Đất Nghệ
Xôviết Nghệ Tĩnh và một số vấn đề về chính quyền cách mạng Việt Nam
Xôviết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên ở Việt Nam. Nó là một kết quả của cao trào cách mạng 1930-1931do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (từ tháng 10-1930,Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Và, do đó, rất có lý để cho rằng, Xôviết Nghệ Tĩnh chính là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 trên phạm vi cả nước. Chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng Xôviết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lớn đối với tiến trình lịch sử của Đảng. Ngắn, nhưng nó có giá trị khảo nghiệm cả về lý luận lẫn thực tiễn để sau này ra đời loại hình chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 90 năm đã đi qua, chúng ta càng thấy thấm thía hơn giá trị vô cùng quý báu của chính quyền Xôviết.
Xôviết Nghệ Tĩnh - chính quyền cách mạng của công nông
Xôviết Nghệ Tĩnh là loại hình chính quyền vô sản có mặt vào loại sớm trên thế giới. Trước Xôviết Nghệ Tĩnh, chính quyền vô sản sớm nhất trên thế giới là Công xã Pari năm 1871 (tiếng Pháp: Commune de Paris), rồi sau đó có chính quyền Xôviết Nga từ năm 1917 (sau này là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết, người Việt Nam gọi tắt là Liên Xô), ngoài ra còn có chính quyền cách mạng của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ từ năm 1921...
Trong cao trào cách mạng 1930-1931, một cao trào cách mạng nổ ra ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chủ yếu do các tổ chức Đảng địa phương lãnh đạo, hầu như cả nước Việt Nam đều có các cuộc đấu tranh trực diện của nông dân và công nhân đối với sự thống trị của phong kiến tay sai và bọn thực dân Pháp xâm lược. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có phong trào mạnh mẽ nhất với hàng loạt các cuộc biểu tình kéo về các huyện lỵ, tỉnh lỵ đưa yêu sách với thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai.
Nghệ An tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tháng 9/2020. Ảnh Trang Đoan
Đặc biệt, ở một số làng, xã ở hai tỉnh này, trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, nhất là sau đợt biểu tình của nông dân và công nhân các huyện ngày 12-9-1930 kéo về tỉnh lỵ Vinh của Nghệ An, chính quyền phong kiến tay sai của thực dân Pháp đã bị tê liệt[1]. Vì vậy, lực lượng cách mạng đã chiếm trụ sở chính quyền phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng và thiết lập chế độ chính trị mới tại các làng, xã ở các huyện thuộc tỉnh Nghệ An: Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Yên Thành, vùng Bến Thủy, nhiều xã ven tỉnh lỵ Vinh… và thuộc tỉnh Hà Tĩnh: Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà…
Đây là chính quyền cách mạng chỉ có ở cấp làng, xã. Nhiều người, kể cả nhiều tổ chức Đảng và nhiều nhà hoạt động cách mạng gọi chính quyền này là các làng “đỏ”, hoặc “chính quyền Xôviết”.
Tên “Xôviết Nghệ Tĩnh” có từ bao giờ?
Chính quyền cách mạng, tức chính quyền Xôviết được gọi theo phiên âm tiếng Nga Совет, nhưng đồng thời đó cũng là cách gọi theo tính chất của mô hình chính quyền Xôviết ở Liên Xô. Về mặt văn bản mà nói thì có lẽ tên chính quyền “Xôviết” lần đầu xuất hiện là theo cách gọi của Nguyễn Ái Quốc ngay trong năm 1930, chỉ sau sự kiện ngày 12-9-1930 có 17 ngày. Trong bản Báo cáo ngày 29-9-1930 nhan đề Phong trào cách mạng ở Đông Dương, với bút danh VICTO, Nguyễn Ái Quốc viết: “Theo tư liệu chúng tôi hiện có…họ tổ chức ra Xôviết nông thôn, hoặc cơ quan gần như Xôviết nông thôn”[2]. Trong Chỉ thị của Trung ương Đảng gửi Chấp ủy (Xứ ủy) Trung Kỳ trước khi mở Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930, cũng có viết những cụm từ Xôviết.
