Những góc nhìn Văn hoá

Tuyên ngôn Độc lập - Lời khẳng định thiêng liêng của dân tộc Việt Nam

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công trong tháng 8/1945 như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định những giá trị phổ quát luôn đồng hành cùng nhau: Quyền con người luôn đồng hành với quyền dân tộc và hòa bình gắn chặt với độc lập dân tộc.

Cuộc cách mạng khẳng định giá trị to lớn về dân chủ và nhân quyền

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của Nhân dân ta. Đây là cuộc cách mạng xã hội duy nhất trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã làm nên sự khác biệt căn bản của thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc, đó là thiết lập một nền dân chủ và khẳng định quyền con người.

Đó là sự xác lập đầu tiên một nền dân chủ bằng sự lựa chọn chính thể của Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời sau cuộc cách mạng - thể chế Dân chủ Cộng hòa - một thành tựu phổ quát của nền dân chủ nhân loại, một thể chế không chỉ mới mà còn rất hiện đại, theo kịp với trào lưu dân chủ thế giới.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng khẳng định quyền con người. Trích những lẽ phải không ai chối cãi được trong hai bản Tuyên ngôn bất hủ của Cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới ra đời ngày 2-9-1945 khẳng định quyền con người - cũng chính là nền tảng của quyền dân tộc.

Nhân dân Việt Nam đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nhược tiểu thuộc địa, bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập cho mình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một cuộc trung hưng mới cho dân tộc Việt Nam. Thành tựu và thử thách suốt chặng đường gần 80 năm qua đã minh chứng những giá trị thiêng liêng, to lớn của một cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ.

77 năm sau những ngày sục sôi không khí khởi nghĩa, cuộc cách mạng của Nhân dân Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Công cuộc đổi mới được Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay chính là sự trở lại với những bài học và những giá trị lịch sử sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày nay, dân chủ hóa và hiện đại hóa là hai nền tảng vững bền cho sự phát triển và trường tồn của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta đã và đang phát huy những thành quả khởi đầu từ cách đây gần tám thập kỷ.

Lời khẳng định thiêng liêng của toàn dân tộc

Trong giờ phút thiêng liêng của ngày Quốc khánh 2-9-1945, thay mặt toàn thể quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng trích những lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]. Và suy rộng ra, những lẽ phải không ai chối cãi đó khẳng định rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Nhân dân Việt Nam đã không tiếc hy sinh xương máu để giành lại quyền độc lập tự do của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[3]. Quyền độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bất cứ thế lực xâm lược nào từ bên ngoài đều bị giáng trả, bất kỳ kẻ phá hoại nào từ bên trong đều bị trừng trị.

Tháng 2 năm 1946, trả lời tướng Xalăng[4], Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Độc lập về câu chữ đối với chúng tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là nội dung của nó”. Cũng trong khoảng thời gian vận mệnh dân tộc đang ở tình thế “nước sôi, lửa bỏng” đó, Người nêu rõ lập trường: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, mọi vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia đều do Nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài. Nhân dân Việt Nam quyết không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào; mọi sự ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đấu tranh giành độc lập, tự do đều được hoan nghênh và ghi nhớ; mọi sự áp đặt, xâm phạm chủ quyền quốc gia đều bị từ chối, gạt bỏ. Đó phải là một nền độc lập hoàn toàn, độc lập thực sự và khi những điều đó bị đe dọa thì “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[5]. Ý chí đó chính là biểu hiện rõ nét nhất của tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do, đi cùng dân tộc Việt Nam qua những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trong thế kỷ XX, đã làm nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam.

Lịch sử nhân loại thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt về những quyền cơ bản của dân tộc, của từng sắc tộc cũng như của các quốc gia dân tộc. Đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình. Thế kỷ XX cũng chứng kiến sự trỗi dậy xóa bỏ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc ở các mức độ khác nhau của các dân tộc thuộc địa, trong đó Nhân dân Việt Nam là những người tiên phong.

Nền độc lập của nước Việt Nam mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng từ tháng 9/1945 là một nền độc lập dân tộc gắn liền với tự do ấm no hạnh phúc của Nhân dân. Đó là nền độc lập dân tộc trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, mở cửa hướng ra thế giới góp phần xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung trên cơ sở tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản.

Đến nay, Nhân dân ta vẫn tiếp tục khẳng định “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[6] trong xu thế toàn cầu hóa, đổi mới, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Trên con đường đó, Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với tất cả các tổ chức và các nước trên thế giới, chủ động đổi mới sáng tạo để hội nhập, hợp tác và phát triển trên cơ sở công pháp quốc tế nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cuộc cách mạng hợp lòng dân và quy luật phát triển

Cho đến thế kỷ XX, dù vẫn còn không được thi hành ở nhiều nơi nhưng quyền con người đã trở thành một giá trị phổ quát, được thế giới công nhận: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích những lẽ phải không ai chối cãi được về quyền con người để nâng lên thành quyền của các dân tộc - của các quốc gia dân tộc trên thế giới cũng như của các tộc người trong một quốc gia dân tộc thống nhất - khi Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ khi mới thành lập, Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã nêu con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[7] - xã hội đó cũng có nhiều nét tương đồng với một “thế giới đại đồng” trong kinh sách Nho gia cổ điển. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, Nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều gian khổ hy sinh để đạt đến thắng lợi cuối cùng. Với lực lượng đông đảo để tập hợp và rèn luyện qua nhiều phong trào đấu tranh, với một lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, Nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng mình chứ không ngồi yên trông mong, chờ đợi “một khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào. Và “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[8]. Tính chính đáng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã được khẳng định như vậy trong lời Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lãnh đạo cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng không tồn tại, không thành lập vì những mục đích của chính mình. Đảng cũng không phải là một lực lượng siêu tự nhiên, siêu xã hội. Đảng ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh vì những quyền lợi của Nhân dân. Mục tiêu đó cũng là “chất keo gắn kết” để Đảng tập hợp đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam - từ những ngày đấu tranh gian khổ đầu tiên và trong suốt những chặng đường tiếp theo của dân tộc.

