Anh quả là một người hào hoa.
Chị đi đâu về. Tôi đứng dậy. Chị bảo: "... À, chú đấy à!". Rồi chị ra ngồi, tay rót nước. Tôi nhìn chị. Chị quả là một người đàn bà đẹp. So với người Hà Nội những năm đó, chị đỏm dáng. Có lẽ chị biết là mình đẹp.
Tôi đưa ly rượu lên môi, bâng khuâng nhớ người con gái trùng tên chị đã hẹn tôi rồi không đến một năm xưa. Tôi nhìn anh, vẩn vơ hồi tưởng lần đầu đến quán rượu này. Tai tôi lại vẳng tiếng cười giòn giã của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn: "... Muốn thì đi với tớ, không đi lại chê Hà Nội không có!". Ngồi trên chiếc ghế đẩu chông chênh chỉ chực đổ xoài ra, tôi nghe tiếng ngâm thơ. Anh có một lối ngâm lạ lùng. Ngâm như than, như khóc, như rên rỉ, như van vỉ, như hát chầu văn. Như rủ người nghe nhập đồng.
Quái lạ. Lời thơ lại vượt khỏi tầm trí tuệ. Nó lơ lửng ở chốn nửa nhân gian nửa thần thánh. Nó chém xuống tâm linh, để lại vết cắt, thứ vết cắt hằn sâu ở lớp thứ tám. Vâng, hiểu thì chỉ cần lớp một cho đến lớp ba, bốn. Sau đến lớp năm, lớp bảy là cảm. Khi đó chữ nghĩa hết là chữ nghĩa. Nó thành những tác động tâm - sinh lí. Nhịp tim không còn đều đặn đẩy máu đi như làm thứ nghiệp vụ buồn tẻ trong một cơ thể bình thường. Nhịp thở không còn đều đặn như khi người ta ngủ say đến mất hết khả năng tiếp nhận bất cứ gì. Còn lớp tám? Tôi phải nói thế nào? Tôi biết như kẻ có lòng tin vào thượng đế, nhưng làm sao nói đây?
Tôi lẩm nhẩm: "... Ta soi. Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú. Ngủ say rồi đôi cá đòng đong". Ở tầng thứ tám, một bàn chân người nhỏ bé đạp vào không gian mênh mang bí ẩn đẩy lùi lại những vì sao long lanh trên dải ngân hà trong suốt. Cúi xuống, cũng ở tầng thứ tám đó, con người nhỏ bé soi mình xuống lạch nước, và an bình thay, đôi cá đòng đong nhỏ bé hơn nữa đã ngủ say rồi. Từ vô cùng lớn, chỉ vài chữ là đến li ti nhỏ. Ở giữa, con người kia cô đơn làm cái ảo giác đạp lùi tinh tú. Hình ảnh đó còn bi tráng hơn huyền thoại Sisyphe lăn đá lên cao. Hòn đá tới đỉnh lại lăn xuống như mọi thứ định nghiệp vô căn do, lăn xuống để rồi lại đẩy lên, theo cách diễn tả sự phi lí kiếp người của Camus. Lăn đá là hình phạt của Zeus, thứ thần linh hóa ra đại bàng đi đánh cắp một cô con gái nhưng bị Sisyphe - kẻ được bàn dân coi như một vị vua mong xây dựng một vương quốc có văn minh - nhận diện và tố cáo. Văn minh nằm ép dưới quyền lực. Còn luân lí, luân lí đã nhiều lần chùn bước trước sức mạnh trong lịch sử nhân loại.
Hình ảnh lăn đá của Sisyphe khắc nghiệt hơn đôi cá đòng đong ngủ say. Con người cô đơn nổi loạn đạp lùi tinh tú, nhưng hiểu ra sự bất lực của ảo tác đó nên vội quay về tìm an nhiên bằng giấc ngủ của đòng đong. May thay, đòng đong vẫn có đôi. Đó là một cách an ủi. Dĩ nhiên kém triệt để, nhưng bao dung hơn. Phải chăng Đông khác Tây là vậy? Nhưng thế thì sao "nó vận vào người" được nhỉ?
