Đất Nghệ

Hà Tĩnh: Những thay đổi địa danh hành chính qua các thời kỳ lịch sử

 Nếu tính từ năm 1831, khi vua Minh Mệnh chia đặt tỉnh Hà Tĩnh đến nay, Hà Tĩnh đã tròn 180 năm tuổi. Tuy nhiên, không phải đến khi ấy, Hà Tĩnh mới được hình thành, mà vùng đất Hà Tĩnh đã được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Bài viết này sẽ tìm hiểu những lần thay đổi, diên cách hành chính của tỉnh Hà Tĩnh từ khi hình thành cho đến nay.

 1. Thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang - Âu Lạc, cả nước được chia thành 15 bộ, bao gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn còn giải thích thêm rằng: "Còn hai bộ Bình Văn và Cửu Đức thì đều khuyết nghi. Nay khảo ở sách Tấn chí, quận Cửu Đức, do nhà Ngô đặt, nay là đất Hà Tĩnh"[1]. Như vậy là, thời Văn Lang - Âu Lạc, vùng đất Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức.
            2. Triệu Đà, sau khi chiếm được nước Âu Lạc vào năm 179 TCN, đã chia nước ta thành 2 quận Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ ngày nay) và Cửu Chân (vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và sáp nhập vào nước Nam Việt.
            3. Nhà Hán, chiếm được Nam Việt (bao gồm cả Âu Lạc) vào năm 111 TCN và cai trị nước ta cho đến năm 226, đã chia nước ta thành 3 quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) và Nhật Nam (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng).
            Sách Tiền Hán địa lý chí chép: quận Cửu Chân số hộ: hơn 35.000 hộ và khẩu hơn 166.000 người; quận Nhật Nam số hộ hơn 15.000 hộ, khẩu: hơn 69.000 khẩu[2]. Và “Cửu Chân có 52 ngòi nước nhỏ, cả quận có 8560 dặm”[3].
            Hậu Hán thư quận quốc chí chép: “quận Cửu Chân 5 thành. Đời Kiến Vũ đã bớt đi 2 thành là Dư Phát, Đô Bàng. Hộ 46.513; khẩu 209.894”. Gồm các thành: Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên[4].
            Hà Văn Tấn - người chú thích sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đã chú thích quận Cửu Chân thời Hán như sau: “Quận Cửu Chân thời Hán là đất Thanh Hóa và Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Theo Tiền Hán thư, Địa lý chí (q.28 hạ, t.10b) chép rằng quận Cửu Chân có bảy huyện: Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên. Hậu Hán thư (q.33, t.13b) chỉ chép có năm huyện là: Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên”[5].
            Nhà Sử học Đào Duy Anh cho rằng: “Hàm Hoan thời Hán đại khái là gồm cả miền Nghệ An và Hà Tĩnh. Đó là huyện lớn nhất của quận Cửu Chân. Có lẽ vì là đất ở xa, nhà Hán không nắm vững được nên tóm đặt cả vào một huyện cho tiện”[6].
            4. Nhà Ngô, chiếm được nước ta năm 226, thành lập châu Giao (còn gọi là Giao Châu), gồm các quận Hợp Phố (thuộc Quảng Đông - Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Năm 271, nhà Ngô lập thêm quận Cửu Đức [tức Nghệ An và Hà Tĩnh].   
            Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “thời Ngô chia quận Cửu Chân mà đặt quận Cửu Đức”[7]. Đặng Xuân Bảng chú thêm rằng: “nguyên là huyện Hàm Hoan thời Hán, thời Ngô mới đặt làm quận”[8].
            Như vậy là, đầu thời Ngô, Hà Tĩnh vẫn thuộc quận Cửu Chân, nhưng từ năm 271 trở đi thì Nghệ An và Hà Tĩnh đã được tách ra thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền đô hộ: quận Cửu Đức.
            Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo chép: “Quận Cửu Đức (lỵ sở đóng ở Cửu Đức) có 8 huyện (mới đặt 7 huyện là Cửu Đức, Nam Lăng, Dương Thành, Phù Linh, Tư Khúc, Phố Dương, Vấn Đô cùng huyện thời Hán là Hàm Hoan thành 8 huyện”[9]. Nguyễn Văn Siêu dẫn Tấn thư, địa lý chí cũng thống nhất quận Cửu Đức thời Ngô có 8 huyện. Tuy nhiên, chỉ khác ở chỗ, trong khi Đặng Xuân Bảng chép tên huyện là Vấn Đô thì Nguyễn Văn Siêu lại chép là Đô Hào[10].
            Đặng Xuân Bảng đã khảo cứu huyện Cửu Đức thời Ngô, như sau: “Cửu Đức là huyện lỵ sở tại của quận, nó tiếp giáp quận Nhật Nam (xem ở sách Giao Châu ngoại thành ký), phía đông giáp biển, đến châu Phúc Lộc thời Đường (nay là huyện Thạch Hà), phải 102 dặm, (xem ở Thái Bình hoàn vũ) tức là phủ Trấn Định, Trấn Tĩnh, cùng miền tây phủ Đức Thọ ngày nay (tức vào thế kỷ XIX, triều Nguyễn - TG)"[11].
            Phan Đình Phùng cho rằng: "Cửu Đức, xưa là đất Việt Thường, đến nhà Ngô mới đặt ra quận Cửu Đức, thống lĩnh 8 huyện; nhà Tấn, Tống, Lê, Tề giữ nguyên theo cũ; nhà Lương đổi là huyện Cửu Đức, thuộc quận Nhật Nam; nhà Đường thay đổi lệ vào Hoan Châu. Nay là đất tỉnh Hà Tĩnh"[12].
            5. Nhà Tấn, chiếm được nước ta năm 280, vẫn giữ nguyên các quận cũ, mở rộng thêm địa giới quận Cửu Đức, đặt thêm huyện Nam Lăng và Đô Giao.
            “Tấn Vũ đế đánh được nước Ngô, đều theo như cũ, nhưng sau lại đổi tên quận Tân Hưng làm quận Tân Xương (...); huyện Kiến Công, quận Cửu Chân làm huyện Kiến Sơ; huyện Dương Thành, quận Cửu Đức làm huyện Dương Toại; (...) chia huyện Tỵ Ảnh đặt thêm huyện Vô Lao...”[13].
            Theo Bùi Dương Lịch, Nghệ An và Thanh Hóa là hai quận Cửu Đức và Cửu Chân thời Tấn. “Quận Cửu Đức thống thuộc 8 huyện: Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Toại, Phù Linh, Khúc Tư, Bồ Dương và Đô Giao”[14].
            Theo Đào Duy Anh, “huyện Việt Thường và Nam Lăng đều ở phía nam Cửu Đức, mà đều có suối, tức sông chảy xiết. Thuỷ kinh chú lại chép rằng, Thái thú Giao Chỉ nhà Tấn là Đỗ Tuệ Độ từ suối Nam Lăng ra đến Nam Giới man, tiến chiếm được Hoành Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có cửa biển Nam Giới. Như thế thì có lẽ Nam Lăng là tương đương với miền nam huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay”[15].
            “Việt Thường và Tỷ Ảnh đều là miền Nam Hà Tĩnh, Tỷ Ảnh là miền biển. Việt Thường là miền núi. Xem thế thì Việt Thường có thể tương đương với miền Đức Thọ ngày nay. Ba huyện Phù Linh, Khúc Tư và Đô Hào có thể là phân bố ở trên miền các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê”[16].
            6. Từ năm 420 - 589, nước ta bị đặt dưới ách đô hộ của Nam triều, gồm các triều Tống, Tề, Lương, Trần. Các chính quyền này chủ trương đặt thêm những châu, quận mới để tăng cường việc quản lý và khống chế chặt chẽ hơn nhân dân bản địa, mở rộng phạm vi lệ thuộc vào chính quốc (tức Trung Quốc). Năm 470, nhà Tống tách Hợp Phố trả về nội địa Trung Quốc. Năm 523, nhà Lương đặt Ái Châu ở Thanh Hóa, đổi quận Cửu Đức thành Đức Châu (tức Nghệ An và Hà Tĩnh), đặt thêm 2 châu mới là Lợi Châu và Minh Châu.
            Theo Lưu Tống châu quận chí[17], thời Tống, Giao Châu gồm có 8 quận, 53 huyện, 10.453 hộ. Trong đó, Cửu Đức Thái thú có 11 huyện, 809 hộ, gồm các huyện: Phố Dương lệnh, Dương Viễn lệnh, Cửu Đức lệnh, Hàm Hoan lệnh, Đô Thải lệnh, Tây An lệnh, Nam Lăng trưởng, Việt Thường trưởng, Tống Thái trưởng, Tống Xương trưởng và Hy Bình trưởng.
            Theo Nam Tề châu quận chí[18], thời Tề, trấn Giao Châu gồm 9 quận, trong đó, quận Cửu Đức có 7 huyện (Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Hào, Việt Thường và Tây An). Đời Tề Cao Đế (479-482), “đổi [3 huyện] Dương Toại, Phù Linh và Khúc Tư của quận Cửu Đức làm [hai huyện] Việt Thường và Tây An”[19].
            Đặng Xuân Bảng cho rằng “Xét kỹ địa thế thì Việt Thường là đất phủ Đức Thọ ngày nay (nay là tỉnh Hà Tĩnh, huyện La Sơn có thôn Việt Thường). Huyện Tây An là thời Tề đặt, thời Tùy đổi làm huyện Quang An, đến niên hiệu Đại Nghiệp bỏ huyện ấy, dồn vào huyện Cửu Đức”[20].
            “Năm Phổ Thông thứ 4 (523), thời Lương Vũ đế, chia quận Cửu Đức, đặt [thêm 1 quận] Đức Châu”[21].
            Thời Lương, Hà Tĩnh thuộc hai quận Minh Châu và Trí Châu.
            7. Nhà Tùy, chiếm được nước ta năm 607, đã bỏ tên các châu, gọi quận như trước. Nước ta được chia thành 7 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Tỷ Cảnh, Hải Âm, Chămpa và Ninh Việt. Thời gian này, Hà Tĩnh thuộc quận Nhật Nam, quận trị quận Nhật Nam đóng tại huyện Cửu Đức.
            Theo Tùy địa lý chí[22], quận Nhật Nam (thời Lương đặt làm Đức Châu, năm Khai Hoàng đổi gọi là Hoan Châu. Trước Ngô đặt quận Cửu Đức, bỏ bớt quận Nhật Nam, về sau lại đặt. Nhà Tùy lại để Nhật Nam, bỏ bớt Cửu Đức), có 9.915 hộ và 8 huyện: Cửu Đức (quận đóng ở đấy), Hàm Hoan, Phố Dương, Việt Thường, Kim Ninh, Giao Hợp, An Viễn và Quang Yên (Quang An).
