Cuộc sống quanh ta

Chính danh "Trâu ngựa" của dân

HỒ CHÍ MINh mang một phong cách rất ấn tượng. Một trong những ấn tượng trong nói và viết của Người là hay ví von.

Quốc hội của nước ta đã bước sang khóa thứ XIII, còn hội đồng nhân dân các cấp không biết đã là khóa mấy rồi, kể từ năm 1946 đầy oanh liệt ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có quá trình lịch sử hơn 81 năm và là Đảng cầm quyền khoảng 66 năm kể từ khi thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945. Hồ Chí Minh – lãnh tụ của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, người được Đảng tôn vinh là “Anh hùng dân tộc vĩ đại”; người được tổ chức UNESCO đánh giá là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”; người là một danh nhân văn hóa thế giới theo tiêu chí Nghị quyết 18.6 của Tổ chức này; người được những người Việt Nam yêu nước các thế hệ gọi bằng những từ trìu mến là “Bác Hồ” luôn coi mình là một công dân bình thường, và khi được làm cán bộ thì luôn tự nhủ và xắn tay áo lên để thực thi cái chức trách “công bộc”, “đầy tớ” của dân.

Làm công bộc, làm đầy tớ của dân là cùng nghĩa, khác là ở cách gọi, cách diễn giải. Nhưng có một quan niệm nữa của Hồ Chí Minh. Đoạn này là bài phát biểu của Hồ Chí Minh tại buổi Lễ ra mắt Đảng sau khi Đại hội II của Đảng kết thúc, Đảng ra công khai, lấy tên mới là Đảng Lao động Việt Nam:

“Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:
“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,
Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”.
 