2
Buổi sáng hôm ấy lành lạnh gió, hai mươi năm sau, cứ mỗi lần gió như thế, tôi lại nhớ, lại mang mấy tấm ảnh cũ ra nhìn. Ảnh có cụ Sìn, có Văn Cao, có Thái Bá Vân, những người đã khuất. Có anh. Có Nguyễn Duy. Có tôi. Những người vẫn còn. Có chị Băng, dĩ nhiên. Còn có T và L, hai cô gái nuôi của cụ Sìn, một họa sĩ đầu đàn của Hà Nội vào những năm ba mươi. T kéo violon cho dàn nhạc giao hưởng. Duy làm bài thơ khá đẹp về bàn tay và chiếc vĩ cầm. Còn L, cô dạy học ở Hải Phòng, nhưng nay đã lưu lạc đâu đâu bên Hà Lan rồi. Duy đèo tôi bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng cứ dăm trăm thước lại tuột xích. Chúng tôi đi dọc đại lộ Lê Duẩn về hướng Nghi Tàm. Tôi bảo: "Chẳng biết các ông ấy gặp nhau thì thế nào nhỉ?". Khi mời anh, Duy chỉ nói: "... Anh lên xem bức tranh cụ Sìn vẽ anh năm tiếp quản Thủ đô!". Khi mời Văn Cao, tôi chỉ nói: "... Cụ Sìn nhắn anh lên, lại khà khà bảo không có anh thì thôi không đình đám nữa. Cụ yếu lắm rồi...". Chúng tôi đều biết là từ cái thuở Nhân văn gần ba mươi năm xa lơ xa lắc, anh và Văn Cao không gặp nhau nữa. Lý do? Tôi kêu lên: "... Miễn bàn!". Cả nước hòa hợp hòa giải. Văn hóa thì thế. Một dúm tác phẩm. Dăm ba ông đứng đầu, ông nọ tránh không nhìn mặt ông kia. Con cháu sau này trông vào thì sẽ nghĩ gì? Thái Bá Vân gật gù, nhỏ nhẻ: "Cho tôi đi với!", rồi hồn nhiên tiếp: "... Cũng đến lúc các ông ấy nên gặp nhau rồi!".
Tôi không hề hỏi đến lúc là đến lúc nào. Tôi cũng vô tâm, chẳng thắc mắc thế nào là nên, thế nào là không nên. Bữa ăn nhà cụ Sìn khá vui vẻ. T và L chạy lên chạy xuống. Cụ bà đi vào đi ra. Tôi vui trong bụng, chỉ cảm thấy một thoáng sượng sùng khi hai anh bắt tay nhau, để ý các anh tránh nói với nhau, nhưng cả hai đều góp chuyện. Văn Cao thích làm dáng, đôi khi hơi gượng trong dăm ba hoạt cảnh đầy tính kịch. Còn anh, anh hồn nhiên. Cụ Sìn mang bức tranh cũ ra. Bức tranh không có khung, vải bố nhem nhuốc, nhưng anh, anh cười trong bộ quân phục màu vàng, đội mũ có đính sao. Cụ Sìn lại khà khà móm mém bảo: "... Lính Vệ quốc đẹp thế đấy!". Anh mơ màng: "... Đẹp và trẻ. Có lẽ đẹp vì trẻ...", mắt nhìn T và L đang cúi xuống thẹn thùng. Quả thế. Tôi cũng nhìn. Cô giáo ở Hải Phòng đằm thắm hơn. Cô nhìn lại rồi chạy vụt đi. Cô nhạc sĩ vĩ cầm dáng dấp có nét bốc lửa, nhưng mắt lại mơ màng chút u uẩn than tro. Cô làm vẻ thản nhiên nhìn về phía sân, nơi nước ao đã tràn lên mấp mé bờ.
Buổi trưa hôm đó qua đi, rất nhẹ, không khác cơn gió lành lạnh chớm đông. Cõi nhân duyên chập chờn oái oăm. Hai anh lại chia chung cái chiếu rượu này. Và chia với chúng tôi. Mỗi kẻ một vẻ đời. Làm lính. Làm thơ. Kéo đàn. Dạy học. Đến từ một bờ đại dương xa lắc bên kia. Lên từ Cảng, quê hương của người tài tình thõng một câu thơ nhập "Sinh ra tôi đã có Hải Phòng..." cho bản trường ca Những người trên cửa biển...
Tối ăn cơm, không biết là chân ai khều nhè nhẹ vào chân tôi. Hẳn vô tình. Giá mà cố ý nhỉ. Ai biết được, lại chuyện nhân duyên. Đêm hôm đó, tôi ngủ lại nhà cụ Sìn với Duy. Hai đứa lau sàn xi măng đã lên dầu mồ hôi sáng bóng rồi mắc màn. T và L cũng thế, hai cô nằm chiếu bên cạnh.
Tiếng ễnh ương bờ ao. Vẫn gió. Gió xào xạc. Ngọn đèn hoa kỳ vặn xuống li ti sáng một màu xanh biếc. Tiếng cụ Sìn ho. Tiếng đập muỗi. Tiếng thở dài nhè nhẹ chiếu bên. Duy bắt đầu ngáy. Tôi thiếp dần đi trong mùi đàn bà bay thoang thoảng. Tôi mơ bay lên thật cao, cao đến độ trái đất ở dưới chỉ còn là một hòn bi ve óng ánh màu hy vọng một hạnh phúc trong tầm với của cả dân tộc tôi. Thú thật, tôi đã là một kẻ có niềm tin như vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cố gắng tin và còn hy vọng nên mới viết được những dòng chữ này, dẫu rằng đôi khi bóng tối có lúc đã bao trùm cả đời tôi lẫn đời những người tôi yêu.