            Theo Bùi Dương Lịch, quận Nhật Nam được chia thành 8 huyện: Cửu Đức, Hàm Hoan, Bồ Dương, Việt Thường, Kim Ninh, Văn Cốc, An Viễn và Quang An. Ông khẳng định: “như vậy, quận Cửu Đức thời Tấn biến thành quận Nhật Nam mà đất quận Nhật Nam [đặt từ] thời Hán còn bị Lâm Ấp chiếm”[23].
            Đặng Xuân Bảng cũng nhất trí: “Năm Đại Nghiệp thứ 3 (607), bỏ châu đặt quận, (…), bỏ Minh Châu, Trí Châu dồn vào Hoan Châu gọi là quận Nhật Nam, có 8 huyện (Cửu Đức là quận lỵ sở, Hàm Hoan, Phố Dương, Viên Thường, An Viễn, Quang An, Kim Ninh, Giao Cốc; Giao Cốc là đất Minh Châu, Kim Ninh là đất Trí Châu…”[24].
             Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “đời Tùy Khai Hoàng đặt châu Hoan; Tùy Đại Nghiệp đổi là quận Nhật Nam”.
            Đặng Xuân Bảng khảo: Lời xét sách Tiền Hán thư địa lý chí chép: “quận Nhật Nam, sông ngòi nhỏ, có 16 dòng; đường đi 3180 dặm”, đất đai như thế là rất rộng (…). Có lẽ miền nam Cửu Chân là sáu trại người Mãnh huyện Kiên Thủy (thuộc phủ Lâm An, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), cùng châu Ninh Biên, tỉnh Hưng Hóa; các phủ Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Lạc Biên, tỉnh Nghệ An; và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều là đất quận Nhật Nam xưa cả”[25].
            Khi ấy, Hà Tĩnh chủ yếu thuộc địa phận các huyện Cửu Đức, Việt Thường, Kim Ninh [tương đương với miền Hương Sơn, Hương Khê ngày nay], huyện Giao Cốc [tương đương với miền Thạch Hà].
            8. Nhà Đường, chiếm được nước ta năm 618 và đô hộ đến năm 905, lại đổi các quận thành châu như trước. Năm 679, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ để cai trị nước ta, gồm 12 châu: Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu (thuộc Bắc Bộ ngày nay); Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Vũ An Châu (Quảng Đông, Quảng Tây - Trung Quốc); Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu (Bắc Trung Bộ); Lục Châu (thuộc đất Quảng Ninh và một phần đất Trung Quốc).
            Trong hơn 3 thế kỷ thuộc Đường, Hà Tĩnh thuộc Hoan Châu (2 huyện Cửu Đức và Việt Thường) và Phúc Lộc châu.
            Hoan Châu
            Theo Đường thư địa lý chí[26], Nhật Nam quận, Hoan Châu (hạ) là phủ Đô đốc, trước là Nam Đức Châu. Năm Vũ Đức thứ 8 gọi là Đức Châu. Năm Trinh Quán thứ 1 đổi tên là quận Nhật Nam. Các thứ đồ cống là vàng, vàng lá, phấn vàng, ngà voi, sừng tê, trầm hương, trúc hoa. Hộ 9.619, khẩu 50.818, có 4 huyện là: Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Nam.
            Sách Nguyên hòa chí[27] chép về cổ Hoan Châu như sau: Nhà Đường đặt phủ Đô đốc ở đấy, cai quản lỏng lẻo 18 châu và thống trị 8 châu là Hoan, Diễn, Nguyên, Minh, Trí, Lâm, Ảnh, Hải. Phía nam đến biển 150 dặm, phía tây nam đến nước Văn Đan 15 ngày, ước 750 dặm, phía đông nam đến nước Hoàn Vương 10 ngày ước hơn 500 dặm.
            Đặng Xuân Bảng xét[28]: “sách Thái Bình hoàn vũ ký chép: “Hoan Châu là nước Việt Thường thời xưa, thời Hán thuộc quận Cửu Chân, thời Ngô đặt làm quận Cửu Đức, thời Tùy đặt làm Hoan Châu. Thời Đường năm Vũ Đức thứ V đặt làm Nam Đức châu, tổng quản phủ. Đầu niên hiệu Trinh Quán lại đổi làm Hoan Châu, đặt ra Hoan Châu Đô đốc phủ quản lĩnh 8 châu là: Hoan, Diễn, Nguyên, Minh, Trí, Hải, Lâm, Cảnh.
            “Hoan Châu kiêm lý huyện Cửu Đức, đi về đông theo ven biển đến châu Phúc Lộc là 102 dặm, đi về nam đến biển cả là 150 dặm, đi về tây đến Thử Chập (châu cơ my là 240 dặm) nay là cõi đông nước Nam Chưởng, đi về bắc đến Diễn Châu lại 150 dặm. Lại đến Ái Châu là 603 dặm, đi về tây nam đến nước Văn Đan (nay là Cao Miên) là 750 dặm, đi về đông nam, đến nước Hoàn Vương (tức Kinh đô Chiêm Thành) là 500 dặm, đi về tây nam đến Việt Thường (châu cơ my) là 300 dặm (nay là miền nam phủ Lạc Biên)”.
            Đặng Xuân Bảng cũng khẳng định: “Hoan Châu, quận Nhật Nam (…) có 4 huyện: Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan”[29].    
            Nguyễn Văn Siêu khảo về thành Hoan Châu như sau[30]: Tương truyền đấy là đất Việt Thường đời xa. Đời Chu, Thành Vương qua 3 lần phiên dịch vào dâng chim trĩ trắng đấy. Thời Tần thuộc Tượng quận. Thời Hán thuộc quận Cửu Chân. Thời Hậu Hán theo như thế. Thời Tam quốc nước Ngô chia ra đặt quận Cửu Đức, đóng lỵ sở ở huyện Cửu Đức. Thời Tấn, thời Tống về sau cũng theo như thế. Thời Lương gồm lại đặt làm Đức Châu. Năm Đại Đồng thứ 7, Lý Bôn ở Giao Chỉ coi Đức Châu, bèn kết hào kiệt vài châu làm loạn, rồi đánh dẹp yên. Thời Tùy lấy xong nhà Trần, bỏ quận, để lại châu. Năm Khai Hoàng thứ 18 đổi gọi là Hoan Châu. Đầu năm Đại Nghiệp gọi là quận Nhật Nam, thời Đường, năm Vũ Đức thứ 5, đặt làm Nam Đức châu tổng quản. Năm thứ 8 đổi làm Đức Châu. Đầu năm Trinh Quán, lại gọi là Hoan Châu. Sang năm sau, kiêm đặt phủ Đô đốc. Đầu năm Thiên Bảo gọi là quận Nhật Nam. Đầu năm Kiền Nguyên lại gọi là Hoan Châu.
            Cửu Đức
            Cửu Đức là huyện sở tại châu Hoan (bậc trung hạ): có 11 hương, có núi Kim Long, núi Bộc Bô.
            Đặng Xuân Bảng[31] khảo sách Giao Châu ngoại thành ký thì nói: “Huyện Cửu Đức tiếp giáp với Nhật Nam”, nay là đất các phủ Trấn Định, Trấn Tĩnh (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh), phía tây giáp huyện Hương Sơn liền với Quảng Bình). Huyện là lỵ sở của châu, huyện thành cách biển 150 dặm thì ở vào quãng giữa Hương Sơn (Đức Thọ) và Mộng Sơn (Trấn Tĩnh).
            Năm Vũ Đức thứ 9 (626) đặt [ở Cửu Đức] 3 huyện An Viễn, Đàm La, Quang Yên. Năm ấy đem Quang Yên đặt làm Nguyên Châu. Lại đặt 4 huyện Thủy Nguyên, An Ngân, Hà Long, Trường Giang. Năm Trinh Quán thứ 8 (635) đổi tên là A Châu. Năm 13 (640) bỏ châu, bỏ 3 huyện Thủy Nguyên, Hà Long, Trường Giang, lấy Quang Yên, An Ngân thuộc vào huyện Cửu Đức, các huyện An Viễn, Đàm La, Quang Yên, An Ngân sau đều bỏ cả)[32].
            Bùi Dương Lịch cũng chép: “Cửu Đức đặt làm 3 huyện: An Viễn, Đàm La và Quang An; Hàm Hoan đặt làm Hoan Châu và đặt 4 huyện: An Nhân, Phù Diễn, Tương Cảnh và Tây Nguyên”[33].
            Việt Thường (hạ).
            Huyện Việt Thường ở phía đông bắc châu (nên nói là đông nam) 70 dặm, có 2 hương, vốn là đất ba huyện Giao Cốc (tức Minh Châu), Kim Ninh (tức Trí Châu), Việt Thường thời Lương; hai châu Lâm và Cảnh thời Đường cũng đều thuộc tạm vào đây thì lại là đất miền nam Hoan Châu.
            Theo khảo cứu của Nguyễn Văn Siêu và Đặng Xuân Bảng[34]: huyện Việt Thường, năm Vũ Đức thứ 5 đặt làm Minh Châu và đặt 3 huyện Vạn An, Minh Hoằng, Minh Định. Lại lấy 2 huyện Văn Cốc, Kim Ninh của huyện Văn Cốc, Kim Ninh của quận Nhật Nam đặt làm Trí Châu và đặt 2 huyện Tân Trấn, Đồ Viên. Năm Trinh Quán thứ 2 (628) đổi tên là Nam Trí Châu, bỏ huyện Tân Trấn, Đồ Viên. Năm thứ 13 (635) lại bỏ Minh Châu, dồn các huyện Vạn An, Minh Hoằng, Minh Định vào huyện Việt Thường, thuộc vào Trí Châu. Sau lại bỏ Trí Châu, dồn 2 huyện Văn Cốc, Kim Ninh vào huyện Việt Thường, thuộc vào quận Nhật Nam. (Trước lấy đất quận Lâm Ấp thời Tùy đặt làm Lâm Châu, đất quận Tỵ Ảnh đặt làm Sơn Châu, lại đổi tên là Nam Ảnh Châu. Năm Trinh Quán thứ 2 chiều chuộng người Lâm Ấp bèn đóng lỵ sở nhờ ở cõi nam Hoan Châu, cai trị 2 huyện là Tỵ Ảnh, Chu Ngô và cai trị cả huyện Do Văn. Năm thứ 8 đổi tên là Cảnh Châu. Năm thứ 9 đặt là Lâm Châu, cũng đóng lỵ sở nhờ ở cõi nam Hoan Châu, cai trị 3 huyện Lâm Ấp, Kim Long, Hải Giới. Lại đặt Sơn Châu cai trị 2 huyện Long Trì, Bồn Sơn. Có đồn lính thú ở Phố Dương. Hộ 3.320, khẩu 5.200, sau đặt làm quận Long Trì. Đến cuối năm Trinh Nguyên thì bỏ.
            Đặng Xuân Bảng còn chú thêm[35] rằng: có lẽ nay các phủ Đức Thọ (miền đông) Hà Thanh, Lạc Biên (miền bắc) là đất huyện Việt Thường cả. Nói rằng: huyện thành ở phía đông nam châu thì chắc ở huyện La Sơn (nay ở huyện La Sơn có thôn Việt Thường) lại gần với châu Phúc Lộc.
            Đào Duy Anh cho rằng: Huyện Việt Thường đặt từ thời Tống ở miền Hà Tĩnh ngày nay. Chúng tôi đã đặt huyện Việt Thường thời Tuỳ ở miền Đức Thọ. Năm Vũ Đức thứ 5 đặt Minh Châu ở huyện ấy, chia làm 3 huyện Vạn An, Minh Hoằng và Minh Định. Lại lấy hai huyện Văn Cốc và Kim Ninh của quận Nhật Nam mà đặt Tri châu, lãnh 4 huyện: Văn Cốc, Kim Ninh, Tân Trấn [còn gọi là Tân Tiên) và Chà Viên [còn gọi là Khuyết Viên]. Năm Trinh Quán thứ nhất, đổi làm châu Nam Trì, bỏ Tân Trấn và Chà Viên. Năm 13 bỏ Minh Châu, bỏ Vạn An, Minh Hoằng và Minh Định cho gồm vào Việt Thường, lấy Việt Thường cho thuộc Hoan Châu[36].
 
