1. Nói nhiều tưởng mình biết nhiều, hiểu nhiều và có trí tuệ
Nói và hiểu biết, nói nhiều và nói có trí tuệ là những phạm trù khác nhau, thâm chí có lúc trái ngược nhau. Cũng có người nói dài, nói nhiều thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Đó là sự hùng biện có trí tuệ trước đông đảo quần chúng về những vấn đề đại sự quốc gia và quốc tế, tỏ rõ sự am tường văn hóa, chính trị của người diễn thuyết. Nhưng số đó không nhiều, hoặc là họ biết dừng đúng lúc, đúng chỗ. Quan trọng nhất là tuy nói nhiều nhưng những điều họ nói đều rất cần cho quần chúng và cán bộ công chức. Quần chúng nuốt từng lời của họ.
Hiện nay ở ta, từ cấp vĩ mô đến vi mô đều có tình trạng nói nhiều, nói dai nhưng trùng lặp, vô bổ, không có trí tuệ. Nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương, cho đơn vị, những việc mà cán bộ và nhân dân cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến. Cũng không loại trừ ý đồ nói nhiều để mọi người không có thời gian phát biểu, phản biện. Bời vì thông thường những lãnh đạo kém thường sợ cấp dưới phát biểu, phản biện. Họ nói những điều xét đến cùng là vì họ chứ không không phải vì đông đảo quần chúng và công nhân viên chức.
2. Giữ cương vị lãnh đạo tưởng mình có năng lực
Có người giữ cương vị lãnh đạo đồng thời có năng lực. Số người này thường có năng lực trước khi họ làm lãnh đạo và không nhiều. Không nhiều không phải vì đất nước mình, tỉnh mình, huyện mình, cơ quan mình thiếu người tài giỏi mà vì trong công tác cán bộ còn có tình trạng thiếu trọng người tài, dùng người có năng lực.
Hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ chạy chức, chạy quyền, tức là mua chức, mua quyền. Những người này thì lấy đâu ra năng lực. Không có năng lực mà làm lãnh đạo đã là nguy hiểm, nhưng lại luôn luôn nghĩ là mình có năng lực thì lại càng nguy hiểm hơn. Lãnh đạo, tuy là tập thể, nhưng có thể là tập thể không có năng lực hoặc lãnh đạo tập thể hình thức, còn quyền hành thật sự vẫn nằm trong tay một vài người không có năng lực thì hậu quả khôn lường. Tưởng mình có năng lực nên trong lãnh đạo thường ít chú ý đến việc phát huy trí tuệ tập thể, sáng kiến của quần chúng (đúng ra, văn hóa lãnh đạo là càng có năng lực càng phải biết phát huy trí tuệ của quần chúng). Trong lúc đó, thực tế chỉ ra rằng “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” (Lời Hồ Chủ tịch). Giữ cương vị lãnh đạo tưởng mình có năng lực nên thường không khiêm tốn; tưởng rằng tự mình có thể vạch đường, chỉ lối và tổ chức quần chúng thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị. Nhưng vì không có năng lực thực sự nên cuối cùng không đạt kết quả như mong muốn.
3. Tạm thời có chút thành công tưởng là thành công về chính trị và thành công cơ bản
Trong lãnh đạo, nếu có được thành công, dù to hay nhỏ, trước mắt hay lâu dài đều quý và đáng trân trọng. Điều quan trọng là phải xem xét thành công đó do đâu mà có? Thành công nào là căn bản nhất, bền vững nhất?
Thường có hai cách làm việc. Làm việc theo cách quần chúng, tức là việc gì cũng hỏi ý kiến nhân dân và cán bộ, cùng cán bộ và nhân dân bàn bạc; giải thích cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ, được cán bộ và nhân dân đồng ý, họ vui lòng ra sức làm. Làm như thế hơi phiền một chút cho những người lãnh đạo kém năng lực trí tuệ, kém văn hóa, biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công và thành công bền vững vì xuất phát từ chỗ được lòng nhân dân và cán bộ, lấy trí tuệ từ dân.
Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép nhân dân và cán bộ làm. Họp lãnh đạo (tập thể) đặt chương trình, kế hoạch, đưa ra cột vào cổ cán bộ và nhân dân, bắt cán bộ và nhân dân theo. Làm như thế có thể “làm tròn nhiệm vụ”, có kết quả, làm được mau, lại không rầy rà. Nhưng “làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”[1].
Để về mặt chính trị không thất bại thì đừng để dân oán, phải giữ được lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Muốn vậy, cùng với việc tăng trưởng về kinh tế phải giải quyết đồng bộ những vấn đề về văn hóa như an sinh xã hội, tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh thật sự cho nhân dân. Chỉ có như vậy thì mới đạt được sự thành công bền vững.
Ở tầm vi mô cũng vậy. Mọi chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, kinh tế cho cán bộ công chức đều đáng khuyến khích và ca ngợi. Nhưng gắn liền với nó là sự công bằng, văn minh, xây dựng môi trường văn hóa trọng người, dùng người, dân chủ, phát huy trí tuệ của mọi cán bộ.
