Non nước Việt Nam

Nguyễn Duy Trinh - Người cộng sản mẫu mực, học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Nguyễn Duy trinh, người cộng sản mẫu mực

Nguyễn Duy Trinh sinh ra trong một gia đình nông dân. Năm 17 tuổi, ảnh hưởng từ tinh thần yêu nước chống đế quốc của phong trào văn thân, ông đã giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào học sinh chống áp bức của đế quốc và phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị ở thành phố Vinh. 18 tuổi, tham gia Đảng Tân Việt, hoạt động chưa đầy một năm, ông bị thực dân Pháp bắt. Vào tù ở tuổi vị thành niên và bị đày đọa, tra tấn 18 tháng, chưa một ngày nào được học tập, nghiên cứu, tiếp nhận lý tưởng cộng sản, nhưng Nguyễn Duy Trinh đã sớm có một cách suy nghĩ và hành xử riêng theo tinh thần cộng sản. Vượt qua nỗi đau thân thể, ông đặt câu hỏi vì sao bị lộ? Vì sao mật thám hình sự lại bắt mình? Trong khám tù vị thành niên, ông từng bước cảm hóa được các loại tù lưu manh, dân anh chị bằng hành động riêng của mình như đấu tranh tuyệt thực; trò chuyện thân tình với mọi người về hành động áp bức của Tây, về đời sống khổ cực của người dân dưới chế độ thực dân, phong kiến. Ông luôn tiếc thời giờ, lo mất thời giờ và luôn trăn trở về việc dùng thời giờ trong tù để làm gì cho có ích.

Trong Khám lớn Sài Gòn, nhờ được tiếp xúc, làm quen với Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Duy Trinh đã học được những đức tính quý như khiêm tốn, ngay thẳng, độ lượng, ý thức tập thể. Khi chuyển sang khám tù chính trị, Nguyễn Duy Trinh được gặp lại nhiều đồng chí của mình như Nguyễn Đình Kiên (tức cụ Tú Kiên), người đã cùng Hà Huy Tập giới thiệu Nguyễn Duy Trinh vào Đảng Tân Việt; Đào Xuân Mai, người phụ trách Đảng bộ Nam Kỳ của Tân Việt. Cũng tại khám tù chính trị, Nguyễn Duy Trinh có cơ hội biết và làm quen với anh em trong Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Kim Cương. Đây là một cơ hội tốt giúp Nguyễn Duy Trinh thêm kinh nghiệm đấu tranh, kinh nghiệm đời sống, đặc biệt là biến nhà tù đế quốc thành một trường học dùi mài chủ nghĩa cộng sản.

Đầu năm 1930, tin Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lọt vào khám tù là một nguồn động lực lớn tiếp sức cho Nguyễn Duy Trinh và anh em trong khám “nhớ đến lá cờ đỏ chói đã giương cao lên, thấy mình lớn khỏe vô cùng, lòng vô cùng phấn khởi, vì tình đồng chí và vì ánh sáng của chủ nghĩa”.

Tuổi 20 ở trong tù, Nguyễn Duy Trinh vô cùng háo hức và ham thích những câu chuyện đấu tranh cách mạng. Trong khám tù chính trị, tham gia tổ năm người với mục đích trao đổi những vấn đề thuộc về thanh niên, cổ vũ chí hướng cách mạng của nhau. Phương châm sinh hoạt của nhóm là “Thanh niên là phải hăng hái hơn, biết khắc phục khó khăn hơn, biết chịu đựng gian khổ hơn. Nhất là dù cho đế quốc tra đánh thế nào cũng kiên gan, giữ vững tinh thần, nhất định không chịu thua chúng”. Nhóm thanh niên làm cho bầu không khí sinh hoạt trong nhà tù càng thêm sôi nổi, nhất là những khi hát bài Quốc tế ca, hay Cùng nhau đi hồng binh. Đặc biệt, nhóm thanh niên là một lực lượng hùng hậu trong dịp tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930.

