Non nước Việt Nam

Nguyễn Duy Trinh - Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, một nhà ngoại giao xuất sắc

                                                                                                                 

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh TTXVN

 Nguyễn Duy Trinh là người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lâu nhất của Nhà nước ta (5/1965 - 4/1980). Ông có những đóng góp to lớn vào việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế của Đảng ta, trong những năm làm Bộ trưởng, nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thời kỳ khó khăn gian khổ nhất nhưng cũng vinh quang, hào hùng oanh liệt nhất của dân tộc ta.

 Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2020) xin được giới thiệu vài nét về ông.

Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15/7/1910 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của Nguyễn Duy Trinh đã được ấp ủ ngay từ thuở ấu thơ. Năm 17 tuổi (1927), ông bắt đầu tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Vinh, cùng với các bạn cùng trang lứa tham gia các cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của bọn thực dân phong kiến, đòi được tự do hoạt động chính trị, tham dự lễ truy điệu chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, ký tên vào Bản yêu sách đòi bọn Pháp phải trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu, v.v… Năm 18 tuổi (1928), ông được kết nạp vào Đảng Tân Việt (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này). Sau khi được kết nạp, ông được phân công vào hoạt động cho Đảng Tân Việt tại Đa - Cao Sài Gòn (nay thuộc quận 1 thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, để che mắt địch, tránh sự truy lùng của chúng ông đã đổi tên Nguyễn Đình Biền thành Nguyễn Duy Trinh. Ông đã hoạt động một cách nhiệt tình, say sưa với nhiệt huyết của người thanh niên khi vừa được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Không may cùng năm ấy (1928), ông bị bọn Pháp bắt. Lúc này bởi vì ông chưa đủ 18 tuổi nên bị chúng giam vào khu vực vị thành niên. Sau đó một thời gian, ông bị chúng kết án 18 tháng tù. Khi ở tù được 8 tháng thì ông bị Thống đốc Nam Kỳ Cơ-rô-te-ne (Krautheimer) ký quyết định trục xuất ông về quê quán.

Nguyễn Duy Trinh trở về quê hương Nghi Lộc tháng 8/1930 khi vừa 20 tuổi. Lúc này cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang dâng lên mạnh mẽ. Ông đã bí mật liên lạc với tổ chức Đảng ở địa phương mình để tiếp tục hoạt động. Lúc bấy giờ, sau khi cuộc biểu tình của nhân dân huyện Hưng Nguyên (12/9/1930) bị đàn áp, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương kêu gọi nhân dân các huyện đoàn kết đấu tranh chống lại thực dân Pháp và tay sai. Ông và các đồng chí trong Chi bộ đã vận động nhân dân Cồn Mô, Cổ Bái tham gia biểu tình vào ngày 20/9/1030, bắt và cảnh cáo tên tổng lý phản cách mạng, yêu cầu không được thu thuế các thuyền của nhân dân khi ra vào Cửa Hội, v.v…. Ngày 5/10/1930, ông và các đồng chí khác vận động được hơn 300 nông dân biểu tình, tuần hành ở Đặng Xá để trấn áp bọn tay sai của giặc.

 Trước tình hình đó, bọn thực dân Pháp và tay sai đã tăng cường đối phó. Chúng thẳng tay truy lùng, bắt bớ, tàn sát những người yêu nước. Ngày 28/12/1930, Nguyễn Duy Trinh cùng tập thể lãnh đạo huyện Nghi Lộc tích cực vận động nông dân đến làng  Lộc Đa dự lễ truy điệu các chiến sĩ đã hi sinh. Kết quả có hàng ngàn người tham dự. Khí thế đó đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ghi lại trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ”: “4000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Nghi Lộc, Hưng Nguyên đã đến dự lễ truy điệu những chiến sĩ hi sinh… Bom đạn, súng máy…, những tuyên truyền của Chính Phủ, báo chí đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”.

Cũng thời gian này, ông cùng với tập thể lãnh đạo Huyện ủy cho ra tờ báo “Giác ngộ”, đây là tiếng nói của Huyện ủy. Tờ báo đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền cách mạng, kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.

Tháng 4/1931, tại Đức Thịnh, ông đã tổ chức và chủ trì cuộc họp để bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy khóa mới. Tại Hội nghị này, Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Lúc này Nguyễn Duy Trinh chỉ mới 21 tuổi.

 Ngày 1/5/1931, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, ông cùng Ban Chấp hành Huyện ủy phát động cuộc đấu tranh mới trong toàn huyện. Hàng ngàn nhân dân đã tham gia mít tinh, biểu tình đầy khí thế.

Thời kỳ này bọn địch điên cuồng ra tay khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Duy Trinh phải cải trang trong trang phục để tiếp tục hoạt động, giữ được mối liên lạc giữa các tổ chức Đảng, duy trì được phong trào cách mạng.