Chúng tôi căn cứ vào tài liệu đề ngày 9-8-1938, tức là sau 8 năm Xôviết Nghệ Tĩnh kết thúc, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương viết, nhan đề Kỷ niệm về năm bạo động ở Nghệ An để hiểu rõ những hoạt động của chính quyền Xôviết Nghệ Tĩnh. Tại Mục IVcó tên làCác làng “đỏ” ở Nghệ An làm những gì?, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương viết:
Các làng “đỏ” ở Nghệ An đã:
1) Lập chính quyền dân chủ, rộng rãi của dân chúng theo hình thức Xôviết[3];
2) Cho dân chúng các quyền tự do, dân chủ (tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do đi lại);
3) Tịch ký tài sản của bọn phản cách mạng chia cho dân nghèo;
4) Hủy bỏ các thứ thuế chợ, đò, hủy bỏ các thứ nợ nô lệ;
5) Lập tòa án quần chúng xử bọn phản cách mạng;
6) Cho nam nữ được bình quyền;
7) Lập đội võ trang tự vệ;
8) Cứu tế những kẻ bị nạn, bị tàn sát;
9) Đuổi bọn phản động ra khỏi làng;
10) Lập trường học chính trị, v.v…[4].
Trong tài liệu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết tiếp: “Trong khoảng hai, ba tháng, những làng “đỏ” ở Nghệ An sinh hoạt dưới chế độ dân chủ của dân chúng, các cơ quan hành chánh của Chính phủ Pháp ở các hạt ấy đều vô dụng. Các làng “đỏ” tuy không sống lâu, không lan rộng khắp toàn xứ, nhưng nó tiêu biểu chí hướng của nhân dân Đông Dương. Tính chất cuộc bạo động ấy là cuộc vận động chống đế quốc, chống tàn tích phong kiến, đòi dân tộc giải phóng, đòi thực hiện nền chính thể dân chủ rộng rãi, là bước đường tiến bộ của nhân dân Đông Dương muốn có một tổ chức để tự do bình đẳng liên hiệp trong một gia đình nhân loại toàn đấu”[5].
Loại hình chính quyền cách mạng, mà ở đây cụ thể là chính quyền Xôviết ở một số làng quê hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, xuất hiện không phải là tự nhiên/ngẫu nhiên mà là kết quả phản ánh quá trình tư duy/nhận thức của bản thân Nguyễn Ái Quốc và của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam -Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bản thân Hồ Chí Minh đã khảo sát, khảo nghiệm nhiều cuộc cách mạng trên thế giới. Hồ Chí Minh lại còn được học tập, nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như kinh nghiệm hoạt động của các đảng cộng sản của Quốc tế III, nhất là trong thời gian Người ở Liên Xô những năm 1923-1924; 1927; 1934-1938, cho nên có thể Người đã nhận thức về một chế độ chính trị mới của cách mạng vô sản, nhất là về hình thức/thể loại chính quyền nhà nước.
Về mặt văn bản để lại, chúng tôi thấy những quan điểm của Hồ Chí Minh về mặt này được phản ánh một cách sớm nhất qua tác phẩm Đường kách mệnh. Đây là cuốn sách tập hợp những bài giảng của Người cho các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1925 đến năm 1927 được Bị áp bức dân tộc liên hiệp hội tuyên truyềnbộấn hành năm 1927 tại Trung Quốc. Cuốn sách này cho người đọc biết rằng, Hồ Chí Minh (lúc này mang tên là Lý Thụy và nhiều tên khác) đã khảo nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, đó là Cách mạng Pháp (cuộc cách mạng tư sản, diễn ra ba lần trong các năm: 1789, 1848, 1870); Cách mạng Mỹ năm 1776 (thực ra là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách chiếm đóng của thực dân Anh, cuộc cách mạng này trong khuôn khổ của cách mạng tư sản); Cách mạng Nga (tức là Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917).
