Tin tức

Đặc sắc chương trình Thơ - Nhạc Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Chương trình do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức vào chiều ngày 15/9 tại nhà thờ họ Hồ, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hươngnhân dịp tỉnh Nghệ An đón nhận Nghị quyết của tổ chức UNESCO vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới.

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thu Hường - UV Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Võ Thị Minh Sinh - UV Ban Thường vụ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; ông Hồ Mậu Thanh - Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An; ông Hồ Ngọc Sỹ - Chủ tịch họ Hồ tỉnh Nghệ An; ông Lê Xuân Kiên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu; ông Nguyễn Văn Thưởng - UV ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu; ông Hồ Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Đôi; ông Hồ Bảo Thông - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi; đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện Quỳnh Lưu; hơn 60 nhà thơ, văn nghệ sỹ Nghệ An có tác phẩm viết v HXuân Hương, học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu cùng đông đảo con cháu họ Hồ và Nhân dân xã Quỳnh Đôi.

Hơn 200 học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu tham dự chương trình. Ảnh: Trang Đoan

Trước khi chương trình Thơ - Nhạc bắt đầu, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi, đại diện dòng họ Hồ cùng các đại biểu đã tiến hành dâng hương tại nhà thờ họ Hồ và tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Ông Hồ Mậu Thanh - Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Trang Đoan

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hồ Mậu Thanh - Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh khẳng định: “Trong lịch sử thơ ca dân tộc, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương chiếm một vị trí đặc biệt. Trong bối cảnh xã hội phong kiến ngột ngạt, tư tưởng Nho giáo chi phối nặng nề, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói phê phán mãnh liệt chế độ phụ quyền và những hủ tục lạc hậu; khẳng định quyền sống, quyền bình đẳng, đề cao giá trị và vai trò của người phụ nữ; đề cao khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ. Về nghệ thuật, Hồ Xuân Hương đã dân tộc hóa cao độ thể thơ Đường luật, đưa cuộc sống trần tục và cái đời thường vào một thể thơ đài các, quý phái. Thơ Hồ Xuân Hương cũng có nhiều sáng tạo và thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày và đưa ca dao, thành ngữ, tục ngữ vào thơ… Việc tổ chức chương trình Thơ - Nhạc “Bà Chúa thơ Nôm” là một việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa, góp phần tôn vinh những giá trị của thơ Hồ Xuân Hương ngay trên quê hương bà”.

NSUT Ngọc Hà diễn ngâm tác phẩm của Hồ Xuân Hương. Ảnh: Ngọc Mai

Ca sỹ Hải Yến thể hiện ca khúc “Nhớ thương ví giặm”. Ảnh: Ngọc Mai

Chương trình Thơ - Nhạc “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem với những tiết mục đặc sắc. Bên cạnh diễn ngâm các sáng tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương như  Thương ôi phận gái, Tự tình 2 (hay còn có tiêu đề Canh khuya - một trong chùm 3 bài Tự tình nằm trong phần thơ truyền tụng của nữ sĩ),… chương trình còn mang đến những vần thơ, ca khúc viết về Hồ Xuân Hương, về làng Quỳnh, về mảnh đất xứ Nghệ với những con người tài hoa, cá tính và nặng tình nặng nghĩa. Đó là tác phẩm “Lỗi nhịp nhân gian” của nhà thơ Vân Anh với những cảm nhận, đồng thời là bức phác họa về chân dung “tâm hồn” nữ sĩ Hồ Xuân Hương; là “Quỳnh Đôi quê mẹ” của nhà thơ Trần Thu Hà với niềm kiêu hãnh ngầm định của một người con có bà mẹ là người làng Quỳnh, và có lời nhắn gửi với nữ sỹ Xuân Hương về “con đường thơ” mà họ đã cùng chọn; là Thơ Hồ Xuân Hương” của nhà thơ Thạch Quỳ với những câu thơ - câu hỏi“Dân gian đã hóa thơ bà/Hay hồn thi sỹ chính là dân gian?” để khẳng định về tầm vóc, sức sống của thơ và con người nữ sĩ, cũng là một cách để bày tỏ lòng ngưỡng vọng Bà Chúa thơ Nôm của tác giả; là “Vọng cùng Hồ nữ sĩ” củanhà thơ Tùng Bách mà ẩn sau những câu chữ đầy hóm hỉnh, người nghe tìm thấy nhiều nhắn gửi của bản thân nhà thơ, và cũng là nét vẽ về nữ sĩ Hồ Xuân Hương; là “Với nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ - người đồng hương với nữ sĩ “Cùng chung một huyện với bà/Quỳnh Đôi, Quỳnh Hải cách ba quãng đồng”; là bài thơ "Tạ" bày tỏ sự tiếc nuối của nhà thơ Lê Quốc Hán với nữ sĩ “Em chưa về được Quỳnh Đôi/Để xin cùng chị khóc đời hồng nhan”; là “Hồ Xuân Hương” - bài thơ của nhà thơ Hồ Phi Phục, một nhà thơ họ Hồ thế hệ hậu sinh Bà Chúa thơ Nôm với những câu thơ đúc kết về tâm hồn, tầm vóc, nhân cách và khí phách Xuân Hương: “Bà là cô, là chị, là chúa thơ Nôm/Một dân tộc sáng ngời lịch sử”…

CLB Ca trù Diễn Châu biểu diễn tại chương trình. Ảnh: Ngọc Mai

Đặc biệt, người xem còn được thưởng thức các tiết mục Ca trù độc đáo đến từ CLB Ca trù Diễn Châu.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571226

Hôm nay

272

Hôm qua

2308

Tuần này

2975

Tháng này

229750

Tháng qua

129483

Tất cả

114571226