Quyền lực lãnh đạo xã hội của Đảng không phải tự nhiên mà có, mà là cả sự nỗ lực cố gắng học tập, tu dưỡng, trau dồi, rèn luyện của đội ngũ đảng viên và dựa vào sự tín nhiệm của Nhân dân. Quyền lực đó được Nhân dân trao cho mà có, là sự uỷ thác của Nhân dân. Sự tín nhiệm đó có được từ sự đúng đắn của đường lối, chính sách ở tầm vĩ mô, từ sự gương mẫu, hy sinh phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị của mình, trong từng công việc cụ thể - trong đó có sự hòa đồng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa quyền lợi của giai cấp và lợi ích của toàn thể dân tộc. Lý tưởng đấu tranh cao đẹp của Đảng, sự hy sinh anh dũng của lớp đảng viên trung kiên vì Nhân dân, vì dân tộc đã làm nên uy tín đạo đức của Đảng; trí tuệ sáng suốt của Đảng khi đề ra những quyết sách đúng đắn, đưa cách mạng vượt qua những tình thế hiểm nghèo đã làm nên uy tín, trí tuệ của Đảng. Những điều đó làm cho Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một cuộc cách mạng Nhân dân. Đó là một cuộc cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu giải phóng của cuộc cách mạng. Khi nói về sức mạnh của Nhân dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”[9]. Luận điểm này mang đậm triết lý nhân sinh phương Đông: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh; Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân; Nước lấy dân làm gốc… Luận điểm này cũng nêu rõ quan điểm cách mạng về vị trí và vai trò của quần chúng lịch sử: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của cá nhân, anh hùng nào.

Mục tiêu đấu tranh trên hết và trước hết của Nhân dân Việt Nam là giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân - một vết nhơ trong văn hoá nhân loại. Sau khi hoàn thành sứ mệnh đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, tiến bộ mọi mặt. Khi chính quyền cách mạng đã nằm trong tay Nhân dân, nhiệm vụ tiếp theo đặt ra cũng rất nặng nề: Phát triển kinh tế và văn hoá nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, cuối cùng đều nhằm mục tiêu vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân. Trong quá trình dựng xây được Nhân dân Việt Nam tiến hành, chủ nghĩa xã hội không chỉ còn là lý tưởng, là ước mơ mà đã từng bước hiện hữu một cách cụ thể trong cuộc sống, hợp lòng dân.

Trong tham luận khoa học “Tư tưởng mệnh trời” của nhà nghiên cứu Nhật Bản Imai Akio tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (7-1998) nêu nhận xét: “Một điều rõ ràng là cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là cuộc cách mạng trí thức đã khai sinh một ý nghĩa mới của “mệnh trời””[10]. Cũng theo những lý giải của của Imai Akio, tư tưởng mệnh trời bao gồm ba phương diện: Pháp lý chính trị; Uy quyền đạo đức; Vận mệnh và sứ mệnh.

Tư tưởng mệnh trời vốn giữ một trong những vị trí cốt lõi trong tư tưởng truyền thống ở những nước chịu ảnh hưởng và áp dụng mô hình quản lý xã hội của Nho giáo. Việt Nam cũng là một trong số đó. Nhưng từ nửa sau thế kỷ XIX, trước sự bất lực của giới quan lại và trí thức mang tư tưởng và mô hình này trong nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân chống xâm lược và canh tân đất nước, một số các nhà trí thức cách mạng đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Họ đã thay đổi cái nhìn của mình trong nội dung “mệnh trời” đối với chủ nghĩa dân tộc.

Các nhà khoa học có thể có các cách khác nhau để diễn đạt luận điểm của mình. Những hiện thực lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nếu quy chiếu theo cách đánh giá của Imai Akio cũng không mâu thuẫn. Chúng ta đồng ý với khái niệm mệnh trời được Imai Akio đưa ra khi nói về một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam đã được thực hiện như một điều tất yếu, hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo Nhân dân. Và cũng có thể bổ sung rằng: Sau này, hơn thế nữa, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, tổ chức và rèn luyện đã làm cho tư tưởng “mệnh trời” mang những nội dung của chủ nghĩa xã hội - một xã hội tươi đẹp, phồn vinh, hạnh phúc và việc xây dựng nó là hợp với quy luật tiến hóa của xã hội loài người.

Cuộc đổi thay này ở Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 8-1945.

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 1.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 1.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 3.

[4] Raoul Albin Louis Salan (10 tháng 6 năm 1899 - 3 tháng 7 năm 1984, phiên âm tiếng việt là Xalăng) là một Đại tướng quân đội Pháp, từng là tổng tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương vạch kế hoạch tiến công Việt Bắc.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.587.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 104.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.1.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.3.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.453.

[10] Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học, Tóm tắt báo cáo, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 32.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511019

Hôm nay

218

Hôm qua

2359

Tuần này

21393

Tháng này

217892

Tháng qua

121356

Tất cả

114511019