Ống kính văn hoá

Tuyên truyền lưu động bằng tiếng dân tộc - một cách làm hay của huyện Tương Dương

Trong hoạt động đưa thông tin về cơ sở, thời gian qua, huyện Tương Dương đã sử dụng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, trong đó, hình thức tuyên truyền lưu động bằng tiếng dân tộc đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Những năm gần đây công tác tuyên tuyên truyền bằng tiếng dân tộc luôn được huyện Tương Dương quan tâm và đã mang lại hiệu quả rất  lớn.

Là huyện rẻo cao của tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình bị chia cắt thành nhiều vùng, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ. Người dân sinh sống nơi đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Khơ mú, Ơ đu, Tày Poọng, Hmông. Nhiều người dân không biết đọc, biết viết, thậm chí không biết nói tiếng phổ thông, đặc biệt là người lớn tuổi. Để giúp đồng bào hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương, thời gian qua, huyện Tương Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động bằng tiếng dân tộc. Cách làm này đang mang lại hiệu quả rõ rệt. đồng bào tiếp nhận thông tin nhanh và chính xác hơn.

Công tác tuyên truyền lưu động được triên khai sâu rộng từ huyện đến cơ sở.

Rõ nhất là trong tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau khi phát hiện 3 ca dương tính đầu tiên ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh vào trung tuần tháng 7/ 2021, bên cạnh việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như lập chốt phong tỏa bản Chăm Puông theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, test nhanh, truy vết F1, F2, huyện Tương Dương còn chú trọng đến công tác tuyên truyền lưu động bằng tiếng địa phương để người dân tiếp thu chủ trương nhanh và chính xác hơn. Nhờ vậy mà người dân nắm bắt được thông tin kịp thời hơn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ bà Lữ Thị Xi (DT Khơ mú), ở tại bản Chăm Puông cho biết: “Lúc trẻ chủ yếu ở trên nương rẫy, lớn tuổi thì suốt ngày chỉ quanh quẩn trong bản, ít giao tiếp với bên ngoài nên tôi không thành thạo tiếng phổ thông, chữ lại không biết nên rất khó tiếp nhận thông tin. Nhờ cán bộ đi tuyên truyền bằng tiếng của dân tộc Khơ mú, tôi hiểu được sự nguy hiểm của dịch Covid -19, biết được cách phòng, chống dịch”.

Ngoài đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã thành lập đội tuyên truyền lưu động nhiều năm nay. Ngoài hệ thống loa phóng thanh, các tuyên truyền viên ở cơ sở còn sử dụng xe máy để đi tuyên truyền khắp các bản trong xã.

Ông Kha Trung Tiến, ở bản Piêng Mựt, xã biên giới Mai Sơn chia sẻ: “Thông tin về dịch bệnh cũng có nhiều trên báo, đài, tivi… Nhưng mỗi khi nghe tiếng loa tuyên truyền lưu động về phòng, chống Covid của huyện, xã, bản là tôi như bị thôi thúc và cảm thấy rằng mình phải chủ động, trách nhiệm hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Các thông tin được tuyên truyền sát với thực tế tại địa phương, bằng cả 2 thứ tiếng, tiếng phổ thông và tiếng bản địa. Do vậy, chúng tôi tiếp nhận thông tin nhanh, kịp thời và chính xác hơn”

Ngoài tuyên truyền phòng, chống Covid -19, trong thời gian qua, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tương Dương còn tăng cường tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; phòng, chống Ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình; chống di dịch cư tư do, tảo hôn; tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình … bằng tiếng Hmông, Thái và Khơ mú. “Mới đây, huyện và xã cũng vào đây tuyên truyền phòng, chống mua bán người bằng tiếng Khơ mú tại nhà văn hóa cộng đồng, tôi cũng đi dự. Được nghe cán bộ tuyên truyền bằng tiếng của đồng bào mình, tôi không những hiểu được nội dung mà còn cảm nhận được sự gần gũi giữa cán bộ và người dân, tôi vui lắm” - cụ Lữ Thị Xi cho hay.

Ông Lô Thanh Long, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tương Dương khẳng định: “Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền lưu động, ngành VHTT huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thực sự là cầu nối vững chắc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với bà con ở vùng sâu, vùng xa; tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động của Nhân dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc được thực hiện thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh để Nhân dân có các biện pháp chủ động ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Nhờ vậy, Tương Dương là một trong những huyện có số ca dương tính với Covid - 19 ít nhất cả tỉnh”.

Rõ ràng, tuyên truyền lưu động ở vùng dân tộc thiểu số bằng tiếng của đồng bào là một cách làm hay, đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thông tin lưu động là đưa kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin thiết yếu về với nhân dân ở cơ sở.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503704

Hôm nay

2107

Hôm qua

2319

Tuần này

21174

Tháng này

221097

Tháng qua

120308

Tất cả

114503704