Hình như ai thò tay sang nắm lấy tay tôi. Tôi để yên, lòng ngậm ngùi, vờ ngủ. Cho đến nay tôi vẫn chưa biết bàn tay đó là tay L hay tay T. Tôi chỉ biết tờ mờ sáng L đã đi ra bến xe về Hải Phòng. Và rồi sau đó tôi cũng phải bay sang bờ đại dương bên kia. Nỗi ngậm ngùi sau này đọng lại được đúng hai câu: Em đi rón rén trời chưa sáng. Bước động ao bèo bỗng hóa sông.
3
Thuở đó anh biết tôi yêu thơ. Thật ra tôi yêu tất cả những cái đẹp. Và yêu, dĩ nhiên là mù quáng. Là như bị thôi miên. Là buông hết, và thả luôn đời mình vào cái mình yêu, hệt như những kẻ tử vì đạo. Cái đẹp, gộp luôn cả chân - thiện, trở thành tất yếu cho sự tồn sinh, và mặc dầu tôi là người ngoại đạo, thỉnh thoảng lại mập mờ mang hình tượng Ðức Chúa đóng đinh trên thánh giá cứu rỗi, sườn loang lổ máu một vết dao đâm vì lòng tham tàn cộng thêm sự ngu muội.
Tôi đến chơi với anh như đến với cái đẹp(...). Anh biết tạng tôi, cái tạng con trẻ không làm sao cho khôn ngoan thích ứng hơn được với cuộc đời. Tôi không kể cho anh cái đêm đó có một bàn tay đàn bà thò qua màn nắm lấy tay tôi ở chiếu bên. Anh tặng tôi một chai rượu mơ anh ngâm, dán thêm hai chữ Men Quê và bốn câu thơ, anh kể:
"... Tên nàng cũng là Yến. Chúng mình lên đồi, mặt đất xanh rì, nhấp nhô mềm dịu như mông như vú đàn bà. Nắng đã bắt màu vàng tươi trên mái chùa Phật Tích ngói đỏ xa xa. Ngả mình nằm xuống thảm cỏ, nàng nhìn, cái nhìn như bảo ban. Bỗng nàng chồm dậy, hai tay bíu lấy đầu mình kéo xuống, rồi áp môi hôn những nụ hôn cuồng nhiệt. Khi buông nàng ra, mình đọc: "Một con bướm lửa đậu môi". Nàng nắm hai tay mình kéo ra, miệng thầm thì: "Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm". Nhìn lên trời, những ráng mây xa óng ánh như sắp cháy bùng lên, mình tiếp: "Ba làn mây lửa về thăm". Nàng như say sóng, ôm choàng lấy mình để giữ thăng bằng trong một cơn bão biển bất ngờ ào vào thân thể, mắt nửa khép nửa mở, tay quơ lên, miệng thở dốc. Mình lao vào nàng, vào cơ thể nàng, vào tâm hồn nàng bằng tất cả sinh lực đàn ông, cứ thế cho đến khi cùng kiệt. Nàng ngước mắt, vừa cười dịu dàng, vừa đếm: "... Bốn lần chim lửa đến nằm rậm hoang".
Hai mươi năm sau, tôi vẫn nghĩ cho đến nay câu chuyện anh kể không chỉ là một câu chuyện thật. Nó có chất cốt tủy như khi anh bảo với tôi rằng nàng Thơ vốn dĩ lẳng lơ, gặp ai cũng quyến rũ, nhưng chung chạ gối chăn được với nàng lại là chuyện khác... Tôi tin lời anh. Anh hồn nhiên nhận mình là người may mắn. Như vậy cái gì có thể lại "vận vào người" anh?
4
Mẹ, Chị rồi Vợ anh và những người đàn bà yêu anh đều là cốt đồng cho anh nhập vào tâm giới với nàng Thơ. Hiện tượng này nằm dưới tầng ý thức của chính anh. Thậm chí, nó nằm ngoài anh, và chính vì thế mà anh kể là thơ anh "... vài ba câu đầu bao giờ cũng không phải là tôi nghĩ ra, mà đúng thật là những lời văng vẳng bên tai như có một giọng nữ đang hát, hay đang đọc... mà tôi xin gọi là lời của thần linh đọc cho mình chép lại được".