Trước vành móng ngựa bị quy tội “cộng sản giết người”, “âm mưu khuynh đảo quốc gia”, Nguyễn Duy Trinh cùng những người bị kết án không đồng ý với lời bào chữa của tên trạng sư do tòa cử khi nó nói rằng “xin tòa mở lượng khoan hồng vì phần lớn những người bị can đều là thanh niên, có người khi bị bắt đang ở tuổi vị thành niên”. Các đồng chí đã đập lại luận điệu vu khống hèn hạ những người cộng sản của bọn quan tòa đế quốc. Họ đã dùng tòa án của đế quốc làm diễn đàn của mình, buộc tội thực dân, nêu cao lý tưởng cộng sản. Nhớ lại thời điểm đó, Nguyễn Duy Trinh chỉ rõ “cả một lớp thanh niên cách mạng lạc quan, hăng hái, tin tưởng, coi khinh kẻ thù đế quốc, đã chọn con đường cách mạng là cầm bằng thế nào cũng phải trải qua bắt bớ, đánh đập tra tấn, tù đày. Dù cho có chết vẫn ngẩng cao đầu, nhất định không thua đế quốc”. Khi bị tuyên án, ông cùng anh em thét vang: “Đả đảo đế quốc!”, “Cách mạng muôn năm!”, “Chủ nghĩa cộng sản muôn năm!”.

Những ngày ở khám lớn Sài Gòn đã đem lại cho Nguyễn Duy Trinh những bài học kinh nghiệm quý để khi bị trục xuất về quê, ông lại tiếp tục cuộc đấu tranh theo con đường đã chọn, mà như ông nói: “Chúng mày đuổi ông về Nghệ là chúng mày rước ông về chỗ huyết mạch của phong trào”.

Về xã Đông Hải, huyện Nghi Lộc, sau 8 tháng ở tù, Nguyễn Duy Trinh được trực tiếp chứng kiến khí thế đấu tranh cách mạng của quần chúng công nông, những người gọi thẳng phong trào của mình là “phong trào cộng sản”. Từ chỗ chủ yếu là học tập, nghiên cứu, đấu tranh trong phạm vi nhà tù đến chỗ làm công tác thực tế, đi vào quần chúng, giáo dục, thuyết phục, động viên và tổ chức quần chúng, cùng quần chúng xông ra giữa trận tuyền, đấu tranh quyết liệt, trực diện với kẻ thù là cơ hội vừa thuận lợi vừa thử thách. Những tháng ngày hoạt động ở quê hương, không khí tự do, hồ hởi trong thôn xã làm cho Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí của mình lúc nào cũng bừng bừng trong dạ một ngọn lửa hứng khởi.

Với bề ngoài về quê làm ruộng để sống, trên thực tế Nguyễn Duy Trinh đang tích cực chuẩn bị cho mình một phương thức hoạt động cách mạng mới. Ông làm việc cả ở Tổng ủy và sau đó lên phụ trách phong trào trong huyện. Sau cao trào Xô viết, kẻ thù tập trung lực lượng tiêu diệt phong trào cách mạng bằng mọi thủ đoạn, kết hợp đàn áp đẫm máu với dụ dân quy thuận. Cách mạng bước vào một giai đoạn thoái trào. Trên thực tế đã có những đồng chí hoang mang, tiêu cực, nảy sinh tư tưởng cầu an, nằm im và cả xu hướng “tả” khuynh. Trung ương thông qua cuộc họp mở rộng của Xứ ủy đã nghiêm khắc phê phán và chấn chỉnh những sai lầm và lệch lạc của phong trào.

Chấp hành nghị quyết Hội nghị mở rộng của Xứ ủy, Nguyễn Duy Trinh chủ trương tăng cường giáo dục chính trị để giữ vững tinh thần cho đảng viên và quần chúng. Đồng chí tự răn mình và trao đổi với mọi người tinh thần đấu tranh bền bỉ theo tinh thần “chúng ta là Đảng của giai cấp vô sản, chúng ta không vì thất bại tạm thời mà chán nản. Người cộng sản kiên trì làm việc cho đến mục đích cuối cùng”.

