Đền Bạch Mã là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất của xứ Nghệ. Lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương) được tổ chức vào các ngày 9&10 tháng hai âm lịch hàng năm là một trong những hoạt động tâm linh được du khách và người dân quan tâm.
Đất Nghệ
Đền Bạch Mã: Trầm tích và linh thiêng
Đền Bạch Mã, Thanh Chương. Ảnh: Hồ Hà
Ngôi đền thiêng xứ Nghệ
Từ xa xưa, khi nhắc đến các ngôi đền thiêng của xứ Nghệ, dân gian đã truyền tụng câu: Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng. Đền Bạch Mã nằm trên địa bàn thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Theo truyền thuyết và đền phả, đền Bạch Mã được lập để thờ danh tướng Phan Đà, người thôn Chi Linh, xã Võ Lỉệt, huyện Thanh Chương. Bạch Mã là gọi theo tên con ngựa trắng mà tướng Phan Đà thường cưỡi khi ra trận.
Sử cũ, đền phả và truyền thuyết ở Thanh Chương cho biết: Thời trẻ, Phan Đà là cậu bé thông minh, tuấn tú có tài võ nghệ được Nhân dân tin yêu, bạn bè mến phục. Năm 1418, khi Bình Định Vương Lê Lợi về Nghệ An, Phan Đà đã đưa toàn bộ nghĩa quân của mình gia nhập vào nghĩa quân của Lê Lợi, lập được nhiều công lớn và hy sinh trong một trận chiến khi mới 24 tuổi.
Đánh giá công lao của ông, sau này, khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã truy phong cho ông là “Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Phúc Thần”, cho lập đền thờ và liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế”, nghĩa là tế lễ theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Về sau, các triều đại phong kiến đã tiếp tục sắc phong hơn 100 đạo sắc và gia phong là Thượng Thượng Thượng Đẳng tối linh tôn thần.
Từ xa xưa, Đền Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng, người xe qua đây, kể cả quan lại cũng phải dừng lại cất mũ nón vái lạy. Thần Đền cũng đã giúp người dân Võ Liệt nói riêng và người dân trong vùng vượt qua nhiều trận thiên tai, giặc giã. Ở đây vẫn còn truyền tụng câu chuyện vào dịp giỗ thần Đền (13/6 âl) là sẽ có mưa dù có thể trước và sau đó trời vẫn nắng nóng.
Đền Bạch Mã cũng là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiều triều đại phong kiến, nhiều bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Đền Bạch Mã được sử dụng để tổ chức các hoạt động bí mật của tổ chức Nông hội xã Võ Liệt. Năm 1945, Nhân dân tổng Võ Liệt đã tập trung tại đền trước lúc đến huyện đường lật đổ chính quyền thực dân phong kiến và rất nhiều sự kiện quan trọng khác.
Không những nổi tiếng linh thiêng, đền Bạch Mã còn là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa. Là công trình tưởng niệm một danh tướng do đích thân nhà vua ra chiếu chỉ nên đền đã được đầu tư thực hiện cẩn trọng. Công trình gồm có Tam Quan, Nghi Môn, Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Tả vu và Hữu vu với nhiều kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, sau hơn 500 năm xây dựng, các màu sơn trên cánh cửa vẫn tươi tắn, rõ nét. Trong Đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật và đồ tế khí quý hiếm…
Với những giá trị như vậy, ngày 24/3/1994, Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định xếp hạng đền Bạch Mã là “Di tích lịch sử văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia. Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đền Bạch Mã thường xuyên được UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Ban Quản lý di tích quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tu sửa, tôn tạo; khôi phục lễ hội nhằm bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di tích.
Lễ hội Đền Bạch Mã - Điểm đến văn hóa tâm linh
Lễ rước trong lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Hồ Hà
Lễ hội đền Bạch Mã đã có từ rất lâu đời. Trước đây, dưới thời phong kiến, hàng năm, tại đền được tổ chức 2 sự kiện. Đó là lễ tế hiệp được tổ chức vào dịp đầu xuân để tế thần Bạch Mã và các thành hoàng trong vùng và Lễ tế điển được tổ chức vào ngày 13/6 âl (là ngày mất của tướng quân Phan Đà) để tế thần Bạch Mã và những người được thờ phụng trong đền, bao gồm các phó tướng và nghĩa quân đã cùng Phan Đà chiến đấu và hy sinh.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, do nhiều nguyên nhân, các hoạt động này không được tổ chức thường xuyên. Từ sau khi đền được xếp hạng (1994), huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt đã bắt đầu khôi phục dần các hoạt động và từ năm 2001 đến nay, được sự giúp đỡ, phối hợp của Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan chuyên môn, huyện Thanh Chương đã khôi phục lễ hội. Hàng năm, lễ hội được tổ chức rất quy mô, ngày càng thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và du khách. Cùng với tổ chức lễ hội, lãnh đạo huyện Thanh Chương đã mời gọi sự giúp đỡ, đầu tư của con em trên khắp mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của cán bộ và Nhân dân với số tiền hàng tỷ đồng để tiếp tục mở rộng khuôn viên và tu sửa các công trình. Trước mùa lễ hội năm nay, Đền Bạch Mã được đầu tư số tiền là 929 triệu đồng (từ nguồn xã hội hóa) để thực hiện một số hạng mục: cải tạo toàn bộ sân đền, thay thế toàn bộ vách bằng gỗ của Trung điện và Thượng điện, thay trần, làm mới khám ngai để bảo vệ long ngai, bài vị, làm giá bát bửu và sửa chữa bàn thờ và đồ tế khí bị hư hỏng, lắp mới hệ thống điện chiếu sáng với hơn 200 đèn Led; mua sắm thêm bàn ghế, đồ dùng, đồ tế khí, lầu hóa hương, sân để xe, hệ thống bờ rào, kè lại hệ thống ta luy, bờ dải trước đền; làm hệ thống mương thoát nước, hệ thống đường đi xung quanh di tích…Được tu sửa, tôn tạo, đền Bạch Mã trở nên lung linh, huyền ảo về đêm nhưng cũng không kém phần linh thiêng, uy nghiêm của ngôi đền có bề dày lịch sử.
Vật cù - trò chơi dân gian độc đáo trong lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Sách Nguyễn
Lễ hội đền Bạch Mã năm nay được tổ chức vào các ngày 9, 10/2 âm lịch. Phần lễ có: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần (ngày 09/02), lễ đại tế và công bố bằng công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Bạch Mã” (ngày 10/02). Phần hội gồm các hoạt động văn hóa thể thao, như: Biểu diễn nghệ thuật, bình thơ, thi người đẹp lễ hội, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, trưng bày ảnh về truyền thống Xô Viết và các thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước; các trò chơi dân gian: vật cù và đập niêu; trưng bày và bán 20 sản phẩm OCOP của địa phương.
Giữ gìn phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội truyền thống đền Bạch Mã là một việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công với muôn dân trăm họ. Đây là việc làm thiết thực nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước; giáo dục tinh thần yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Cần có những đối tác chiến lược hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114510947
2305
2347
21321
217820
121356
114510947