Cuộc sống quanh ta

Thầy Nguyễn Văn Khỏa - người lính trên giảng đường đại học

Tôi được biết khá rõ về thầy Nguyễn Văn Khỏa từ trước khi trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG Hà Nội). Thầyvốn là người bạn vong niên rất thân thiết với cha tôi – nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.

Hai người có nhiều điểm giống nhau, đặc biệt là rất mê sân khấu và bóng đá. Một ngày trước khi mất, cha tôi còn đi xem vở kịch Kẻ đốt đền Erotxtat ở Nhà hát lớn thành phố cùng với thầy. Đã nhiều lần tôi được chứng kiến thầy say sưa nghe cha tôi đọc những đoạn thoại dài trong kịch của Raxin, Coocnây bằng tiếng Pháp. Cách đây đã hơn 30 năm, nhưng tôi vẫn nhớ những lần họ đi xem đá bóng. Mũ lá rộng vành, chân đi dép cao su cài chặt 4 quai, biđông nước đeo bên hông, hai người hành quân bộ đến sân vận động Hàng Đẫy. Thầy nói rằng đó là những thú vui xa xỉ nhất của mình và cũng chỉ có chúng mới có thể kéo thầy ra khỏi công việc nghiên cứu sách vở.

Trước khi trở thành thầy giáo của nhiều thế hệ học trò khoa Ngữ Văn chúng tôi, thầy đã là một người lính thực thụ. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, thầy là lính bộ binh, rồi lính quân báo dọc ngang ở chiến trường Khu III. Hoà bình lập lại, anh lính Nguyễn Văn Khỏa trở thành sinh viên khoá I khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1959 tốt nghiệp, thầy được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, được phân công dạy phần hóc hiểm nhất: Văn học cổ đại Hy – La, Trung cổ, Phục hưng. Tiếp bước các thầy Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Bạch Năng Thi, Đỗ Đức Hiểu…thầy đã đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng và phát triển bộ môn Văn học phương Tây ở Khoa Ngữ Văn. Cuộc đời thầy là một tấm gương tự học và phấn đấu không ngừng nghỉ. Ngay từ khi mới ở lại trường, thầy đã hạ quyết tâm phải học nghiêm chỉnh, nhất là ngoại ngữ. Hành hạ thân xác mà học để chiếm lĩnh trận địa mới, thầy học tiếng Pháp rồi tiếng Nga. Đồng lương ít ỏi thầy đều dành để mua sách. Trong căn phòng nhỏ của thầy ngoài chiếc giường đơn và chiếc bếp dầu cũ kĩ ở góc nhà chỉ thấy bốn bề là sách vở. Ngày thầy mất, một bà chị họ ở quê ra viếng, nhìn căn phòng mà tức tưởi khóc: “Em mua gì mà lắm sách vở thế, không để tiền mà tẩm bổ. Em ốm đau, sách vở có cứu được em đâu”. Nghe thật xót xa.
Một học trò và cũng là đồng nghiệp của thầy nhận xét rằng, tự học để thành tài là nét đặc trưng của thế hệ thầy, thế hệ đã bước lên bục giảng ngay sau khi vừa buông tay súng. Nhưng trong cả một thế hệ ấy, thầy là người đã phấn đấu với một nghị lực khác thường, vì điểm xuất phát quá thấp. Sau này tôi mới biết rằng trước khi vào học đại học Văn khoa thầy còn chưa được chuẩn bị kiến thức phổ thông một cách chính thức và hệ thống. Nhưng từ khi ra trường, thầy đã dày công nghiên cứu về văn hoá cổ đại Hy Lạp và văn học Phục hưng phương Tây. Thầy đã để lại một số công trình có giá trị, tiêu biểu như cuốn Anh hùng ca của Hômerơ dày hơn 500 trang với nội dung phong phú và sự khảo cứu hết sức công phu, bộ Thần thoại Hy Lạp gồm 3 tậpdày hàng nghìn trang, đã được tái bản nhiều lần, rất hữu ích cho các thế hệ sinh viên và bạn đọc. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, thầy đã truyền đạt cho các học trò không chỉ kiến thức sách vở mà còn biết bao bài học làm người. Ở Khoa Văn thầy nổi tiếng là người trung thực và thẳng thắn, không bao giờ thoả hiệp với những gì mà thầy cho là sai trái. Cách sống “thẳng ruột ngựa” và thái độ không khoan nhượng với cái xấu, cái ác có thể đã khiến thầy chịu nhiều thiệt thòi, nhưng nó luôn luôn làm người ta phải kính trọng khi nhớ đến thầy.