Vâng, nghe đâu anh chép được nguyên bài Lá Diêu bông. Lần cuối gặp anh năm ngoái, anh hỏi: "Thơ mình được mấy bài?". Tôi tần ngần, đếm có Về với ta, Đợi mùa, Cây tam cúc, Quả vườn ổi. Đó là những bài thơ lạ, ngôn ngữ thơ biết thở, biết hát và biết im lặng. Tôi đáp: "Năm, sáu bài...". Anh cười: "... Thế là lấy của thiên hạ quá nhiều rồi!", và hồn nhiên nói tiếp: "... À, em mới kể có năm thôi!". Thật ra còn bài U gì, anh làm gửi cho Đặng Đình Hưng. Bài Ðợi mùa, ít người nhắc. Thú vị nhất là tiếng chim tu hú, thứ chim lớn hơn sáo, lông đen nhạt điểm trắng, đẻ trứng thì đẻ vào tổ sáo hay tổ chim ác là, và cuối Xuân là kêu để gọi Hè về :
Mùa chưa về
Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ
Dãy tre xa giấu biệt giải khăn điều
Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi
Hàng tre nhả yếm trả Mẹ về
lều dột mưa đêm
Thì Chị đi mấy lối chân chim
Để Mẹ về bao phương bèo nổi
Riêng Em nằm trơ đợi giờ tu hú gọi.
Câu bốn và năm trong đoạn này rủ người đọc thở một nhịp thở gấp gáp, tiếp đó, nhịp thở chậm lại, rồi nức nở nghẹn lại. Tôi xin trích thêm một đoạn:
Em bước vào đình
ôm cột bốn người ôm
Em rẽ sang chùa
lay chân Hộ pháp
Sau chùa tát đêm một chạp
Gầu giai ai vớt Chị ơi lòa lõa thân trăng
Chị lỡ xe hồng
Mẹ đi lấy chồng
Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc
Mật vàng mọng rách vỏ nâu non
Giữa câu bốn và năm trong đoạn này, thơ chuyển mạch bằng cách im lặng (đọc ở giữa hai câu, nghĩa là không có chữ nào). Và đây là đoạn cuối:
Có hôm Em lần xuống bếp
Cậy cháy sành vỡ toác trôn niêu
Một con mèo mướp ruỗi chân chiều
Lưỡi gió liếm gio vờn tóc rụng
Tưởng như Mẹ về
Vai áo toạc ba vá chằng tơ dứa
Tưởng như Chị về
Tơ tóc đêm xưa giờ rễ tre
Bao giờ Chị về
Tóc phủ vai Em chiều hương nhu
Bao giờ Mẹ về
Buộc yếm đào phai vỗ hát ru
Khấn thầm như gặp Chị
Mắt nứa cứa tay em
vẫy đón đầu làng
Khấn thầm
như Mẹ lỡ đò ngang
Miệng hé hạt na nhòa bến vắng
Cổ tay tròn đẫn mía gie
Không
Bầu Mẹ không tròn
Bưởi Chị không hoa
Đã hết năm tu hú gọi rừng già
Đã sang mùa
tu hú ngủ rừng xa.
Hai câu cuối cùng, thơ là thơ biết hát. Trong đoạn vừa trích, thơ biết im lặng sáu lần và hát lên hai lần. Còn thở, thơ thở hắt ra ba lần, thở kiểu máu nhồi cơ tim một lần.
Điều tôi muốn nói bằng cách nói trên, Thơ hay là thơ có tác động sinh lí lên người đọc qua nhịp thở và nhịp tim. Chính tác động đó ảnh hưởng đến tâm lí, tạo ra cái đa dạng của thất tình: buồn, vui, bâng khuâng, bực dọc, phẫn nộ... Đã nói đến nhịp, là nói về nhạc. Thơ hay không phải chỉ một câu hay. Thơ hay không phải một chữ hay. Trò kén chữ cho khéo là trò kén chồng, kén rể làm lễ cưới cho có pháo nổ và họ hàng hai bên cười cợt, xong lễ thì ém nhẹm đi cuộc sống lứa đôi dẫu ổn thỏa hay không ổn thỏa. Thơ hay là thơ nhìn dưới góc độ một tổng thể. Tác động câu chữ là tác động trên trí tuệ. Thêm một mức, mới tới tâm cảm, hệ quả của tác động trên nhịp thở - nhịp tim yếu tố sinh lí gây nên thất tình. Thơ hay chính nó là Nhạc. Và thường thường, chúng ta đơn giản hóa Nhạc vào vần, vào điệu. Nhưng vần thì thật ra thừa, và điệu, rất sáo mòn, nhất là vần điệu của lục bát, tứ tuyệt hay thất ngôn (nhưng nói thế không phải bảo rằng Thơ hay không có thơ lục bát, tứ tuyệt hay thất ngôn). Thơ anh ra ngoài thể loại vần điệu đó. Thơ anh mang âm vận của từ đời Tống và những bài phú thời Nguyên - Minh, tự do hơn, phóng khoáng hơn, nhưng lại mang tính cách Quan họ đặc biệt đất Bắc Ninh. Thơ anh có Mẹ, có Chị. Những "Bầu Mẹ không tròn, bưởi Chị không hoa". Cũng vì vậy nên thơ anh là thơ của Lỡ làng. "Chị lỡ xe hồng, Mẹ đi lấy chồng, Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc...". Sự lỡ làng chỉ đổi lại bằng khoai "mật vàng mọng rách vỏ nâu non". Vỏ khoai có khác ai hơn là Em, kẻ làm thơ khóc những lỡ làng?
