Cuộc sống quanh ta

"Tôi vẫn chưa hết bênh Hoàng Cầm"

1. Giữa lúc chiến khu náo nức chuẩn bị tiếpquản Thủ đô, tôi nhận được chỉ thị phải lên đường đi thẳng vào Sầm Sơn lo việc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ và nhất là anh em văn nghệ miền Nam ra Bắc tập kết.

Đêm liên hoan đầu tiên với tiểu đoàn 307 lừng danh và các buổi liên hoan khác, lần nào tôi cũng được nghe các chiến sĩ địa đầu phía Nam Tổ quốc say sưa biểu diễn bài Đêm liên hoan của Hoàng Cầm.
Trong hàng ngũ các nhà thơ kháng chiến, ngoài Tố Hữu có lẽ ít người nổi tiếng như Cầm.
Cái quá nổi tiếng ấy cũng có mặt không hay. Nó khiến một số người vội vã liệt anh vào hàng những nhà thơ dễ dãi.
Lúc ấy, tôi chưa thân với Cầm. Nhưng lòng say mê thơ dễ khiến chúng tôi trở thành bạn thân, như trước đó với Trần Dần và Văn Cao.
Trong những cuộc tranh cãi nhiều khi rất gay gắt về thơ ở tiệm trà Phúc Châu, sự mát tính của Cầm đã đóng một vai trò hòa giải hết sức cần thiết.
2. Tôi vẫn nhớ không khí ồn ào mù mịt khói thuốc lá của cái tiệm trà Phúc Châu bé nhỏ thời đó (bây giờ là hàng phở Thắng phố Tạ Hiền). Bao nhiêu những giấc mộng lớn, những khao khát cao xa đã được nuôi dưỡng bằng những ấm trà rẻ tiền uống đến đắng miệng.
Hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt và phần lớn những cuộc trao đổi về thơ thế giới và trong nước đã diễn ra trong cái câu lạc bộ công cộng này.
Và nhất là tình bạn. Có lẽ đó là những ngày đầm ấm nhất trong cuộc đời vốn cô độc của tôi.
Không phải những cố gắng đổi mới thơ thời đó được tiến hành suôn sẻ hơn bây giờ. Thời nào chẳng có những tay đao búa. Nhưng tôi có cảm giác (có phải ảo giác không?) là vào những ngày mới hòa bình người ta quan tâm đến nhau hơn bây giờ, người ta ít thờ ơ với chung quanh như bây giờ. Điều khiến tôi bận tâm nhất trong thời kinh tế thị trường là người ta ít nhắc đến tình bạn. Hay tình bạn đã trở thành một thứ hàng quá đát!
Người ta nói nhiều đến việc bảo vệ tầng ôzôn của khí quyển. Tôi cho rằng tình bạn cũng cần phải bảo vệ không kém trong một môi trường "đầu tiên" quá ô nhiễm hiện nay.
Thơ Hoàng Cầm gần như đã được phục sinh trong không khí xanh sạch đầm ấm này, và bài Cửa biển - bài thơ hay nhất của anh đã ra đời.
3. Không bao giờ tôi quên, đúng, không bao giờ tôi quên những bữa rượu nghèo vào dịp lễ Giáng sinh những năm 50. Khi những món nhắm gầy guộc đã lộ trơ đáy đĩa, Hoàng Cầm bắt đầu ngâm thơ, và lần nào Cầm cũng đọc bài Tựa Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh.
Cái giọng ngọt ngào và sang trọng vùng Kinh Bắc, quê hương những bà Chúa ngày xưa pha chút đoạn trường một đời thơ lận đận, nó khiến những người từng trải và dày dạn chữ như chúng tôi cũng không cầm được mủi lòng.
Tôi vốn không thích thơ Chu Mạnh Trinh lắm. Nhưng chỉ riêng câu "Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch", theo tôi cũng đã đủ tạo cho nhà thơ quá tài hoa và mải chơi này một ghế hàng đầu trong thơ Việt Nam.
Tôi bỗng nghĩ đến một lời của Basho: "Chỉ cần viết được năm mươi mốt âm tiết(1)
hoàn hảo cũng có thể coi là một nhà thơ Haiku bậc thầy".

