Đất Nghệ
Ngày xuân nói chuyện uống rượu cần của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ
Rượu cần không chỉ là một thức uống quen thuộc mà còn là một phong tục không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An từ bao đời nay.
Rượu cần (Tiếng Thái gọi là lầu xạ) là tên gọi loại rượu ủ trong chum, không qua chưng cất, khi uống phải dùng cần làm bằng thân cây trúc hoặc dây mây đục thông lỗ để hút rượu. Đây là thức uống không thể thiếu trong đời sống người Thái, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.
Người Thái ở các bản làng vùng miền núi Nghệ An làm rượu cần bằng các loại nguyên liệu như men, tinh bột (gạo, ngô, sắn…ngon nhất là nếp) và vỏ trấu. Vì vậy, rượu cần còn có tên gọi là rượu trấu. Rượu cần được dùng phổ biến trong nhiều trường hợp như đãi khách đến nhà, các việc vui, buồn của các gia đình, những dịp tạ ơn, chịu phạt vạ, cúng vía, lễ hội sấm ra, lễ Xăng Khan, sinh hoạt luật tục, họp họ… Tóm lại, mỗi khi có sự gặp gỡ từ 2 đến 3 người là có thể sử dụng rượu cần.
Rượu cần không những là phương tiện để giao tiếp một cách kính trọng, tế nhị, hồ hởi giữa người với người trong cộng đồng người Thái mà còn là sự thể hiện ý niệm, tấm lòng đối với thế giới tâm linh, là phương tiện để người sống giao tiếp với tổ tiên, với thần linh.
Khi ở trong nhà, rượu cần thường được đặt ở gian tiếp nối gian thờ gia tiên, còn ở không gian khác thì thường được đặt ở nơi trung tâm. Khi có công việc cần mở rượu cần, chủ nhà hoặc chủ của buổi lễ sẽ làm lễ cúng rượu. Người được chọn làm thủ tục cúng thường là người già, có uy tín trong bản. Nội dung cúng thường là mời thần thổ địa, thành hoàng, tổ tiên đến để trình báo sự việc mở rượu, sau đó mời họ uống rượu để phù hộ cho mọi người, tiếp đến mời hồn vía khách uống trước rồi mới mời khách và mọi người lần lượt uống theo.
Lễ cúng rượu trước khi mời khách của ông Lô Văn Hiệp ở xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp. Ảnh LM
Lúc uống rượu cần, phải có thứ tự nhất định, thông thường phân theo cấp bậc trong gia tộc và xã hội, các bậc ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị…bao giờ cũng được mời trước. Nếu có khách thì khách được mời trước, cũng theo thứ tự từ người cao tuổi nhất, điều khác biệt so với các dân tộc khác là phụ nữ cũng được tham gia như đàn ông. Ở vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, người Thái quan niệm rằng, khi chưa mở thì chum rượu là của chủ nhà, khi cắm cần rồi thì chum rượu là của mọi người, nghĩa là khách và chủ đều có quyền bình đẳng, không phân biệt già trẻ, trai gái hay quan lại. Bởi vậy, người Thái có câu tục ngữ: “Pắt vúa quán tò chơ ki lầu; Nhằn con cầu pò tạo chơ pày tắt phuốm” (tạm dịch là: “Phạt vua quan chỉ khi uống rượu; Đè đầu phìa, tạo khi cắt tóc”). Để đảm bảo công bằng, người Thái có những quy định riêng, có thể gọi đó là “luật”.
“Luật” uống rượu cần là những quy định thống nhất về số người uống, thời gian uống, mức uống, mức phạt, được giao cho người làm “cham” điều hành. “Cham” là người rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề trong cuộc rượu. “Cham” phải biết được khả năng uống của từng người để điều hành cho phù hợp, nếu quá nguyên tắc thì cuộc vui có khi lại không trọn vẹn. Ngoài ra, “cham” còn phải “tinh ý”, phát hiện được người nào uống thật, người nào uống giả mà xử lý. Nếu “cham” không điều hành được hoặc điều hành không đúng sẽ bị phạt. Người Thái có câu “Cham lâu câu phóng” nghĩa là “cham” sai phạt uống 9 phong rượu.
Về số lượng người uống, lượt đầu tiên và lượt kết thúc thường uống chung (ki hum), có bao nhiêu cần thì bấy nhiêu người uống. Các lượt còn lại thì có thể chia đôi số cần, uống 2 người, uống 4 người, uống thăm theo nhu cầu.
Về thời gian uống, đây là nội dung phức tạp nhất. Có 2 công cụ đo thời gian, đó là phong và gáo hoặc chén múc nước. Phong rượu cần của người Thái là chiếc sừng trâu được gọt cắt cho mỏng dùng để đựng nước. Ở phía dưới đáy phong có dùi một lỗ nhỏ cho nước chảy. Khi múc nước, “cham” lấy ngón tay bịt lỗ. Khi đo thời gian uống, “cham” thả ngón tay cho nước chảy. Thời gian nước chảy và đong nước chính là thời gian người uống được phép uống. Cách đo thời gian là lấy gáo múc và đổ nước từ từ vào phong, kể cả phong đã đầy thì cũng phải đổ đúng 5 lần.
Các kiểu đo thời gian uống cho một đợt có thể kể như sau: đong đầy; đong đầy + thả cạn; đong đầy + thả cạn + đong đầy; thả cạn... Thời gian uống bắt đầu tính từ khi những người uống đồng thanh hô “Ki lâu cham mơi” (nghĩa là bắt đầu uống rượu). Sau tiếng hô, “cham” bắt đầu thực hiện việc múc hoặc thả nước để tính thời gian. Khi hết thời gian uống, cham hô “Cham nhom” nghĩa là dừng lại, kết thúc thời gian uống.
Về số lượng uống của một đợt, có thể thống nhất 2 phong, 4 phong…thường là số chẵn... Nếu uống ít, không đủ số lượng quy định thì sẽ bị phạt, người uống không những phải uống hết mức khoán ban đầu mà phải uống thêm cả phần phạt.
Hiện nay, tục uống rượu cần không còn bó hẹp trong không gian của người Thái mà “văn hóa rượu cần” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ. Khi đến với đồng bào các dân tộc ở khu vực này, chắc hẳn, ai cũng một lần được thưởng thức những phong rượu cần thơm nồng, được tay trong tay múa hát quanh chum rượu cần, tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa người với người, thậm chí là những người xa lạ với nhau.
Cũng bởi ý nghĩa ấy mà “văn hóa rượu cần” không những không mất đi mà ngày càng phát triển, lan rộng, thậm chí nó còn lan tỏa đến cả cộng đồng người Kinh ở miền xuôi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cuộc vui rượu cần bị biến tướng, trở thành những cuộc sát phạt, đặc biệt là trong giới trẻ, gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình văn hóa này cũng cần phải có sự định hướng của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, gắn với vai trò của già làng, trưởng bản, để “văn hóa rượu cần” không chỉ được phát huy đúng mà còn góp phần bồi đắp thêm truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào và tạo cơ sở cho việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng./.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511019
218
2359
21393
217892
121356
114511019