            Phúc Lộc châu
            Phúc Lộc châu thuộc quận Đường Lâm (hạ), do quan Thứ sử nhà Đường là Tạ Pháp Thành chiêu tập người sinh Liêu ở các nơi Bắc Lâu, Côn Minh hơn 17 bộ lạc, lấy đất châu Đường Lâm cũ đặt làm châu Phúc Lộc (vào năm 669). Phúc Lộc châu có 3 huyện: Nhu Viễn (vốn là An Viễn); Đường Lâm) và Phúc Lộc. Lỵ sở Phúc Lộc châu đặt ở huyện Nhu Viễn. "Nay một dải các huyện Nghi Xuân, Thiên Lộc, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh đều là đất Phúc Lộc cả. Nói rằng: Thành Châu và huyện ở phía đông Hoan Châu, mà theo ven biển lại là đường đi phía Nam đến Chiêm Thành thì có lẽ ở vào khoảng Thạch Hà, Thiên Lộc"[37].
            9. Thời nhà Đinh - Tiền Lê, chia nước thành 10 đạo, dưới các đạo lại có các châu. Khi ấy Hà Tĩnh thuộc châu Thạch Hà.
            10. Thời Lý, chia nước làm 24 lộ, dưới lộ có các phủ, châu, trại. Khi ấy, Hà Tĩnh thuộc phủ Nghệ An, do Hoan Châu đổi thành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1036, đặt hành dinh ở châu Hoan, nhân đấy đổi Hoan Châu làm châu Nghệ An[38]. Sách Việt sử lược chép, năm 1101 đổi Hoan Châu làm phủ Nghệ An, như thế có nghĩa là năm 1101, thăng châu Nghệ An làm phủ Nghệ An.
            11. Thời Trần - Hồ, chia nước làm 12 lộ, dưới lộ có các phủ, huyện.
            Hà Tĩnh thuộc châu Nhật Nam, phủ lộ Nghệ An.
            Theo Đào Duy Anh, phủ lộ Nghệ An gồm 8 huyện: Nha nghi, Nghi Lộc, Đỗ Gia, Chi La, Tân Phúc, Thổ Du, Tế Giang, Thổ Hoàng; và 4 châu: - Châu Nhật Nam gồm 4 huyện: Hà Hoàng, Bàn Thạch, Hà Hoa và Kỳ La. - châu Hoan: gồm 4 huyện: Thạch Đường, Đông Ngàn, Thượng Lô và Sa Nam. - châu Trà Lân và châu Ngọc Ma.
            Học giả Đào Duy Anh còn nghiên cứu kỹ hơn diên cách của từng huyện, châu, trong đó gồm 5 huyện thuộc phủ lộ Nghệ An và 4 huyện thuộc châu Nhật Nam là đất của Hà Tĩnh ngày nay. Cụ thể như sau:
            Phủ lộ Nghệ An:
            Huyện Nha Nghi, trong Đại Nam nhất thống chí chép: Huyện Nghi Xuân thời thuộc Minh là huyện Nha Nghi. Xét nhà Minh năm Vĩnh Lạc thứ 15 [1417] đặt tuần kiểm ty ở cửa biển Đơn Thai huyện Nha Nghi (Đơn Thai nay là cửa Hội), thì huyện Nha Nghi là huyện Nghi Xuân ngày nay.
            Huyện Phi Lộc, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Can Lộc xưa là huyện Hạ Hoàng, thời thuộc Minh là huyện Phi Lộc. Có lẽ tên ấy có từ thời Trần mạt. Hiện huyện Can Lộc ở về miền tây bắc tỉnh Hà Tĩnh.
            Huyện Đỗ Gia, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Hương Sơn thời Lý gọi là hương Đỗ Gia, thời thuộc Minh là đất hai huyện Cổ Đỗ và Thổ Hoàng. Hiện huyện Hương Sơn ở về miền tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, trong lưu vực sông Ngàn Phố.
            Huyện Chi La, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện La Sơn thời thuộc Minh gọi là Chi La. Có lẽ tên ấy có từ thời Trần mạt. Huyện La Sơn thời Nguyễn là do phủ Đức Thọ kiêm lý, tức là tương đương với huyện Đức Thọ ngày nay, trong lưu vực sông La.
            Huyện Thổ Hoàng, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Hương Khê thời thuộc Minh là huyện Thổ Hoàng. Có lẽ tên ấy có từ thời Trần mạt. Huyện Hương Khê ở trong lưu vực sông Ngàn Sâu, ở trên là huyện Thổ Hoàng, ở dưới là huyện Chi La.
            Châu Nhật Nam:
            Huyện Hà Hoàng, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Thạch Hà thời Tiền Lê là châu Thạch Hà, thời Lý đổi làm huyện, thời Trần đổi làm châu Nhật Nam, thời thuộc Minh làm châu Nam Tĩnh, gồm 2 huyện Bàn Thạch và Hà Hoàng, sau (năm Vĩnh Lạc thứ 13 [1415]) gồm huyện Hà Hoàng vào châu.
            Huyện Bàn Thạch, Thiên hạ quận quốc chép rằng năm Vĩnh Lạc thứ 17, tháng 4, nhà Minh cũng gồm huyện Bàn Thạch vào châu Nam Tĩnh.
            Cả hai huyện Hà Hoàng và Bàn Thạch là tương đương với huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
            Huyện Hà Hoa, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Kỳ Anh thời Trần là đất huyện Hà Hoa. Hiện huyện Kỳ Anh ở miền Đông Nam tỉnh Hà Tĩnh, giáp với Hoành Sơn.
            Huyện Kỳ La, Đại Nam nhất thống chí chép rằng huyện Cẩm Xuyên xưa là đất Hà Hoa, thời thuộc Minh là Kỳ La. Có lẽ tên ấy có từ thời Trần mạt. Hiện huyện Cẩm Xuyên ở phía tây bắc huyện Kỳ Anh. Cửa Nhượng Bạn tức là cửa biển Kỳ La[39].
            12. Thời thuộc Minh, nhà Minh đổi đặt nước ta làm quận Giao Chỉ, chia nước ta làm 15 phủ và 5 châu lớn; rồi đặt ra 3 lỵ Giao Chỉ, gọi là ba ty: Đô chỉ huy sứ, Bố chính sứ và Án sát sứ. Hà Tĩnh thuộc 8 huyện trực thuộc và châu Nam Tĩnh của phủ Nghệ An.
            "Châu Nam Tĩnh (vốn là Nhật Nam đổi ra, nay là huyện Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh), có 4 huyện: Hà Hoàng (nay là Thạch Hà, có xã Hà Hoàng), Bài Thạch (nay cũng là Thạch Hà), Hà Hoa (có núi Hoành Sơn, nay là Kỳ Anh), và Kỳ La (có núi Thiên Cầm, cửa biển Kỳ La, nay là Cẩm Xuyên)"[40].
            "Tám huyện trực thuộc (nay là đất Anh Sơn, Đức Thọ) là: Nha Nghi (có núi Bá Liệt), Chi La (sau dồn vào Nha Nghi, nay là La Sơn), Thổ Du (có núi Thiên Nhận, sau dồn vào Nha Nghi, nay là Thanh Chương), Kệ Giang (có sông Kệ, sau dồn vào Thạch Đường, sông Kệ nay là sông Lam), Cổ Đỗ (vốn là Đỗ Gia đổi ra, có núi Quan Môn, nay là Hương Sơn), Thổ Hoàng (có núi Cẩn, núi Bổng, núi Trà Bái, sau dồn vào Cổ Đỗ, nay cũng là đất Hương Sơn), châu Phúc (có núi Lập Thạch, nay là Châu Lộc), Phi Lộc (nay là Thiên Lộc)"[41].
            13. Thời Lê, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông cho chia bản đồ nước làm 13 thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện và 50 châu. Hà Tĩnh thuộc thừa tuyên Nghệ An. Thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện, 2 châu. Theo Đặng Xuân Bảng, thừa tuyên Nghệ An đóng lỵ sở ở huyện Hưng Nguyên, gọi là Lam Thành, sau dời đến huyện Kỳ Anh gọi là Cầu Dinh, sau lại dời đến Châu Lộc, gọi là Vĩnh Dinh, có 9 phủ, 27 huyện, 2 châu. Như vậy là, trong một thời gian dài, Hà Tĩnh đã đóng vai trò làm lỵ sở của thừa tuyên Nghệ An.
            Theo Đặng Xuân Bảng, các huyện, châu của Hà Tĩnh thuộc về phủ Đức Giang và phủ Hà Hoa. Phủ Đức Giang (hồi thuộc Minh là phủ Nghệ An, nay là Đức Thọ), có 6 huyện là Thiên Lộc, La Giang (nay là La Sơn), Thanh Giang (nay là Thanh Chương), Nghi Xuân, Châu Phúc (nay là Châu Lộc, thucc phủ Anh Sơn) và Hương Sơn. Phủ Hà Hoa (hồi thuộc Minh là châu Nam Tĩnh, nay là Hà Thanh), có 2 huyện là Thạch Hà, Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, Cẩm Thuỷ)[42].
            Bùi Dương Lịch giải thích thêm về tên Đức Quang [tức Đức Giang do Đặng Xuân Bảng chép]: "Nhà Đường sáp nhập hai huyện An Viễn và Quang An làm Cửu Đức, nhân đó có tên Đức Quang"[43].
            Đến năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông, lại đổi đạo thừa tuyên thành xứ. Sang đến niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), đời vua Lê Dực Tông đổi đạo thừa tuyên thành trấn. Trấn Nghệ an bao gồm 11 phủ, 11 huyện.
            Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vào thời Lê, Hà Tĩnh gồm 6 huyện thuộc 2 phủ Đức Quang và Hà Hoa sau:
            Huyện La Sơn, phủ Đức Quang, có 37 xã, 1 thôn, 2 trại.
            Huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, có 37 xã, 1 trang.
            Huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, có 34 xã.
            Huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, có 26 xã.
            Huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, có 42 xã, 1 sở, 1 trại.
            Huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa, có 37 xã, 12 thôn[44].
            Đến cuối thời Lê, theo khảo cứu của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, số xã, thôn, trang, trại của các huyện có thay đổi đôi chút.
            Huyện La Sơn (trước gọi là là La Giang), có 37 xã, 1 thôn, 2 trang.
            Huyện Thiên Lộc có 37 xã, 2 trang.
            Huyện Hương Sơn có 34 xã, 1 thôn.
            Huyện Nghi Xuân có 36 xã, 1 trang.
            Huyện Thạch Hà có 42 xã, 1 thôn, 1 sở, 3 trại.
            Huyện Kỳ Hoa có 37 xã, 10 thôn[45].
            14. Thời Tây Sơn - Nguyễn
            Thời Tây Sơn, Hà Tĩnh thuộc Trung Đô, hay còn gọi là Trấn Nghệ An.
            Đầu triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long, đặt ra 4 dinh trực thuộc (Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình), 2 thành (Bắc Thành, Gia Định) và 23 trấn. Hà Tĩnh thuộc trấn Nghệ An. Các đơn vị hành chính của Hà Tĩnh vẫn theo như thời Lê. Tuy nhiên, số lượng xã, thôn, phường, trang, trại, vạn có tăng lên.
            Theo Các tổng trấn xã danh bị lãm (Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX) được soạn vào giữa thời Gia Long (khoảng từ 1810 đến 1813) thì số xã của các huyện so với Lịch triều hiến chương loại chí như sau:
 