Khi khảo sát Cách mạng Pháp và Cách mạng Mỹ, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[6]. Do đó, “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi, thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”[7]. Còn đối với cuộc Cách mạng Nga, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải là tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[8].
Như vậy là, các cuộc cách mạng tư sản đã phá bỏ nhà nước phong kiến, thiết lập một nhà nước mới, nhưng nhà nước mới này vẫn giống như nhà nước cũ ở chỗ quyền lực nằm trong tay số ít là giai cấp tư sản, chứ không phải nằm trong tay số đông là công nhân, nông dân và những người lao động khác. Chỉ đến khi thắng lợi của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, tức là cuộc cách mạng nằm trong khuôn khổ cách mạng vô sản, thì quyền lực mới thực sự trong tay “dân chúng số nhiều” chứ không phải “trong tay một bọn ít người”.
Tư duy này của Hồ Chí Minh rất có giá trị về các kiểu nhà nước trên thế giới. Vẫn theo dòng tư duy quyền lực của chính quyền phải nằm trong tay “dân chúng số nhiều” chứ không phải “trong tay một bọn ít người”, đến Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Namđầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ trong xã hội mới khi cách mạng thành công trên các phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế, trong đó nêu nhiệm vụ: “a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; c) Dựng ra Chính phủ công nông binh; d) Tổ chức ra quân đội công nông”[9]. Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh viết về nhiệm vụ số 3 của Đảng là “Thành lập chính phủ công nông binh”[10]. Nhiều văn kiện khác của Đảng cũng phản ánh nội dung này. Chẳng hạn: trong bản Tuyên truyền đại cương Ngày Quốc tế Đỏ 1-8 (năm 1930), Đảng đã nêu khẩu hiệu đấu tranh, trong đó có khẩu hiệu “Lập chánh phủ công nông!”[11]. Trong bản Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Dự án để thảo luận trong Đảng) tại Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 10-1930, ghi “nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền”, trong đó có nhiệm vụ “b) Lập chính phủ công nông”[12]. Trong Truyền đơn giải thích việc đổi tên Đảng, sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930, có ghi: “Làm cho các dân tộc được tự do phát triển để dựng nên chính quyền Xôviết của công nông!”[13]. Trong tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương do mật thám Pháp thu giữ ngày 9-3-1931, nhan đề Định nghĩa những từ thường dùng, có nêu mục đích của Đảng: “Thiết lập nền độc lập của toàn Đông Dương, thành lập Chính phủ Xôviết công nông binh”[14].
Chính phủ công nông binh, cụm từ này như trong các văn kiện của Đảng đã nêu, tức là hình thức của chính quyền theo kiểu của Nhà nước Xôviết (Đã được Việt hóa theo âm tiếng Nga). Do vậy, có thể nói rằng, hình mẫu Nhà nước Xôviết là sự lựa chọn đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về kiểu nhà nước cách mạng ở Việt Nam và đồng thời là sự phát triển (hoặc cụ thể hóa) tư duy của Hồ Chí Minh về xác định quyền lực cho số đông trong cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.
