Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Đặng Thai Mai và giáo sư Trần Văn Giàu từng làm hiệu trưởng Đại học sư phạm Hà Nội

Chỉ còn 5 tháng nữa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (11-10-1951 – 11-10-2011). Tiền thân của nhà trường được xây dựng tại Liên khu IV gồm hai cơ sở. Cơ sở Nghệ An đóng ở huyện Thanh Chương, do giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách, có các giáo sư nổi tiếng là Nguyễn Thúc Hào dạy Toán, Cao Xuân Huy dạy Triết...

Cơ sở Thanh Hóa đóng ở huyện Thiệu Hóa, do giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách, có các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường dạy Văn học phương Tây, giáo sư Trương Tửu dạy Văn học Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đức Chính dạy Địa lý, sau có giáo sư Đào Duy Anh dạy Lịch sử, giáo sư Nguyễn Lương Ngọc dạy Văn... Bên tự nhiên có các giáo sư Phó Đức Tố là Cử nhân Khoa học, giáo sư Hồ Đắc Liên là kỹ sư địa chất dạy Vật lý. Nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều, nhà văn Hải Triều - Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV, nhà cách mạng Nguyễn Danh Hoàn - Khu ủy viên Liên khu III đến dạy về chính trị và đường lối cách mạng và kháng chiến.

Nhân dịp này, qua Tạp chí Văn hóa Nghệ An, chúng tôi xin công bố một số tư liệu lịch sử đồng thời có một số vấn đề về lịch sử nhà trường cần trao đổi.
 
1.    GIÁO SƯ ĐẶNG THAI MAI LÀM HIỆU TRƯỞNG TỪ BAO GIỜ?
 
Bước vào trước cửa tiền sảnh nhà Hiệu bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi thấy ngay chân dung các Giáo sư từng làm Hiệu trưởng nhà trường, theo thứ tự là Giáo sư Lê Văn Thiêm (1951-1954), Giáo sư Đặng Thai Mai (1954-1956),… và Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh (đương nhiệm). Lật cuốn sách “Giới thiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội” (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm 2006) – Kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐHSP Hà Nội (1951-2006), phần II: Cơ cấu tổ chức, Mục 2.1: Các Hiệu trưởng trường ĐHSP HN từ khi thành lập trường (trang 27-28) có danh sách kèm phụ lục ảnh, chúng tôi cũng thấy tương tự như vậy.
Về hai Giáo sư Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm và Đặng Thai Mai chúng tôi muốn có trao đổi lại như sau:
Khi Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra Nghị định số 276, ngày 11-10-1951 (do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn ký) về việc “Bãi bỏ Ban Sư phạm Đại học Khoa học và thành lập trường Sư phạm Cao cấp”, đã chia ra ba ban: Ban Toán, Ban Lý Hóa, Ban Vạn vật. Trường Sư phạm Cao cấp có hai cơ sở. Một cơ sở tại Việt Bắc, sau đó sang Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) do Giáo sư Lê Văn Thiêm mới từ Thụy Sỹ về nước tham gia kháng chiến phụ trách (tức Hiệu trưởng). Một cơ sở tại Liên khu IV do Giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách (tức Hiệu trưởng). Hai Giáo sư Hiệu trưởng Lê Văn Thiêm và Đặng Thai Mai (riêng Giáo sư Đặng Thai Mai có thời gian gián đoạn, chúng tôi sẽ trình bày rõ ở phần sau) cùng công tác cho đến cuối năm 1954.
 Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, đã có chủ trương xây dựng hai trường Đại học Sư phạm Khoa học và Đại học Sư phạm Văn khoa. Đại học Sư phạm Khoa học do Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Giám đốc (tức Hiệu trưởng). Đại học Sư phạm Văn khoa do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc (tức Hiệu trưởng).
Đến năm 1956, khi thành lập Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm thì hai Giáo sư Lê Văn Thiêm và Giáo sư Đặng Thai Mai đều không làm Giám đốc (tức Hiệu trưởng) nữa mà chuyển nhận công tác khác.
Như vậy, không thể coi Giáo sư Lê Văn Thiêm là Hiệu trưởng tiền nhiệm của Giáo sư Đặng Thai Mai như chân dung treo trên tường và cuốn sách giới thiệu về nhà trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nêu. Hai Giáo sư Lê Văn Thiêm và Giáo sư Đặng Thai Mai phải là đồng nhiệm Hiệu trưởng như các Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc và Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn thời kỳ chia tách trường 1967-1975.
 