Phủ
Huyện
Lịch triều hiến chương loại chí
Số xã
Các tổng trấn xã danh bị lãm
Số xã
1. Hà Hoa
1. Kỳ Hoa
47
173
 
2. Thạch Hà
47
54
 
 
 
 
2. Đức Quang
1. Thiên Lộc
39
58
 
2. Hương Sơn
35
49
 
3. La Sơn
40
60
 
4. Nghi Xuân
37
45

 
            Đồng thời, sách Các Tổng trấn xã danh bị lãm liệt kê được đầy đủ tên các trấn, phủ, tổng, xã. Cụ thể như sau[46]:
            Huyện Kỳ Hoa: 6 tổng, 173 xã, thôn, trang, phường, trại, giáp, tích, vạn.
            1. Tổng Hoa Duệ có 20 xã, thôn: Hoa Duệ (thôn Quy Vinh, Thiều Thượng, Hoa Hạch), Tam Lộng (thôn Kính Nỗ, Bảo Ngập, Phú Sơn, Thượng Lộng, Bảo Am), Vĩnh Lại, Thạch Lâu (thôn Đại Tăng, Bảo Lâu, Đồng Loan, Nà Trung), Hương Cần, Quan Duệ (thôn Ngô Xã, thôn [] []), Hương Duệ (thôn Hằng Hà, Vĩnh Lộc), vạn Hà Bi.
            2. Tổng Vân Tản có 38 xã, thôn, giáp, phường: Vân Tản (thôn Gián Luận, Hậu Côn, Hậu Thượng, Trường Ngoài, Trường Nội, Lạt Đông, Lạt Đoài, Cấm Đoài, An Lãng, Giáp Hoa Khê, Mỹ Lộc, An Hầu, Lỗ Khê, Cấm Đông), Thạch Khê (thôn Cát Thiên, Nhân Lộc, Hoa Vinh, Hữu Quyền, Hoa Liễn, Hoa Lũ, Na Trường, Mỹ Lộc), Kỳ La, Quyết Nhược (thôn An Toàn, An Xá, An Ốc, An Bình), Vân Phong (thôn Xá Hộ, Trường Ngoại, Ông Ất), Nhược Thạch, Cẩm Bào, thôn Thiện Trị, trại Tuấn Nghĩa, Hoa Hưng, Hải An, phường Trung Hoà, phường Giang Phái.
            3. Tổng Thổ Ngoã có 14 xã, thôn: xã Thổ Ngoã (thôn Thổ Ngoã, Khả Luật, Vân Đồn, Thượng Lộc, Nước, Thượng Minh, Hạ Minh), Phượng Hoàng (thôn Xuân Lộc, Hữu Lễ, An Thị, Cầu Mộc), Ngoã Cầu (thôn Lai Trung, Lai Lộc, Thượng Lộc).
            4. Tổng Lạc Xuyên có 14 xã, thôn, tích, trại, vạn: Xã Lạc Xuyên (thôn Đông, Lạc Hạ, Đan Châu, Trung, Cầu Thượng), Tư Dụng, Hoá Dục, Dư Lạc (thôn Đông Phù, Thượng Trung, Lại Lộc), tích Ly Hà, xã Nhượng Bạn, trại Văn Nhai, Nhự Cáy, vạn Trúc Võng.
            5. Tổng Cấp Dẫn có 30 xã, thôn, vạn: Cấp Dẫn (thôn Yên Lạc, Tăng Phú, Hữu Lễ, Xuân Cẩm, Thạch Hoa, Như Nhật, Sơn Ổi, Dị Nậu (thôn Hoa Hạ, Hoàng Giang, Mạc Khê, Dạ Độ, Sơn Kinh, Hậu Độ), Hoài Liệt (thôn Phú Dẫn, Hương Sơn, Liệt Thượng, Liệt Hạ), Kỳ Nam (thôn Phú Thượng, Long Trì, Bảo Trung, Đông Hải, Trảo Nha, Đồng Trụ), trại Voi, trại Bào Trai, xã Suối Sa (thôn Cồn Sơn, Sạ Xá), Án Đổ, Long Ngâm, trại Đồng Đồng.
            6. Tổng Đỗ Chử có 57 xã, trang, thôn, trại, phường, tích: Đỗ Chử (thôn Sơn Luật, Long Phượng, Bà Đỗ, Long Ngâm, Sơn Triều, Phú Duyệt, Xuân Chử), Hà Trung (thôn Vĩnh Lộc, Văn Trường, Nhân Lý, Biểu Duệ, Đan Du, Chi La, Đại Đồng, Mỹ Lũ, Duy Suối, Hoa Hạ, Đồng Nại, Hà Trung), Phú Nghĩa (thôn Quyền Hành, An Hưng, Lạc Dị, Hưng Nhân), Hoằng Lễ (thôn Phúc Sơn, thôn Đào, thôn Vĩnh Lại, thôn Bến Đình, thôn Địa Phác, thôn Rào, thôn Đại Hào, thôn Phúc Lâm, thôn Con Bò, thôn Nhân Hoà, thôn Thần Đầu), xã Bỉnh Lễ (thôn Thượng, thôn Điều, thôn Phác Môn, thôn Vĩnh Trung, thôn Hoà Luật, thôn Nhân Phác, thôn Vĩnh Ái), Hiệu Thuận, Xuân Điện, trang Eo Kênh, trang Vạn Ích, trang Yên Điền, trang Đồng Nghĩa, thôn Vạn Cảnh, phường Trung Hoà, phường Võng Nhi, trại Cấy Gạo, trại Vọng Liễu, sách Tăm, trại Bá Canh, xóm Long Hoa, Long Thuỷ, phường Diên Tượng, tích Ngân Tượng, phường Trú Tượng.
            Các thôn trang trong huyện phiêu bạt: thôn Bạo Tuyền, thôn Thì Hạ, trang Hội An, thôn Hải Khẩu.
            Huyện Thạch Hà: 7 tổng, 54 xã, thôn, trang, sở, giáp, đội, vạn.
            1. Tổng Thượng Nhất có 7 xã, đội, vạn: Tông Lỗ, Hà Hoàng, Hương Bạo, Nguỵ Dương, Hoàng Cần, 2 đội Cồn Cát và Phan Long, vạn Trúc Võng.
            2. Tổng Thượng Nhị có 8 xã, sở: Trung Tiết, Đức Lâm, Đại Tiết, Phất Náo, Hoa Thư, Đại Mại, Đồng Môn, sở Đồn Điền.
            3. Tổng Hạ Nhất có 9 xã, trang, giáp: Hoàng Hà, Bích Hội, thôn Nam thuộc xã Chỉ Châu, thôn Dương Xá thuộc xã Chỉ Châu, thôn Nguyễn Xá thuộc xã Chỉ Châu, Ngu Xá, trang Bàng Tuấn, Thu Chi, giáp Trung Thuỷ.
            4. Tổng Hạ Nhị có 7 xã, giáp, trang: Phong Phú, Hoa Mộc, giáp Thiên Lăng, Dương Luật, trang Đan Trản, Đạm Thuỷ, giáp Đình Côi.
            5. Tổng Trung có 9 xã, vạn: Đan Chế, Đồng Lưu, Vĩnh Lưu, Ngọc Điền, Phù Việt, Ngọc Luỹ, Châu Lâm, Đan Hoạch, Vạn Kỳ Xuyên.
            6. Tổng Đông có 8 xã: Thái Hoà, Đông Bàn Thạch, Y Trụ, Việt Xuyên, Tiên Lương, Bạng Châu, Hoa Dung, Đô Hành.
            7. Tổng Đoài có 6 xã: Bàn Thạch, Trảo Nha, Dục Vật, Cổ Kênh, thôn Thượng Suối thuộc Suối Thạch, thôn Hạ Suối thuộc xã Suối Thạch.
            Huyện Thiên Lộc: 7 tổng, 85 xã, thôn, phường, trang, trại, vạn [không kể 5 xã, thôn trong huyện đã phiêu bạt].
            1. Tổng Minh Lương có 7 xã, thôn: An Lãng (thôn Ngọc Sơn, thôn Vĩnh Ninh), Bân Xá (thôn Quỳnh Lâm, thôn Phúc Sơn), Bình Lãng, Minh Lương, Vân Chàng.
            2. Tổng Độ Liêu có 17 xã, thôn: Độ Liêu (2 thôn Nham Chiêu và Thái Xá, thôn Cao Xá, thôn Đông Xá, thôn Bùi Xá), Kiệt Thạch (thôn Kỳ Trúc, thôn An Đồng, Yên Mỹ, thôn Vĩnh Lộc), Thổ Vượng (thôn Thượng Hồ, thôn Đoài Thiên Nam, thôn Thượng Hoà, thôn Đông Hoà, thôn Đông Ngoã, thôn Đông Thiên Nam), Tiếp Võ, thôn Cự Lâm.
            3. Tổng Nga Khê có 15 xã, thôn: xã Nga Khê (thôn Khố Nội, thôn Bào Ích, thôn Điền Xá), Bạt Trạc (thôn Sơn Nê, thôn Đoài Khê, thôn Đông Sơn, thôn Cự Khê, thôn Gia Hanh, thôn Đại Bản), Đông Lâm (thôn Khánh Đường, thôn An Hội, thôn Cốc Hoà), Ốc Khê (thôn Nam, thôn Ốc, thôn San).
            4. Tổng Nội Ngoại có 13 xã, thôn, phường, vạn: Nội Thiên Lộc (thôn Thuần Chân, thôn Yên Trí), Ngoại Thiên Lộc (thôn Đoài, thôn Trung, thôn Phổ Minh), Tả Thiên Lộc (thôn Tả Thượng, thôn Tả Hạ), Tỉnh Thạch, Hữu Thiên Lộc, vạn Hoàng Kim, phường Võng Nhi, phường Thượng Trụ, Quảng Khuyến.
            5. Tổng Phù Lưu có 20 xã, thôn, phường, trang: Phù Lưu Thượng, thôn Kim Chuỳ, Phù Lưu (thôn Phù Lưu, thôn Thanh Lương, thôn Hạ Yến, thôn Ngọc Mỹ, thôn Đại Lữ), Đỉnh Lữ, Vũ Cái, Phù Viên (thôn Phiên Xá, thôn Phù Lưu), Ích Hậu (thôn Ích Hậu, thôn Đông Thượng, thôn Đông Trung, thôn Phan Xá), Phù Lưu Tràng, Yên Điềm, phường Huyện Thị, Yên Định, Trà Lộc.
            6. Tổng Canh Hoạch có 7 xã, vạn: Canh Hoạch, Mỹ Lộc, Thi Hoạch, Thu Hoạch, Kim Đôi, Xuân Hải, Phù Phao.
            7. Tổng Vĩnh Luật có 6 xã, trại: Vĩnh Luật, Xuân Tinh, Linh Đỗ, trại Vĩnh Tuy, Mai Phụ, trại Cồn Triều, Quảng Khuyến, Anh Hoa, thôn Thượng Yến, thôn Bảo Ngột Đoài, Ích Hậu.
            Các xã, thôn trong huyện phiêu bạt: Quảng Khuyến, Anh Hoa, thôn Thượng Yến, thôn Bảo Ngột Đoài, Ích Hậu.
            Huyện Hương Sơn: có 8 tổng, 49 xã, thôn, vạn, giáp, phường.
            1. Tổng Đỗ Xá có 9 xã, thôn, vạn: Đỗ Xá, thôn Đông Tức, Dương Trai, Bảo Thịnh, Lạc Bồ (thôn Tứ, Đông Trường, Tứ Mỹ), vạn Đỗ Gia.
