Biết anh từ cuối những năm bảy mươi của thế kỉ trước vì anh là bạn vong niên của thầy tôi. Nhà giáo Nhân dân Bùi Duy Tân thường hay kể về lớp Hán Nôm thời chống Mĩ mà anh là học viên trẻ tuổi nhất. Thầy kể với một lòng khâm phục thực sự: “Tuổi trẻ mà, nó học như ăn chữ, khiếp thật. Bọn tôi già rồi, đêm về mượn sách chép lại, hỏi đến đâu nó nói đến đó. Thần kinh nó tinh nhạy và mong manh lắm. Thuộc loại năng văn, cường kí”. Biết nhưng là biết vậy, anh đã là một học giả còn chúng tôi vẫn là “cán bộ trẻ” mà thôi. Kính nhi viễn chi.
Nhưng mãi đến mùa thu năm 1987, một buổi chiều, tôi nghe tiếng hỏi thăm ngoài vách đất : “Cho hỏi thăm nhà anh Nguyễn Hùng Vĩ!”. Thò cổ ra thấy anh với con xe máy cà khổ đứng đó, tôi chào rồi mượn cái chái nhà anh Trần Hinh để tiếp khách quý. Chỗ chúng tôi là những dẫy nhà cấp bốn lợp giấy dầu lụp xụp. Tôi có con nhỏ, lại chỉ 9 mét vuông cho 4 người, hút thuốc lào, khói cứ phè ra ngoài khe cửa. Nhà bác Hinh được 18 mét, lại có cái chái chìa ra, là chỗ tụ hội để uống rượu, nhai cá khô quê biển Tĩnh Gia. Ngồi xuống, anh bảo: “Các bạn ở đây sướng thế, cứ như nhà quê, no đói có nhau, tha hồ đổ chuyện”.
Nguyên nhân của cuộc viếng thăm là bài báo Mời trầu của tôi in trên báo Văn hóa. Anh bảo mình theo dõi Hồ Xuân Hương, lâu lắm mới đọc được một bài viết tử tế nên hỏi thăm về tác giả, không ngờ lại là bạn của em mình nên đánh đường tìm “người ngoan”. Tôi rưng rưng vì tính liên tài của anh. Từ đó, tôi thêm một chỗ đi lại để học hỏi. Cái mà tôi thích nhất là, cứ gặp anh là được nói chuyện về chuyên môn, được đắm mình trong những vấn đề học thuật, là những dự cảm và tư liệu. Cuộc sống, tiền nong, thăng tiến, vợ con, cơm gạo biến hết, chỉ còn lại chữ nghĩa và sách vở mà thôi. Và thế là tôi được làm bạn vong niên của anh tự lúc nào không rõ nữa. Cứ có bài mới là trao đổi cùng nhau, càng ngày càng bới sâu vào rừng rú chữ nghĩa người xưa để lại, có điều gì tâm đắc là chén tạc chén thù.
Kể ra thì cũng lạ, chơi với nhau nhưng tôi và anh khác nhau nhiều thứ : Anh người phố – tôi nhà quê; anh nghiên cứu bác học – tôi lọ mọ dân gian; anh thẳng thắn quyết liệt trong học thuật – tôi lắm dùng giằng đo đắn cầu toàn; anh chưa bao giờ là người khỏe mạnh vì căn bệnh tắc tĩnh mạch quái ác – tôi sức lực dư thừa chơi đủ trò thể thao mà mình yêu thích; anh uống nhâm nhi nhưng miên man – tôi uống ầm ập và thất thường như lũ quét. Thế mà anh em quý nhau.
Những lúc trà dư tửu hậu, anh khích lệ : Người Nghệ các ông rất lợi thế trong ngữ âm lịch sử, đặc biệt là đọc Nôm, coi như các ông chấp chúng tôi một ngoại ngữ. Tiếng địa phương các ông bảo lưu quá nhiều yếu tố cũ nên đọc dễ ngấm cổ văn hơn, nên phát huy lợi thế đó của mình.
Sau việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương và ra sách, anh nhận đề tài về Truyện Kiều bản 1871. Lúc đầu tưởng chuyện cũng giản đơn: phiên âm, chú giải, so sánh, đánh giá... là xong. Nhưng sự thể lại không là như vậy. Khi tổng soát thành tựu nghiên cứu về Truyện Kiều từ trước đến lúc đó, anh phát hiện ra nhiều vấn đề văn bản thiếu cơ sở khoa học nên phải xác định lại từ đầu. Là người nghiêm nhặt, anh bắt đầu đối diện với không ít những uy tín một thời đã làm nên tri thức phổ thông. Anh lao vào khảo cứu toàn bộ và những bài nghiên cứu văn bản học đầu tiên ra đời. Các khái niệm văn bản như bản kinh, bản phường cùng các giai thoại về nó phải được đặt lại, phải được minh xác nếu không tình trạng dĩ ngoa truyền ngoa sẽ lan tỏa. Dỡ tung một vấn đề lớn của một thế kỉ nghiên cứu đã qua là một công việc rất vất vả nhưng đáng phải làm, không sớm thì muộn cũng phải làm để đẩy việc nghiên cứu Truyện Kiều sang một trang mới. Không thể khác được. Chúng tôi vui mừng đón nhận những bài viết đầu tiên về bản phường, bản kinh như những tín hiệu tốt lành cho việc nghiên cứu văn bản học tác phẩm này. Vào những năm cuối cùng của thế kỉ XX ấy, anh là người đi ngược gió để minh định một xu hướng nghiên cứu văn bản Truyện Kiều khoa học hơn, hứa hẹn hơn.