4. Giữ cương vị lãnh đạo tưởng là mình có lòng cao thượng
Lãnh đạo và có lòng cao thượng không phải lúc nào cũng song hành. Có người lãnh đạo đồng thời có đạo đức thì đó là người có long cao thượng. Đó là những người lãnh đạo mà con đường của họ để trở thành lãnh đạo là đúng quy luật, thuận lòng dân: lãnh đạo có năng lực trí tuệ, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh và phong cách lãnh đạo quần chúng, phương pháp làm việc khoa học.
Nhưng hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ mà con đường của họ để leo lên ghế lãnh đạo lại là mua và chạy. Điểm xuất phát, gốc rễ của những lãnh đạo đó đã là phi đạo đức. Đến khi trở thành lãnh đạo họ lại phải bù vào khoản mua và chạy, đồng thời lại “tái sản xuất” để “nâng cấp” lãnh đạo. Con đường “tít mù rồi lại vòng quanh đó” dẫn tới hậu quả ghế lãnh đạo thì có thể nâng lên, nhưng đạo đức, văn hóa thì xuống cấp và suy đồi. Những lãnh đạo như thế thì làm sao có được lòng cao thượng. Hồ Chủ tịch dạy rằng, “mỗi người có công việc, vị trí khác nhau, tài năng khác nhau, nhưng ai giữ được đạo đức thì người đó có lòng cao thượng”. Như vậy, thước đo lòng cao thượng là đạo đức chứ không phải ghế lãnh đạo. Nhưng nguy hiểm hơn là lãnh đạo tưởng mình có lòng cao thượng nên nói ‘có gang có thép”, lộng ngôn, dạy người khác. Họ phớt lờ ý kiến quần chúng và cán bộ, xem khinh dư luận.
5. Lãnh đạo chủ trì hội họp, cán bộ, đảng viên và nhân dân không nói gì tưởng là đơn vị tốt, mình tốt
Họp thì phải phát biểu, có hỏi-đáp, phản biện, trao đổi, bàn bạc,v.v.. Đúng nghĩa của văn hóa hội họp thì người lãnh đạo phải nói rõ tính chất của các loại hội họp: họp phổ biến công việc, trao đổi công việc, thảo luận bàn bạc… để tìm ra “chân lý” như cách nói của Bác. Tính chất nào có cách họp đó. Nhưng nói chung đã họp thì tốt nhất là nghe ý kiến của “nhân dân” (“nhân dân”nói theo nghĩa rộng, không phải lãnh đạo). Họp mà không ai phát biểu thì có mấy khả năng xảy ra: 1- Lãnh đạo nói đi nói lại một nội dung đã cũ, nhân dân chán không muốn phát biểu. 2- Lãnh đạo nói dài quá, nhân dân không còn thời gian để phát biểu. 3- Nhân dân sợ không dám nói chứ không phải không có gì để phát biểu.
6. Lãnh đạo thấy cán bộ không phê bình, thậm chí tâng bốc mình tưởng mình là mình tốt
Bác Hồ dạy rằng người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà.
Chúng ta nói học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng có lẽ số người làm theo lời Bác dạy như trên chỉ đếm được trêm đầu ngón tay. Người ta định nghĩa “lãnh đạo là thích khen” (Phụ nữ cũng thích khen). Tất nhiên không phải chỉ có lãnh đạo thích khen, người thường cũng thích khen. Nhưng nguy hiểm nhất là lãnh đạo thấy cán bộ không phê bình, lại khen mình, lại tưởng cấp dưới khen thật và tưởng mình tốt thật, giỏi thật. Từ đó không nhận ra chính mình nữa, tưởng mình là giỏi thật, tốt thật, rồi tự tôn, tự đại, không nghe ý kiến cấp dưới. Đó là mầm mống của sự thất bại về chính trị.
7. Có nhiều bằng khen, huân chương tưởng không ai biết tới khuyết điểm
Các phòng họp của nhiều đơn vị hiện nay treo rất nhiều bằng khen, huân chương. Bằng khen, huân chương tự nó cho thấy đó là thành tích. Thành tích là quý nhưng bệnh thành tích thì rất đáng phê phán. Mặt khác, nếu xét kỹ con đường để có được bằng khen, huân chương thì chưa chắc đó đã là thành tích. Nhưng cho dù là thành tích thì đó cũng chỉ là quá khứ. Vinh quang của quá khứ chỉ là gương soi cho hiện tại và tương lai, chứ không thay thế hoặc đắp bù được tương lai. Nếu lãnh đạo cố tình treo nhiều bằng khen, huân chương trong phòng họp thì có khi lại phản tác dụng, vì huân chương đó sẽ che lấp hiện tại và làm mờ tương lai. Người ta thường hay say sưa với quá khứ, ngủ quên trên vinh quang của ngày hôm qua, dù đó là huân chương thật thì cũng thật đáng lo cho hiện tại và tương lai, vì tương lai mới là cái đích để ta đi tới.
