Cuộc sống quanh ta

Mấy vấn đề phát triển công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội. Nó liên quan mật thiết tới truyền bá và sản xuất ý thức, tới việc thỏa mãn các nhu cầu tinh thần của xã hội. Văn học nghệ thuật tuy là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt nhưng nó vẫn gắn với lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và mọi sự biến động của phương thức sản xuất với tư cách là toàn bộ hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của xã hội.

Là một bộ phận quan trọng trong hoạt động tinh thần của xã hội, văn học nghệ thuật trước hết gắn với hoạt động sản xuất của xã hội. Sự phát triển của sản xuất vật chất, sự tiến bộ kỹ thuật và công nghệ của xã hội có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của văn học nghệ thuật. Lịch sử văn học nghệ thuật đã chứng minh rằng, với tiến bộ của công nghệ di truyền, sự phát triển của sinh học người đã thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa tự nhiên trong văn học nghệ thuật. Cuộc cách mạng vật lý cuối thế kỷ XIX với những công nghệ mới phát hiện ra chiều sâu của cấu trúc vật chất đã ảnh hướng mạnh mẽ đến việc hình thành chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa cấu trúc trong văn học nghệ thuật hiện đại. Công nghệ thông tin đã làm biến đổi nhiều quan niệm về không gian, thời gian góp phần rất quan trọng vào những tâm thức hậu hiện đại nhìn thế giới đa chiều từ những mảnh vụn tụ lại... Có thể nói, bản chất của vấn đề công nghệ trong văn học nghệ thuật là mối quan hệ giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần, giữa văn học nghệ thuật và đời sống xã hội. Tuy văn học nghệ thuật có tính độc lập tương đối, nhưng công nghệ của thời đại có ảnh hưởng gián tiếp tới chiều sâu của biến đổi trong văn học nghệ thuật. Nhờ có sự tiến bộ công nghệ của thời thời đại mà trong văn học nghệ thuật đã xuất hiện nhiều loại hình, loại thể như nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh, vô tuyến truyền hình và nhiều công nghệ sáng tạo âm nhạc rất mới mẻ.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp và tin học, văn học nghệ thuật được in ấn theo lối thủ công và được truyền từ người này sang người khác bằng các tài liệu văn bản và truyền miệng trực tiếp. Khác với truyền thống về ấn loát, truyền thông điện tử như radio, ti vi, mobiphone, vi tính, Internet... văn học nghệ thuật có thể được "xuất bản" từ khâu sáng tạo đến khâu tiêu dùng nhanh hơn, xa hơn và nhiều công chúng hơn. Công nghệ Internet có thể truyền dẫn các giá trị văn học nghệ thuật với một thời gian rất nhanh, và một khoảng không gian vô cùng rộng lớn cho một số lượng công chúng hàng triệu, hàng trăm triệu; hàng tỷ người. Trước đây một tác phẩm văn học nghệ thuật xuất bản ở Pháp, ở Tây Ban Nha, ở Mỹ... phải vài tháng, vài năm mới có thể đến tay người đọc ở nước ta và nó cũng chỉ đến được với một số lượng người rất ít công chúng; còn ngày nay với kỹ thuật số, với màn hình, với công nghệ máy vi tính, với những ngôn ngữ thông dụng trên Internet, nó có thể đến với nước ta chỉ trong vài phút và với một số lượng người truy cập nó rất lớn.

Kỹ thuật viễn thông tạo khả năng truyền tin rất nhanh trong thế giới ngày nay. Hiện nay mạng lưới vệ tinh tăng cường có khả năng dùng cho cả radio, ti vi, mobiphone trên toàn thế giới. Vì thế dưới góc độ này, việc hưởng thụ văn học nghệ thuật có thể san sẻ chung cho nhiều dân tộc. Nước Mỹ với một nền truyền thông rất mạnh, một mạng lưới Internet đa dạng, một nền điện ảnh giàu truyền thống trở thành một quốc gia có thể áp đặt rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của mình đối với các nước khác thông qua mạng Internet, bởi vì việc kiểm soát Internet là vô cùng khó khăn.

Trên Internet hiện nay, văn học nghệ thuật được truyền dẫn vô cùng phong phú về tất cả các loại hình, loại thể của cá nhân và nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Có điện ảnh, có âm nhạc, có vũ kịch, có kiến trúc, có hội họa, có thi ca, có nhật ký cá nhân và cả những quan điểm lý luận... Đây là một môi trường tự do thả sức "xuất bản" mọi sản phẩm. Ưu điểm của nó là rất nhiều thông tin, nhưng nhược điểm của nó là vô chuẩn. Văn nghệ thật, văn nghệ giả, văn nghệ hay, văn nghệ không hay, văn nghệ đang tranh luận đều trình làng trên mạng.