Xin tạm dịch là:
“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
“Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ.
“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.
Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(1).
Gọi là “trâu ngựa” của dân mà lại ở trong tư thế “sẵn sàng”, “vui vẻ” tự nhận chứ không ai ép buộc cả. Rõ ràng là cách gọi “trâu ngựa” của dân bắt mắt, bắt tai hơn là “công bộc”, “đày tớ” của dân.
Tự nhận như vậy và Hồ Chí Minh không nói suông. Đã “nói thì phải làm”, đó là bài nhập môn mà Hồ Chí Minh đã dạy cho các lớp huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước học ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên từ năm 1925-1927. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là chuỗi thực hành làm trâu ngựa cho nhân dân, chứ không phải “làm quan cách mạng” như Người nhiều lần phê phán những người làm cán bộ trong chế độ mới cứ hay vênh mặt ức hiếp dân, nhũng nhiễu, đặc quyền đặc lợi, coi trời bằng vung, coi dân như cỏ rác. Hồ Chí Minh không nhận cho mình một danh hiệu nào cả: Huân chương Sao vàng ư? Không! Nhà thơ ư? Không! Đại biểu Quốc hội vĩnh viễn không phải bầu cử ư? Không!
Hồ Chí Minh suốt đời tự nguyện làm trâu ngựa cho dân với những khát vọng cháy bỏng vì đại sự. Phàm là người nào có đức dày, có tâm lành, có trí sáng, có tầm cao, có tài kinh bang tế thế, có ý chí lớn lao dời non lấp bể thì người đó không thể không có khát vọng. Hồ Chí Minh chính là một con người như thế.
Khát vọng của Hồ Chí Minh không phải là nhằm lo lấy cái đích là làm cho bản thân mình giàu có về vật chất, được ăn ngon, mặc đẹp, có nhà to cửa rộng, nhà lầu xe hơi, vợ con đề huề, có quyền cao chức trọng, v.v. Khát vọng của Hồ Chí Minh, như Người nói một cách nôm na, đó là “sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong Tài liệu Tuyệt đối bí mật (mà sau này thường được gọi là Di chúc), Hồ Chí Minh còn nêu “điều mong muốn cuối cùng” là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(2). Cả cuộc đời Hồ Chí Minh dấn thân vào cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, không phải chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn cho cả toàn nhân loại cần lao.
Hồ Chí Minh đã thoát khỏi mọi sự cám dỗ cá nhân, đúng như Hồ Chí Minh lấy lời Mạnh Tử khuyên cán bộ, đảng viên là “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Hồ Chí Minh dùng quyền lực của nhân dân ủy thác cho mình với cái chức trách là Chủ tịch Chính phủ rồi Chủ tịch nước để mưu việc lớn cho dân, cho nước, cho người lao động trên toàn thế giới, và có thể nói là đắc dụng. Đến như khi sắp rụng về cội, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết đoạn bổ sung năm 1968: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(3).
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh vất vả, đầy lo toan cho sự nghiệp lớn lao. Hồ Chí Minh mồ côi mẹ lúc 10 tuổi, lo đám tang cho mẹ ở đất khách quê người (Kinh thành Huế) trong cái thời khắc tứ cố vô thân. Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm con đường cứu nước mà trong túi không có một xu, phải đem sức vóc thư sinh nai lưng làm những công việc nặng nhọc kiếm tiền để sống và hoạt động. Hồ Chí Minh bị hai lần cầm tù, bị một cái án tử hình vắng mặt; chịu nhiều cảnh thiếu thốn, có lần trong tù “Gầy đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân”, răng rụng mất mấy chiếc, mắt mờ, bị lao phổi.
Hình như các bậc danh nhân thường hay trải qua không ít quãng đời gian truân, long đong lận đận. Hồ Chí Minh kiên trì cho cái đúng, bảo vệ cái đúng và đầy lòng vị tha. Từ thuở xưa, lúc hàn vi, Hồ Chí Minh đã được các bậc chí sĩ hoặc các bậc cao niên đánh giá cao, đầy khích lệ và tin tưởng. Có người nói xấu Hồ Chí Minh. Tờ báo La Dépêche Coloniale đã có những bài viết phản ứng, phê bình gay gắt về những bài báo của Nguyễn Ái Quốc khi Nguyễn Ái Quốc tố cáo chủ nghĩa thực dân. Tờ báo này cho rằng, Nguyễn Ái Quốc là người đầy tham vọng cá nhân và còn cho rằng, Nguyễn Ái Quốc chẳng có sứ mệnh gì do nhân dân Việt Nam giao phó cho cả. Nguyễn Thế Truyền, một người Việt Nam trí thức yêu nước ở Pháp, đã viết bài “Un bolsévick jaune” đăng trên báo Pháp Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922, trong đó nêu rằng: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức”(4). “Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam… Nguyễn Ái Quốc không được chính quyền Đông Dương ủy nhiệm bày tỏ ý kiến trên báo Le Paria. Nhưng tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Vậy các ông ở báo La Dépêche Coloniale hãy im mồm đi, đừng vu khống”(5).
Tuy không tán thành phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động ở Pháp, nhưng Cụ Phan Châu Trinh, vốn là người rất kiệm lời khen, đã viết trong một bức thư ngày 28-2-1922 gửi cho Hồ Chí Minh: “Thực tình, từ trước tới nay, tôi không khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là đằng khác”(6). Cụ Phan Châu Trinh còn viết: “Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh đã rõ nguồn cơn. Bây giờ thân tôi tựa chim lồng cá chậu. Vả lại cây già thì có rễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả giận, may ra có tỉnh giấc hồn mê. Còn anh như cây dương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông…Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”(7). “Cây dương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông… - đó là những lời đánh giá của Phan Châu Trinh dành cho Hồ Chí Minh – những lời đánh giá đồng thời là những lời khen không dễ gì mà có được ở Phan Châu Trinh.
Còn đối với Cụ Phan Bội Châu, nhà yêu nước đầy nhiệt huyết muốn cứu nước theo đường lối vũ trang bạo động để lập nhà nước cộng hoà đại nghị tư sản nhưng không thành, bị thực dân Pháp bắt, quản thúc tại Huế, cụ tự tổng kết rằng, cuộc đời của cụ là một trăm thất bại mà không có lấy một thành công. Phan Bội Châu cùng quê và cùng trang lứa với cha của Hồ Chí Minh là Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ đánh giá về người con của bạn mình rằng, có người khác giỏi hơn lớp của cụ đứng ra làm được cái việc là giành độc lập dân tộc mà lớp của các cụ không làm xong – người đó là Nguyễn Ái Quốc.