Quyết liệt, nghiêm khắc nhưng thầy là người sống tình cảm và rất thương sinh viên, nhất là những người đã từng khoác áo lính. Anh Phạm Thành Hưng, một cựu chiến binh, hiện nay là Phó Chủ nhiệm khoa Văn học, đã kể với đồng nghiệp một kỷ niệm về thầy mà anh mãi mãi không quên. Khi mới học xong năm thứ nhất, anh cùng một số người bạn đồng khoá nhập ngũ. Khi các anh hoàn thành nhiệm vụ trở về đi học lại, thầy đã đem những bài thi năm xưa ra trả. Thầy nói với các anh rằng, thầy muốn giữ lại bài thi của các anh trong khi các anh đội bom đạn đi chiến trường để các anh nhớ đường mà trở về với thầy với khoa. Tình cảm của thầy đối với người ra đi chẳng khác gì với tình cảm của người cha ngóng trông con nơi chiến trận. Trong số những giấy tờ của thầy để lại có cả những bài thi của các học trò đã hy sinh ở chiến trường. Các anh không bao giờ còn được trở về trường xưa. Khi biết tin thầy đã khóc nức nở và trân trọng cất giữ những bài thi ấy như kỷ vật quý trong đời thầy giáo của mình.
Khoá học của chúng tôi vẫn còn nhớ bài thi môn văn học phương Tây của thầy. Hôm đó thầy ra một đề thi “bẫy” sinh viên như sau: “ Nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki, khi đánh giá tác phẩm Hămlét của Sêchxpia đã viết; Hămlét chết, vua chết, Ôphêlia cũng chết, không có cái thiện, không có cái ác. Tất cả đều qua đi. Và khán giả ra về với niềm lạc quan vui sướng. Anh chị hãy bình luận câu nói đó”. Nếu như ở trong một bối cảnh khác thì việc bình luận đúng sai nhận định trên không khó khăn gì. Nhưng lúc đó đối với sinh viên năm thứ nhất chúng tôi, Biêlinxki là một thần tượng vĩ đại. Trong chương trình lý luận văn học mà chúng tôi vừa học qua có rất nhiều trích dẫn quan trọng nổi tiếng của ông. Mọi phát ngôn của ông phải là chân lý. Kết quả là bài thi đó ¾ lớp tôi phải thi lại. Có người trong lớp tôi đã sửa lại đề thi như sau: “Anh chết, tôi chết, chúng ta cùng chết. Tất cả đều thi lại. Và thầy Khỏa ra về với niềm hả hê vui sướng”. Trò nghịch ngợm này cũng đến tai thầy. Hôm trả bài thầy nói với cả lớp: “Đúng là tôi hả hê vui sướng vì các em đã bị sập bẫy. Một vĩ nhân thì cũng có thể nhầm lẫn lắm chứ. Em nào giáo điều, chỉ dựa vào uy tín của Biêlinxki mà phán thì chết. Các em phải biết nhận thức, suy nghĩ và phát biểu chính kiến bằng cái đầu của mình.” Chúng tôi rất thấm thía với bài học ấy.
    Năm 1978, khi cuốn Anh hùng ca của Hômerơ được Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp ấn hành thầy rất vui. Thầy mang ngay sách đến khoe với cha tôi nhưng lại nói rằng: Tôi mang hai cuốn đến đây, một để tặng vợ chồng Vũ - Quỳnh, một để tặng cô sinh viên của tôi, nếu muốn thì anh có thể đọc ké. Cha tôi trợn mắt, vờ làm mặt giận dỗi, ra cái ông này hay nhỉ chỉ được cái khinh già trọng trẻ. Thế rồi ngay sau đó hai ông kéo nhau đi uống càfê để mừng sự ra đời của cuốn sách. Đứa con tinh thần đầu tiên thể hiện tâm huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thầy. Trong nhiều năm, tác giả Hômerơ và các bản anh hùng ca Iliát, Ôđixê đã được đưa vào chương trình văn học của các trường Đại học và phổ thông. Công trình của thầy đã đáp ứng một cách rất hiệu quả cho những ai muốn tìm hiểu về các vấn đề này. Nó không chỉ cung cấp những kiến thức sâu rộng về nền văn học cổ đại Hy Lạp mà còn cho thấy một thái độ làm việc nghiêm túc đối với những bản dịch văn học cổ. Thầy cho rằng nên dịch sát và đúng hơn là cách dịch thoát và hay, vì như vậy mới phản ánh được cách tư duy và cách quan niệm của người Hy Lạp cổ. Nhìn qua giữa “Những người Tơ-roa luyện chiến mã” với “Những người Tơ-roa luyện thuần ngựa cái” thì không có gì khác nhau, và xét về mặt văn học thuần tuý, để cho hay, tất nhiên nên và cần phải dịch là “chiến mã”. Song xét về mặt lịch sử - xã hội thì rõ ràng chúng ta thấy sự phân biệt đó phản ánh cách đánh giá của những bộ lạc chăn nuôi thời nguyên thủy. Cũng như giữa “ăn uống đến no nê trái tim” với “ăn uống no say”, “đồ có trái tim đầy vô liêm sỉ” với “đồ mặt dày mày dạn”, giữa “cuộc chiến tranh làm lạnh buốt trái tim” với “cuộc chiến tranh làm đau lòng người” không phải là sự khác nhau về trình độ dịch, về cách dịch mà là sự khác nhau về cách tư duy, về quan niệm. Chúng ta có thể thấy điều này ở cách nói của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, Tây Nguyên… Khi một người dân miền núi nói “đi chừng một quăng dao nữa” hay “đi chừng mỏi một vai nỏ nữa” thì cũng giống như Uy-li-xơ tính toán “còn cách bờ khoảng chừng một tiếng hú nữa”…Nhắc lại một chút như vậy để thấy được phần nào công việc lao động nghiêm túc và kỳ khu của thầy trong các công trình khảo cứu. Hơn ba chục năm đã trôi qua, tôi vẫn còn giữ cuốn sách in trên thứ giấy đen đủi của thời bao cấp, với lời đề tặng của thầy bằng tiếng Nga, chúc mừng năm mới cô sinh viên của tôi!
