Với bút pháp hiện đại, “Người trong bóng tối” là một cuốn sách không thật dễ đọc, nhất là đoạn đầu, khi mạch chuyện của nhân vật “tôi - ông nhà văn Brill” vừa mở ra (ta gọi là “truyện 1”), độc giả đã “lạc” vào một truyện khác (gọi là “truyện 2”) mà Brill đang “bịa” ra. Nói là “lạc” vì “truyện 2” đầy yếu tố hoang tưởng, hư thực lẫn lộn - chàng trung sĩ Brick (cái tên hơi giống Brill càng dễ gây lẫn lộn, rối trí!) bị đặt vào một cái hố sâu lúc đang ngủ, khi được cứu ra thì bị đem đến một “thế giới khác”, đang có cuộc nội chiến - hình như là quân Liên bang (Mỹ) đánh một tiểu bang ly khai - rồi phiêu lưu hết nơi này nơi khác, bị trấn lột, bị đánh sắp chết, rồi gặp lại người tình xưa… Ngoài thủ pháp “truyện trong truyện”, tác giả còn xen nhiều “mẩu chuyện khác” tóm lược từ các cuốn phim và báo chí (mà dịch giả Trịnh Lữ gọi là “tính chất liên văn bản”), nên người đọc - nếu không tập trung, dễ rối trí.
Nhưng đọc sang phần sau cuốn sách (từ trang 156), khi tác giả trở lại mạch “truyện 1” với “tôi” - qua cuộc đối thoại giữa hai ông-cháu - kể lại đời mình, mà chủ yếu là cuộc tình giữa Brill và Sonia thì bạn đọc từng quen với cách viết “truyền thống” sẽ rất thỏa mãn vì đây là những trang tiểu thuyết tâm lý-xã hội cổ điển thật hay, lại được thể hiện với một giọng văn trẻ trung mà sâu sắc. “Truyện 1” ở mấy trang đầu sách và một số trang xen kẽ giữa mạch “truyện 2”, mới chỉ cho ta thấy một ngôi nhà trong đêm với 3 con người cô đơn: Brill bị tai nạn gãy chân (vợ là Sonia đã chết) về ở với con gái là Mirian (đã li dị chồng) có cháu ngoại là Katya (chồng là Titus vừa bị chết một cách “khủng khiếp”)…; đến phần sau (từ trang 156) thì tác giả như đã “mở” các cánh cửa, rọi ánh sáng vào ngôi nhà ấy, vào tâm hồn ba số phận cô đơn ấy với đủ cung bậc tình cảm của con người: từ khoái cảm những “pha” vụng trộm giữa Brill và Sonia đến cảnh hạnh phúc khi họ thành vợ chồng, rồi thất vọng, đau đớn, ân hận vì ngoại tình và chút e ấp, sượng sùng khi tái hợp…Những chuyện ấy không “lạ” và “cổ điển”, nhưng cái chết “khủng khiếp” của Titus được ghi hình và hai ông cháu cứ muốn xem lại thì chỉ thời… “hậu hiện đại” mới có: Titus - mặc dù phản đối cuộc chiến ở Iraq, từng nói “phải nên tống Bush vào tù”, gọi ông ta là “lũ phát xít đểu giả” - sau khi chia tay với Katya, lại tình nguyện sang Iraq làm cho một đơn vị vận tải chỉ nhằm có một trăm ngàn đô-la, để rồi bị bắt cóc, bị đem ra hành hình một cách man rợ…
Đọc đến đây thì mới rõ tác giả dựng “truyện 2” như là một giấc mơ quái đản, hoang đường mà lại xen lẫn những yếu tố rất thời sự như chiến tranh Iraq, thảm họa khủng bố 11-9 vào hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới và những đoạn trích phim, báo chí - trong đó có cảnh một cô giáo người Bỉ bị bọn phát xít Đức hành hình một cách mạn rợ không kém bọn “khủng bố” thời nay: Cho bốn xe nhà binh cột xích vào tay chân cô rồi kéo phanh thây - là để thức tỉnh con người trước cái “thế giới kì dị này vẫn trôi lăn tiếp tục” - một câu thơ mà tác giả nhắc đến hai lần trong trang cuối tiểu thuyết.
“Say đắm và choáng váng, “Người trong bóng tối” là cuốn tiểu thuyết về thời đại của chúng ta, một cuốn sách bắt chúng ta phải đối mặt với bóng đêm mà vẫn ngợi ca cuộc đời với những niềm vui bình dị trong một thế giới có khả năng gây nên những bạo hành quái đản nhất.” Time Out (Chicago) đã nhận xét về tác phẩm mới nhất của Paul Auster như thế.
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:054.828399. Mobile: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com
Ghi chú bổ sung: Nếu trang còn chỗ và thấy cần thiết, thì thêm một đoạn sau đây giới thiệu tác giả (có thể bổ sung vào sau câu đầu tiên, hoặc bố trí riêng một ô nhỏ trong trang):
Paul Auster sinh ngày 3-2-1947 tại Mỹ trong một gia đình Do Thái gốc Ba Lan. Ông đã xuất bản 13 tập tiểu thuyết, 5 cuốn hồi ký và tự truyện, 5 kịch bản phim…và đã nhận được 7 giải thưởng văn học danh giá của Mỹ và quốc tế, trong đó có giải Prince Asturia 2006 - giải đã từng được trao cho các văn hào thế giới như Gunter Grass, Arthur Miller và Mario Vargas Llosa. Đặc biệt, cuốn “Người trong bóng tối” đượcphát hành ngày 19/8/2008 ở Việt Nam cùng lúc với bản tiếng Anh tại Mỹ.