Cuộc sống quanh ta

"Dân là gốc, dân là chủ"

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “nước ta là nước dân chủ; nước lấy dân làm gốc; dân là chủ, dân làm chủ; dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được; dân chủ không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Theo Người “tiếng dân chính là truyền lại ý trời”[1]. “Dân muốn gì ta phải làm nấy”[2]. “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”[3].

1. Ý nghĩa lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám 1945 là là lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa
Khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước thì dân tộc Việt Nam đang chìm đắm trong chế độ thực dân - phong kiến chuyên chế. Chúng ta không có hiến pháp và nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ. Vì vậy, chỉ một ngày sau khi tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng nhân dân Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945, Người đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế đọ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống. Đối với các Ủy ban nhân dân làng, huyện, tỉnh, thành phố là hình thức Chính phủ trong các địa phương thì toàn thể nhân dân Việt Nam cũng có quyền như vậy. Trừ bọn Việt gian bị tước công quyền, mọi người từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử vào các Uỷ ban này.
Ngày nay, để hiểu ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám, điều quan trọng nhất là phải phân tích, đánh giá giá trị tinh thần của cuộc cách mạng đó trên cơ sở toàn dân Việt Nam đã đập tan ách nô lệ của Pháp Nhật, xóa đi một trở lực, vết nhơ trên con đường tiến bộ, văn minh của nhân loại. Với tinh thần đó, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám: “Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”[4].
Vấn đề có ý nghĩa là ở chỗ từ một thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta như vậy dẫn tới “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Và từ đó, điều gì sẽ đến với Đảng ta trong điều kiện Đảng cầm quyền? Một là, công việc sẽ khó khăn, phức tạp hơn gấp nhiều lần. Hồ Chí Minh nói rõ: “Việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều”[5]. Sau này, Hồ Chí Minh nói rõ hơn: “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”[6]. Hai là, dân tín nhiệm, ủy thác việc cầm quyền cho Đảng, nên Đảng phải có trách nhiệm với dân, xứng danh là một Đảng đạo đức và văn minh. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải thật sự coi dân là gốc, dân là chủ, chứ không thể “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo kiểu “quan” chủ”[7]. Ba là, ở các địa phương nhiều khuyết điểm to như “khuynh hướng chật hẹp, bao biện, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc. Có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng pháp công để báo thù tư”. Những khuyết điểm đó làm cho dân chúng hoang mang, oán Chính phủ và Đảng, làm cho nền đoàn kết lay động.
Vấn đề đặt ra là “sao cho được lòng dân”; “Chính phủ là công bộc của dân”, “Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ”. Chính phủ là Chính phủ nhân dân nên các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, dân chủ, hạnh phúc cho mọi người. Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải lấy dân làm gốc, coi dân là chủ, đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.
2. Nhận thức khoa học vị trí, vai trò “dân là gốc, dân là chủ”
Trong di sản Hồ Chí Minh, nhiều lần chúng ta bắt gặp các cụm từ “dân là gốc”; “nước lấy dân làm gốc”; “dân là chủ, dân làm chủ”, “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”; “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”; “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”; “nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”; v.v..
Vậy dân ở đây là ai? Trả lời câu hỏi này không chỉ liên quan tới vị trí, vai trò của người dân, mà quan trọng hơn là liên quan tới vận mệnh quốc gia. Bởi vì, nước lấy dân làm gốc; Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ.
Những cách diễn đạt về “dân” trong di sản Hồ Chí Minh tựu trung có thể nhìn nhận theo các lát cắt sau đây: Một là, toàn dân, tất cả công dân Việt Nam, cử tri. Trong Hiến pháp 1946, khi nói tới chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ghi rõ “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hai là, các nghị viên (nay gọi là đại biểu Quốc hội). Ở lát cắt này, nhân dân là nghị viên trong Nghị viện (nay gọi là Quốc hội) là những người được cử tri bầu, thay mặt toàn thể nhân dân giải quyết những vấn đề chung cho toàn quốc.
Từ trong di sản Hồ Chí Minh và Hiến pháp Việt Nam, nhận thức có chất lượng khoa học về vị trí, vai trò là gốc, là chủ của dân như thế nào?
Thứ nhất, dân là gốc, dân là chủ tiếp cận theo góc độ Nghị viện nhân dân là cách tiếp cận gián tiếp, đại diện. Nói gián tiếp, đại diện không có nghĩa là không quan trọng, ngược lại có nhiều vấn đề duy nhất chỉ giải quyết theo cách gián tiếp. Đó là “đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều thứ 23 Hiến pháp 1946). Có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra (Điều thứ 20 Hiến pháp 1946). Tuy nhiên, ở Điều 20 này, “dân Nghị viện” phải phụ thuộc vào toàn dân như Điều 41 Hiến pháp 1946 quy định: “Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó”.
Thứ hai, dân là gốc, dân là chủ tiếp cận dưới góc độ toàn dân. Trong Hiến pháp 1946 có nói tới “nhân dân phúc quyết”, “toàn dân phúc quyết”. Vấn đề này, cho tới nay, trong nhận thức vẫn còn những cách hiểu khác nhau và vì vậy, trên thực tế, chưa được thực hiện. Hiến pháp 1946 cũng nói rõ “cách thức phúc quyết sẽ do luật định”. Vì luật chưa định nên chưa thực hiện được. Hơn nữa, khi nói toàn dân, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”[8]. Người lại nói, “cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”[9]. Và “chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”. Nhận thức và thực hiện điều này là tương đối khó, nhưng theo tinh thần Hồ Chí Minh, khó dễ là ở mình. Nếu lấy lòng chí công vô tư, vì dân phục vụ mà xử sự thì chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn.
Trở lại Hiến pháp 1946, Điều 21 ghi rõ: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Điểm c) Điều thứ 70 ghi: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Ở đây có ba điểm cần có sự thống nhất trong nhận thức. Một là, nhân dân ở đây rõ ràng cần được hiểu một cách dứt khoát là toàn dân, không phải là Nghị viện. Hai là, Điều thứ 32 nói rõ, nếu được hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý thì mới đưa ra nhân dân phúc quyết. Như vậy, không phải mọi thứ liên quan tới vận mệnh quốc gia là “tự nhiện, tự động” đưa ra nhân dân phúc quyết, mà toàn dân phải phụ thuộc vào hai phần ba “nhân dân Nghị viện” (nghị viên). Ba là, cách thức phúc quyết thế nào thì chưa có một quy định cụ thể, và chỉ khi nào có luật định cụ thể thì mới thực hiện được việc “toàn dân phúc quyết”. Điều này, trước đây do chiến tranh chưa làm được thì nay trách nhiệm thuộc về Quốc hội. Nếu không làm được điều này thì “toàn dân phúc quyết”, trưng cầu dân ý, dân chủ trực tiếp chỉ là hình thức.
Thứ ba, để nhận thức có chất lượng khoa học vai trò “dân là gốc, dân là chủ” cần khám phá tư duy so sánh của Hồ Chí Minh. Người thường so sánh cán bộ với dân, và chỉ có đặt cạnh dân thì mới hiểu đúng cán bộ. Ví dụ, so với dân thì tất cả cán bộ, công chức đều có quyền, và chỉ có quyền thì mới thực hiện được hành vi tham nhũng, nhũng lạm (lạm dụng quyền để nhũng nhiễu, đục khoét dân). Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[10]. “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[11].
Người cũng hay so sánh người chủ với đày tớ. Đây là những khái niệm hẹp, thường dùng trong gia đình. Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm này trong phạm vi rộng, quốc gia, quản lý đất nước. Biên độ rộng hẹp khác nhau nhưng tính chất và chức năng là giống nhau, tức là đều bàn tới vai trò, vị trí của từng đối tượng trong mối quan hệ với nhau. Trong phạm vi gia đình, địa vị người chủ quyết định mọi việc. Trong phạm vi đất nước, nhân dân (cả hai cách tiếp cận Nghị viện và toàn dân)- với địa vị người chủ- cũng quyết định mọi việc, theo tinh thần “toàn dân phúc quyết”. Còn Chính phủ là công bộc- đày tớ của dân. Đảng ta phải “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc) theo tinh thần “cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. Người nói: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng[12]. So với quan niệm hẹp trong gia đình thì ở phạm vi quốc gia, Chính phủ, Đảng, cán bộ vừa là người phục vụ (đày tớ) vừa là người lãnh đạo. Ở đây, có hai khía cạnh liên quan cần được làm rõ: Thế nào là cán bộ? Thế nào là lãnh đạo? Nếu tách khái niệm “cán bộ” và “lãnh đạo” khỏi “đầy tớ” thì sẽ không bao giờ nhận thức có chất lượng khoa học vị trí, vai trò của dân. Hồ Chí Minh dạy: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”[13]. Và Người giải thích thế nào là lãnh đạo: “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”[14].
 