2.  GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU ĐÃ TỪNG LÀM HIỆU TRƯỞNG (TIỀN THÂN) CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
 
Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã viết rõ, Giáo sư Trần Văn Giàu làm Bí thư Đảng ủy nhà trường. Nay chúng tôi muốn bổ sung thêm: Giáo sư Trần Văn Giàu cần được coi là Hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Hà Nội buổi đầu mà tiền thân là trường Dự bị Đại học.
Báo Văn nghệ, số 15 (1839) năm 1995, trang 5, mục Tác phẩm và Dư luận, có đăng bài giới thiệu sách “Đặng Thai Mai và Văn học” (nhiều tác giả - nhà xuất bản Nghệ An – 1994) của Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Trong bài viết này, ở cột 2, dòng 6 từ trên xuống, Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết: “Trang 39 liền sau đó khẳng định Đặng Thai Mai từng làm Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học. Sự thực thì ông không hề bao giờ làm Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học, trường này từ lúc thành lập năm 1952 đến năm 1954 hòa bình lập lại trở về Thủ đô là do Giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách. Còn Giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách trường Đại học Văn khoa, trong kháng chiến chống Pháp có một bộ phận trường Đại học Văn khoa đặt tại Thanh Hóa”.
Khi trao đổi lại với chúng tôi, ngày 24-12-2009, tại Hội trường I nhà Hiệu bộ trường ĐHSP Hà Nội và ngày 24-12-2010 tại nhà riêng (ngõ Thái Thịnh), Giáo sư Đinh Xuân Lâm vẫn khẳng định: Thầy Trần Văn Giàu là Hiệu trưởng Dự bị Đại học.
Giáo sư Đặng Thanh Lê, con gái cố Giáo sư Đặng Thai Mai, cựu sinh viên khóa đầu tiên của trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp (1951-1953) cũng xác nhận: Thầy Trần Văn Giàu là Người phụ trách trường Dự bị Đại học. Đồng thời Giáo sư Đặng Thanh Lê cho biết thêm: Thầy Trần Văn Giàu là Người phụ trách trường Dự bị Đại học thời kỳ ba tôi – Giáo sư Đặng Thai Mai đi chữa bệnh. Thầy Trần Văn Giàu thay ba tôi phụ trách trường Dự bị Đại học.
Chúng tôi muốn đưa thêm một tài liệu lịch sử cách đây 55 năm. Đó là tập sách “Đất mới – Truyện sinh viên”.
Loại sách “Đất mới”, tập “Truyện sinh viên” được Minh Đức xuất bản (do ông Trần Thiếu Bảo – một “Mạnh Thường Quân” của giới văn nghệ sỹ trong kháng chiến – làm Giám đốc) in tại nhà in Hiến Nam – Hà Nội, hoàn thành ngày 10-11-1956. Đây là tập san của một nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Văn học gồm: Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài, Nguyễn Văn Tâm… chuẩn bị về nội dung.
Ở đây chúng tôi bỏ qua vấn đề chính trị của nó, mà 55 năm trước bị coi là cùng với báo Nhân văn và tập san Giai phẩm “xây dựng pháo đài trong trường học”. Chúng tôi chỉ xét về mặt giá trị tư liệu lịch sử của nhà trường Đại học Sư phạm Hà Nội được khai thác từ tập san này. 
Trong bài đầu tiên của tác giả Q.Ngọc và T.Hồng, vốn là sinh viên khóa đầu tiên trường Dự bị Đại học Liên khu IV (1952-1953) rồi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Văn học năm 1956 đã viết:
“Nói đến quá trình phát triển của nền Đại học Việt Nam từ kháng chiến đến nay không thể lãng quên mấy niên khóa Dự bị Đại học trong những năm 1952-1954… giáo sư Trần Văn Giầu kiêm giám đốc của trường…” (trang 5).
Như vậy là, theo chúng tôi, đã quá rõ, việc giáo sư Trần Văn Giàu từng là Hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Hà Nội buổi đầu mà một trong số những tiền thân là trường Dự bị Đại học.
Chúng tôi rất mong được các nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các thầy cô lão thành, các cựu sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết thêm ý kiến của mình./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513298

Hôm nay

284

Hôm qua

2315

Tuần này

21235

Tháng này

220171

Tháng qua

121356

Tất cả

114513298