Trong thực tế, trước khi có kiểu chính quyền Xôviết (công nông binh) ở nước Nga từ thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 thì đã có kiểu nhà nước Công xã Pari. Công xã Pari là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, diễn ra từ ngày 18-3-1871 đến tháng 5-1871, khi mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản Pháp nổi lên một cách gay gắt. Trong khi đó, chính phủ của giai cấp tư sản Pháp lúc này đã đầu hàng sự xâm lược của quân Đức, buộc phải cắt hai tỉnh Andátxơ và Loren cho Đức, bồi thường cho Đức 5 tỷ franc, sau đó quân Đức đã tiến sát thủ đô Pari. Công nhân và nhân dân lao động Pari đã tổ chức vũ trang bảo vệ Pari, nhưng chính phủ Pháp lại đang tâm tước vũ khí của họ. Cuộc nổi dậy của công nhân và nhân dân Pari đã bùng lên với khí thế xung thiên lật đổ chính quyền tư sản, lập nên chính quyền mới của mình - Công xã Pari[15], tồn tại trong 72 ngày. C.Mác đã tổng kết Công xã Pari phản ánh trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh, tháng 6-1871, nghĩa là chỉ sau một tháng Công xã Pari thất bại. Công xã Pari thường được gọi là “Pari công nhân”, tức là chính quyền của giai cấp vô sản Pháp. Chính quyền cách mạng này được lập ra khi chưa có Đảng Cộng sản Pháp, khi chưa liên hiệp được với giai cấp nông dân Pháp. Về sau này, V.I.Lênin đã nghiên cứu học thuyết về nhà nước cách mạng qua Công xã Pari mà C.Mác đã tổng kết để, có thể, từ đó lập nên loại hình chính quyền Xôviết ở nước Nga khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi (sau này là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết).
Cao trào cách mạng 1930-1931 bị thực dân Pháp và phong kiến tay sai đàn áp khốc liệt và cùng với điều đó là Xôviết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Thất bại của Xôviết Nghệ Tĩnh cũng là sự minh định một điều rằng, loại hình chính quyền Xôviết không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam, một nước thuộc địa và phong kiến[16]. Trong xã hội thuộc địa và phong kiến đó, không chỉ là công nông mà còn cả địa chủ vừa và nhỏ (trừ đại địa chủ), tư sản dân tộc (trừ tư sản mại bản) và học trò, nhà buôn nhỏ, trí thức (tiểu tư sản), đều có tinh thần yêu nước, có thể đoàn kết với công nông (là gốc) đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Họ đều có “mẫu số chung”, có cùng một yêu cầu xã hội là giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của ngoại bang. Do vậy, họ có chung một mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc.
Hình mẫu chính quyền Xôviết kiểu như của Liên Xô chỉ nặng về lực lượng công nông mà chưa bao quát được một thực tế rằng, ngoài lực lượng công nông là gốc ra, còn có cả những lực lượng khác của toàn dân Việt Nam yêu nước, bất kể thuộc giai tầng nào. Đó là chưa kể Lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo phong trào một cách tả khuynh, cô độc, hẹp hòi, bị tác động không mấy tích cực từ Nghị quyết tả khuynh của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (10-1928). Ngày 20-5-1931, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi Chỉ thị/Thư cho Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng do Xứ ủy Trung Kỳ khởi xướng trong cao trào cách mạng 1930-1931. Trong Chỉ thị/Thư của Trung ương Đảng, có đoạn viết: “Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng”[17]. Sự phê bình của Trung ương Đảng như thế là rất trúng và rất cần thiết, tuy rằng sự phê bình đó được viết bằng những lời lẽ rất nặng, dễ có thể gây sốc (“mơ hồ”, “võ đoán”, “quàng xiên chí tướng”).
Một số vấn đề về chính quyền cách mạng sau Xôviết Nghệ Tĩnh
Với những gì diễn ra sau cao trào cách mạng 1930-1931 thì loại hình chính quyền Xôviết đã bị thực tế lịch sử vượt qua. Cao trào cách mạng này không thành công. Nó không thành công là vì không những bị thực dân và phong kiến tay sai đàn áp, khủng bố trắng tàn bạo, khốc liệt; không những vì Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An còn mắc phải một số khuyết điểm, hạn chế trong chỉ đạo, mà còn là vì và chủ yếu là vì loại hình/kiểu chính quyền chỉ độc có công nông thôi thì không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam khi tất cả các giai tầng khác đều có tinh thần yêu nước với mức độ và cách thể hiện khác nhau, khi họ đều có một khát vọng chung là đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng một xã hội mới, tốt đẹp.