5
Năm 1982 là một năm đầy oan trái nghiệp nghiệt.
... Năm ấy, tôi chẳng có một thứ may mắn nào cả. Rồi bạn phản. Tình phụ. Chỉ một năm, bằng ấy cái họa. Mất nhà, mất quê hương, mất tình, nghề nghiệp bị đe dọa. Quán ăn phải thuê người làm, bị ăn cắp hết vì không lấy ai ra để trông coi. Lại nợ. Nợ chồng nợ chất. Nhưng ghê rợn hơn hết là sự trống rỗng.
Chính sự trống rỗng đó đã đưa tôi đến cạnh cái chết lúc ấy tôi đồng hóa với giải thoát. Tôi thức hàng đêm, nhìn ra ngoài trời tuyết trắng mênh mông, đầu óc tê điếng, vô cảm, và chỉ thấy trùng trùng băng giá, không yêu không ghét, không hờn không giận. Chỉ trống rỗng. Cái trống tếch trống toác của thế gian không có một chút tình người. Tôi là tên tù nhân của cái ngục trống khủng khiếp không có cửa sắt chấn song. Lẽ sống lúc đó nhẹ tênh tênh, vậy thì tự do mà làm gì. Tôi nhịn đói hàng tuần, không thấy cần ăn, uống nước lạnh thôi là đủ. Sống chết lúc đó ở ngoài tôi. Soi gương, "kìa ai đó - tôi lạnh nhạt - chớ có phải tôi đâu". Cho đến một hôm. Vâng, hôm đó người bạn gái gốc Chilê, kẻ đã dịch một đoạn thơ tôi ra tiếng Tây Ban Nha gửi đăng trên một tờ báo phe tả ở Salvador, đến nhà tôi với một bông hồng. Nhìn tôi, nàng nói: "Không nhà thơ nào có thể chết được", và cười rất tươi.
Nghe nàng nói, không hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến anh. Lúc đó, anh vẫn còn nằm trong tù ngục. Anh là nhà thơ. Anh không thể chết được. Còn tôi, câu nói của Cecilia đẩy tôi ra khỏi một cuộc tuần du đầy ác mộng.
Tôi phải sống.
6
Có sống mới về thăm anh được. Năm 1988, giải tỏa lệnh cấm. Dĩ nhiên, Đại hội VI đã đổi mới tư duy, và thấp thoáng một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi men ngách vào nhà anh, số 43 Lý Quốc Sư. Nhà vẫn vậy, nhưng quán rượu thì dẹp rồi. Cháu nội gọi ông, anh từ gác xép leo xuống. Anh đây. Anh gày gò, tóc bạc gần hết đầu, mắt trũng sâu, răng cửa đã khuyết một cái. Anh ngẩn ngơ nhìn. Tôi ôm lấy anh. Chúng tôi ngồi nhìn nhau. Tôi nói: "... Có điều gì khúc mắc anh cứ hỏi". Anh bảo: "... Giá em về trước hai năm thì anh em mình chẳng được thế này đâu". Tôi im lặng. Trong tù đầy, hỏi cung, quay quắt ra biết bao nhiêu thêu dệt thực hư. Tôi hỏi: "Tập thơ anh chép cho em, anh đã lấy lại rồi chứ?". Anh cười, cái cười đau xót. Đó là cái lấy lại được, nhưng vừa ra khỏi tù thì anh mất ngay chị, rồi liền sau đó anh mất con gái anh, cũng tên là Yến. Nước mắt ứa ra, anh kể:
"... Đêm hôm đó, anh đang chập chờn ngủ, sao lại ở đâu có một con bướm vàng bay vào lảng vảng quanh màn. Mở cửa màn con bướm chui vào. Anh linh cảm, anh biết, anh khấn. Bướm bay rồi đậu lên bàn thờ. Anh lại khấn: "Yến ơi, con ơi, con về đấy à, khổ thân con". Bướm từ bàn thờ bay xuống quấn quýt bên anh như không nỡ rời dẫu âm dương cách trở".