Đang tham gia hoạt động sôi nổi, có hiệu quả thì ngày 18/1/1932, Nguyễn Duy Trinh bị địch bắt. Chúng kết án ông 13 năm tù, đưa ông đi đày lần lượt các nhà tù Vinh, Kon Tum, Côn Đảo, v.v… Mười ba năm sau, năm 1945, ông ra tù và ông liên lạc ngay với tổ chức cơ sở Đảng, được Đảng phân công tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh và Huế.

Từ năm 1946 đến 1951, trong cương vị Bí thư Liên khu ủy Liên khu 5, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, ông đã cùng tập thể Ban thường vụ Liên khu ủy tổ chức, lãnh đạo nhân dân Liên khu 5 anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 3/1951, tại Đại hội Đảng lần thứ 2, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1956 đến 1982 (26 năm), ông là Ủy viên Bộ Chính trị, từ 1960 đến 1980, ông kiêm thêm chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đem quân xâm lược miền Nam và tăng cường cho máy bay ném bom, bắn phá miền Bắc, lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất gay go ác liệt. Đây cũng là thời kỳ cuộc đấu tranh của ta bắt đầu diễn ra đồng thời trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao. Trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã quyết định cử Nguyễn Duy Trinh kiêm thêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (phụ trách toàn bộ Mặt trận ngoại giao gồm: ngoại giao của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, ngoại giao nhân dân). Trong cương vị Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Duy Trinh đã cùng với Bộ Chính trị đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, vận dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh” để cùng các mặt trận quân sự, chính trị tạo thế và lực mới, trên cơ sở đó, từng bước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 28/1/1967, Nguyễn Duy Trinh đã khẳng định rõ: “Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện”. Lời tuyên bố đanh thép này là một đòn tấn công ngoại giao lớn, nhằm làm thất bại hẳn luận điệu “đàm phán không điều kiện” mà đế quốc Mỹ thường đưa ra suốt hai năm trước đó để Mỹ làm bình phong leo thang chiến tranh buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán vào năm 1968 (sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968).

 Tiếp đó, suốt trong 5 năm liền (1968 - 1973), thay mặt Chính phủ, Nguyễn Duy Trinh đã trực tiếp chỉ đạo có hiệu quả đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Kết quả là sau gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, cuối cùng Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Ra-ri, trong đó Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ khỏi Việt Nam, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Nguyễn Duy Trinh đã khẳng định: “Chúng ta phải coi Hội nghị Pa-ri không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường, mà còn là một mặt trận. Mặt trận ấy xác nhận kết quả chiến đấu của nhân dân Việt Nam”. Trong suốt thời gian đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Duy Trinh đã hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (nghĩa là lấy cái không thay đổi để ứng xử với cái thay đổi). Nguyễn Duy Trinh là nhà ngoại giao dày dạn từng đi khắp năm châu, bốn biển, ông đã chiến thắng trong những cuộc ngoại giao, đấu trí để thế giới hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam chiến đấu chống Mỹ. Ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên trường quốc tế về một nhà ngoại giao luôn luôn đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, Nguyễn Duy Trinh là nhà ngoại giao uyên thâm, cẩn trọng, chín chắn mà tên tuổi của ông gắn liền với những hoạt động ngoại giao đầy gay go, quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Duy Trinh đã có những đóng góp, những cống hiến tích cực, có hiệu quả vào việc đề xuất và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh các Đảng thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa có những bất đồng trong những năm chống Mỹ, đóng góp to lớn của Nguyễn Duy Trinh là ông đã cùng với Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao, nhạy bén, kịp thời làm cho ngoại giao trở thành một mặt trận và phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị, mặt trận quân sự, phối hợp “vừa đánh vừa đấm”, làm cho nền ngoại giao Việt Nam đạt nhiều thắng lợi mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Pa-ri (27/1/1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau chiến thắng 30/4/1975, khi đất nước thống nhất, Nguyễn Duy Trinh đã có hai đóng góp lớn: thứ nhất, ông đã sớm đề xuất Bộ Chính trị về một trong những nhiệm vụ của ngoại giao Việt Nam thời kỳ mới là ngoại giao phải góp phần đắc lực cho việc khôi phục và phát triển nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Thứ hai, ông đã cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Bộ Chính trị mở rộng quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực. Những đề xuất này đã được Đảng chỉ đạo vào trong thực tiễn và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chúng tôi xin lấy những nhận định của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp để kết thúc bài viết này: “Trong công tác ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề xuất những chủ trương đối ngoại đúng đắn, sáng tạo. Qua công tác đối ngoại, thể hiện là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”. Với 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, 60 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho cách mạng, Nguyễn Duy Trinh là người con ưu tú của quê hương đất nước, nhà ngoại giao có đóng góp to lớn cho Tổ quốc, nhân dân./.

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503704

Hôm nay

2107

Hôm qua

2319

Tuần này

21174

Tháng này

221097

Tháng qua

120308

Tất cả

114503704