Cuộc sống quanh ta

Không gian lịch sử Việt Nam và khu vực ở thời điểm Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành 21 tuổi nhận làm phụ bếp với lương tháng 45 frans trên tàu Amiral Latouche Tréville thuộc Hãng Vận tải Hợp nhất, rời bến Nhà Rồng, Sài Gòn “đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1). Một vấn đề đặt ra là: Tại sao Nguyễn Tất Thành không thể tìm được con đường cứu nước ngay trên quê hương mình hoặc thậm chí ở các nước trong khu vực quanh ta, mà phải sang tận trời Tây? Trả lời thỏa đáng câu hỏi đó không phải là dễ dàng. Tôi xin cố gắng luận giải vấn đề đó sau 100 năm nhìn lại.

Trước hết chúng ta xem xét những gì đã diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX trên không gian hẹp là nước Việt chúng ta. Như chúng ta đều biết, sau khi dập tắt phong trào Cần Vương - cuộc vùng dậy cuối cùng theo ý thức hệ phong kiến nhằm khôi phục nền độc lập dân tộc, thực dân Pháp bắt tay khai thác thuộc địa nhằm bòn rút của cải nước ta làm giàu cho Chính quốc. Cùng với việc nhập ngoại giống cây trồng mới, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày, nền nông nghiệp truyền thống chúng ta nhạt dần tính chất độc canh vốn có của nó, nhiều trung tâm công thương nghiệp và các loại hình giao thông vận tải hiện đại… xuất hiện. Xã hội truyền thống Việt Nam bắt đầu có sự chuyển biến, khởi đầu từ địa hạt kinh tế, sau lan sang các lĩnh vực khác. Dường như cùng một lúc với những chuyển biến bên trong, từ bên ngoài, luồng tư tưởng dân chủ tư sản, theo những con đường khác nhau, đã chảy vào Việt Nam. Từ Trung Quốc, Nhật Bản, Tân văn, Tân thư được truyền vào Việt Nam, tạo nên những ảnh hưởng tư tưởng to lớn. Sau này, người ta tổng kết: “Một tập sách vài mươi trang mà thay đổi lòng người như chớp, một tập sách nói chuyện nước Tàu mà làm cho 20 triệu dân Nam phấn khởi như thần dược đối với người mắc bệnh trầm kha. Những Thanh Nghị báo, Tân Dân Tùng báo, ẩm Băng thất, Tư Do thư, Trung Quốc hồn đã đánh thức đám sĩ phu ta, gần như trực tiếp, vì trong đó nói chuyện nước Tàu mà có nhiều chỗ trùng với bệnh của người mình lắm”. Sau cùng tư tưởng dân chủ tư sản đến từ nước Pháp, quê hương của cuộc cách mạng tư sản điển hình. Trong guồng máy thống trị không chỉ có những tên thực dân tàn bạo, mà còn có cả những người Pháp chân chính, yêu tự do, đó là đội ngũ những thầy giáo, cô giáo, những nhà khoa học Pháp. Tư tưởng dân chủ tư sản được họ gieo vào đầu óc đám học trò đang ngồi trên nghế nhà trường Pháp-Việt, những người đồng nghiệp Việt Nam cùng làm việc với họ trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, các công sở. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, tại Pháp hàng năm đều có tổ chức những Hội chợ thuộc địa để quảng bá vẻ đẹp quyến rũ, nguồn tài nguyên phong phú của các xứ thuộc địa nhằm thu hút vốn đầu tư của tư bản Pháp. Các gian hàng Việt Nam được giới thiệu ở các Hội chợ đó. Nhân đó, nhiều người Việt có dịp sang Pháp làm việc như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh… Đồng thời, các phái đoàn sang Pháp “khảo sát chính trị” cũng được tổ chức. Các đoàn này thường được tuyển chọn trong đám quan lại cấp tỉnh và học sinh Trường Hậu bổ. Tháng 2-1906, đoàn khảo sát chính trị của Bắc kỳ gồm 10 người, trong đó có Tri phủ Hoài Đức là Trần Tán Bình, sang Pháp. Năm sau, một đoàn khảo sát chính trị khác gồm 17 người (10 người Bắc kỳ, 7 người Trung kỳ, đáp tàu Himalaia sang Pháp. Đến Pháp, họ được đưa đi thăm nhiều nơi, nhưng chủ yếu tập trung khảo sát hai lĩnh vực quan trọng là kinh tế và giáo dục. Trở về nước, họ trở thành những người tuyên truyền cho nền văn minh Pháp. Hội quán Trí Tri ở 51 phố Hàng Quạt, Hà Nội thường xuyên tổ chức các cuộc diễn thuyết về những điều mắt thấy tai nghe trong các chuyến đi đó. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Vĩnh đăng đàn diễn thuyết nhiều buổi về hành trình sang Pháp, về chính thể nước Pháp, quan phủ Thường Tín Nguyễn Năng Quốc nói về nhà nuôi day trẻ ở Nancy. Đặc biệt có tiếng vang nhất thời đó là bài diễn thuyết của Trần Tán Bình tại Hội quán Trí Tri, và một vài điểm ở Nam Định, Hải Phòng, đặc biệt cuộc diễn thuyết tổ chức ở Núi Gôi (Nam Định) ngày 9-3-1907 có hơn 6.000 người nghe. Thính giả bị chinh phục và hút hồn bởi những lời có cánh của Trần Tán Bình: “…Sự buôn bán không những là đổi chác làng nọ sang làng kia mà thôi, lại còn đem đồ đi các nước nữa. Khắp mặt địa cầu, đâu đâu cũng có mặt nhà buôn người Đại Pháp, trên các mặt biển đều chi chít các tàu buôn; nơi này đại công ty, nơi nọ tiểu công ty, như thế làm cho dân phần nhiều người có việc làm. ở nước Đại Pháp người ta trọng nghề buôn hơn nghề làm quan. Có sự buôn thì người cày ruộng mấy có việc, người thợ khéo mấy có công, người tài mấy nghĩ ra máy nọ, máy kia; hơi nước, điện khí đều do ở sự buôn bán mà ra cả; vì buôn xe lửa mới chạy vùn vụt; vì buôn tàu bè mới xoáy nước; buôn là cái hồn thiên hạ làm cho các mạch máu thế gian mấy xoay chuyển”(2).
 