Nắm tay anh, tôi không muốn để anh mất mát thêm bất cứ gì. Sau, tặng tôi tập thơ Men đá vàng, anh viết "... Để cùng nhớ những năm tháng đầy oan nghiệt nhưng cũng đầy hạnh phúc". Đấy, cặp bài trùng oan nghiệt - hạnh phúc. Và hạnh phúc của nhà thơ lúc nào cũng là một điều thật bí ẩn. Bí ẩn như ngôi sao trên kia long lanh sáng, nhưng xa lơ xa lắc, kẻ bình thường như tôi có giơ tay lên với cũng không nắm bắt được.
Có một người anh như anh, là một niềm hạnh phúc. Anh nghiêm mặt bảo: "... Cái vốn từ của cậu chưa đủ. Phải đọc đi đọc lại Truyện Kiều. Rồi đọc cô tổ Xuân Hương...". Tôi cãi, chữ cho đơn giản chứ bí hiểm quá, hay điển tích quá thì đều là "quá tải". Hôm ấy có cả Trần Dần và Lê Đạt. Anh Đạt khéo kết chữ cũ cho ra mới. Còn anh Dần, anh đi tìm chữ mới, đang thử nghiệm loại thơ cực ngắn, đôi khi chỉ đúng hai chữ. Anh quay hỏi: "... Nó nói thế, chúng mày nghĩ thế nào?". Anh Đạt lí giải. Còn anh Dần, anh nhìn tôi chằm chằm, buông gọn, cũng cực ngắn, "cứ làm!".
Cãi thế, nhưng về tôi nghĩ. Tôi đọc đi đọc lại Truyện Kiều. Tôi đọc đi đọc lại thơ Xuân Hương. Tôi học chữ Hán để đọc cả Bắc hành thi tập. Rồi tôi dịch lại hai trăm bài thơ Đường mà khi chuyển sang tiếng Việt, những người đi trước tôi lại dùng thể lục bát. Rồi tôi dịch lại cả Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cho sát lối tập cổ, tránh kiểu song thất lục bát của bà Điểm. Đấy, chỉ một câu anh nói thôi mà khi hiểu ra tôi đã đổ mồ hôi như vậy. Chuyện này, tôi chỉ mới nói thoáng cho anh nghe. Nay nói lại, một cách gửi lời cảm tạ anh. Quả là vốn từ của tôi nay có hơn xưa. Song có ân ái được với nàng Thơ hay không lại là một chuyện khác.
Hợp rồi tan. Tôi lại phải ra đi. Cứ mỗi lần như thế, anh nhắn nhe: "... lại anh thêm dăm phút". Lúc tôi về, anh lại đạp xe đạp đến khách sạn. Và khi chia tay, anh ôm tôi, anh hôn, anh khóc. Tôi nhìn theo anh trong bóng đêm. Mái tóc anh trắng bồng bềnh lồng lộng gió ven hồ Hoàn Kiếm. Bóng anh mãi cũng xa dần rồi mất tăm. Lúc ấy tôi cũng khóc.
Chúng tôi là những kẻ mau nước mắt.
7
Nhưng cũng có một thời những giọt nước mắt chảy vào trong. Và rồi một thời khóc - cười là một.
... Cho đến 1998 tôi mới lại đặt chân trở lại Hà Nội. Lần này về, về cho bạn bè. Và đi kèm có cháu Việt, con trai lớn của tôi.
Lại men cái ngách 43 Lý Quốc Sư. Ngách vẫn thế nhưng nhà anh nay khác, lên ba tầng, trước nhà vẫn còn một đống cát, xi măng, và dăm ba chiếc xẻng. Bây giờ, không ai réo tên nhau. Phải bấm chuông. Tôi hồi hộp. Cửa mở. Anh thò đầu nhìn, mắt nhắm mắt mở. Tóc anh xù ra bạc trắng màu mây. Anh còm xuống. Răng rụng gần hết, nay chỉ có răng giả. Anh cười. Ở một cái tuổi nào đấy, cười làm sao thì cũng hơi mếu máo. Anh ngồi xuống ghế salon bọc simili-cuir. Bàn kính. Nhà lát gạch hoa. Thế thì đâu rồi những chiếc ghế đẩu nằm xoài ra trên nền đất nện? Thế thì đâu rồi cái điếu cày, dăm chiếc đóm, chai rượu mơ và ngọn đèn hoa kỳ bấc vặn thật thấp li ti đốm cháy? Tôi xin anh, tôi lên chỗ anh ở, chứ ngồi salon làm gì. Leo gác hai, anh đẩy cửa. Một cái giường đơn. Trên sàn, trải chiếu, khay nước nằm tênh cạnh ngọn đèn hoa kỳ. Và chiếc điếu với dăm vê thuốc lào. Rồi dăm chiếc đóm. Tôi ngồi sụp xuống cái sàn ọp ẹp. Tôi bắt đầu nhận ra anh. Anh cười. Bấy giờ, cái cười mới hết mếu máo.