Giống như bất kỳ một loại công nghệ nào khác, Internet không phải là một công nghệ "vô tư" trong xã hội. Nó được tổ chức phù hợp với những mục đích của mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi quan điểm. Internet không phải là một dịch vụ vì lý do kinh tế. Nó có rất nhiều ý tưởng quan trọng vì những lý do chính trị, lý do văn hóa. Vì thế các tác phẩm văn nghệ được truyền trên mạng dù là của nhà nước, của cá nhân hay của một tổ chức nào đó đều có ý đồ. Rất nhiều ý đồ khác nhau đã va chạm trên mạng. Người thì khẳng định quan điểm văn học nghệ thuật này, người thì cổ vũ cho khuynh hướng văn học nghệ thuật khác, người thì mong muốn áp đặt lên ý thức xã hội những khát vọng trẻ, không ít người tuyên truyền cho những khuynh hướng văn nghệ kỳ dị, xa lạ... Vì thế, hiện nay văn học nghệ thuật trên Internet có rất nhiều vấn đề cần phải bàn.

Có thể nói, sự biến đổi các công nghệ trong sản xuất vật chất đã ảnh hưởng to lớn đến sự biến đổi công nghệ trong sản xuất tinh thần mà văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của sản xuất tinh thần.

Sản xuất văn học nghệ thuật là một cơ chế xã hội, một công nghệ chứ không phải là một hành động riêng lẻ của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ riêng lẻ sáng tạo chỉ mang ý nghĩa giá trị sử dụng chưa mang ý nghĩa giá trị bởi nó chưa được xã hội hóa. Công nghệ sản xuất văn học nghệ thuật ít nhất phải trải qua bốn công đoạn. Một là, công đoạn của người sáng tạo có phong cách và có kỹ thuật riêng. Hai là, sản phẩm sáng tạo thông qua công đoạn in ấn, phát hành. Ba là, công chúng với những trình độ khác nhau thông qua kỹ thuật tiếp nhận những loại hình, loại thể khác nhau. Bốn là, công đoạn sáng tạo lại; Những kịch bản được đưa lên sân khấu, những lời thơ thành bài hát; những bài hát được biên tập, được trình diễn... Đó là chưa kể đến một công đoạn cực kỳ phức tạp - dịch vụ văn học nghệ thuật. Trong mối quan hệ giữa nhà sáng tạo và tác phẩm, giữa tác phẩm và công chúng, cũng như tác phẩm và người sáng tạo lại là một hệ thống những công nghệ. Hệ thống công nghệ sáng tạo lại thông qua hệ thống những ngôn ngữ, đường nét, màu sắc, âm thanh... là cả một dây chuyền công nghệ. Một tác phẩm âm nhạc gắn với công nghệ thu băng, công nghệ biểu diễn, công nghệ quảng cáo và nhiều công nghệ khác nữa, trong đó có cả công nghệ dịch vụ.

Quy trình công nghệ của sản xuất văn học nghệ thuật bắt đầu từ ý đồ và hoạt động sáng tạo và mục tiêu đi tới là dịch vụ tiêu dùng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng. Dịch vụ tiêu dùng là một hệ thống những công nghệ phụ thuộc gắn với toàn bộ hệ thống công nghệ sản xuất, lưu thông, tiêu dùng, quảng cáo...

Vai trò của hệ thống công nghệ trong sản xuất văn học nghệ thuật rất to lớn. Nó nhằm phát huy toàn bộ chức năng của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội. Công nghệ văn học nghệ thuật có thể giúp nghệ sĩ sáng tạo tốt hơn; công nghệ văn học nghệ thuật phát triển làm cho khâu biên tập, in ấn nhanh hơn, có chất lượng hơn; công nghệ văn học nghệ thuật làm cho sản phẩm văn học nghệ thuật đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng và phức tạp của công chúng.