            2. Tổng An Ấp có 6 xã, thôn, giáp: An Ấp, thôn Thọ Lộc, Tuần Lễ, giáp Ông Bùi, Phúc Dương, giáp An Bài.
            3. Tổng Hữu Bằng có 6 xã, trại, phường: Hữu Bằng, Tình Di, Thuỷ Mai, trại Hậu Di Yên, Tình Diễm, phường Ngàn Phố.
            4. Tổng Dị Ốc có 4 xã: Dị Ốc, trại Đầu, Tiên Bì, Liệt Đồn.
            5. Tổng Đồng Công có 5 xã, thôn: Đồng Công, Phụng Công, thôn Bào, Trung Hoà (thôn Phúc An, thôn Bào).
            6. Tổng Thổ Hoàng có 5 xã, vạn: Thổ Hoàng, Bào Lăng, Đông Ấp, vạn Thổ Hoàng, vạn Đỗ Gia.
            7. Tổng Thổ Lỗi có 9 xã, trại: Thổ Lỗi, trại Hà Linh, trại Bằng Bản, trại Dã, Chu Lễ, Phúc Lộc, Xuân Lũng, Nam Trạch, trại Động Nghi.
            8. Tổng Bào Khê có 5 xã: Bào Khê, Bằng Thụ, Lâm Thao, Hoà Duyệt, Vân Cù.
            Huyện La Sơn có 7 tổng, 60 xã, thôn, trang.
            1. Tổng An Việt có 15 xã, thôn: An Việt Thượng (thôn Trường Xuân, thôn Thọ Kỳ, thôn Vĩnh Thái, Vạn Phúc Trung, thôn Vĩnh Khánh, thôn Đại Dịch, thôn Vạn Phúc Đông, thôn An Hội), An Đồng, An Trung, An Thái , (thôn Thiên Tôn, thôn An Phú), Kính Kỵ, Ngải Lăng, An Việt Hạ.
            2. Tổng An Hồ có 8 xã: An Hồ (thôn Nội Duyên, thôn An), Bùi Xá (thôn Thượng Tứ, thôn Hạ Tứ, thôn Trung Ngũ), Lãng Ngạn, thôn An Thọ, Nhân Thọ.
            3. Tổng Hoà Lâm có 14 xã, thôn, trang: Hoa Lâm, Cổ Ngu (thôn Trung Lễ, thôn Đông Khê, thôn Thượng, thôn Thuỵ Vân), An Ninh (thôn Chế, thôn Hậu, thôn Tiền), Quang Chiếu (thôn Đại An, thôn Gia, thôn Quang Chiếu)), Thanh Lãng, Tộ Vượng, trang Đồng Cần.
            4. Tổng Lai Thạch có 5 xã: Lai Thạch, Nguyệt Áo, Phúc Hải, Hằng Nga, Thông Lưu.
            5. Tổng Thịnh Cảo có 6 xã, thôn: Thịnh Cảo, Vĩnh Đại, Ngũ Lộc (2 thôn Phú Vinh và thôn An Phú), Nam Ngạn, (thôn Đa Ngạn và Đa Lộc), thôn Minh Hoà thuộc xã Nam Ngạn.
            6. Tổng Tự Đồng có 7 xã, thôn: Tự Đồng, Quang Tễ (3 thôn Trung, Chính và Hạ), thôn Rạng thuộc xã Quang Tễ, Lai Đồng, thôn Ngũ Khê, thôn Cẩm Trang, Đồng Văn.
            7. Tổng Thượng Bồng có 6 xã, phường: Thượng Bồng, Hạ Bồng, An Duệ, Hoa Duệ, Lễ Cương, phường Tăng Xây.
            Huyện Nghi Xuân có 5 tổng, 45 xã, thôn, trang.
            1. Tổng Phan Xá có 5 xã: Phan Xá, Tiên Điền, Tiên Bào, Mỹ Dường, Uy Viễn.
            2. Tổng Tam Chế có 15 xã, thôn: Tam Chế Thượng, Hoa Phẩm, thôn Thượng thuộc xã An Lạc, thôn Gia Tuyền thuộc xã An Lạc, thôn Trung Lộc thuộc xã An Lạc, thôn Trung Lao thuộc xã An Lạc, Tam Chế Hạ, Lộc Châu, thôn Võng Nhi Trung, thôn Võng Nhi Ngoại, đội Thổ Châu thuộc xã Võng Nhi, thôn Miêu Nha, thôn Võng Nhi A Bì, thôn Phú Giang, thôn Tháp Sơn.
            3. Tổng Cổ Đạm có 8 xã, thôn, trang: Liêu Đông, Cương Giản, Cương Đoán, Phú Lạp, Cổ Đạm (ba thôn Kỳ Phì, An Giám và Mỹ Cầu), thôn Vân Hải thuộc xã Cổ Đạm, Động Giản, trang Nước Ra.
            4. Tổng Hoa Viên có 6 xã, thôn: Hoa Viên, thôn Hồng, Khải Mông, Tiên Cầu, Tả Úc, Cồn Mộc.
            5. Tổng Đan Hải có 6 xã, trang: Đan Hải, Đan Tràng, Đan Phố, Đan Uyên, Hội Thống, trang Đô Uyên.
            Niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831), quy định bản đồ có 80 phủ, 283 huyện, 39 châu, 30 tỉnh. Lấy 9 phủ Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳ Châu, Tương Dương, Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Biên, Lạc Biên làm tỉnh Nghệ An; và hai phủ Đức Thọ, Hà Hoa làm tỉnh Hà Tĩnh, do tỉnh Nghệ An kiêm hạt, đặt An Tĩnh Tổng đốc. Sách Đại Nam thực lục chép: Hà Tĩnh : thống trị 2 phủ là Hà Hoa, Đức Thọ ; 6 huyện là Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn. Hà Tĩnhlà một số phủ huyện trước thuộc Nghệ An, nay trích ra đặt làm tỉnh[47].
            Đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), tách đất huyện Kỳ Hoa đặt huyện Hoa Xuyên, năm thứ 21 (1840), lấy hai huyện Cam Môn và Cam Cớt của phủ Trấn Định lệ vào phủ Đức Thọ (trên danh nghĩa).
            Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đổi phủ Hà Hoa làm Hà Thanh, huyện Hoa Xuyên làm Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Hoa làm Kỳ Anh; và lấy bốn phủ Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Biên của Nghệ An lệ vào tỉnh Hà Tĩnh.
            Tỉnh Hà Tĩnh, lỵ sở đóng ở huyện Thạch Hà, gồm có 2 phủ, 7 huyện:
            Phủ Hà Thanh: Thời Đường là Cửu Đức, hồi thuộc Minh là châu Nam Tĩnh, thời Lê là Hà Hoa, năm Thiệu Trị thứ nhất [1841] đổi là phủ Hà Thanh, lỵ sở ở huyện Kỳ Anh. Có 3 huyện:
            Kỳ Anh: Thời Trần là Hà Hoa; hồi thuộc Minh là hai huyện Kỳ Hoa và Hà Hoa; Thời Lê là Kỳ Hoa; Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đổi Kỳ Hoa làm Kỳ Anh. Huyện có 4 tổng, 105 xã, thôn, phường, vạn.
            Cẩm Xuyên: thời thuộc Minh là huyện Kỳ La; đầu thời Lê sáp nhập vào huyện Kỳ Anh; thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 18, trích lấy 4 tổng Mỹ Duệ, Vân Tản, Thổ Ngoã và Lạc Xuyên của huyện Kỳ Anh, đặt làm huyện Hoa Xuyên, lệ vào phủ Hà Thanh; năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đổi tên Cẩm Xuyên. Huyện có 4 tổng, 88 xã, thôn, trang, phường, vạn.
            Thạch Hà: Thời Tiền Lê là châu Thạch Hà; Thời Lý đổi làm huyện; Thời Trần thuộc châu Nhật Nam; Thời thuộc Minh là đất hai huyện Hà Hoàng và Bàn Thạch, thuộc châu Nam Tĩnh, sau sáp nhập huyện Hà Hoàng vào bản châu; Thời Lê gọi là huyện Thạch Hà; Năm Tự Đức thứ 6 (1852) do đạo Hà Tĩnh kiêm lý, năm thứ 29, lại đặt Tri huyện. Gọi là Thạch Hà vì trong lòng sông có đá. Huyện có 7 tổng, 55 xã, thôn, trang, phường.
            Phủ Đức Thọ: Thời Đông Ngô thuộc đất quận Cửu Đức; thời Lương là châu Nam Đức; thời Đường là đất 2 huyện Nhật Nam và Đường Lâm; hồi thuộc Minh là châu Nghệ An; thời Lê là phủ Đức Quang; năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi là Đức Thọ, lỵ sở đóng ở huyện La Sơn. Phủ có 4 huyện là:
            La Sơn: Thời thuộc Minh là huyện Chi La, đầu nhà Lê là huyện La Giang, niên hiệu Hồng Đức đổi là La Sơn. Huyện có 7 tổng, 61 xã, thôn, trang, phường.
            Thiên Lộc: thời xưa là Hà Hoàng; thời thuộc Minh là Phi Lộc; thời Lê đổi là Thiên Lộc. Đại Nam nhất thống chí chép rằng từ đời Lê Quang Thuận đổi Phi Lộc làm Thiên Lộc, đến thời Nguyễn thì đến đời Tự Đức năm thứ 15 đổi tên là Can Lộc. Huyện có 7 tổng, 90 xã, thôn.
            Nghi Xuân: Thời xưa là đất huyện Nghi Chân, hồi thuộc Minh là huyện Nha Nghi, thời Lê đổi là Nghi Xuân). Huyện có 5 tổng, 41 xã, thôn, trang.
            Hương Sơn: Thời Lý gọi là Đỗ Gia hương; thời thuộc Minh là huyện Thổ Hoàng, thời Lê là huyện Đỗ Gia, niên hiệu Hồng Đức đổi gọi là huyện Hương Sơn[48]. Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) đổi trấn Quy Hợp của phủ Trấn Định làm tổng Quy Hợp lệ vào huyện Hương Sơn. Huyện có 10 tổng, 57 xã, thôn.