Thế là đã rõ. Tuy có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng xét dưới nhiều phương diện thì vị trí, vai trò của toàn dân là quyết định mọi việc, không gì có thể thay thế. Đây chính là chất lượng khoa học trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Có những việc chúng ta nhận thức và thực hiện tốt, nhưng cũng có những việc chúng ta nhận thức và làm chưa đúng theo di huấn của Người. Trong nhận thức về vai trò, vị trí của dân có những khía cạnh ta làm chưa tốt, trong đó có vấn đề dân là gốc, dân là chủ theo tinh thần dân quyết. Nếu bàn tới dân là gốc, dân là chủ mà chỉ dừng lại ở Quốc hội (dân là nghị viên) theo tinh thần dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện thì chúng ta bỏ rơi, quên đi một phần rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn, liên quan tới vận mệnh quốc gia là dân chủ trực tiếp (dân là toàn dân). Toàn dân đang kỳ vọng ở Quốc hội phải có luật định không chỉ để dân (toàn dân) làm mà còn là dân nói, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân quyết. Chỉ có như vậy thì mới có được dân tin, dân phục, dân yêu, giữ được lòng tin của dân với Đảng và Chính phủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
BĐP



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.79.
[2] Hồ Chí Minh, Sdd, t.4, tr.148.
[3] Hồ Chí Minh, Sdd, t.5, tr.293.
[4] Hồ Chí Minh: Sdd, t.4, tr.19.
[5] Hồ Chí Minh: Sdd, t.4, tr.20
[6] Hồ ChÍ Minh: Sdd, t.10, tr.4.
[7] Hồ Chí Minh: Sdd, t.6, tr.292.
[8] Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.289.
[9] Hồ Chí Minh: Sdd, t5, tr.297.
[10] Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.104.
[11] Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.641.
[12] Hồ Chí Minh: Sdd, t.8, tr.375.
[13] Hồ Chí Mih: Sdd, t.12, tr.555.
[14] Hồ Chí Minh: Sdd, t.12, tr.222.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513174

Hôm nay

2275

Hôm qua

2436

Tuần này

21111

Tháng này

220047

Tháng qua

121356

Tất cả

114513174