Đất Nghệ

Đôi điều chưa biết về ba bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Nghệ An

Hộp đựng xá lị

Trong đợt xét công nhận bảo vật quốc gia năm 2017, Nghệ An vinh dự có 3 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là hiện vật Hộp đựng xá lị, Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và Muôi cán tượng voi. Thử tìm hiểu vì sao 3 hiện vật đó lại được trở thành bảo vật quốc gia.

1. Hộp đựng xá lị

Hộp đựng xá lị thu được trong đợt khai quật di chỉ Tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tØnh NghÖ Ando Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) khai quật năm 1985-1986, là hộp đựng xá lị Phật duy nhất tìm thấy ở Việt Nam từ trước đến nay. Các nhà khảo cổ học xác định niên đại của hộp đựng xá lị cũng như Tháp Nhạn vào khoảng thế kỷ VII-VIII (nhà Đường) bởi khi khai quật họ tìm được viên gạch có khắc dòng chữ “Trinh Quán lục niên”, tức là viên gạch được làm vào thời Đường, có niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu (năm 632 sau C.N). Hộp đựng xá lị được làm bằng vàng, có kích thước dài: 8cm; rộng: 5cm; cao: 5,5cm;hình hộp chữ nhật. Ở phần nắp bốn rìa cạnh hơi lõm xuống, giống như rìa mái nhà, trên đỉnh nắp có băng trang trí hoa văn hoa cúc tròn có 6 cánh nhỏ; thân hộp xung quanh trang trí băng hoa văn hoa sen cách điệu. Trong lòng có khoảng 1/3 là than tro, trên bề mặt lớp than tro có hai nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng gà, đó là xá lị.

Theo từ điển Phật học, xá lị là: “Chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật Thích Ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong tháp hoặc chùa chiền”. Hoạt động xây dựng chùa tháp đầu tiên thờ xá lị Phật du nhập vào Việt Nam có nguồn từ Trung Quốc dưới thời vua Tùy Văn Đế. Với ý muốn sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu phục nhân tâm, tái ổn định chính trị xã hội Trung Quốc sau thời kỳ biến động kéo dài và âm mưu sâu xa hơn là nhằm thuần phục Giao Châu - chính quyền của Lý Phật Tử, nhà Tùy đã ban phát xá lị Phật và cho xây dựng bảo tháp ở Giao Châu. Theo Thiền uyển tập anh, sau khi Lưu Phương tiêu diệt chính quyền Lý Phật Tử, dưới sự tiến cử của Lưu Phương, vua Tùy đã chuyển đến Giao Châu 5 hòm xá lị. Năm 604, Pháp Hiền đã nhận 5 hòm xá lị và điệp sắc của nhà Tùy phân phát cho các vùng đất của Giao Châu để xây dựng tháp như: một hòm đặt ở chùa Dâu (602-605), một hòm đặt ở Tường Khánh (Nam Định), một hòm đặt ở Châu Ái (Thanh Hóa), một hòm đặt ở Phong Châu (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và hòm cuối cùng  đặt ở đất Châu Hoan (Nghệ An - Hà Tĩnh). Hộp đựng xá lị phát hiện tại Tháp Nhạn này phải chăng là hòm cuối cùng ấy, niên đại của nó trùng vào thời điểm Pháp Hiền đem 5 hòm xá lị đến đất Giao Châu.

Theo Báo cáo khai quật Tháp Nhạn của Viện khảo cổ họcnăm 1986, cách thức chôn xá lị như sau: “Hộp đựng xá lị được chôn trong một thân cây rỗng lòng, với cách thức chôn đứng. Phía trong lòng cây gỗ là than tro lẫn đất. Một táng thức hoàn chỉnh như vậy rõ ràng có nhiều nét gần gũi với táng tục Việt Nam cổ truyền. Phải chăng có sự kết  hợp nhuần nhuyễn giữa táng thức của người thời Đông Sơn với quan tài thân cây khoét rỗng và táng thức hỏa táng - xá lị của Phật giáo Ấn Độ từ xa xưa”.

Xét thấy hiện vật Hộp đựng xá lị hội đủ những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan đến Phật giáo, là hiện vật độc bản lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam, hội đồng xét duyệt đã rất ủng hộ để xếp đây là bảo vật quốc gia.

2. Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi

Hiện vật này thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) trong đợt khai quật lần thứ I năm 1973, do Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An tiến hành, có niên đại thuộc Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2000-2500 năm. Dao được làm bằng đồng, có kích thước dài:12,3cm; rộng:3,5cm; gồm có hai phần: lưỡi và chuôi. Phần lưỡi gần giống hình tam giác, phần chuôi là tượng hai con rắn xoắn lấy nhau, đang há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Trong hai con rắn thì một con có mào, một con không có mào. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hình tượng hai con rắn trên cán dao găm chứng tỏ người Việt cổ - cư dân nông nghiệp lúa nước không xem con rắn là con vật bình thường mà là biểu tượng của tâm linh. Hình tượng hai con rắn quấn chặt nhau, có lẽ là rắn đực và rắn cái, thể hiện quan niệm phồn thực của người Việt cổ, âm dương giao hòa, cầu mong cho vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Dương Đình Minh Sơn, biểu tượng "rắn nuốt voi" còn có ý nghĩa thể hiện sự hòa hợp giữa đôi vợ chồng thì "tát bể Đông cũng cạn" và "nuốt được cả con voi". Ngoài ra, còn thể hiện ý chí của cộng đồng "thuận bè thuận bạn, tát cạn bể Đông". Khẳng định sức mạnh của dân tộc, với tinh thần đoàn kết sẽ chiến thắng thiên nhiên, ác thú và kẻ thù.Còn voi được đặc tả có vòi dài, trên lưng voi có hình một chiếc bành rộng, có dây chằng ra cổ và đuôi voi. Trên bành có đặt một hình trụ tròn, hơi thắt ở đoạn giữa, giống hình chiếc trống đồng. Qua hình ảnh con voi được đúc trên cán dao găm này cho chúng ta biết một điều chắc chắn rằng thời kỳ đó voi đã được thuần hóa trở thành một con vật quen thuộc đối với con người. Trên lưng voi lại mang trống đồng - một vật rất quan trọng, thiêng liêng của người Việt cổ lúc bấy giờ, ở trong hoàn cảnh này khiến ta liên tưởng đến trống trận, loài voi đã có công với người Việt từ thời văn hóa Đông Sơn đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung,...

Để ứng phó với những nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày, người Việt cổ ở  Làng Vạc đặc biệt chế tác ra rất nhiều loại dao găm, thể hiện qua việc đã phát hiện tỷ lệ dao găm rất nhiều trong các đợt khai quật. Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi cùng với một số dao găm cán tượng khác được các nhà nghiên cứu nhận địnhhầu như chưa phát hiện được ở đâu ngoài Làng Vạc”. Tuy nhiên, chiếc dao găm này với kích thước khá nhỏ, trang trí cầu kỳ, tinh xảo thì có nhiều khả năng mang chức năng tâm linh, tôn giáo nhiều hơn, có thể được sử dụng để thờ hoặc để biểu thị sức mạnh quyền uy của tầng lớp quý tộc giàu có lúc bấy giờ, bởi nó cũng là vật chôn theo kèm rất nhiều hiện vật bằng đồng quý giá khác trong mộ của chủ nhân.

Giá trị độc bản, giá trị lịch sử cùng với giá trị nghệ thuật đặc sắc, kỹ thuật điêu khắc và đúc đồng đạt đến độ tinh xảo đã đáp ứng các tiêu chí thuyết phục hội đồng xét duyệt bỏ phiếu cho chiếc dao găm này trở thành bảo vật quốc gia.

3. Chiếc muôi cán tượng voi

Chiếc muôi này cũng thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) trong đợt khai quật lần thứ II năm 1981, do Viện Khảo cổ học Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) tiến hành khai quật, có niên đại thuộcVăn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2000-2500 năm. Muôi bằng đồng, có kích thước dài:18,5cm, đường kính miệng: 7,8cm; có hai phần: phần để múc và phần cán. Phần để múc sâu lòng, đường kính: 7,8cm; trong lòng muôi bị thủng một lỗ đã được người sử dụng hàn lại; phần cán muôi dẹt, dài 11,5 cm, rộng 4,6cm, đặc biệt phía trên cùng của đầu cán đúc tượng voi, trên lưng voi và cán có khắc hoa văn gân lá.

Muôi cán tượng voi

Đến nay ở nước ta chưa phát hiện ở nơi nào có chiếc muôi gắn tượng voi đẹp, độc đáo như muôi Làng Vạc. Bằng sự khéo léo và trí tưởng tượng phong phú người thợ Làng Vạc thời Đông Sơn đã tạo ra khối tượng voi để tô điểm cho muôi, biến một đồ dùng sinh hoạt bình thường trong đời sống trở nên sinh động, có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tượng voi trên cán muôi có đầy đủ 4 chân, đuôi, vòi, trên thân voi có hoa văn. Riêng phần vòi, lưng, đuôi được đúc nhập lại thành một đường cong lượn mềm mại. Việc bố trí tượng voi ở phần cuối cán muôi đã làm cho dáng muôi cân đối, có khả năng cân bằng đỡ nặng về phía lòng muôi. Hình ảnh tượng voi gắn trên cán muôi đã cho ta thấy trình độ đúc đồng, tạo tượng đạt đến đỉnh cao của cư dân Làng Vạc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Một lần nữa hình ảnh voi lại xuất hiện trên các tác phẩm bằng đồng của người Làng Vạc cổ. Voi đã trở thành con vật gần gũi, phục vụ trong đời sống của con người thời bấy giờ.

Sở dĩ muôi được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia bởi nó là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo tượng trang trí trên đồ vật của người Việt cổ thời Đông Sơn.

Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ hơn hai mươi ngàn tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh lịch sử tự nhiên, xã hội của mảnh đất Nghệ An từ thời tiền sử đến ngày nay, trong đó có rất nhiều hiện vật, sưu tập hiện vật vô cùng quý giá, đặc sắc. 3 hiện vật được xét trở thành bảo vật quốc gia là những hiện vật tiêu biểu trong kho tàng quý giá đó. Tất cả đang chờ đón khách tham quan đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu./.

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434809

Hôm nay

280

Hôm qua

2349

Tuần này

21459

Tháng này

211857

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434809