Đầu những năm 80, thầy có chuyến đi Pháp mấy tháng. Thời đó được đi nước ngoài, nhất là các nước tư bản, khéo thu vén thì có thể đổi đời. Nhưng sau chuyến đi, gặp thầy vẫn tuyềnh toàng trên chiếc xe đạp Thống nhất cũ rích, tôi hỏi: Sao chú đi Tây về mà trông chẳng có gì khác cả? Thầy nói ngay: Chuyến đi thú vị lắm, chú kiếm được nhiều tài liệu quý, à cũng mua cho mình được một cái áo măng tô dạ ấm lắm nhưng bây giờ mùa hè nên không diện được. Nói xong thầy cất tiếng cười rất sảng khoái.
Thầy đã sống độc thân suốt cả cuộc đời. Mặc dù tôi được biết ở khoá trên và ngay cả trong lớp tôi, có chị là cán bộ đi học rất muốn được nâng khăn sửa túi cho thầy, nhưng thầy đều lấy lý do này lý do khác để từ chối. Tôi biết thầy không phải là người thờ ơ với phụ nữ. Có lần thầy nói với tôi: hôm nay chú dạy ở lớp Văn 3, chị Như Tâm không đi học nên chú nhìn xuống lớp thấy trống trải, giảm hết hứng thú (Chị Tâm vốn là diễn viên múa quân đội chuyển ngành về đi học, xinh đẹp nổi tiếng trong trường). Cho mãi đến những năm gần cuối đời, thầy mới gặp và yêu một chị hoạ sĩ, người Hà Nội chính gốc. Hai người có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với nhau. Ai cũng mừng cho thầy vì khi đã bước vào tuổi xế chiều lại gặp được tình yêu. Căn phòng cô đơn của thầy sẽ có hơi ấm của người phụ nữ. Hai người hẹn nhau, khi thầy trở về sau chuyến công tác ở Pháp sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng hạnh phúc không thành, vì khi chị ra đón thầy ở sân bay, cuộc sống của thầy chỉ còn tính từng ngày. Tôi vẫn nhớ lần cuối cùng vào bệnh viện Hữu nghị thăm thầy. Lúc này thầy đã yếu lắm, chập chờn mê tỉnh giữa những cơn đau dữ dội liên tục hành hạ. Khi GS. Hụê Chi gọi: Khỏa ơi, nhận ra ai đây không? Thầy hé mắt nhìn rồi nói: Thằng cha chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất Từ điển(lúc đó GS.Huệ Chi đang là chủ biên bộ Từ điển Văn học mà thầy cũng có tham gia biên soạn một số mục từ). Ít ngày sau thầy qua đời. Căn bệnh ung thư gan đã cướp thầy đi giữa tuổi “tri thiên mệnh”. Thầy ra đi với danh hiệu đơn giản – cán bộ giảng dạy, không chức tước, không học hàm, học vị. Ai cũng cảm thấy xót xa. Chỉ có một điều khiến mọi người thấy ấm lòng hơn khi được biết người yêu của thầy, người phụ nữ đáng kính đó đã chăm sóc thầy như một người vợ cho đến khi thầy trút hơi thở cuối cùng.
Thầy Nguyễn Văn Khỏa mất năm 1988, cách đây đã 23 năm , bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò vẫn luôn nhớ đến thầy - một người lính chân chính ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Ngày chia tay, GS. Mã Giang Lân đã viết bài thơ Về một chuyến ra đi để tưởng niệm thầy:
Anh nằm giữa mùa đông
                         một mình
                                lạnh
                               những vòng hoa trắng
Bạn bè,  đồng nghiệp, sinh viên
                                chống chếnh bên nhau
                                          lặng lẽ
                                             tựa vào xe tang
Chiếc xe tang trôi trong thành phố
Bao nhiêu người đưa anh đến nghĩa trang
 
 Một cuộc đời gần tuổi sáu mươi
 một cuộc đời một thời trận mạc
 một cuộc đời, ba mươi năm giảng đường đại học
Bạn bè thương trong trắng một cuộc đời
Đồng nghiệp thương một cuộc đời đạm bạc
Phố phường thương trong trắng một màu hoa
 
Mắt tôi mờ bụi gió
Hoa trắng bồng bềnh mây.
 
Bao nhiêu người xót xa về chuyến đi này
Bao nhiêu người muốn được ra đi như thế.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513243

Hôm nay

229

Hôm qua

2315

Tuần này

21180

Tháng này

220116

Tháng qua

121356

Tất cả

114513243