Một bước tiến trong tư duy của Đảng Cộng sản Đông Dương về vấn đề chính quyền cách mạng đã được ghi dấu trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng các ngày 6, 7 và 8-11-1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Đây là Hội nghị Trung ương Đảng chính thức mở đầu cho việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam khi Thế chiến II nổ ra từ trước đó hơn 2 tháng (1-9-1939). Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và hoàn cảnh ở Đông Dương, Hội nghị đã quyết định tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Nghị quyết của Hội nghị, có viết: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”[18]. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương “để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”[19].
Đáng chú ý là tại Hội nghị này, Trung ương Đảng xác định rằng: “Cuộc cách mệnh giải phóng các dân tộc của Mặt trận phản đế là một kiểu của cách mệnh tư sản dân quyền. Song đứng trong tình thế khác ít nhiều với tình thế 1930-1931, chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới”[20]. Cho nên, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 chủ trương: không “đưa khẩu hiệu lập Chính phủ “Xôviết công nông binh”… mà đưa khẩu hiệu “Chính phủ Liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương”[21]và cho rằng, Chính phủ này “là hình thức chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc, một bộ phận của giai cấp tư sản còn có thể đi chung với dân chúng trong một giai đoạn”[22].
Đây là bước tiến tư duy khá lớn. Lớn, đúng thế, nhưng, điều lưu ý là việc xác định tính chất/hình thức chính quyền cách mạng của Hội nghị này vẫn còn mang cái vế “Liên bang Đông Dương”. Do vậy, tư duy này chưa thật thể hiện được quan điểm về quyền dân tộc tự quyết khi ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tuy cùng sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cùng chịu trong đơn vị hải ngoại “Liên bang Đông Dương thuộc Pháp - Indochine francaise”nhưng từ lâu đã là một dân tộc - quốc gia riêng, độc lập; và do như vậy, khi cách mạng thành công, mỗi dân tộc - quốc gia đều phải lập chính quyền riêng, chứ không thể giữ cái khung liên bang do Pháp lập ra. Đồng thời, mặc dù nêu chủ trương sẽ lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ, nhưng Hội nghị Trung ương Đảng vẫn còn cho rằng: “Đảng Cộng sản luôn luôn coi chính quyền Xôviết là hình thức chính phủ rộng rãi, dân chủ hơn hết và triệt để của dân chúng”[23]. Hình thức Xôviết, lúc này đã bị thực tế lịch sử vượt qua rồi, vì tính chất của nó thường bị bó hẹp trong hai giai cấp là công - nông, chứ không phải chính phủ “rộng rãi, dân chủ hơn hết và triệt để của dân chúng”. Điều này chứng tỏ rằng, lúc này, tư duy cũ vẫn còn một chút neo giữ trong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Chỉ khi đến Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 tại Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) do Hồ Chí Minh (đồng chí Vương), đại diện cho Quốc tế Cộng sản, chủ trì thì vấn đề chính quyền cách mạng mới được giải quyết rõ ràng và đúng đắn, triệt để hơn. Hội nghị đề ra chủ trương tiếp tục giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, gác lại vấn đề cách mạng ruộng đất: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[24]. Cùng với những quyết định quan trọng khác, như lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh), chú trọng vấn đề võ trang bạo động trong đấu tranh giành chính quyền, Hội nghị đã chủ trương quán triệt quan điểm về quyền dân tộc tự quyết của V.I.Lênin: mỗi dân tộc - quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia) đều phải có mặt trận cứu quốc riêng, và chính thể/chính quyền được lập nên sau thắng lợi của cách mạng phải là riêng mỗi nước, không còn tư duy lập Chính phủ Liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương nữa.
Trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941, có đoạn viết: “Sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật, sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”[25].