Công nghệ văn học nghệ thuật có rất nhiều vai trò trong sản xuất, tiêu dùng, lưu giữ các giá trị văn học nghệ thuật. Các nhà tư bản hiện nay khi quan tâm phát triển công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật, trước hết họ quan tâm tới lợi nhuận kinh tế, tới tích tụ tư bản. Nhiều nhà tư bản đã đầu tư vào ngành sản xuất văn hóa nghệ thuật và đã thu được lợi nhuận khổng lồ. ở Anh và ở Mỹ, công nghệ văn hóa nghệ thuật và dịch vụ văn hóa nghệ thuật rất phát triển. Nó đóng góp rất lớn vào thu nhập bình quân tính theo đầu người và giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. ở các nước này có tập đoàn công nghiệp văn hóa nghệ thuật, có hệ thống công nghệ dịch vụ văn hóa nghệ thuật hoạt động sôi nổi vừa mang tính nhà nước vừa mang tính tư nhân; vừa mang tính địa phương, vừa mang tính toàn quốc lại vừa mang tính toàn cầu. Nó sản xuất kinh doanh vô tuyến, vi tính, máy ảnh, máy chiếu phim, băng đĩa; hình thành những nhà hát rất sáng trọng, sản xuất những cuốn phim, những vở kịch với đầu tư tài chính khổng lồ.  ở đây có cả những tập đoàn rất mạnh chi phối rất nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nó hình thành những trung tâm sản xuất công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật cao và có thương hiệu uy tín, có công ty xuyên quốc gia. Trung tâm điện ảnh Hollywood, các tập đoàn sản xuất văn học nghệ thuật miền Đông nước Mỹ từ Philadenphia đến Boston, chung quanh Chicago, một số thành phố của Bang Tếchdát, Caliphocnia. ở Pháp, trung tâm văn hóa Georges Pompidou người ta tổ chức các buổi sinh hoạt thơ ca, tranh luận học thuật. Dưới tác động của công nghệ mới, nhiều trung tâm văn hóa nghệ thuật được tổ chức theo hướng đa dạng, hình thành những tổ hợp đa chức năng sản xuất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau.

Đối với các nhà tư bản, công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật ngoài việc kinh doanh tích tụ tư bản, họ còn có mục đích chính trị rõ rệt. Đó là kích cầu, thu hút giới trẻ và áp đặt lên ý thức xã hội những định hướng tư bản chủ nghĩa. Lợi dụng công nghệ thông tin, nhiều nhà tư bản, nhiều tập đoàn công nghiệp văn hóa nghệ thuật đã đưa các sản phẩm, các dịch vụ văn học nghệ thuật của họ lên mạng để chiếm lĩnh nhanh và gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng văn học nghệ thuật của họ trên toàn quốc và toàn cầu. Những thước phim tình dục và bạo lực, những bức tranh, những sản phẩm âm nhạc gây rất nhiều tranh luận đã tác động vào thị hiếu của nhiều người trên thế giới. Người Mỹ luôn luôn có ý tưởng Mỹ hóa văn hóa nghệ thuật của họ trên toàn thế giới bằng công nghệ cao và mạnh. Hàng ngày, hàng giờ mạng Internet của Mỹ đã trút xuống các dân tộc trên thế giới một lượng hình ảnh khổng lồ theo định hướng văn hóa Mỹ.

Phát triển các công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật là quy luật tất yếu của sản xuất văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường. Nếu công nghệ không tiên tiến, dịch vụ không hoàn hảo thì không thể phát huy hết bản chất xã hội và chức năng của văn học nghệ thuật trong bối cảnh văn học nghệ thuật đã trở thành một hàng hóa và Việt Nam đã tham gia hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay trước sự phát triển mới của các quan hệ chính trị quốc tế, chúng ta đã tham gia APEC và đã gia nhập WTO; chúng ta cần phải trao đổi văn học nghệ thuật với nước ngoài, do đó cần mau chóng tiếp cận những công nghệ sản xuất văn học nghệ thuật tiến bộ và phù hợp với văn hóa dân tộc. Chúng ta phải tổ chức những dịch vụ văn hóa nghệ thuật để đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của công chúng nghệ thuật.

