Non nước Việt Nam

Về biểu tượng hoa sen trong điêu khắc Chăm

Hoa sen mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, nó xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật: thi ca, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí. Nhiều quốc gia phương Đông khác cũng ưa chuộng hoa sen với đa dạng các nét biểu tượng khác nhau, nhưng phần lớn ở các quốc gia này hoa sen gắn với tôn giáo, với Phật (Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan…). Chính vì vậy, biểu tượng hoa sen được thể hiện rất nhiều trong điêu khắc Chăm.

 
Photobucket
Phù điêu thần Brahma trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, một trong những vật cầm mang hình tượng hoa sen
Thế giới của hoa sen thuộc về phương Đông cả trong đời sống vật chất hàng ngày và cả trong văn hóa. Với phương Tây, hoa sen là biểu tượng cho cái đẹp thần bí và tư tưởng huyền ảo sâu kín của phương Đông. Biểu tượng hoa sen ở phương Đông mang nhiều ý nghĩa khác nhau: Sinh thực khí nữ – Yôni, sức sinh thực; Sự no đầy – giàu có, và từ đó dẫn đến ý nghĩa phồn vinh; Mặt đất và sức sáng tạo – hoạt động đại tự nhiên phát, thần Mẹ, nơi dưỡng dục sinh mệnh; sông Nin – nước sinh mệnh; Tính linh thiêng – sự sinh đẻ siêu nhân, sự sáng tạo tự phát, con cháu miên tục; Sự sống vĩnh hằng và tái sinh – sự phù trợ sinh mệnh để làm sống lại, kẻ bảo trợ cho mặt trời ban mai tái hiện, chén mặt trời, đóa hoa bao bọc vong linh, nơi Phật tổ nghỉ ngơi; Sự thuần khiết và thánh thiện – sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến Niết Bàn, sự tinh túy.
Ý nghĩa biểu tượng của hoa sen được thể hiện rất rõ trong tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật. Ngược lên ngọn nguồn Ấn Độ cổ, hoa sen được gọi là hoa Thánh: các pho tượng nữ thần như Mẹ đất, nữ thần Hoa sen, nữ thần Hạnh phúc… đều gắn với hình tượng hoa sen. Theo vũ trụ quan Ấn Độ giáo, hầu hết các giai thoại về Đức Phật đều liên quan đến hình tượng hoa sen, các quốc gia theo đạo Phật luôn coi trọng Tòa sen – nơi ngự trị của Bồ Tát, các tượng Phật thường ngồi trên hoa sen. Với Trung Quốc, trước khi tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ, hoa sen đã là đề tài quan trọng trong hội họa truyền thống. Trong Bát Tiên của Đạo giáo, Hà Tiên Cô tay cầm bông sen có cả cành. Theo truyền thống Trung Hoa, hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết, sự sinh sôi lắm con nhiều cháu và tượng trưng cho sức sáng tạo; ở thôn xóm mọi người thắp nhang thờ cúng thần Hoa sen để cầu điều lành, tránh điều dữ. Những mô típ hoa văn đồ cổ Trung Quốc trên các chất liệu đồ gốm sứ, đồ sơn mài, gạch ngói, đá…, hoa sen mang nhiều ý nghĩa: sự trong sạch, tinh khiết tự tại, sinh lực dồi dào: bông sen vươn lên xuyên qua bùn đen, vươn thẳng; Nhân quả luân hồi: trong đó hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục, sự thịnh vượng. Ngoài ra còn có các mô típ như Sen - Cá biểu hiện cho sự dư dả liên tục, Sen - Vịt biểu tượng cho nhân duyên gắn bó keo sơn, Sen hộp biểu tượng cho sự hòa hợp, Sen sinh – một loại nhạc khí biểu tượng cho sự thăng quan tiến chức, Sen sinh (sinh đẻ) nghĩa là cầu mong con trai liên sinh quý tử. Với Việt Nam, đài sen hay các họa tiết sen đã trở nên quen thuộc trong nghệ thuật tạo hình. Có thể thấy biểu tượng hoa sen dày đặc trong các kiến trúc Phật giáo: từ bệ Phật, bệ tượng, các đá tảng kê chân cột cho đến các hoa văn trang trí trên cột, trong các bức phù điêu hay các trang trí trên đồ gốm. Một biểu tượng tuyệt vời của hoa sen trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam là chùa Một Cột với sự kết hợp hài hòa hai yếu tố âm dương cầu mong sức sống trường tồn, sự phát triển sinh sôi.
Photobucket