Lần sau đến, tôi kể cho anh nghe ý định viết một vở kịch về quan họ. Lần ấy, có Thụy Kha, rất duyên và cực xông xáo vui chơi. Thụy Kha hẹn sẽ cùng nhau đi Bắc Ninh làm một chầu quan họ, dọa là "các em" bên đó "tình" lắm. Còn phần tổ chức "hành quân", Thụy Kha la: "... Cứ để tôi". Về, tôi hẹn đến đưa anh đi ăn cơm trưa với Việt ngày mai. Khi bố con tôi đến thì người nhà bảo anh ốm lắm. Chúng tôi lại leo gác hai. Trong phòng, anh co quắp trên chiếc chiếu dải trên sàn, mình đắp chăn. Tôi cúi xuống nhìn. Mắt anh nửa khép nửa mở, trắng đục, vô hồn. Anh không nhận ra tôi.
Anh phải vào viện. Năm ngày sau, bố con tôi đến thăm anh trong nhà thương. Anh bị sưng phổi sau cái chuyến đi "trình diễn" thơ ở Thái Bình thì phải. Mỗi chuyến đi thế, cũng được thù lao một, hai triệu, nghĩa là một, hai trăm đô Mỹ. Lộc thơ chỉ có thế, và phải chờ những ngày cuối năm. Chúng tôi đến thì đã có dăm ba phóng viên những tờ nhật báo của Hà Nội. Anh lại khều tôi, miệng cười rất tươi, chỉ vào một chị phóng viên ước độ trên dưới ba mươi, và hỏi: "... Trông được chứ nhỉ!". Rồi anh víu vai cháu Việt, nói bằng tiếng Pháp: "Bác về là sẽ hỏi cô ta làm vợ". Ngớ ra, Việt không hiểu nhìn tôi dò hỏi. Anh tiếp tục, rất chân thành: "Mais oui, je vais lui demander sa main... c'est sur". Sau, con tôi cứ cười bảo: "... Quả bác ấy là nhà thơ... Un poète-fou!".
Đúng đấy Việt ạ. Có nhà thơ nào không điên? Tôi lại nhớ lời ra tiếng vào của một người bạn, bàn: "Ông ấy nỡm lắm. Già thế mà lên tivi cứ nói tình yêu này, tình yêu kia... Nghe ngượng đỏ cả mặt!". Thưa anh bạn đứng đắn, anh Cầm thế, vì anh ấy sống phút nào là chong mắt tìm một cốt đồng để nhập vào, hy vọng thêm một lần ân ái với nàng Thơ. Nỡm ư? Nhưng ngẫm kĩ mà xem, cứ giả thử như chúng ta có tất cả nhưng không còn yêu thương được nữa, giả thử như trái đất này đánh rơi vào cái rọ đen - black hole - tất cả tình yêu và đam mê. Chúng ta có tất cả đấy, nhưng lại không còn gì ngoài cái hành trình của những người không tim trong thiên hà mênh mang kia. Anh bạn đứng đắn ơi, trong hành trình đó anh cứ đi một mình. Chúng tôi xin ở lại.
Tôi đến chào anh lần cuối trước khi bay vào Đà Nẵng. Lần ấy, chúng tôi tần mần đếm sổ văn hóa xem có ai và đã làm được những gì suốt ba mươi năm qua trong nền thơ - văn của chúng ta. Lần ấy là lần anh kêu: "... Thế là lấy của thiên hạ quá nhiều rồi!". Có lẽ, Huy Cận của Lửa thiêng, trước khi làm quan thì cũng chỉ được dăm ba bài. Làm thơ, không thể làm quan. Không thể làm giàu. Làm quan rồi, thơ chết. Nàng Thơ không ưa công đường. Không thích nhà cao cửa rộng, người hầu kẻ hạ. Và nàng chúa ghét những kẻ nói khéo, nói láo, nói dai, nói ngoa, nói nhiều và nhất là loại nói - không - ai - nghe. Nàng hay ghen. Yêu, thì Nàng phải là cứu cánh. Không bao giờ Nàng chịu làm lẽ cho phương tiện danh lợi và quyền lực. Và ân ái với Nàng, bạn chớ lừng chừng kiểu hiện sinh, hiện thực, hiện đại hay thậm chí hậu hiện đại theo chữ nghĩa thời thượng. Trong 36 kiểu, với Nàng chỉ có Thơ. Thế thôi.
Đếm, đếm đi đếm lại. Cuốn sổ văn hóa mỏng dần. Mỏng làm cho bật máu và chảy nước mắt. Tôi thấy dẫu anh bảo anh có lấy quá nhiều của thiên hạ, anh còn phải lấy nữa.