Hoạt động trong lòng dân, được sự che chở, đùm bọc của nhân dân, Nguyễn Duy Trinh càng ngày càng nhận ra sức mạnh lòng dân, được dân ủng hộ, giúp đỡ là vượt qua tất cả. Trong những ngày đen tối của phong trào, ông đã làm việc hết sức mình với tinh thần của một người cộng sản để duy trì cho bằng được phong trào cách mạng. Hoạt động trong một thời kỳ quá khó khăn, bị một tên phản bội lừa vào nhà có lính mai phục, cuối cùng ông bị bắt. Trước kẻ thù, với khí tiết cộng sản, ông đã nói thẳng vào mặt chúng rằng “các ông là người hại nước hại dân, không đáng sống làm gì nữa”, “hạng ông không có quyền bắn tôi!”. Khi nghe Tổng đốc hỏi “Làm gì?”, Nguyễn Duy Trinh trả lời một cách rõ ràng rằng “làm cách mạng. Đánh đổ đế quốc. Làm cho nước Việt Nam độc lập”. Đối mặt với mật thám Bi-iê, ông thẳng thắn chủ động nói:“Các ông bắt được tôi, các ông muốn làm gì thì làm”. Trước sự tra khảo, tra tấn của kẻ thù, kể cả thủ đoạn đưa đồng chí của mình vào làm đối chứng, Nguyễn Duy Trinh trước sau một mực “tôi không biết” và còn chửi mắng chúng nó thậm tệ. Trước thái độ kiên cường không chịu khuất phục của Nguyễn Duy Trinh, cuối cùng kẻ thù lại giam ông vào Nhà lao Vinh đợi ngày làm án.

Thử thách mới, đấu tranh mới lại bắt đầu. Bằng kinh nghiệm đã qua, đặc biệt với tinh thần của người cộng sản, Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí của mình nghĩ ra những hình thức đấu tranh mới. Các đồng chí ra tờ báo miệng hằng ngày như một đài phát thanh góp phần đắc lực vào công tác lãnh đạo tư tưởng của chi ủy nhà tù. Từ những chuyện kể, bài thơ ngắn gọn đến những “tác phẩm văn học” dài hơn, tiểu thuyết Giọt máu hồng của nhóm bạn tù Nguyễn Duy Trinh mà người chấp bút là Hồ Tùng Mậu, ra đời trong hoàn cảnh đó. Sau này, khi bị đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột (thời kỳ 1932-1935), Nguyễn Duy Trinh tiếp tục truyền bá tư tưởng cách mạng bằng cách đọc tiểu thuyết Giọt máu hồng cho anh em bạn tù nghe. Với tội “truyền bá tiểu thuyết cách mạng”, bị giam vào nhà lim riêng và tăng án phạt lên 5 năm cầm cố.

Với tinh thần đấu tranh kiên cường, Nguyễn Duy Trinh được xếp vào nhóm “bọn cầm đầu”, “những kẻ cứng đầu”. Và vì vậy, ông và một số đồng chí khác bị đày ra Côn Đảo, địa ngục trần gian. Bị giam ở Hầm xay lúa, mang án khổ sai chung thân thuộc dạng tù nhân chính trị theo “chế độ nửa chính trị”, trên cương vị Bí thư chi bộ của một “chi bộ đặc biệt”, kế tục sự nghiệp của Bí thư Tôn Đức Thắng, Nguyễn Duy Trinh đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù và “đại xá chính trị phạm” dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và đường lối chủ trương của Đảng.

Được mãn án ở nhà tù Côn Đảo, nhưng được coi là phần tử nguy hiểm, Nguyễn Duy Trinh bị đưa đi đày ở trại tập trung Kon Tum. Ở đây, ông đã cùng một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục, nhưng chỉ ba tháng sau thì bị bắt lại và bị giam mãi đến tháng 5-1945 mới được thả. Sau khi ra tù, ông vận động cách mạng ở Vinh và ở Huế. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tiếp tục cùng Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên cương vị gì, ông cũng luôn luôn xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, mẫu mực.  

Điếu văn của Đảng ta khẳng định “Suốt trong thời gian lăn lộn với phong trào cũng như trong thời gian 15 năm bị bắt, bị tra tấn, tù đày tại các nhà tù của đế quốc, đồng chí luôn tỏ ra là một cán bộ vững vàng, kiên định với ý chí quyết tâm cách mạng, đã chiến đấu và hoạt động với tất cả nhiệt tình và trí tuệ của mình để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc… Gần sáu mươi năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng… Tấm gương về tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng, đức tính khiêm tốn và tinh thần thương yêu, chân thành của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã để lại cho tất cả chúng ta một tình cảm tốt đẹp và tình thương yêu vô hạn”.

