này

22002

Tháng này

218501

Tháng qua

121356

Tất cả

114511628