4. Hoàng Cầm và Nguyễn Bính là hai tài năng thơ bẩm sinh, đặc sản của hai vùng đất nước, một vùng chiêm khê mùa thối cơ cực đất Sơn Nam và một vùng tài hoa thanh lịch đất Kinh Bắc.

Tôi vẫn nhớ bữa thịt chó Hàng Bè sớm hôm đó với Nguyễn Bính. Không ít người kêu Bính là khinh bạc, nhưng Bính đối với tôi rất tốt. Thứ bảy nào đi thu tiền báo Trăm hoa ở các đại lí, hơi nặng túi là Bính lại rủ tôi đi mộc tồn (thời kỳ này tôi đương gặp khó khăn). Giữa hai miếng "chả trư" thơm phức tôi bất chợt hỏi Bính:
- Trong dòng thơ dân dã sau cậu là ai?

Bính không cần nghĩ trả lời tắp lự:

- Sau tao là thằng Cầm.

Rồi Bính tì tì uống tiếp. Bỗng Bính đặt chén xuống trỏ vào mặt tôi nói như quát:
- Thằng đểu, suýt nữa thì ông mắc lừa mày. Thằng Cầm cũng bằng tao.
Và hai đứa cười ha hả cụng ly uống một hơi như hai nhân vật Đông Chu liệt quốc.
5. Sau họa Kinh Bắc tinh thần Hoàng Cầm suy sụp đến mức nhiều bạn anh thất vọng nghĩ rằng nhà thơ vốn tâm hồn yếu đuối kia khó có thể còn tiếp tục nổi con đường chữ đầy chông gai của mình.
Phùng Quán có kể lại:
"Văn hữu và thi hữu Bình Trị Thiên ra Hà Nội nhờ tôi dẫn đến thăm thi sĩ Hoàng Cầm. Họ hỏi anh: "Dạo này anh có làm thơ không?". Anh lắc đầu. "Anh có đọc thơ không?". Anh lắc đầu. Anh nói sau một hồi lâu im lặng: "Tôi không còn làm gì được nữa. Tinh thần tôi suy sụp"(1)
Quán là một tâm hồn sôi nổi và ưa những cử chỉ hào hùng. Và Quán đã xé một mảnh giấy bao xi măng lấy than viết ứng tác một bài thơ dán lên tường nhà Hoàng Cầm.
...
Tôi tin núi tàn
Tôi tin sông lấp
Nhưng tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh
Lại ngã lòng suy sụp(2)
...
Tuy nói mạnh thế, nhưng tôi biết trong thâm tâm lòng tin của Quán đã lung lay lắm. Quán đạp chiếc xe con vịt đến tìm tôi:
- Anh Cầm vốn tin anh, việc động viên anh Cầm lẽ ra không phải việc của em mà của anh!
Tôi cố trình bày nhưng Quán không chịu nghe. Quán không hiểu rằng một thái độ yên lặng đầy tận tâm có khi còn cần cho việc hồi sức một tâm hồn đau yếu hơn những lời thuyết phục hùng hồn.
Tôi cũng lo. Rất lo. Nhưng kinh nghiệm 30 năm trò chuyện với người bạn sâu sắc và điềm đạm là Bờ Hồ Gươm đã dạy tôi giá trị của những phút thiền lặng cũng như sự can đảm và cứu rỗi của chữ.
Tôi không tin một người đắm đuối thơ như Cầm lại có thể bỏ cuộc.
Và con người bạc nhược kia đã đứng dậy với tư cách một người chữ can đảm.
Sau năm sáu tháng gì đó, Cầm đưa tôi một bài thơ cung điệu còn chuệch choạc nhưng đã nghe thấy tiếng cánh đập của chữ.
Con chim họa mi Kinh Bắc lại vươn cổ bắt đầu hót.
6. Sinh thời, Đặng Đình Hưng thường có một cách đối xử không công bằng với Hoàng Cầm. Bao giờ Hưng cũng đánh giá Cầm như một nhà thơ bình dân "chiếu nhì".
Tôi rất thông cảm với gánh nặng kỳ thị nó đè nặng nhiều năm trên lưng nhà thơ tài năng, con cháu Đặng Trần Côn đất Chương Mỹ này, nhưng tôi có cảm giác thành công quá chóng vánh và hư danh làm Hưng chóng mặt.