Nguyễn Duy Trinh, một người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ năm 1930, sau khi bị trục xuất khỏi Nhà lao Vinh về quê, trong khi tham gia cuộc đấu tranh cách mạng với nhân dân địa phương, Nguyễn Duy Trinh thích đọc một tập sách nhỏ, cuốn Nhật ký chìm tàu. Sau này ông mới biết cuốn sách đó do Bác Hồ viết.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Duy Trinh hoạt động trên nhiều lĩnh vực và giữ những chức vụ khác nhau. Bác Hồ thường gặp trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Trinh về nhiều vấn đề, nhất là về công tác đối ngoại. Theo Vũ Kỳ, “ngoài các buổi họp Bộ Chính trị, Bác Hồ thường gọi dây nói hoặc đến tận nhà gặp trao đổi ý kiến. Có việc cần bàn bạc cụ thể thì báo trước rồi mời sang nhà làm việc. Nhiều lần làm việc xong thì anh Trinh cùng ăn cơm với Bác”.

Tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách làm việc của Bác thấm sâu vào hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Nguyễn Duy Trinh là “mãi mãi đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”. Ông nhận thức sâu sắc rằng “cuộc đời của Hồ Chủ tịch là một tấm gương vĩ đại về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng loài người. Đức độ cao cả của Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của người chiến sĩ cách mạng vô sản”.

Trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, để giải quyết vấn đề nâng cao năng lực tổ chức và quản lý, trước nhất là năng lực tổ chức và quản lý kinh tế, đồng chí Nguyễn Duy Trinh  nhận thức sâu sắc quan điểm của Bác về “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng lạc hậu còn khó hơn nhiều”. Theo ông, nhiệm vụ thứ hai khó hơn nhiệm vụ thứ nhất vì “không thể bằng một hành động anh hùng bốc lên một cách đơn độc được, mà phải bằng hành động với tinh thần anh dũng, kiên nhẫn, bền bỉ có tính chất quần chúng và hằng ngày. Cái đảm bảo chắc chắn duy nhất cho thắng lợi chỉ có thể là một phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa thay thế cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và tiểu tư sản”.

Để có được một nghệ thuật quản lý theo tinh thần của Lênin, Nguyễn Duy Trinh dựa theo quan điểm của Hồ Chủ tịch khi Người cho rằng “trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc”. Ông nhắc lại lời dạy của Bác: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt”.

Trên cương vị của mình, để đem lại hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội, Nguyễn Duy Trinh thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực. Theo ông, “về mặt tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn luôn được coi là nguyên tắc cơ bản. Động lực của hoạt động kinh tế ngay từ đầu được xác định là phát huy tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân, đồng thời coi trọng việc khuyến khích lợi ích vật chất, bảo đảm quyền lợi chân chính của người lao động”. Những quan điểm đó là trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý kinh tế. Đấu tranh trong nhà tù của đế quốc, ông thấy rõ sức mạnh lòng dân. Trong quản lý kinh tế, rộng hơn là quản lý Nhà nước, ông nhận thức sâu sắc và thấm thía lời dạy của Bác về lòng dân: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.

Nguyễn Duy Trinh là một học trò trung thành, ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì trên tất cả các lĩnh vực, từ lời nói đến việc làm, ông đều thấm nhuần sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người. Một điều quan trọng trong công tác lãnh đạo của mình là Nguyễn Duy Trinh không phải trung thành với Bác trên câu chữ mà căn bản là học Bác những quan điểm có tính nguyên tắc theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”; học tinh thần xử trí của Bác, đặc biệt là phương pháp luận và đạo đức cao cả, trong sáng của Người.

Thuộc lớp cán bộ tiền bối của Đảng, noi theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch, Nguyễn Duy Trinh trở thành một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, một nhà hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao tài đức vẹn toàn. Cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, tấm gương chiến đấu hy sinh và phẩm chất cách mạng, tinh thần trách nhiệm, đức tính khiêm tốn, giản dị, chân tình, tình thương yêu chân thành đối với đồng chí, đồng bào của Nguyễn Duy Trinh đã để lại cho chúng ta nhiều tình cảm tốt đẹp và sâu sắc. Học tập những đức tính cao cả của ông, chúng ta nguyện cùng nhau đem hết sức mình phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như đồng chí hằng mong ước và phấn đấu trong suốt cuộc đời mình.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510954

Hôm nay

2312

Hôm qua

2347

Tuần này

21328

Tháng này

217827

Tháng qua

121356

Tất cả

114510954