PV: Thưa ông, năm nay là năm thứ 30 tổ chức hoạt động văn nghệ Tiếng hát Làng Sen và năm thứ 10 của Lễ hội làng Sen. Xin ông cho biết đánh giá của ông về ý nghĩa của các hình thức hoạt động văn hoá này đối với đời sống mọi mặt của tỉnh ta ?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Trước hết, hoạt động Liên hoan văn nghệ liên hoan tiếng Hát từ làng Sen và Lễ hội Làng Sen là những hoạt động văn hoá diễn ra trên đất Nghệ An nhưng không chỉ tác động, ảnh hưởng và có ý nghĩa đối với đời sống văn hoá của Nghệ An mà có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá của nhiều địa phương cả nước; Liên hoan tiếng hát làng Sen, Lễ hội làng Sen đã quy tụ sự tham gia của rất nhiều các cơ quan trung ương, các địa phương trong cả nước. Tôi còn nhớ, mới hồi đầu tổ chức, vào các năm 1985, 1990, do có quá nhiều đoàn đăng ký tham gia nên chúng ta đã phải thông cảm hẹn vào dịp sau. Nhiều địa phương, nhất là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia liên hoan tiến tiếng hát Làng sen và lễ Hội Làng Sen một cách đầy đủ và đều đặn trong suốt thời gian qua.
Còn về ý nghĩa của các hoạt động này, theo tôi là rất sâu sắc. Các hoạt động liên hoan Tiếng hát Làng sen và lễ Hội Làng Sen đã tác động lên toàn bộ các lĩnh vực đời sống văn hoá tinh thần của các cộng đồng dân cư. Ngay từ khi mới hình thành, Liên hoan Tiếng hát làng Sen đã có sức cuốn hút mạnh mẽ đến mọi người, mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi. Tôi cho rằng Liên hoan tiếng hát làng Sen và Lễ hội Làng Sen là một hình thức sinh hoạt văn nghệ có sức hấp dẫn và tồn tại lâu dài trong đời sống cộng đồng.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Thứ nhất, đó là sự ảnh hưởng tích cực đến chính trị tư tưởng. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hình tượng âm nhạc, biểu tượng văn hoá của Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen. Điều đó khẳng định đường lối chính trị của Bác và Đảng ta qua hình tượng âm nhạc Hồ Chí Minh, biểu tượng văn hoá Hồ Chí Minh. Sự khẳng định bằng nghệ thuật, bằng hình tượng âm nhạc có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chuyển tải đến cộng đồng một cách nhẹ nhàng, sâu lắng và để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức và tình cảm của mỗi người thông qua các giá trị thẩm mỹ. Tiếng hát Làng Sen là con đường âm nhạc để mọi người đến với Hồ Chí Minh và để Hồ Chí Minh đến với mọi người. Tương tự vậy, khi hình thức văn nghệ này phát triển và chuyển hoá thành Lễ hội Làng Sen thì nhân vật thiêng Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng văn hoá Hồ Chí Minh, đó chính là lực hấp dẫn cộng đồng. Và tâm thức về Hồ Chí Minh là con đường dẫn mọi người đến với những nhận thức sâu sắc về tư tưởng và tình cảm của Người. Hình tượng âm nhạc Hồ Chí Minh trong hoạt động liên hoan tiếng hát làng Sen, Biểu tượng văn hoá Hồ Chí minh trong Lễ hội làng Sen đã được tỏa sáng. Khi hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa này mọi người sẽ có điều kiện tự giác tiếp thu được nhiều nhất nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh…Người dân có thể cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu nước, thương dân của Người qua các tác phẩm âm nhạc như: "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Người về thăm quê", ... . Từ sự thiêng liêng trong Lễ hội, người ta quan tâm nghiên cứu về Người nhiều hơn. Và từ đó, họ hiểu hơn, thấm nhuần sâu sắc hơn lý tưởng và cuộc đời cao đẹp của Hồ Chí Minh. Từ tâm thức đến nhận thức, và đến hành vi, các hoạt động văn hóa này đã góp phần làm tỏa sáng tình cảm tình cảm, tư tưởng và những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đời sống đương đại, làm cho định hướng mục tiêu chính trị, các quan điểm cơ bản của Đảng đến được với người dân một cách nhuần nhị và tự nhiên nhất, và do vậy mà có hiệu quả sâu sắc nhất.