Trong khi tư tưởng dân chủ tư sản tràn vào Việt Nam nhằm chuẩn bị về tư tưởng cho sự chuyển đổi hệ ý thức thì trong xã hội chúng ta lúc đó chưa hội đủ những điều kiện cần thiết nhất cho phong trào cách mạng theo khuynh hướng tư tưởng mới. Lúc đó, xã hội Việt Nam chưa xuất hiện một giai cấp tư sản làm bệ đỡ cho nó và lớp trí thức tân học đang ngồi trên ghế nhà trường, do vậy, lớp nhà nho yêu nước, thức thời đứng ra lãnh trách nhiệm tiếp nhận tư tưởng mới, đưa nó vào cuộc sống và biến nó thành phong trào cách mạng sôi nổi trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Dẫu vậy, sự vận động tư tưởng ở Việt Nam bằng phong trào Duy Tân đã bắt đúng nhịp đi và hòa cùng trào lưu “châu á thức tỉnh” thời đó.
 
Phong trào Duy Tân ở nước ta đầu thế kỷ trước được phân thành hai nhánh: ám xã và Minh xã. ám xã (tổ chức bí mật) do Phan Bội Châu lãnh đạo, chủ trương sử dụng bạo lực, còn minh xã (tổ chức công khai) do Phan Chu Trinh lãnh đạo, chủ trương tự cường bằng những hoạt động kinh tế, văn hóa - giáo dục. Điều đặc biệt lý thú là phong trào Duy Tân đầu thế kỷ do hai nho sĩ nổi tiếng lãnh đạo đã có sự phối hợp, liên kết bên trong với bên ngoài, giữa các lĩnh vực và giữa các vùng miền của đất nước, tạo thành một phong trào cách mạng có quy mô toàn quốc. Nhưng rồi, phong trào đó cũng bị bọn thực dân và tay sai dập tắt.
 