Căn gác xép nghèo nàn với những bữa ăn thất thường, công việc cấp tập và những khó khăn đời thường bòn rút sức lực của anh. Và những điều bất trắc ngoài mong muốn ập đến.
Trong chuỗi hoạn nạn mà anh gặp phải, phải kể đến việc bản chụp văn bản 1871 bị phát tán và được người khác đem sử dụng để làm sách. Tất cả đều do anh tin người mà ra. Sự thể khiến anh phải chuyển hướng đề tài nghiên cứu và tiến độ bị ngắt quãng. Không chùn bước, hướng tiếp cận của anh là thống kê, đối chiếu nhiều văn bản hơn nữa và hoạch định một phổ hệ các dòng truyền bản Truyện Kiều, một công việc còn gian lao hơn nữa. Cũng chính từ đây, những xung khắc học thuật gia tăng và những điều không mong đợi hơn ập đến đẩy anh vào hoạn nạn.
Vụ tụng đình hi hữu về bản quyền kéo dài và hết sức mỏi mệt cho một người muốn yên thân làm khoa học. Với một người luôn luôn ngấp nghé giường bệnh, lúc nào cũng thấy mình sắp ra đi, anh chụp lại mọi tài liệu, sao lại băng ghi âm gửi cho bạn bè thân hữu về vụ việc. Tôi, chắc cũng như nhiều người khác, lần lượt nhận được những gói tài liệu như vậy. Khoảng thời gian đàm phán giữa bên nguyên và bên bị kéo dài hàng năm trời đằng đẵng. Tất đã đều quen biết nhau. Bạn bè muốn dẹp đi cho yên chuyện. Anh cũng chả thích thú theo đòi làm gì cho mệt. Cầu thang lên gác xép nhà anh chứa đầy sách luật. Tôi năng đi lại với anh hơn chỉ vì anh đang gặp nạn. Đọc dần những tài liệu anh gửi, tôi cũng mua sách và đĩa luật về nhà đọc cho hiểu phải trái. Đó là lần đọc luật tử tế đầu tiên trong đời tôi, khi đã ngoài 50 tuổi. Không khó khăn gì nhận ra đơn kiện gửi Tòa án nhân dân quân Ba Đình là một lá đơn viết, về cơ bản, là sai luật. Tôi khoanh lại những chỗ cần thảo luận rồi phi xe ra nhà anh. Anh thở phào cười khà khà rồi nói : “Các cậu ngoài cuộc, nhìn sáng hơn, tớ cũng đọc luật nhưng cứ rối mù ra. Vậy là có lối ra rồi!”. Thế là anh bấm điện thoại gọi cho Cù Huy Hà Vũ, người được thuê thưa kiện. Tôi nói : “Anh gọi làm gì, ra tòa hãy hay. Nó nhận kiện cho người ta cơ mà”. Anh bảo : “Tôi quen nó, nó lịch sự lắm. Bảo nó thôi đi. Ra tòa làm gì, mệt mỏi lắm. Tất cả đều mất, chẳng ai có lợi lộc gì trong chuyện đáo tụng đình cả”. Chúng tôi ra ngồi quán bia sau lăng Bác, phía đường Ngọc Hà. Anh Tôn đưa đơn ra, phân tích cho Cù Huy Hà Vũ những sai sót về luật trong lá đơn và khuyên Vũ nói với bên kia đừng theo kiện nữa. Tôi và anh uống bia. Cù Huy Hà Vũ uống nước ngọt. Rồi vui vẻ chia tay.
Hai ngày sau, anh tập tễnh tìm tôi, nói : “Chúng nó khốn nạn, những gì tôi phân tích cái sai của nó, nó bỏ hết, viết lại đơn. Lần này không gửi Ba Đình nữa mà gửi lên tòa án Hà Nội. Té ra nó theo kiện đến cùng!”. Tôi đọc đơn mới và thủng thẳng nói : “Anh vẫn thắng!”. Vậy mà tòa Hà Nội xử Đào Thái Tôn thua. Phải đến xử phúc thẩm mới trả lại công lí cho anh.
Tôi đi dự phiên tòa trước với cảm giác buồn chán và niềm mong mỏi rằng, trên thế gian này, sẽ không còn ai phải đem chuyện của mình cho mấy ông quan tòa luận xét. Nhưng buồn chán hơn cả là ngay từ hồi đó, tôi nhìn thấy những tư cách [...].
Giờ tĩnh tâm mà nhìn lại, cuộc tranh luận giữa Đào Thái Tôn và những đối phương của anh là cuộc đối thoại giữa học thật và học “giả”, đúng hơn là giữa tằm và sâu, mà cuối cùng, kén tằm sẽ kéo tơ cho đời. Nhưng rồi cũng hóa bướm cả mà thôi.
Qua cuộc điện thoại cuối với tôi, anh hé lộ một số kiến giải mới về thơ Hồ Xuân Hương. Tôi mong anh đúng và vẫn hồ hởi đón chờ những trang viết mới. Nhưng giờ thì đã muộn rồi.
Trong sổ tang anh, tôi ghi câu hát của Trịnh Công Sơn : “Một cõi đi về!” là để nhắc nhớ câu anh hay nói trong những ngày lâm nạn : “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”.
Hà Nội 8 – 6 - 2011.