            Đồng thời, với việc chia đặt các tỉnh, vua Minh Mệnh còn cho quy định rõ về chia đặt quan lại và chức sự[49], tỉnh Hà Tĩnh cùng các tỉnh Quảng Trị, Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Yên, Hưng Hoá, Lạng Sơn đều đặt Tuần phủ, lĩnh công việc Bố chính, lấy các chức Tham tri, Thị lang sung bổ.
            Tuần phủ chuyên hạt 1 tỉnh, quan hàm biên là Binh bộ Tham tri hoặc Thị lang kiêm Đô sát viện Hữu Phó đô ngự sử, Tuần phủ, Hà Tĩnh đẳng xứ địa phương, Đề đốc quân vụ kiêm lý lương thướng, lĩnh Bố chính sự.
            Tuần phủ chuyên giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại. Ở Hà Tĩnh Tuần phủ kiêm Bố chính sứ, nên kiêm cả việc thuế khoá, tài chính toàn hạt. Triều đình có ân trạch, chính lệnh gì ban xuống thì truyền đạt cho các người phần việc.
            Bố chính và Án sát: Bố chính sứ trật Chánh tam phẩm, Án sát sứ trật Tòng tam phẩm. Tỉnh Hà Tĩnh đã có 1 Tuần phủ kiêm lĩnh Bố chính, nên chỉ có 1 viên Án sát. Quan hàm Án sát thì biên là Hà Tĩnh đẳng xứ địa phương Đề hình Án sát sứ ty Án sát sứ. Hai ty Bố chính, Án sát mỗi ty đặt 1 Thông phán, 1 Kinh lịch.
            Án sát sứ giữ việc kiện tụng hình án trong toàn hạt, chấn hưng phong hoá, kỷ cương, trừng thanh các quan lại, kiêm coi công việc chạy trạm trong hạt, khi có những việc trọng đại hai ty (Bố chính, Án sát), hội đồng bàn bạc, rồi trình bày với Tổng đốc hay Tuần phủ mà mà.
            Thư lại ty Bố chính: Bát phẩm2 người, Cửu phẩm 5 người, Vị nhập lưu 40 người.
            Thư lại ty Án sát: Bát phẩm 1 người, Cửu phẩm 3 người, Vị nhập lưu 20 người.
            Lãnh binh quan thì dùng quan Nhị phẩm, Tam phẩm. Thuỷ sư Lãnh binh dùng quan Tam phẩm, Tứ phẩm. Hà Tĩnh đặt 1 Lãnh binh, chuyên cai quản bộ binh.
            Bộ binh có 4 vệ : Oai võ, Dương võ, Toàn võ, Minh võ ở Trung dinh Thần sách, cơ Hà Tĩnh, nguyên là 2 đội An ngãi nhất, An ngãi nhị ở Nghệ An dồn đổi lại. Nếu còn thiếu sẽ mộ thêm cho đủ 10 đội.
            Về quy tắc làm việc, đối với Tuần phủ [ở tỉnh do Tổng đốc kiêm hạt như Hà Tĩnh] thì khi có chính sự lớn lao về việc hưng lợi trừ tệ thì cùng với Tổng đốc bàn bạc rồi ký tên tâu chung một giấy. Nếu ý kiến khác nhau, thì cho làm tờ tâu riêng. Nếu là việc biên cương hay quân cơ khẩn yếu thì một mặt điều khiển rồi tâu lên, mtt mặt tường báo cho Tổng đốc định liệu. Hai ty Bố chính, Án sát : phàm những việc nên tâu nên tư, đều phải tường báo với quan trên là Tổng đốc hay Tuần phủ để phân biệt, liệu làm. Duy việc quan hệ đến lợi hại về đời sống của dân chúng mà ý kiến khác nhau hoặc bị quan trên chèn ép thì cho được đệ sớ niêm phong tâu thẳng.
            Thông phán, Kinh lịch, Bát, Cửu phẩm và Vị nhập lưu thư lại ở 2 ty Bố chính, Án sát thì lấy viên chức ở hai ty thừa của trấn cũ mà sung bổ. Thông phán, Kinh lịch ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên mới đặt thì do bộ chọn bổ. Còn Thư lại của Hà Tĩnh thì do Nghệ An trích lấy ty thuộc trấn cũ, của Hưng Yên thì do viên quyền Chưởng thành ấn trích lấy ty thuộc của trấn Sơn Nam cũ mà chia bổ.
            Khi sổ sách các hạt đệ tâu, khi Bố chính, Án sát làm xong, phải tường báo với Tổng đốc, Tuần phủ duyệt lại, ký tên, đóng dấu quan phòng. Cuối sổ sách phải có chữ ký rõ họ tên người cứu duyệt, người viết là thuộc viên của ty mình để tiện kiểm tra. Ngạch lính hằng năm, nguyên vẫn thuộc các quân dinh, viên cai quản phải theo lệ làm thành sổ sách, tường báo với Tổng đốc, Tuần phủ duyệt lại và chứng thực. Còn sổ các hạng quan văn, quan võ và binh dịch trong hạt thì do Tổng đốc, Tuần phủ hội đồng cùng làm và cũng phải đệ luôn thể [với số ngạch binh] để bộ chiếu đó làm việc.
            Những trọng án các phủ huyện đã kết nghĩ đệ lên cho ty Án sát phúc thẩm với các án do ty Án sát tra xét khi xong phải chuyển đệ lên Tổng đốc, Tuần phủ xét lại. Án nào nên tâu thì làm giấy tờ tâu lên. Những án xử phát lưu làm lính trở xuống thì Tổng đốc, Tuần phủ phê sức cho ty Án sát chiểu theo thi hành, đến cuối năm, làm thành danh sách. Những án phủ huyện xét xử mà đương sự chưa phục tình thì được chống án lên ty Án sát xin xét ; ty Án sát xét xử mà đương sự vẫn chưa pbục tình thì do Tổng đốc, Tuần phủ xét lại, rồi trích phái nhân viên ty Bố chính hội xét với viên đầu phủ hay đầu huyện, chớ nên phái uỷ nhân viên ty Án sát xét nữa.
            Những tờ chiếu, cáo, chỉ dụ được giao về cùng các thứ chương tấu, sổ sách văn thư án kiện ở thành, từ năm Gia Long thứ 1 [1802] trở về sau, [...] ở hai tỉnh mới đặt là Hà Tĩnh và Hưng Yên những thể lệ chung hiện để tuân hành, sẽ do Tổng đốc An - Tĩnh và Tổng đốc Định - Yên sao lục giao cho thi hành.
            Các hạng biền binh thuộc các hạt trước trừ những danh hiệu quân đội đã nói ở trên, còn thì đều cho lưu lại bản hạt theo Tổng đốc, Tuần phủ phân phái.
            Các cơ thuỷ binh từ Quảng Bỉnh trở ra bắc, đều theo mệnh lệnh quan địa phương và quan Thuỷ sư Lãnh binh, chứ không thuộc quyền thuỷ quân như trước nữa.
            Lệ trước ấn định Nghệ An, Nam Định, mỗi năm mỗi trấn được cấp tiền công nhu 300 quan. Nay Nghệ An đặt thêm ra Hà Tĩnh, Nam Định, đặt thêm ra Hưng Yên, thì Nghệ An và Nam Định theo lệ Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, đều cấp cho 250 quan tiền, còn Hà Tĩnh, Hưng Yên thì chiếu theo lệ Ninh Bình, cấp cho mỗi tỉnh 200 quan tiền.
            Hà Tĩnh, Hưng Yên chưa có chỗ đóng tỉnh lỵ, Tuần phủ, Án sát Hà Tĩnh tạm đóng ở phủ thành Hà Hoa, Tuần phủ, Án sát Hưng Yên tạm đóng ở trường sở Xích Đằng đợi sau chọn đất sẽ lập tỉnh lỵ.
            Hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên mới thiết lập mỗi tỉnh đều đặt viên Đốc học và theo lệ, chế cấp ấn quan phòng chuyên giữ học chính.
            Việc giải tù phạm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Quảng Yên phần nhiều không tiện đường thuỷ, hoặc có đường thuỷ nhưng các thuyền vận tải sản vật đường biển không đến, thì việc giải tù phạm từ Nghệ An trở ra Bắc, nên chiếu lệ vẫn làm mà giải đi đường bộ. [...] Hà Tĩnh giải đến Nghệ An, [...] cho tạm giam lại. Ty Án sát những hạt có tù phạm phải để nhân viên đi áp giải ở lại đó, đợi đoàn thuyền hải vận cập bến sẽ cho cùng với phạm cần giải của hạt sở tại Nghệ An, Nam Định đi tải cả thuyền vào Kinh, do bộ chuyển phát đi các nơi. Khi tải bộ phát giải tù cho các địa phương cũng do các quan hạt An - Tĩnh, Định - Yên chuyển phát.
            Tháng 6, năm Tự Đức thứ 6 (1853), bỏ tỉnh Hà Tĩnh, thăng phủ Hà Thanh làm đạo Hà Tĩnh và cho đạo cùng các phủ khác của tỉnh Hà Tĩnh cũ lệ vào Nghệ An[50]. Năm thứ 17 (1864), đặt riêng thành một đạo[51], đặt 1 Chánh quản đạo và 1 Phó quản đạo, vẫn thuộc quyền của Tổng đốc An - Tĩnh[52].