Chính thể “nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ” ấy được diễn đạt thêm một cách rõ hơn trong Chương trình Việt Minh, một văn kiện kèm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941. Trong Chương trình Việt Minh, Trung ương Đảng nêu rõ: Việt Minh “chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở… Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”[26]để thi hành những nhiệm vụ cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, ngoại giao… Chính đây là một bước tiến nữa về tư duy chính quyền cách mạng, mà lần này, tư duy phản ánh rõ nhất ở hai điểm: (1) Chính quyền là của toàn dân chúng, trừ bọn tay sai, phản động, chứ không chỉ riêng của công nông; (2) Chính quyền này chỉ là của riêng Việt Nam chứ không phải toàn Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (từ năm 1976, đổi tên thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tính chất của Nhà nước này là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy quyền lực, quyền lợi của nhân dân làm giá trị tối cao, làm điểm quy chiếu mọi tư duy và hành động của những người trong bộ máy của chính thể đó. Điều này được phản ánh trong tất cả các bản Hiến pháp - bộ luật cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Về mặt lý luận mà nói thì nhà nước xuất hiện là do trong xã hội có các giai cấp và đấu tranh giai cấp. Sở dĩ nó được xuất hiện là do yêu cầu của đấu tranh giai cấp, là do kết quả của đấu tranh giai cấp đối kháng quyết liệt. Cho nên, ban đầu, nhà nước chính là đại diện cho ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, tức là giai cấp giành được phần thắng trong cuộc đấu tranh giai cấp đó. Khái niệm nhà nước đã được rất nhiều người đề cập. Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần luật pháp (tiếng Pháp: De l’esprit des lois) và Jean-Jacques Rousseau trong tác phẩm Khế ước xã hội (tiếng Pháp: Du Contrat Social) bàn khá sâu về nhà nước. Từ thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen dựa vào tài liệu của Moócgan để nghiên cứu về nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. C.Mác cũng đã nghiên cứu vấn đề nhà nước cách mạng qua tổng kết Công xã Pari năm 1871 với một thái độ đúng đắn: ông cho rằng cuộc đấu tranh xung thiên của giai cấp vô sản Pháp là chưa có đủ điều kiện, lẽ ra nó không nên nổ ra. Nhưng, khi nó nổ ra rồi thì C.Mác không thể đứng ngoài, mà phải ủng hộ, cổ vũ nó[27]. Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, nhà nước chính là bộ máy dùng để giữ vững sự thống trị của một giai cấp này đối với một giai cấp khác. Còn J.Xtalin thì cho rằng, nhà nước là một bộ máy dùng để đè bẹp sự phản kháng của những kẻ thù giai cấp. Có lẽ quan niệm của J.Xtalin nặng về nghĩa nhà nước là một tổ chức cai trị, trấn áp hơn là xây dựng.
Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước đóng vai trò quản lý, cùng với Đảng cầm quyền đóng vai trò đồng kiến tạo. Đó là quyền lực kép trong trách nhiệm kiến tạo. Đồng thời, đây làNhà nước phục vụ. Trong xã hội của thế giới hiện đại, nhiều người thường dùng cụm từ Nhà nước dịch vụ công. Tôi cho rằng, hàm nghĩa của hai chữ phục vụ rộng hơn, lớn hơn ba chữ dịch vụ công. Nhà nước phục vụ hoàn toàn phù hợp với xã hội hiện đại, khi vấn đề bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân được coi trọng hơn. Sự thật thì nhà nước Việt Nam hiện nay là một tổ chức chính trị thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại, quản trị việc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, tổ chức cộng đồng các dân tộc, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân; công cụ chủ yếu của nhà nước là quân đội và công an.
Nhà nước Việt Nam hiện nay đang chịu nhiều chế định của hoàn cảnh biến động phong phú, nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và trong nước. Sự vận hành, hoạt động cụ thể của Nhà nước Việt Nam hiện nay, và cả trong tương lai nữa, sẽ có thể đổi thay để tương thích. Nhưng, đổi thay gì thì đổi thay, biến đổi gì thì biến đổi, thì đó chỉ là những cái cụ thể, tiểu tiết, còn bản chất không có gì thay đổi - đó là một nhà nước theo chính thể dân chủ cộng hòa đúng theo những gì mà Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định, được khảo nghiệm, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đầu năm 1930, từ cao trào cách mạng 1930-1931 với chính quyền Xôviết Nghệ Tĩnh, trải qua các Hội nghị Trung ương Đảng, cuối cùng chốt lại bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941. Từ điểm khởi đầu Xôviết Nghệ Tĩnh đến Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của chính thể Cộng hòa dân chủ ngày nay là cả một quá trình nhận thức không ngưng nghỉ, nó được thấm đượm qua bao máu xương của những người Việt Nam yêu nước.