Về phương diện văn hóa, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, 30 năm qua, Tiếng hát từ Làng Sen đến Lễ hội làng Sen, đã là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi nổi nhất, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân xứ Nghệ. Liên hoan tiếng hát Làng Sen và Lễ hội làng Sen đã trở thành một mỹ tục của nhân dân Nghệ An và cả nước. Các hình thức văn hóa này không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu bày tỏ tình cảm, nhu cầu tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn thỏa mãn nhu cầu ca hát và góp phần nuôi dưỡng nhu cầu này của cộng đồng. Ca hát và các hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần/tâm linh khác là một nhu cầu rất lớn của cộng đồng, là điều kiện để xây dựng, củng cố mối cố kết cộng đồng, hướng mọi người cùng đến với những giá trị tốt đẹp để phát triển. Ngoài ra, các hoạt động này còn có tác dụng thúc đẩy phong trào ca hát, định hướng thẩm mỹ âm nhạc, khuyến khích sáng tạo âm nhạc và các bộ môn nghệ thuật khác như sân khấu, mỹ thuật…và lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca, lễ hội và các phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa khác.
PV: Ông có thể cắt nghĩa về sự chuyển hoá, phát triển từ tiếng hát Làng Sen đến Lễ hội Làng Sen?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Từ Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen, sau đổi thành Tiếng hát làng Sen và hiện nay là Lễ Hội Làng Sen là một sự sinh thành và phát triển của một hình thức văn hóa vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù của Nghệ An.
Phổ biến vì đây là một sinh hoạt văn hóa văn nghệ rộng khắp, như các hoạt động liên hoan, lễ hội tổ chức thường xuyên, trên cả nước. Nhưng nó có cái đặc thù riêng, đó là, nhất quán từ đầu đến cuối một hình tượng âm nhạc là Hồ Chí Minh, một nhân vật thiêng là Hồ Chí Minh.
Sau 20 năm tồn tại và phát triển, hình thức sinh hoạt ca nhạc quần chúng Tiếng hát Làng Sen đã không còn ôm chứa hết các giá trị tinh thần mà nó tạo ra, không chuyển tải được hết tình cảm và tâm nguyện, tâm thức về Hồ Chí Minh của cộng đồng và đòi hỏi phải có một hình thức khác có không gian rộng lớn hơn, thời gian dài hơn, sự tham gia của cộng đồng đông đảo hơn và đặc biệt là người dân có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình. Và vì vậy Lễ hội Làng Sen đã ra đời từ năm 2001 để đáp ứng yêu cầu đó. Đây là kết quả khách quan của một quá trình chuyển hóa từ một hình thức văn hóa này thành một hình thức văn hóa khác của cộng đồng, từ sinh hoạt ca nhạc đơn thuần sang tổ chức Lễ hội.
PV: Vậy xét đến cùng bản chất của sự chuyển hóa này là gì, thưa ông ?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Cơ bản đó là chuyển biến về nhận thức, tâm thức của cộng đồng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ hình tượng âm nhạc trong liên hoan Tiếng hát Làng Sen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhân vật thiêng. Từ tình cảm với lãnh tụ, tôn vinh và tri ân, khi đã có yếu tố thiêng, nhân vật thiêng là Hồ chí Minh, có không gian thiêng là Làng Sen, Hồ Chí Minh đã bắt đầu trở thành một nhân vật của tín ngưỡng thờ thần của người dân Việt. Hồ Chí Minh đã trở thành một vị nhân thần trong tâm thức của người dân. Đó là bản chất và cũng là tiền đề của sự chuyển hoá, phát triển từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen đến Lễ hội Làng Sen.
PV: Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa nguyên hợp có tính cộng đồng cao nhất. Đó là một tiếng nói đa nghĩa, đa sắc, đa thanh. Vậy động lực nào thúc đẩy sự chuyển hóa này?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Từ nhiều năm nay, trong nhận thức và đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành một vị nhân thần có công lớn với dân với nước. Người đã được nhân dân thờ phụng như một vị thần. Rất nhiều đền chùa và tư gia đã rước Người về thờ. Vì vậy theo tôi, cái thiêng của Người đã thúc đẩy hình thành Lễ hội Làng Sen. Đây là yếu tố hàng đầu, có tính khách quan và quyết định để thúc đẩy hình thành Lễ hội. Điều thứ hai, tính thiêng này đã được hình thức sinh hoạt Tiếng hát làng Sen làm cho sâu sắc hơn, đẩy nhanh tốc độ lan toả trong cộng đồng, làm cho hình thành trong cộng đồng nhu cầu biểu đạt tính thiêng, thực hiện các nghi lễ cầu mong sự linh ứng từ nhân vật thiêng, bày tỏ sự tin tưởng và tri ân thần linh. Động lực thứ ba, là chúng ta đã sớm bảo tồn và tôn tạo được không gian thiêng là làng Sen, làng Hoàng Trù, khu mộ bà Hoàng thị Loan.