            Theo Đồng Khánh địa dư chí thì đạo Hà Tĩnh, lỵ sở ở xã Đại Nài, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà (nguyên là thành của huyện Thạch Hà) lĩnh 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thống hạt 1 huyện Kỳ Anh. Toàn đạo có 15 tổng, 247 xã, thôn, trang, phường, vạn.
            Huyện Thạch Hà có 7 tổng, 65 xã, thôn, trang, phường, cụ thể như sau:
                        Tổng Thượng Nhất: 7 xã, thôn, vạn.
                        Tổng Thượng Nhị: 10 xã, thôn.
                        Tổng Hạ Nhất: 14 xã, thôn, trang.
                        Tổng Hạ Nhị: 7 xã, thôn, trang.
                        Tổng Trung: 9 xã, vạn.
                        Tổng Đông: 12 xã, thôn.
                        Tổng Đoài: 6 xã, thôn.
            Huyện Cẩm Xuyên, lỵ sở ở xã Vân Phong, tổng Vân Tản, có 4 tổng, 91 xã, thôn, trang, phường, vạn. Gồm các tổng:
                        Tổng Mỹ Duệ: 24 xã, thôn.
                        Tổng Vân Tản: 39 xã, thôn, trang, phường.
                        Tổng Lạc Xuyên: 14 xã, thôn, vạn.
                        Tổng Thổ Ngoã: 14 xã, thôn.
            Huyện Kỳ Anh, lỵ sở ở địa phận xã Nhân Canh, tổng Hà Trung, gồm có 4 tổng, 91 xã, thôn, trang, phường, vạn. Gồm các tổng:
                        Tổng Hà Trung: 22 xã, thôn.
                        Tổng Hoằng Lễ: 28 xã, thôn, trang, vạn.
                        Tổng Đỗ Chử: 19 xã, thôn, trang, vạn.
                        Tổng Cấp Dẫn: 22 xã, thôn, trang[53].
            Năm Tự Đức thứ 21 (1867), tách tổng Quy Hợp, Chu Lễ, Phương Điền, Phúc Lộc, Hương Khê đặt làm huyện Hương Khê[54].
            Ngoài ra, 4 huyện La Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân và Hương Sơn thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An.
            Tháng 12, năm Tự Đức thứ 28 (1875) lại đặt tỉnh[55], trích phủ Đức Thọ lệ vào và đặt lại Tri phủ Hà Thanh. Hai huyện Cam Môn và Cam Cớt về sau trở lại lãnh thổ nước Lào[56].
            Sách Đại Nam thực lục chép: "Lại lấy 3 đạo Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh làm tỉnh. (Tên quan đều vẫn như cũ, Quảng Trị, Hà Tĩnh là tỉnh vừa mỗi tỉnh 1 Tuần phủ, 1 Án sát ; [...]). Ba hạt ấy, khoảng năm Minh Mệnh đổi trấn làm tỉnh, Tự Đức năm đầu, vì việc ít, muốn bớt quan, bớt việc, nên đổi tỉnh làm đạo, sự và quyền đã nhẹ, kiềm chế khó ngăn. Đến nay đình thần xin đặt tỉnh như cũ. Vua nghe theo. Hà Tĩnh vẫn theo như cũ, lại đặt phủ Hà Thanh coi cả 3 huyện. Trích 5 huyện (Nghi Xuân, Can Lộc, La Sơn, Hương Sơn, Hương Khê) thuộc phủ Đức Thọ (nguyên thuộc Hà Tĩnh), năm thứ 6 đổi thuộc Nghệ An, lại lệ thuộc về Hà Tĩnh. Còn thành thì vẫn để thành đất ở chỗ cũ, phải bồi đắp thêm. (Thành của đạo hiện đóng, thấp, hẹp không tiện). [...] (Thành tỉnh Hà Tĩnh sau cũng xây gạch đá)"[57].
            15. Từ năm 1945 đến nay
            Từ năm 1875, tỉnh Hà Tĩnh được thành lập lại và tồn tại đến năm 1976 thì lại sáp nhập với Nghệ An, gọi là tỉnh Nghệ Tĩnh.
Tháng 9 năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.
Năm 1992, Thị xã Hồng Lĩnh được thành lập trên cơ sở: thị trấn Hồng Lĩnh; xã Đức Thuận, xã Trung Lương; một phần xã Đức Thịnh thuộc huyện Đức Thọ; các xã Đậu Liêu và Thuận Lộc thuộc huyện Can Lộc.
Năm 2000, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở tách 6 xã thuộc huyện Đức Thọ (gồm: Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Hồng, Đức Ân, Đức Hương, Đức Bồng), 5 xã thuộc huyện Hương Khê và 1 xã thuộc huyện Hương Sơn.
Ngày 7/2/2007, huyện Lộc Hà được thành lập trên cơ sở 7 xã ven biển của huyện Can Lộc và 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà.
Ngày 28/5/2007, Chính phủ có Nghị định công nhận Thị xã Hà Tĩnh là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
            Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh gồm có 12 đơn vị hành chính: 1 Thành phố Hà Tĩnh, 1 thị xã Hồng Lĩnh, và 10 huyện, gồm: huyện Cẩm Xuyên, huyện Can Lộc, huyện Đức Thọ, huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Thạch Hà, huyện Vũ Quang và huyện Lộc Hà, với 259 xã, phường và thị trấn.
            1. Thành phố Hà Tĩnh có 16 xã, phường: Phường Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú, Tân Giang, Hà Huy Tập, Đại Nài, Nguyễn Du, Văn Yên, Thạch Quý, Thạch Linh; các xã ngoại thành: Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Bình.
            2. Thị xã Hồng Lĩnh có 5 phường 1 xã: Bắc Hồng, Nam Hồng, Trung Lương, Đức Thuận, Đậu Liêu; xã Thuận Lộc.
            3. Huyện Cẩm Xuyên có 27 xã và thị trấn: Cẩm Yên, Cẩm Hoà, Cẩm Dương, Cẩm Nam, Cẩm Huy, Cẩm Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Hà, Cẩm Phúc, Cẩm Nhượng, Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung, Cẩm Minh, Cẩm Lạc, thị trấn Cẩm Xuyên, thị trấn Thiên Cầm.
            4. Huyện Nghi Xuân có 2 thị trấn Xuân An, Nghi Xuân và 17 xã: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Yên, Tiên Điền, Xuân Giang, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Lam, Xuân Liên, Cổ Đạm, Cương Gián, Xuân Lĩnh
5. Huyện Can Lộc hiện nay gồm thị trấn Nghèn và 22 xã: Thiên Lộc, Thuần Thiện, Kim Lộc, Vượng Lộc, Thanh Lộc, Song Lộc, Thường Nga, Trường Lộc, Tùng Lộc, Yên Lộc, Phú Lộc, Khánh Lộc, Gia Hanh, Vĩnh Lộc, Tiến Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Thượng Lộc, Quang Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Sơn Lộc.
            6. Huyện Đức Thọ hiện nay có 1 thị trấn và các xã: Đức Vịnh, Đức Quang, Đức Châu, Đức Tùng, Yên Hồ, , Tùng Ảnh,Đức Lạng, Đức Đồng, Tân Hương,Đức Nhân, Đức Thủy, Thái Yên, Đức Thanh, Trung Lễ, Đức Lâm, Đức Dũng, Đức An, Đức Lập, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Long, Đức Hòa, Bùi Xá, Đức Yên, Trường Sơn, Liên Minh,Đức Thịnh, Đức La.
            7. Huyện Thạch Hà có 31 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Xuyên, Thạch Sơn,Thạch Bàn, Phù Việt, Thạch Long,Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Tiến, Thạch Thanh, Thạch Trị, Tượng Sơn, Thạch Lạc, Thạch Ngọc, Thạch Vĩnh, Thạch Lưu, Bắc Sơn, Thạch Đài, Thạch Hội, Thạch Thắng, Thạch Văn, Thạch Xuân, Thạch Tân, Thạch Hương, Thạch Điền, Nam Hương, Thạch Lâm, Ngọc Sơn và thị trấn Thạch Hà.
            8. Huyện Hương Sơn có 32 đơn vị hành chính: 2 thị trấn là Phố Châu, Tây Sơn và 30 xã: Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Diệm, Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Hàm, Sơn Trung, Sơn Phú, Sơn Trường, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Bằng, Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Châu, Sơn Bình, Sơn Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Mỹ.