Điều cần phê phán nữa là tư duy chạy và treo bằng khen, huân chương đồng nghĩa với che lấp khuyết điểm, để “quan trên trông xuống, người dưới nhìn lên” không để ý tới khuyết điểm. Huân chương nào cũng có hai mặt. Thích khen mà không thích chê, không thích nói tới khuyết điểm thì đó là bệnh của lãnh đạo cần phải chữa. Bệnh của cấp dưới cũng đáng phê bình vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công việc chung. Nhưng bệnh của lãnh đạo thì cần phải chữa trị ngay bằng thuốc đặc trị vì nó ảnh hưởng tới quốc gia đại sự, đến công việc lớn của tập thể, của đơn vị, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của cách mạng, lòng tin của nhân dân.
8. Nhà lãnh đạo cũng là nhà khoa học?!
Có nhà lãnh đạo đồng thời là nhà khoa học, mà lãnh đạo thật sự, khoa học thật sự, lãnh đạo bằng khoa học và có khoa học lãnh đạo. Nhưng số đó không nhiều, rất hiếm. Còn đa số khi làm lãnh đạo, không có tố chất khoa học nhưng cứ tưởng mình cũng là nhà khoa học. Ở Việt Nam, thống kê cho thấy khoảng 80% - 85% những người được công nhận chức danh khoa học (trước đây gọi là học hàm) đều giữ chức vụ lãnh đạo (trước khi được xét tặng chức danh khoa học) từ cấp vụ trở lên, còn khoảng 15% - 20% là nhà khoa học “trơn”, thật sự khoa học. Chỉ có ở Việt Nam mình mới có sự “tưởng”, lẫn lộn như vậy. Khoa học lãnh đạo khác người làm khoa học. Có người làm khoa học giỏi nhưng không làm được lãnh đạo, nhưng làm lãnh đạo thì không có nghĩa là nhà khoa học. Khoa học nước mình chậm phát triển có nhiều lý do, trong đó có lý do nhầm lẫn giữa lãnh đạo với khoa học. Tôi thấy rất buồn cười có người khi khai lý lịch vừa nhà quản lý, lãnh đạo vừa là nhà khoa học, nhưng thực chất thì chỉ là “lều”. Khi lãnh đạo có phần trăm quản lý thì khai lãnh đạo; khi khoa học, giáo dục có phần trăm giảng dạy thì khai nhà khoa học, giáo dục.
Cái chết của chúng ta là khoa học không ra khoa học, lãnh đạo không ra lãnh đạo. Cái chết ở đây không phải bề ngoài mà là chết thật sự, về chính trị. Bởi vì, như trên đã nói, lãnh đạo thì không thích nói thật, không thích người khác phê bình, không thích nói, bàn và thực hành về dân chủ, công khai, minh bạch… Còn nhà khoa học thì thích nói thật, thẳng thắn, thích dân chủ, phản biện… Những người cùng một lúc “ngồi được cả hai ghế” thì phải có năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và phương pháp, phong cách làm việc tốt. Còn nếu không có được những tố chất đó thì ghế nào ra ghế đấy. Ngồi một ghế lãnh đạo cho thật đúng nghĩa đã khó chứ đừng nói gì đến hai ghế.
9. Vị thế của đơn vị tưởng là uy tín cá nhân
Có những người khi đang giữ ghế lãnh đạo thường hay đi họp hành, trao đổi công việc giữa đơn vị mình với đơn vị khác. Điều đó là bình thường. Nhưng cái không bình thường là ở chỗ người ta mời đơn vị, anh là lãnh đạo thì phải đi, chứ điều đó không có nghĩa anh có uy tín nên được người ta mời. Nhưng người lãnh đạo lại nhầm tưởng vì uy tín cá nhân nên hay thao thao bất tuyệt dẫn tới mất luôn cả vị thế đơn vị. Hiện nay một số đơn vị do yêu cầu khách quan nên có vị thế trong đời sống kinh tế-xã hội, nhưng rất tiếc người đứng đầu lại không có uy tín. Sự lẫn lộn giữa vị thế đơn vị với uy tín cá nhân dẫn tới sự “thất thoát” về chất xám của đơn vị.
10. “Con khen” mẹ vẫn tưởng mình hát hay thật
Nhiều đơn vị đóng cửa bảo nhau theo kiểu “mẹ hát con khen hay”. Văn hóa Việt Nam mà mẹ hát hay (thật) con khen hay cũng bị người ta chê cười, chứ đừng nói đến mẹ hát dở mà con khen hay. Nhưng hiện nay mẹ hát dở con khen hay là khá phổ biến. Có phải vì văn hóa “trọng tình” mà ta tụng ca nhau? Dở mà cứ cố khen hay thì đó là “duy tình” chứ không phải trọng tình, mà duy tình thì không phải là tốt.
Công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trên mọi lĩnh vực mà trước hết và hàng đầu là quản lý, lãnh đạo, từng bước có những thước đo, tiêu chí chung của quốc tế, chứ không phải sân ta, ao ta. Nếu tự huyễn hoặc mình, chủ quan, duy ý chí, không học tập tinh hoa tổ chức, quản lý của nhân loại theo tư duy thị trường, sớm hay muộn chúng ta phải trả giá đắt./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.293.