8
Bây giờ, trên đầu hai thứ tóc nên tôi rất sợ hô khẩu hiệu. Chẳng hạn loại khẩu hiệu như: "... Tất cả cho mai sau", hoặc "Tự do hay là chết". Bây giờ, trên đầu hai thứ tóc, tôi rất do dự khi đụng vào cái chết. Tôi linh cảm rằng sự sống quý hơn tất cả. Nó đèo bòng trên lưng tự do. Và càng tự do thì gánh nặng càng nhiều. Cái gánh nặng đó nằm trong câu hỏi là ta làm gì và sống ra sao với cái tự do đó. Cho những người theo đòi nghiên bút, làm gì là viết gì. Sống ra sao đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm thế nào với người và với mình.
Nhưng trách nhiệm đó là gì? Có lẽ với anh là ca ngợi Tình yêu chăng? Chỉ năm ngoái tôi mới được anh cho tập thơ Về Kinh Bắc, tập cuối cùng anh giữ lại. Sách in lem nhem, bìa photocopy đen trắng trên nền xanh lơ, mặc dầu đề là Nhà xuất bản Văn học in năm 1994. Tôi cầm cuốn sách, lòng ngậm ngùi. Những vần thơ mượt mà nhất trong thơ Việt Nam thế kỉ XX. Đó là những vần thơ tình rất đẹp. Tình yêu Kinh Bắc. Bắt đầu bằng năm đêm, trong ngũ hành. Rồi anh đi liền bảy nhịp, trong một cuộc tuần du có Mẹ, có Chị và Lỡ làng. Lỡ làng, bến tình không người đợi. Lỡ làng, xin Chị một quả ương, Chị lại dối quả ương chim khoét thủng dẫu chẳng con chim nào chọn quả ương. Lỡ làng, cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng... Lỡ làng, Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ, thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi. Lỡ làng, Em đứng nhìn theo em gọi đôi. Lỡ làng, đứa con anh thai nghén sau những đêm ân ái với nàng Thơ. Lỡ làng, cơn đau của con tằm rút ruột nhả tơ. Lỡ làng, là đời anh. Bởi anh biết yêu. Biết yêu là yêu đến cuồng dại, và mặc cho:
Hờ hững buốt căm, bờ sóng lụy
Cuồng si thiêu rụi bến đa tình
Ba ngả sông về người bơi đứng
Cợt đám hoa bèo dạt đến quanh...
Đó là những vần thơ vụng về tôi viết tặng anh chớp mắt đã thoáng mười năm.
Để kết một cuốn sách đọc lâu rồi nên tôi đã quên tên, André Breton - một cột sống trong phái siêu thực - viết: "Je vous souhaite d'être follement aimé". (Xin chúc bạn được yêu đến cuồng dại). Cũng được. Cũng thú. Nhưng tôi chúc anh khác. Tôi chúc anh yêu đến cuồng dại. Anh, như chủ thể, và yêu không chỉ là động từ mà còn là một trạng thái của sự sống sáng tạo ra chữ nghĩa. Vậy thì ta chúc nhau yêu đến cuồng dại. Phải thế chứ. Vì đó là trách nhiệm của những con chữ có nghĩa. Những con chữ đẹp. Những con chữ có đời sống. Muốn đẻ ra chúng, thì có hề chi những cơn đau trở dạ. Thì có hề chi những lỡ làng.
Tôi nhớ đã hỏi anh Hoàng Cầm, tại sao là Hoàng Cầm, và Hoàng Cầm có nghĩa gì? Anh cười, có chút gì như là chua xót, đáp: "Hoàng Cầm là tên một vị thuốc đắng... Tên nó vận vào người". Nó còn vận vào thành một vị thơ. Vị của những vần thơ sang nhất, đẹp nhất, nhưng cũng xót xa nhất của dòng thơ Việt Nam ở thế kỉ XX. Cơn mây mưa giữa nàng Thơ và Anh đã sinh hạ ra Lỡ Làng, dấu vết cặp oan nghiệt - hạnh phúc như vết chân con rắn và trái táo cắn dở của Eva.
Nhưng hề chi, có hề chi.
Viết đến dòng này, đếm ra còn đúng bốn ngày nữa là chúng ta cùng bước qua ngưỡng cửa thế kỉ 21. Tôi lại chúc, anh Cầm, chúc anh yêu đến cuồng dại cả thiên niên thứ ba này, anh nhé.
27 - 12 - 1999
(*) Nam Dao (sinh năm 1944): Tên thật Nguyễn Mạnh Hùng, quê Nam Định, nhà văn, Giáo sư Kinh Tế học, hiện làm việc tại Đại Học Laval, Canada.
Nguồn: Văn bản tác giả gửi đến, đã in ở http://amvc.free.