Theo Thỏa ước Nhật - Pháp được ký kết ở Pari, Nhật trục xuất Phan Bội Châu và học sinh Việt Nam. Phong trào Đông Du rầm rộ một thời đã chấm dứt. Đầu năm 1909, Phan Bội Châu phải rời nước Nhật, sau đó sang Xiêm lập Trại cày làm ăn, đợi thời phục quốc. Còn Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp xem như là người cha tinh thần của phong trào chống sưu thuế Trung kỳ năm 1908, bị bắt, kết án và bị lưu đày ra nhà tù Côn Đảo. Tiếp đó, Cụ được Hội Nhân quyền Pháp can thiệp ra khỏi nhà tù và đưa sang Pháp tháng 3 năm 1911 nhằm tách Cụ khỏi môi trường cách mạng Việt Nam. Rõ ràng, phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỷ bị giáng một đòn mạnh. Thật không công bằng nếu chúng ta không nói tới cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám. Năm 1909, sau một thời gian hòa hoãn dài, thực dân Pháp và tay sai huy động một lực lượng quân sự lớn tiến công vào Yên Thế. Khởi nghĩa Yên Thế đang đi dần tới những năm tháng tồn tại cuối cùng.
 
Rốt cuộc lại, phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX với trào lưu chủ đạo là khuynh hướng dân chủ tư sản bởi hai đại diện tiêu biểu Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp dập tắt. Phong trào cách mạng Việt Nam đang ở trong đường hầm, chưa nhìn thấy lối ra. Cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX với sự thất bại của phong trào Cần Vương theo hệ tư tưởng phong kiến đến bây giờ càng trở nên trầm trọng hơn.
 
Tiếp đến, trên không gian lịch sử rộng hơn - không gian lịch sử các nước trong khu vực, đặc biệt các nước cùng cảnh ngộ như nước ta.
 
Nước Trung Hoa rộng lớn, văn hiến lâu đời, bị các nước tư bản phương Tây xâu xé cũng đang tìm lối ra. Tư tưởng dân chủ tư sản từ nhiều ngả đường khác nhau được truyền vào Trung Quốc và được lớp nho sĩ tiến bộ như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Dương Thâm Tú… tiếp nhận, dấy lên phong trào Duy Tân, rồi được ông vua trẻ Quang Tự đồng tình tiến hành cuộc chính biến Mậu Tuất 1898. Cuộc chính biến diễn ra được một trăm ngày thì bị phái bảo thủ trong triều đình Mãn Thanh do Tây thái hậu cầm đầu phản công và dập tắt. Ngày 21-9-1898, Tây thái hậu truất ngôi và bỏ ngục vua Quang Tự, truy nã Khang, Lương và kết án tử hình Đàm Tự Đồng và Dương Thâm Tú, giải tán các học đường, học hội… Phong trào Duy Tân cuối thế kỷ XIX thất bại. Những người đang sống sót chạy ra nước ngoài cư trú chính trị, tiếp tục viết trước tác truyền về đại lục, tiếp tục nhen nhóm ngọn lửa cho những cuộc vùng dậy tiếp theo. Cho đến tháng 6-1911, Trung Quốc vẫn chưa tìm thấy lối thoát mà phải đến tháng 10-1911, tức sau đó 4 tháng, Trung Quốc đã tìm thấy hướng đi bằng cuộc cách mạng Tân Hợi do Tôn Dật Tiên lãnh đạo.
 
Trên đất nước ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ, những nhà ái quốc ấn Độ cũng đang tìm hướng giải thoát cho dân tộc mình. Tháng 12-1885, Đảng Quốc dân Đại hội (Đảng Quốc Đại), đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc ấn Độ, được thành lập, chính thức bước lên vũ đài chính trị. Mặc dù, Đảng chủ trương đấu tranh ôn hòa nhưng có vị trí đáng kể trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh như đòi cải cách về giáo dục, xã hội và mở rộng sự tham gia của người ấn trong các Hội đồng tự trị... Ngày 16-10-1905, ngày đạo luật chia cắt Bengan có hiệu lực, nhân dân ấn Độ coi đây là ngày quốc tang, đã dấy lên phong trào chống Anh mạnh mẽ, đặc biệt ở Bombay và Cancúta. Hơn 10 vạn người kéo đến sông Hằng, dòng sông linh thiêng của người ấn, làm lễ tuyên thệ và ca vang bài Kính chào người Mẹ hiền Tổ Quốc để bày tỏ ý chí thống nhất, đoàn kết. Khắp nơi, người dân ấn Độ hô vang khẩu hiệu: “ấn Độ của người ấn Độ”. Tinh thần dân tộc ấn Độ thức tỉnh và phát triển mạnh vượt qua chủ trương của phái ôn hòa chiếm ưu thế trong Đảng Quốc Đại. Vì thế Đảng Quốc Đại quyết định khai trừ Tilắc, người cầm đầu phái vũ trang, ra khỏi Đảng, đẩy ông vào tay thực dân Anh và bị kết án 6 năm tù. Sự việc đó như đổ thêm dầu làm bùng cháy một đợt đấu tranh mới. Hàng vạn công nhân Bombay tiến hành tổng bãi công 6 ngày phản đối việc kết án 6 năm tù đối với Tilắc. Tiếp đó họ dựng chiến lũy, thành lập các đơn vị chiến đấu chống lại quân đội Anh. Nhân dân các thành phố khác cũng hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đó đã buộc thực dân Anh phải thu hồi đạo luật chia cắt Bengan, nhưng sau đó cũng không phát triển được.
 
