Liên hoan Âm nhạc ASEAN - 2022 là hoạt động định kỳ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thực hiện “Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” ban hành theo Quyết định số 4418/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; là cơ sở tạo sự ổn định và phát triển bền vững trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn đến năm 2030 đối với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc.
Liên hoan cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ, diễn viên của Việt Nam tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các quốc gia khu vực ASEAN trong quá trình sáng tạo; giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Việt Nam tới bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

Đại diện Ban Tổ chức tặng hoa cho Ban Giám khảo.
Liên hoan hướng tới chào mừng Kỷ niệm 55 năm ngày ASEAN, là dịp để các nghệ sỹ, diễn viên và những người làm công tác tham mưu quản lý văn hóa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu những tinh hoa âm nhạc truyền thống trong cộng đồng các nước ASEAN, góp phần làm phong phú hoạt động trong khuôn khổ Bế mạc Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2002, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Nam.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 14 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 10 đơn vị nghệ thuật trong nước và 04 đơn vị nghệ thuật nước ngoài. Mỗi đơn vị tham gia Liên hoan 01 chương trình nghệ thuật tổng hợp có thời lượng từ 40 phút đến 45 phút, gồm các loại hình: thanh nhạc và khí nhạc (được phép sử dụng múa phụ họa) với các phong cách, thể loại âm nhạc khác nhau hoặc kết hợp (truyền thống và đương đại).
Chương trình tham gia Liên hoan của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An có chủ đề “Thanh âm miền Ví, Giặm” chương trình gồm 2 phần: 1. Cội nguồn (gồm các tác phẩm: Ru về nguồn cội, Hát đợi anh về, Khúc biệt ly, Âm vang miền sơn cước) và 2. Khát vọng (gồm các tác phẩm: Chòng chềnh dòng Lam, Hồi tưởng, Khèn hát người thương, Mê Kông dòng sông hòa bình). Các tác phẩm trong chương trình sử dụng chất liệu âm nhạc Ví, Giặm và dân ca các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An để giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Nghệ An tới bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ban Tổ chức sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng cho tiết mục gắn với tên đơn vị, cá nhân diễn viên, nhóm diễn viên biểu diễn và 01 giải xuất sắc (nếu có) dành cho thành phần sáng tạo của chương trình gồm: Dàn nhạc; Chỉ huy dàn nhạc; Nhạc sĩ phối khí; Diễn viên hát chính; Nhạc công chính.

Chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật nước CHDCND Lào.
Sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) và Đoàn Nghệ thuật nước CHDCND Lào. Liên hoan sẽ tiếp diễn cho đến ngày 24/12/2022.