Một bạn đồng nghiệp với ông kể: “Sáng hôm kia (3/6) gọi điện cho gia đình, thấy cháu Phương Anh cười bảo, bố cháu đỡ rồi, mai là về ấy mà”. Vậy mà chiều mùng 4, ông ra đi.
Ngày 7/6 đám tang PGS Đào Thái Tôn được cử hành tại nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai. Tang lễ do hội nhà văn đứng ra tổ chức. Ban lễ tang gồm các ông, Nguyễn Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội, Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội cùng một vài thành viên khác đều thuộc Hội nhà văn. Rất nhiều trí thức, nhà văn, nhà thơ đến viếng. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà giáo từ các Viện nghiên cứu thuộc khoa học xã hội, các trường đại học tại Hà Nội đến đưa tiễn. Người ta thấy nhiều người thân quen với ông như GS Ngô Đức Thọ, GS Trần Đình Sử, GS Trần Thị Băng Thanh, GS Chương Thâu, GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà giáo dục Vũ Thế Khôi, Nghị sĩ Dương Trung Quốc,…, Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh từ TP Hồ Chí Minh cũng gửi vòng hoa kính viếng, không thể kể hết sự trân trọng của học giới đối với PGS Đào Thái Tôn. Hẳn PGS cũng đã được ngậm cười nơi chín suối.
Những người đến đưa tang và chắc hẳn cả tang chủ đều thấy ấm lòng vì đám tang đã được Hội nhà văn tổ chức trang nghiêm, chu đáo. Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu không có một điều làm gợn lòng học giới, đó là sự thờ ơ khó hiểu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ( Viện Khoa học xã hội Viêt Nam), khi cơ quan này không có trong Ban lễ tang của một cán bộ, một nhà nghiên cứu tên tuổỉ từng ngót 20 năm công tác tại viện, với rất nhiều thành tựu nghiên cứu xuất sắc.
Với gần 20 năm gắn bó với viện Hán Nôm, PGS Đào Thái Tôn là một nhà nghiên cứu đầy cá tính, thường có những phát hiện sắc sảo thể hiện một kiến văn sâu rộng về chuyên ngành, có nhiều đóng góp có giá trị. Tuy nhiên, với cá tính đáo để, ông ít khi nương tay trước những sai sót, yếu kém và đặc biệt là những trò giả dối của “thiên hạ”. Sợ sự sắc sảo của ông, người ta từng vô hiệu hóa ông, không mời hướng dẫn, không mời tham gia vào các hội đồng. Nhưng có lẽ vì thế họ cũng đã vô tình giúp ông khỏi bị phân tán thời gian vào những việc không đâu ấy để tập trung hơn vào những đề tài ông say sưa. Cái quan định luận, tôi tin những gì ông viết về Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương,.. sẽ sống có giá trị cùng lịch sử nghiên cứu tác phẩm, tác gia này trong khi những ảo giác về giá trị được vay mượn từ quyền uy, sẽ “ không chốn nương thân”.
Rồi người đọc đi tìm cái gì có ích cho họ, và những thành tựu, cả cái sai sót trong khoa học của ông cũng sẽ là cái có ích để người đọc đến với ông, vui buồn cùng ông trên những trang viết.