Phù điêu thể hiện thần Brahma ngồi trên tòa sen mọc từ rốn của thần Visnu, hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Một trong những dân tộc sùng mộ đạo Phật là dân tộc Chăm. Trên thực tế các di tích, cũng như nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Chămpa, đều xác nhận các vua Chăm đã xây dựng khu đền đài Đồng Dương khá quy mô ở Quảng Nam để thờ Phật. Một vài pho tượng Phật đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhất là pho tượng Phật bằng đồng phát hiện ở Đồng Dương năm 1978 - tượng Lokesvara (Quan Âm bồ tát), chứng tỏ người Chăm theo Phật giáo Đại thừa.
Ở Bình Định, trong kiến trúc tháp, biểu tượng hoa sen thể hiện khá nhiều như: tháp Dương Long (Tây Sơn), đỉnh tháp là một tòa sen đang nở - các cánh sen được tạo nhiều lớp. Cuộc khai quật năm 2008 tại Dương Long phục vụ cho việc trùng tu tháp, phát hiện 2 chóp tháp hình múi khế 8 cạnh. Những chóp tháp này nguyên thủy nó được đặt ở phần trên cùng của ngọn tháp - chóp tháp nằm trên đài sen. Trong kiến trúc tháp Đôi (Quy Nhơn), dựa vào bản vẽ của Parmentier khảo sát tháp Chăm Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XX, bệ sen đỡ toàn bộ ngôi tháp phía Bắc đã được phục hồi. Cuộc khai quật tại tháp Đôi cũng đã phát hiện một bệ sen và một chóp tháp - với kích thước, trọng lượng, có lẽ đây là phần trang trí đặt trên đỉnh của một trong hai ngọn tháp. Trong những kiến trúc này, nếu như hoa sen là biểu tượng cho yếu tố âm - sinh thực khí nữ, thì phần chóp tháp là biểu tượng cho yếu tố dương - sinh thực khí nam. Hay cả ngọn tháp ở tháp Đôi là yếu tố dương thì bệ sen ở phía dưới là yếu tố âm. Hình tượng sinh thực khí là một trong những tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, mang yếu tố phồn thực, âm dương hòa hợp thì vạn vật mới được sinh sôi nảy nở.
Photobucket
Phù điêu nữ thần Sarasvati - tính nữ của thần Brahma - 3 đầu, một tay cầm hoa sen, đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định
Đề tài hoa sen cũng được thể hiện rất nhiều trong những hoa văn trang trí trên gốm Chăm. Trong những tác phẩm điêu khắc, hoa sen thường làm bệ ngồi cho các vị thần; sen là vật cầm của thần Brahma, nữ thần Uma – vợ thần Siva. Ở Bảo tàng Bình Định hiện đang trưng bày 2 tác phẩm điêu khắc thể hiện đề tài này, đó là một bức phù điêu phát hiện ở tháp Dương Long và một bức phát hiện ở tháp Phú Lốc (An Nhơn). Hai tác phẩm này đều thể hiện thần Brahma nhưng là một vị thần nam và một vị thần nữ - vợ thần Brahma (nữ thần Sarasvati). Cả hai vị thần đều có 3 đầu. Một trong những vật cầm của thần có hình tượng hoa sen. Hoa sen ở đây gắn với sự tích tái sinh sáng tạo của thần Brahma. Truyền thuyết kể rằng: Thần Brahma được sinh ra từ một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu, trong khi thần Visnu đang nằm trầm tư trên lưng con rắn trôi bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ. Nguồn gốc của sự sống và thần Brahma hiện ra từ bông sen đó (theo cách tam vị nhất thể: Brahma, Visnu, Siva là một). Trong đó thần Brahma là thần sáng tạo, thần Visnu là thần bảo tồn và thần Siva là thần hủy diệt (nhưng sự hủy diệt của thần Siva là hủy diệt cái cũ để tạo ra cái mới - sự tái sinh). Do đó, biểu tượng hoa sen ở đây mang yếu tố triết lý luân hồi của sự sống, ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hiện đang trưng bày một tác phẩm điêu khắc thể hiện đề tài này.
Như vậy, trong quá trình tiếp biến giao thoa của các nền văn hóa, hoa sen là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Sự xúc cảm sáng tạo trong nghệ thuật cùng tinh thần tiếp thu, giao lưu và truyền thống văn hóa, tôn giáo với biểu tượng hoa sen, người Chăm đã có những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật dân tộc.
Nguồn: baobinhdinh.com.vn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629