Tôi nghĩ là còn có nhiều động lực khác nữa, ví dụ như truyền thông, như giáo dục, tuyên truyền, như sự cởi mở về đời sống văn hoá tinh thần của xã hội...Tuy nhiên ba vấn đề nêu trên vẫn là cơ bản nhất.
PV: Thưa ông, ông có nhận xét đánh giá như thế nào về tính chất, nội dung, diễn trình của Lễ hội Làng Sen hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Sau khi có chủ trương của Bộ văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Nghệ An cho phép thử nghiệm tổ chức Lễ hội Làng Sen, chúng ta đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị khá kỹ càng công phu. Vì vậy, Lễ hội đã bước đầu được hình thành với nội dung khá phong phú, thu hút được sự quan tâm và tham gia của khá đông đảo các tầng lớp nhân dân. Điều tôi muốn nói là chúng ta đang thử nghiệm xây dựng một diễn trình Lễ hội theo hướng tiếp thu các yếu tố của Lễ hội cổ truyền. Điều này là cần thiết, vì đây là lễ hội tưởng nhớ và tôn vinh Hồ Chí Minh theo tâm thức truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy việc tiếp thu chưa được nhiều và kết hợp chưa thật nhuần nhuyễn, hài hoà với các hình thức sinh hoạt văn hoá thể thao khác nên còn có những độ chênh cần nghiên cứu để khắc phục, như: Diễn trình hội chưa tạo nhiều điều kiện để cho cộng đồng được tham gia và bày tỏ, thể hiện tâm thức của một nghi lễ tín ngưỡng, trong cách thức tổ chức vẫn bộc lộ một điểm là tính hành chính lấn át chất hội hè, tính cổ động biểu dương rõ hơn sự sâu lắng, sâu sắc của sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng. ...
Bởi vậy, chúng ta cần phải khảo sát, nghiên cứu rất công phu để đề xuất một diễn trình hợp lý, vừa tiếp thu được các yếu tố truyền thống vừa phù hợp với sự vận động của các yếu tố văn hoá đương đại, để cho Lễ hội bộc lộ và diễn đạt được tính chất vốn có, cần có của mình là lễ hội vinh, tưởng niệm danh nhân Hồ chí Minh, vị nhân thần của dân tộc Việt Nam.
PV: Thưa ông, để cho Lễ hội làng Sen thực sự trở thành Lễ hội tôn vinh và tri ân Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề nào nhất?
Ông Nguyễn Xuân Đường: Chúng ta đã tổ chức Lễ hội Làng Sen đến lần thứ 10, điều đó có nghĩa là chúng ta đã có đủ thời gian tối thiểu để quan sát, nhìn nhận vấn đề từ thực tiễn và từ lý luận về văn hoá, tín ngưỡng, về lễ hội...để nhận biết những cái hợp lý, những cái chưa hợp lý. Để cho lễ hội Làng Sen thực sự trở thành ngày hội tôn vinh, tri ân Hồ Chí Minh, có nội dung, diễn trình phong phú, sâu sắc, hấp dẫn, cuốn hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia, theo tôi cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phải xác định rõ tính chất Lễ hội để từ đó xác định được nội dung, diễn trình, không gian và thời gian Lễ hội một cách phù hợp. Nếu không xác định được những vấn đề này thì không thể tổ chức Lễ hội thành công. Về quy mô lễ hội, trước hết và quan trọng nhất là sức hấp dẫn, là sự quan tâm và số người tham gia. Nếu tổ chức tốt, đáp ứng nhu cầu tình cảm, tinh thần, tâm linh của người dân, người dân tham gia đông thì quy mô lớn, nếu tổ chức chưa tốt, người dân tham gia ít thì quy mô nhỏ, cho dù là cấp nào đứng ra tổ chức.
Thứ hai, phải xác định và thể hiện cụ thể, rõ ràng trong việc tổ chức nguyên tắc Lễ hội là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước chỉ nên có vai trò định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ ban đầu. Còn lại, càng về sau càng nên tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò tự quản của mình. Tuy nhiên, lễ hội Làng Sen là một lễ hội có ý nghĩa chính trị quan trọng, có khả năng lan toả và phạm vi ảnh hưởng lớn nên các cơ quan nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta giải quyết thấu đáo những vấn đề cơ bản trên thì nhất định Lễ hội làng Sen sẽ phát triển trở thành một lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng toàn quốc, thu hút lượng người tham gia đông đảo và đặc biệt là sẽ đem lại hiệu quả cao về chính trị, văn hoá - kinh tế. Lễ hội làng Sen sẽ trở thành không gian và là thời điểm thăng hoa và lan toả tư tưởng, văn hoá, nhân cách Hồ chí Minh trong cộng đồng quê hương xứ Nghệ và cả dân tộc Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Thảo Nguyên (Thực hiện)