ở khu vực Đông Nam á, phong trào giải phóng dân tộc cũng đang diễn ra rộng khắp, sôi nổi, liên tục. ở Inđônêxia, nơi bị thực dân Hà Lan đô hộ, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ năm 1905, nhiều tổ chức công nhân được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác. Cũng trong năm đó, tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa được thành lập, kích thích sự ra đời của các nghiệp đoàn khác, từ đó, dẫn đến thành lập Hội Liên hiệp công nhân Inđônêxia vào năm 1908. ở Lào, đầu thế kỷ XX, nhân dân các bộ tộc Lào đã nhiều lần nổi dậy chống thực dân Pháp. Năm 1901, nhân dân Xavanakhẹt, dưới sự lãnh đạo của Phacađuốc, đứng dậy đấu tranh. Và trong năm đó, một cuộc khởi nghĩa khác bùng nổ trên cao nguyên Bôlôven cho đến năm 1907 mới bị dập tắt. ở Miến Điện, cuộc kháng chiến chống thực dân Anh diễn ra anh dũng, nhưng cuối cùng bị đàn áp. Nghĩa quân phải rút vào rừng sâu hoạt động đợi thời cơ.
 
Điểm qua tình hình Việt Nam và các nước trong khu vực như vậy để đi tới kết luận rằng cả “châu á đau thương”, trừ Nhật Bản và Xiêm, phong trào giải phóng dân tộc theo nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau diễn ra sôi nổi, liên tục, nhưng cuối cùng bị các thế lực thực dân và tay sai đàn áp và dìm trong máu. Khủng hoảng đường lối cứu nước không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn trong cả khu vực.
 
ở Việt Nam, các bậc anh hùng nghĩa liệt thừa lòng yêu nước và lòng quả cảm, nhưng trước sau đều phải nhận lấy thất bại xót xa. Có nhiều nhân tố trong tình hình kinh tế-xã hội, chính trị-tư tưởng của đất nước lúc bấy giờ đã tạo nên những nghịch lý đó. Cuộc sống đang chứa đựng nghịch lý thì chính cuộc sống đang tạo ra những điều kiện vật chất để giải nghịch lý đó. Nhân loại, như C.Mác đã chỉ rõ, chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ có thể giải quyết được vì bản thân những nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi điều kiện vật chất để giải quyết nó đã có hay chí ít cũng đang trong quá trình hình thành(3). Sự thất bại của các phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vừa chứng tỏ sự lỗi thời của hệ tư tưởng phong kiến, sự yếu ớt và bất lực của hệ tư tưởng tư sản, vừa từng bước chuẩn bị tiền đề cho một phương hướng cứu nước mới. Trong bối cảnh như vậy, phải có những người ưu tú của dân tộc với sức mẫn cảm của trí tuệ và tầm nhìn vượt lên trên những hạn chế của điều kiện lịch sử trong nước mới có khả năng tìm ra lối thoát cho dân tộc. Trong đội ngũ những nhà yêu nước đang hăm hở tìm đường cứu nước có một thanh niên trẻ tuổi mà buổi đầu xuất hiện đã vượt xa những nhà yêu nước đương thời về sự mẫn cảm của trí tuệ, về tầm nhìn. Đó là Nguyễn Tất Thành, người đã tự nguyện gánh lấy trách nhiệm ra đi tìm phương hướng cứu nước mới.
 
........................................................
(1) Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Chính trị quốc gia và Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.12.
(2) Đăng cổ Tùng báo, năm 1907.
(3) Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn Tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 13, tr.16.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513243

Hôm nay

229

Hôm qua

2315

Tuần này

21180

Tháng này

220116

Tháng qua

121356

Tất cả

114513243