            9. Huyện Hương Khê có 1 thị trấn Hương Khê và 21xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Trà, Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên, Hương Xuân, Phú Phong, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thuỷ, Hương Bình, Phúc Đồng, Hoà Hải, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ.
            10. Huyện Kỳ Anh có 1 thị trấn (Kỳ Anh, huyện lị) 32 xã: Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân, Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Phong, Kỳ Sơn, Kỳ Tây, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm, Kỳ Khang, Kỳ Văn, Kỳ Lạc, Kỳ Hà, Kỳ Hưng, Kỳ Hải, Kỳ Châu, Kỳ Tân, Kỳ Hoa, Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Ninh, Kỳ Đồng, Kỳ Long, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Thượng, Kỳ Nam, Kỳ Trung.
            11. Huyện Vũ Quang có 12 đơn vị hành chính trực thuộc là Thị trấn Vũ Quang (Phần lớn là xã Hương Đại trước đây) và các xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú, Hương Thọ, Hương Minh, Hương Điền, Hương Quang và Sơn Thọ.
            12. Huyện Lộc Hà có 13 xã: Ích Hậu, Phù Lưu, Hồng Lộc, Bình Lộc, Tân Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc, Thạch Kim, Thạch Bằng, Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Mỹ, Thạch Châu,(có câu nói Kim Bằng Nam Bắc Mỹ Châu).
*
*           *
            Tóm lại, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, về mặt hành chính, vùng đất Hà Tĩnh lúc rộng, lúc hẹp, lúc nhập vào Nghệ An, lúc tách ra thành tỉnh, lúc lại nhập vào An Tĩnh, rồi Nghệ Tĩnh, rồi cuối cùng lại tách ra thành TỈNH HÀ TĨNH như ngày nay. Tuy những địa danh hành chính có thể thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử, nhưng mảnh đất và con người Hà Tĩnh vẫn vậy, với những đặc trưng, tính cách riêng biệt. Nhân kỷ niệm ngày Hà Tĩnh tròn 180 năm tuổi, chúng tôi điểm lại những thay đổi trên đây để khẳng định hơn nữa những bước phát triển của Hà Tĩnh./.
 Hà Nội, chớm Thu, Tân Mão (2011)
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục [từ đây viết tắt là Cương mục], tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.75.
[2] Dẫn theo Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Viện Sử học - Nxb VHTT, HN, 1997, tr.302.
[3] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.310.
[4] Phương đình Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Viện Sử học và Nxb Văn hóa thông tin, HN, 1997, tr.19.
[5] Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.545.
[6] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.55-56.
[7] Đại Nam nhất thống chí, tập II, Sdd, tr.102.
[8] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.297.
[9] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.322.
[10] Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Sdd, tr.22.
[11] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.327.
[12] Phan Đình Phùng: Việt sử địa dư, Nxb Nghệ An, 2008, tr.31.
[13] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.328.
[14] Nghệ An ký, Sđd, tr.41.
[15] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hoá thông tin, 2005, tr.77-78.
[16] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hoá thông tin, 2005, tr.78.
[17] Theo khảo cứu của Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr.24.
[18] Theo khảo cứu của Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr.27.
[19] Nghệ An ký, Sđd, tr.41.
[20] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.331.
[21] Nghệ An ký, Sđd, tr.42.
[22] Theo khảo cứu của Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt…, Sđd, tr.30-31.
[23] Nghệ An ký, Sđd, tr.42.
[24] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.335.
[25] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.315.
[26] Khảo cứu của Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt…, Sđd, tr.45.
[27] Như trên.
[28] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.369.
[29] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.368.
[30] Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt…, Sđd, tr.129-130.
[31] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.370.
[32] Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt…, Sdd, tr.37. Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.368.
[33] Nghệ An ký, Sđd, tr.43.
[34] Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt…, Sđd, tr.37-38. Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.368-369.
[35] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sđd, tr.371.
[36] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr.101.
[37] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.371-372.
[38] Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.258.
[39] Tham khảo: Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr.159-160.
[40] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.389.
[41] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.389.
[42] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.399.
[43] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.45.
[44] Nguyễn Trãi: Dư địa chí in trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.232.
[45] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.72-73, 87.
[46] Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, từ trang 98-103.
[47] Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb Giáo dục, tr.229.
[48] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Sdd, tr.410-411.
[49] Chép trong Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb Giáo dục, 2004, từ trang 229 đến trang 240.
[50] Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, 2004, tr.276.
[51] Đạo Hà Tĩnh tương ứng với phần phía nam của tỉnh Hà Tĩnh hiện nay (gồm các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và phần phía nam huyện Can Lộc).
[52] Đồng Khánh địa dư chí, đạo Hà Tĩnh. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Huyên, Philippe Papin - T.2. Nxb Thế giới, 2003, tr.1317.
[53] Đồng Khánh địa dư chí, tập 2, Sđd, các trang: 1317, 1319, 1322, 1324-1325.
[54] Như thế thì huyện Hương Sơn bây giờ là đất hai huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
[55] Cương mục, tập 1, Sđd, tr.1080-1081.
[56] Tham khảo Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr.212.
[57] Đại Nam thực lục, tập 8, Nxb Giáo dục, tr.160.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511349

Hôm nay

212

Hôm qua

2336

Tuần này

21723

Tháng này

218222

Tháng qua

121356

Tất cả

114511349