Trước hết, những nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến vừa là chính trị vừa là học thuật. Khác với số đông cùng thế hệ để việc thực hiện “nhiệm vụ chính trị” lấn át học thuật, để con người cán bộ lấn át con người khoa học, Hoàng Ngọc Hiến làm học thuật, làm khoa học nhưng chủ yếu ở mặt chính trị của vấn đề. Bởi thế, ông chọn được những điểm học thuật có sức nổ chính trị lớn. Ví như, chọn đề tài phó tiến sĩ là Maiakovski, một người vừa nổi loạn (xuất thân là nhà thơ vị lai) vừa cách mạng, là cộng sản nhưng vẫn ngoài đảng và chung cục là tự tử (hoặc bị giết); nhận diện giai đoạn văn học vừa/chưa qua bằng những khái quát tài tình như “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, văn học (chưa) “bước qua lời nguyền”, văn học “âm tính dương tính”, văn học “kể nội dung (chứ chưa phải) viết nội dung”..., rồi đương lúc người ta chán ghét những thứ lý thuyết đã xơ cứng, cằn cỗi thì đề xướng minh triết và minh triết Việt (“cái nước mình nó thế!”) một thứ tiền/hậu/siêu lý thuyết...
Phê bình văn học, do vậy, với Hoàng Ngọc Hiến cũng là đi giữa văn và triết. Sau một thời kỳ muốn nghiên cứu triết ra triết, văn ra văn, ông chợt ngộ ra rằng ở Việt Nam văn triết bất phân (cũng như huyền thoại và lịch sử bất phân), nên phê bình văn học là tìm triết trong văn, mượn văn để nói triết. Và triết ở đây dĩ nhiên phải là minh triết. Thế là Hoàng Ngọc Hiến sáng tạo ra (hoặc theo truyền thống phê điểm của các cụ ta xưa mà ông không ngờ) một lối phê bình gọi là phê bình triết luận. Kiểu phê bình này vừa cao siêu vừa dễ hiểu, vừa điểm vừa diện, vừa bác học vừa bình dân. Những cái vừa vừa như thế rất hợp với tỳ vị Việt Nam.
Hoàng Ngọc Hiến, một mặt rất mẫn cảm thời cuộc, mặt khác hiểu rất rõ tâm thức Việt, nhất là những sở trường sở đoản của nó. Có điều, với ông, hiểu khuyết tật dân tộc không phải để tìm cách khắc phục nó, mà dường như là để “lợi dụng” nó cho “được việc” của mình. Bởi thế, có những lúc hình như Hoàng Ngọc Hiến đi ngược lại bản chất của mình và điều cần làm của khoa học. Ông vốn là người yêu thích triết học phương Tây, tư duy logic chặt chẽ sáng sủa, được đào tạo chính quy để trở thành một trí thức hàn lâm. Chính ông, qua việc gọi Nguyễn Đăng Mạnh bạn mình là trí thức bình dân, đã là rất ý thức về điều đó. Nhưng trong xã hội văn sử triết chính bất phân, lại ở thời bao cấp đầu óc, làm một trí thức hàn lâm, dù có là “của độc”, thì cũng thua thiệt đủ điều. Bởi thế, con đường nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến càng ngày càng “hạ phóng” theo lối của một trí thức bình dân. Tất nhiên, đúng như “kiểu Hoàng Ngọc Hiến”: bình dân một cách hàn lâm và hàn lâm một cách bình dân. Điều này, trong một xã hội của trí thức bình dân, là một tổn thất học thuật.
Tóm lại, trên bản đồ nghiên cứu văn học, văn hóa, và minh triết, triết học, Hoàng Ngọc Hiến là một nét đậm. Ông là sản phẩm của một văn hóa nặng về vô thức tập thể, một thời buổi bao cấp và một cá tính mạnh mẽ có tính chất nổi loạn. Ông không để lại hệ thống mà để lại những con chữ có chứa chất nổ, tức những luận điểm như văn học phải đạo, âm tính dương tính, bước qua lời nguyền, và cái nước mình nó thế. Có thể, đúng như Lại Nguyên Ân than: sẽ lâu lắm mới lại có một người như Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng tôi nghĩ, ở thời đại hậu bao cấp, hậu Đổi mới, chúng ta cần những người khác với Hoàng Ngọc Hiến, không phải nổi loạn mà là cách mạng, là đổi khác, tức thay đổi hệ hình tư duy nghiên cứu.
Hoàng Ngọc Hiến sở dĩ có thể trở thành một Hoàng Ngọc Hiến đã-là như ngày hôm nay, tôi nghĩ trước hết ông là một con người toàn bộ. Làm việc gì cũng bằng toàn bộ con người mình. Trong thời buổi phân tâm/tán hiện nay, đó là chuyện rất khó. Vậy mà, Hoàng Ngọc Hiến, ngay từ đầu đã biết dành trọn đời mình cho công việc nghiên cứu. Và chỉ việc nghiên cứu mà thôi. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy phải có tính mục đích cao, thậm chí phải hy sinh những cạnh khía đời thường, nhưng đôi khi lại là chuyện sống chết, từ cơm áo, vợ con đến quyền lực của những cái ghế. Bởi thế, trong nhiều công chuyện, tôi có cảm tưởng Hoàng Ngọc Hiến muốn là được. Khi còn làm ngoại văn tôi có chứng kiến một việc: có một người Mỹ, phụ trách tờ Diễn đàn, sang Việt Nam và giúp thêm cho NXB Thế giới hiệu đính bản dịch tiếng Anh. Hoàng Ngọc Hiến đến nhờ Hữu Ngọc để được gặp riêng ông ta. Không biết có phải vì sợ vi phạm “nguyên tắc đối ngoại” hay vì không muốn ai vượt cửa của mình mà Hữu Ngọc từ chối. Thế là Hoàng Ngọc Hiến làm toáng lên: Đã vậy, ông hãy nhớ, sau này chính tôi chứ không phải ông là người bắc cầu văn hóa Việt Nam sang Mỹ! Điều đáng nói ở câu chuyện không đáng nói này là chỉ hai năm sau Hoàng Ngọc Hiến đã biến được mình thành “chiếc lá bay qua đại dương”. Duy mục đích đến như vậy, nhưng Hoàng Ngọc Hiến, khác với những người Nghệ khác, “cái gì cũng biết, chỉ không biết hạnh phúc”, là biết hạnh phúc. Nhiều người giải thích chữ hạnh phúc ở đây là không chỉ biết ăn cá gỗ mà còn biết “chén” những loại cá khác. Tôi không nghĩ như vậy, dân Nghệ đâu chỉ biết làm