Cuộc đời của Hồ Chí Minh trải qua nhiều sóng gió. Điều đáng nói nhất ở đây là Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều sóng gió đó, chủ động, tích cực tôi rèn trong sóng gió đó để trưởng thành. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh chỉ nhằm một cái đích là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng một đất nước hùng cường, làm cho mọi người dân có cuộc sống tốt đẹp về cả vật chất và tinh thần, mọi người trên thế giới đều được giải phóng.
Đó là cái đại sự trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Mọi cái khác còn lại đều là tiểu tiết. Bản lĩnh đó là bản lĩnh của một trái tim, khối óc lo toan đại sự. Vì thế, đối với mọi khó khăn, trở ngại, Hồ Chí Minh đều cố gắng vượt qua, và mọi khổ ải đối với Hồ Chí Minh không làm bản thân sờn lòng, hơn thế Hồ Chí Minh còn sống một cuộc sống ung dung, tự tại, thanh thản của một công bộc, đày tớ, trâu ngựa của nhân dân. Cũng vì thế mà chúng ta thấy ở Hồ Chí Minh một tấm lòng quả cảm, một sự quyết tâm vô cùng tận, một tấm lòng bao dung, vị tha, một đại nghĩa phi thường, một trí lực dồi dào, một nhân cách đặc biệt. Nếu được coi cuộc đời Hồ Chí Minh là một cuốn phim tư liệu thì cuốn phim đó có nhiều tập, nhiều cảnh ken dày những tình huống hấp dẫn, chứ không phải cứ đều đều, xem xong chẳng đọng lại được gì trong tâm trí người xem.
Hồ Chí Minh hoá thân vào dân tộc và nhân loại cần lao với những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất. Hồ Chí Minh hiện thân cho những giá trị tốt đẹp nhất mà bất cứ ai có lương tri đều mong muốn đạt được. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã trở thành cuốn sách giáo khoa về đạo đức mới cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đạo đức của Hồ Chí Minh có sức lay động, đi vào tận tâm khảm của những người chân chính, biến thành sức mạnh làm cho con người ta luôn luôn sống vươn lên các giá trị chân, thiện, mỹ.
Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử nhân loại có tác động mãnh liệt vào tiến trình phát triển văn hóa. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh là cái nền văn hoá mà trên đấy biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có bản sắc, cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hoà trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại và các dân tộc trên thế giới khát khao vươn tới. Đó là sự thống nhất trong đa dạng. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh khuếch những cái đa dạng ấy lên, kết dính sự thống nhất đó vào một khối văn hoá đầy sức sống để bảo tồn, thúc đẩy chân, thiện, mỹ.
Hồ Chí Minh sống với nhân dân Việt Nam, với nhân dân tiến bộ trên thế giới với giá trị vĩnh hằng là con người văn hoá. Trong cuộc sống, nhiều giá trị của con người, của cộng đồng người mà có thể dễ quên, nhưng đối với giá trị văn hoá thì không bao giờ mất đi. Quyền cao, chức trọng, tiền bạc… không là gì cả nếu không có chất văn hoá. Hồ Chí Minh được người đời ngưỡng mộ chính là tư chất văn hóa. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh chính là sức sống của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh cũng chịu trách nhiệm trước các biến cố, những khuyết điểm, hạn chế, trong bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao trở ngại, gian truân, vượt cả chính mình trong đường đời. Hồ Chí Minh nhận biết được cái đúng và kiên trì bảo vệ. Và bằng cách như thế, bản lĩnh của Hồ Chí Minh mới được tôi rèn. Sức sống mãnh liệt ở Hồ Chí Minh chính là lẽ phải và lòng kiên trì, ở chỗ bao dung, mưu lược, tất cả vì đại sự. Hồ Chí Minh đã đi qua những năm tháng đầy cam go, biết gạt đi những tiểu tiết, đã đến được với chân lý và đã thành công ở nước nhà, tuy chưa trọn vẹn. Lúc Hồ Chí Minh đi vào thế giới bên kia thì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vẫn đang còn dang dở, thế giới vẫn đang nhiều toan tính, đất nước Việt Nam vẫn đang trong những thời gian nước sôi lửa nóng.
Nhưng, Hồ Chí Minh vẫn sống trong những nhịp đập của đất nước, vì sự nghiệp của Hồ Chí Minh, tư tưởng của Hồ Chí Minh vẫn đồng hành cùng dân tộc - vì Hồ Chí Minh là người con của dân Việt Nam, người luôn lấy phục vụ nhân dân làm chức trách của cả cuộc đời làm công bộc, đày tớ, trâu ngựa của mình. Điều tuyệt diệu là ở chỗ đó. Nếu thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là của thời gian Hồ Chí Minh sống thôi, thì giá trị cuộc đời Hồ Chí Minh không lớn lắm. Hồ Chí Minh để lại một sự nghiệp, một tư tưởng, nhưng tôi thấy một điều quan trọng nhất ở Người: đó là Nhân cách Hồ Chí Minh khi coi mình là công bộc, là đày tớ, là trâu ngựa của nhân dân. Nhân cách đó không lẫn vào đâu được, một nhân cách cao cả đi cùng sự phát triển của dân tộc, gắn với đồng bào Việt Nam, gắn với sự nghiệp đấu tranh vì sự tiến bộ trên thế giới.
Hồ Chí Minh không phải là một nhân vật huyền thoại, mà con người Hồ Chí Minh, cái đức, cái tâm, cái tầm, cái trí, cái tài của Hồ Chí Minh đã thành giá trị thực luôn hiển hiện trong tâm khảm của mỗi một người dân yêu nước trong các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh còn dang dở, và người Việt Nam yêu nước khắp các phương trời đang tiếp bước Người. Hồ Chí Minh có trong hành trang của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao tiến bước vào văn minh, tiến bộ. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một thông điệp cho sự phát triển. Và, chính vì như vậy, giá trị cuộc đời Hồ Chí Minh trở thành một tài sản tinh thần quý báu cho dân tộc Việt Nam và - rộng hơn nữa - cho nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Liệu những đại biểu cho dân trong các tổ chức dân cử giai đoạn này có được là một phần của Hồ Chí Minh? Bài viết này cũng có thể coi là một lời nhắn nhủ, một “thư ngỏ” gửi cho các đại biểu của dân mới trúng cử.
 
 
 
-------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 184 – 185.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 500.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 501.
(4) Theo Đặng Hoà: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Một nhân cách lớn, http://www.tiasang.com.vn, 14:23:23, ngày 5-9-2007.
(5) Theo Ngô Đăng Lợi: “Nguyễn Thế Truyền – Một nhà trí thức đáng kính”, Tạp chí Xưa và Nay, số 312, tháng 7-2008, tr. 19.
(6) Như trên.
(7) Như trên.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513401

Hôm nay

2187

Hôm qua

2315

Tuần này

21338

Tháng này

220274

Tháng qua

121356

Tất cả

114513401