Tôi đã nhiều lần thẳng thừng với Hưng: "Trong thơ chiếu nhất chiếu nhì không quan trọng, cái quan trọng là tạo được cho mình một tiếng nói "khác" thiên hạ".
Nhưng Hưng không chịu và "cố tình vu" cho tôi là bênh Hoàng Cầm.
Tôi có cảm giác Cầm cũng biết điều này, nhưng anh vốn là một người mát tính và tốt nhịn. Chỉ có một lần, tôi chứng kiến Hoàng Cầm nổi nóng thực sự.
Thời kỳ này Hưng đã có nhà ở Giảng Võ và đã có đồng ra đồng vào rủng rẻng do Đặng Thái Sơn gửi về. Hưng bỗng nảy ra sáng kiến nhắn anh em tập trung tất cả tác phẩm lại để Hưng viết lời giới thiệu và bỏ tiền ra in.
Lẽ dĩ nhiên tôi phản đối, phản đối quyết liệt. Để làm dịu không khí, Cầm lại ngâm một số câu thơ. Chẳng biết có phải Hưng muốn sửa sai không? Anh gật gù:
- Những câu thơ mới viết của Hoàng Cầm sắc nước hẳn...
Chưa bao giờ tôi thấy Hoàng Cầm giận như thế.
Mặt anh đỏ lên và anh nói dằn từng tiếng:
- Đây không phải những câu thơ mới làm, đây là những câu thơ trong phần kết tập Kinh Bắc tôi đã đưa ông xem từ 30 năm trước.
Bao giờ thì các nhà thơ mới có thói quen đọc cho nhau một cách tận tình, đối xử ân cần và chăm chút nhau trên đường trường gian nan của nghiệp chữ.
7. Không phải tôi không biết Hoàng Cầm có nhiều nhược điểm.
Bản thân nhiều nhà thơ lấp lánh trên vòm trời chữ nhân loại không phải ai cũng hoàn hảo, một số còn bất hảo như Villon.
Và tôi rất mê câu nói của Đức Phật:
"Biển khổ mênh mông quay đầu thấy bến".
Tác phẩm chính là những bến quay đầu của họ. Con người nghệ sĩ có thể lỗi lầm (lẽ dĩ nhiên nếu họ không lỗi lầm thì hay quá!) nhưng một tác phẩm chân chính bao giờ cũng thánh thiện, cũng cứu rỗi. Nó là tiếng khẩn thiết kêu gọi thanh cao, lời vật nài phần người bao giờ cũng lâm nguy trong một con người.
Cho đến khi viết những dòng này, hình như tôi vẫn chưa hết bênh Hoàng Cầm. Nhưng suy cho đến cùng, việc bênh thật không cần thiết, có thể còn lố bịch. Hoàng Cầm, Nguyễn Bính cũng như mọi nhà thơ thực tài khác không cần ai bênh, bản thân họ đã có một đội vệ sĩ đông đảo, hùng mạnh, đó là những câu thơ của họ.
Và những câu như:
Em đứng nhìn theo em gọi đôi
...
Em đừng lớn nữa chị đừng đi
...
Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa(1)
đủ sức, thừa sức bênh Hoàng Cầm lâu dài, rất lâu dài trong lịch sử thơ Việt Nam thế kỉ XX, và thơ nói chung.
2 - 1997


(*) Lê Đạt(1929 – 2008): Nhà thơ, tên thật là Đào Công Đạt, quê Bắc Giang, sống tại Hà Nội.
Nguồn: Bài viết nhân dịp Hoàng Cầm 75 tuổi.
(1) Mỗi bài Haiku gồm 17 âm tiết.
(1) (2) Thơ Phùng Quán, trang 51.
(1) Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513174

Hôm nay

2275

Hôm qua

2436

Tuần này

21111

Tháng này

220047

Tháng qua

121356

Tất cả

114513174