Tiếp cận những công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật mới không hề có ý nghĩa chúng ta làm theo rượt đuổi về sự phát triển văn hóa nghệ thuật của các nước khác, nhất là văn hóa nghệ thuật phương Tây. Văn hóa nghệ thuật của tất cả các dân tộc đều có bản sắc, có cấu trúc bền vững, có sự sinh thành lịch sử, có sự sinh sôi nảy nở từ muôn vàn quan hệ, từ cơ cấu bên trong của mỗi nền văn hóa nghệ thuật. Tiếp cận những công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật cần phải vượt qua cách tiếp cận kỹ thuật luận. Chúng ta xem sự tiến bộ của công nghệ trong tổng thể sự phát triển của phương thức sản xuất đã tạo nên nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta. Chúng ta xem xét sự tiến bộ của các công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật trong mối tương quan giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần của dân tộc ta, của thời đại mà chúng ta đang sống. Khi tiếp cận như vậy thì trình độ công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật sẽ gắn với mục tiêu tổng thể của cả nền sản xuất xã hội.

Nhiều người cho rằng công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật hiện đại đã làm cho giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật giảm sút. Thực ra không nên đem so sánh những công nghệ và những dịch vụ văn hóa nghệ thuật hiện đại với các sáng tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng tin học với các công nghệ vi tính, công nghệ số hóa, màn hình ảo đã đưa lại những khả năng rất mới không chỉ cho sáng tạo nghệ thuật mà còn cho thưởng thức nghệ thuật. Việc mở rộng công chúng nghệ thuật trong thời đại tin học đã kích thích rất mạnh mẽ quá trình sáng tạo và đã hình thành một kiểu sáng tạo tập thể mới. Kiểu sáng tạo này đòi hỏi trình độ tin học, các máy móc công nghiệp hiện đại. Do đó mà xuất hiện khái niệm công nghiệp nghệ thuật.

Công nghiệp nghệ thuật chứ không phải là nghệ thuật công nghiệp. Trong lĩnh vực công nghiệp nghệ thuật có không ít nghệ sĩ kiểu mới tham gia được gọi là người sản xuất văn hóa nghệ thuật hay nhân viên văn hóa nghệ thuật. Từ đó có một dạng phân hóa lao động mới trong lĩnh vực nghệ thuật.

ở đây, chúng ta đã biết công nghệ sáng tạo âm nhạc, công nghệ sáng tạo điện ảnh và những dịch vụ của chúng đã tạo ra rất nhiều kiểu nghệ sĩ, nhân viên, người lao động nghệ thuật mới. Ngay trong lĩnh vực văn hóa viết về đề tài lịch sử, chúng ta cũng thấy xuất hiện rất nhiều công nghệ mới dựng lại một cách đầy đủ và chính xác hơn những sự kiện, những ấn tích lịch sử. Những kịch bản phim lịch sử; những cảnh phim tái hiện lịch sử hoành tráng hiện nay có sự tham gia rất tích cực của công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin hiện đại với một tập thể những nhân viên nghệ thuật kiểu mới đã giúp rất nhiều cho những nhà văn viết chuyện viễn tưởng.

Rõ ràng, nhiều loại hình nghệ thuật hôm nay đòi hỏi sáng tạo có tính tập thể chứ không thể là của một nghệ sĩ. Điện ảnh, vô tuyến, kiến trúc có rất nhiều ngành công nghiệp với những công nghệ mới và phức tạp cùng tham gia. Quá trình sáng tạo trong một số lĩnh vực nghệ thuật hiện nay phải trải qua nhiều giai đoạn trung gian và công nghiệp chuyển tiếp các ngôn ngữ trung gian thành ngôn ngữ nghệ thuật phục vụ cho việc xây dựng hình tượng nghệ thuật cũng có tính tập thể. Những ngôn ngữ lập trình, những ngôn ngữ triết học, những biểu tượng tôn giáo đều có thể gắn với một hình tượng văn học nghệ thuật mà muốn nghệ thuật hóa thì phải có một công nghệ chuyển giao ngôn ngữ.

Sự đổi mới công nghệ và phong cách trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nếu nó hợp quy luật sẽ mang tính cách mạng giải phóng. Tính tiên phong trong văn nghệ thể hiện rất rõ sự ra đời của một công nghệ mới. Trong lịch sử phát triển của văn nghệ những giai đoạn chuyển biến bước ngoặt công nghệ không nhiều.

Thời đại ta hiện nay là thời đại tin học. Nền kinh tế tri thức đang mang lại những biến đổi mới trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nắm lấy tinh thần thời đại, vận dụng vào việc quản lý lãnh đạo văn nghệ, tạo ra những công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật mới đáp ứng với bản chất và đặc trưng của nền nghệ thuật mới của chúng ta trở thành một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Hiện nay, chúng ta đã tham gia hội nhập quốc tế, đã phát triển nhiều công nghệ và dịch vụ văn học nghệ thuật mới trên cơ sở những công nghệ tin học hiện đại. Công nghệ văn học nghệ thuật trên cáp, trên kỹ thuật số, trên điện thoại di động, trên Internet có sự cạnh tranh, có mối liên hệ toàn quốc và toàn cầu. Nó không chỉ gắn liền với cái thiện, cái mỹ và còn phải gắn với cái đúng, với pháp luật.