Kết luận
(1) Nhận thức là một quá trình từ chưa đầy đủ đến hoàn chỉnh. Vấn đề chính quyền nhà nước trong cách mạng Việt Nam cũng không nằm ngoài tình hình đó. Tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề nhà nước cách mạng lúc đầu theo hình mẫu “công nông binh”, tức là theo kiểu chính quyền Xôviết. Từ thực tế cách mạng Việt Nam, Đảng đã có sự phát triển tư duy, tiến lên xây dựng một chính quyền nhà nước dân chủ cộng hòa.
(2) Chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là sự tiếp nối của nền dân chủ cộng hòa được Đảng xác định trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của công cuộc đấu tranh giành chính quyền. Nhà nước hiện nay với tính chất của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là thực thể phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam.
(3) Kiểu chính quyền Xôviết Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (khoảng từ 2 đến 3 tháng) và chỉ trong phạm vi hẹp ở một số làng xã, nhưng chính đó là một thực tế quý báu để Đảng mài sắc thêm tư duy về vấn đề rất cơ bản của cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Chính vì vậy, Xôviết Nghệ Tĩnh không chỉ có ý nghĩa to lớn về tinh thần cách mạng quật khởi của nhân dân do Đảng khơi dậy, mà còn có ý nghĩa làm điểm tựa cho tư duy cách mạng nói chung và cho bước tiến về nhận thức, hành động độc lập, tự chủ, sáng tạo. Năm 2020, trong hành trang Việt Nam kỷ niệm 90 năm Xôviết Nghệ Tĩnh có cả những giá trị đó.
[1] Sau này, ngày 12-9 hằng năm được lấy làm Ngày Kỷ niệm Xôviết Nghệ Tĩnh.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.79.
[3] Bài này của Trung ương Đảng viết tháng 8-1938 là thời gian đang nằm trong phạm vi tính chất đấu tranh dân chủ ở Đông Dương cũng như phong trào đấu tranh dân chủ trên thế giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), cho nên trong bài có viết là: “chính quyền dân chủ, rộng rãi của dân chúng”. Kỳ thực, chính quyền Xôviết là hình thức chính quyền công nông, chứ không phải là chính quyền mang tính chất rộng rãi của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.408-409.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.408-409.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.296.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.292.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.304.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.2.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.16.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.53.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.94-95.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.214.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.3, tr.73.
[15] Trong thế kỷ XX, trên thế giới cũng đã có một số nơi lập chính quyền theo hình thức Công xã (ở Quảng Châu, Trung Quốc, ở Hunggari…).
[16] Thuật ngữ thuộc địa và phong kiến là thuật ngữ Hồ Chí Minh nêu trong các bài viết ký tên Đ.X. đăng ở Chuyên mục Thường thức chính trị của báoCứu quốc, từ ngày 16-1-1953 đến ngày 23-9-1953. Nxb Sự thật tập hợp in thành sách Thường thức chính trị, xuất bản năm 1954. Tác phẩm Thường thức chính trị mới nhất được in trong sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8. Thuật ngữ thuộc địa và phong kiến được in ở tr.254 và tr.260.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.3, tr.157.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.536.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.537.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.538.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.539.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.539.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.539.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.114.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.149-150.
[27] Có một số nhà nghiên cứu Việt Nam về cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh cũng cho rằng, thái độ của Hồ Chí Minh đối với cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh cũng giống như thái độ của C.Mác đối với Công xã Pari.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511621
2284
2336
21995
218494
121356
114511621