Công nghệ văn học nghệ thuật ngày hôm nay không thể không gắn với luật pháp bởi vì nó có quyền tác giả, quyền được thông tin, quảng cáo, hợp tác, liên doanh, nhập khẩu, xuất khẩu... và nhiều quyền khác nữa. Hoàn thiện pháp luật về công nghệ văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho các dịch vụ văn hóa nghệ thuật phát triển lành mạnh.

Công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật là một bộ phận hợp thành văn hóa thẩm mỹ xã hội. Chúng ta phát triển cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì thế mục tiêu của công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật của chúng ta khi hướng tới phục vụ công chúng đông đảo, nó vừa quan tâm tới lợi ích kinh tế, vừa quan tâm tới lợi ích chính trị. Công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật của chúng ta phải trở thành phương tiện phát triển những giá trị đạo đức, chính trị, thẩm mỹ tốt đẹp trong mỗi con người vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, ngoài một số tổ hợp đa chức năng sản xuất kinh doanh văn hóa tổng hợp vì lợi ích kinh tế còn có hình thức tổ chức hỗn hợp giữa thương mại và văn hóa nghệ thuật phi lợi nhuận, giữa một tập đoàn kinh tế và một cơ quan văn hóa văn nghệ. Thí dụ trong một nhà hát có những vở ca múa nhạc phi lợi nhuận giành cho trẻ em, người cao tuổi, hoặc những buổi biểu diễn lớn làm từ thiện. Nhiều công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật mới xuất hiện đã tăng nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật và giảm đầu tư của nhà nước mà hiệu quả nghệ thuật đối với người tiêu dùng không những không giảm sút mà còn được đa dạng hóa.

Do công nghệ mới phát triển, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc ở nước ta được sử dụng những vật liệu mới cũng như những phương tiện điện tử hiện đại để sản xuất. Nhiều nhạc sĩ đã sử dụng máy vi tính và công nghệ điện tử để tạo hình âm thanh và giai điệu. Nhiều hình thức sân khấu đã sử dụng các công nghệ mới trong biểu diễn. Nhiều buổi biểu diễn kịch, nhạc giao hưởng, tạp kỹ được phát trực tiếp trên truyền hình bằng những công nghệ hiện đại. Do mặt bằng công nghệ biểu diễn của một số diễn viên ở nước ta đã đạt trình độ quốc tế mà chúng ta đã dựng những vở kịch, những cuốn phim, những bản giao hưởng lớn với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhờ các công nghệ và các dịch vụ văn hóa nghệ thuật mà chúng ta đã khôi phục lại được nhiều giá trị văn học nghệ thuật truyền thống. Công nghệ hiện đại đã khôi phục lại cho chúng ta nhiều bản thảo bị năm tháng làm rách nát. Công nghệ và dịch vụ hiện đại đã giúp chúng ta tái dựng lại nhiều di sản kiến trúc, phát triển dân ca, mở rộng rối nước... đưa văn học nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè quốc tế. Phương hướng nhất quán của chúng ta gắn tính dân tộc với tính hiện đại trong việc tiếp thu, sử dụng và sáng tạo những công nghệ mới trong văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, công nghệ và dịch vụ văn hóa nghệ thuật hiện đại cũng đang thử thách dữ dội thị hiếu của nhân dân ta. Bằng những công nghệ và những dịch vụ văn hóa nghệ thuật hiện đại, văn học nghệ thuật nước ngoài đang ùa vào đất nước ta như thác lũ. Rất nhiều tư tưởng, hình thức, thể loại văn học nghệ thuật của phương Tây đã đến Việt Nam từ nhiều con đường đặc biệt là qua làn sóng tin học. Với lòng tự hào dân tộc, với bản lĩnh Việt Nam và với cả công nghệ văn hóa nghệ thuật của chúng ta, chúng ta hãy giữ gìn lấy bản sắc dân tộc trong giao lưu và hội nhập./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511496

Hôm nay

2159

Hôm qua

2336

Tuần này

21870

Tháng này

218369

Tháng qua

121356

Tất cả

114511496