Cuộc sống quanh ta

Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 (*)

Chặng đường 15 năm của nền kinh tế Việt Nam, từ 1975 đến 1989 đã có khá đủ những nếm trải để thể nghiệm được những quy luật muôn thuở của mối quan hệ: Tư duy - Chính sách - Đời sống.

Nhìn ra thế giới, thấy nước nào cũng vậy, nhìn ngược về quá khứ lịch sử, thấy thời đại nào cũng vậy: Chính mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định sự thành bại của một chế độ, sự nhanh chậm của những bước phát triển, sự mạnh yếu của những quốc gia...

Những tính quy luật đó rất nhiều, nhưng chung quy không ngoài mấy quy luật cơ bản sau đây:
1/ Tốc độ vận hành và quan trọng hơn nữa là sự hanh thông trong mối quan hệ này là điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Một đất nước dù yếu kém, nhưng nếu sớm nhận ra những khiếm khuyết, những nguy cơ, sớm có những biện pháp để khắc phục, sớm phát hiện được những thời cơ, những tiềm năng, rồi lại có những chính sách và biện pháp để tận lực khai thác những tiềm năng đó... thì đất nước đó ắt tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc.
Ở những quốc gia hay ở những thời kỳ mà sai lầm được nhận thức quá chậm, thường liên quan đến một nguyên nhân: Tư duy đúng hoặc bị vùi dập, hoặc không được sớm chuyển hóa thành chính sách. Kết quả tất yếu là những chính sách sai chậm được sửa chữa. Nhất là khi quyền uy được dùng để che chắn cho những cái sai, thì những ách tắc thường dẫn một quốc gia tới tụt hậu.
Việt Nam ta, trong hơn 30 năm kể trên cũng đã trải nghiệm cả những điều hay, điều dở kể trên.
Thí dụ từ khi có quyết định tập thể hóa nông nghiệp và xây dựng các hợp tác xã (1958) cho tới khi có quyết định về chế độ khoán hộ và khôi phục kinh tế hộ gia đình nông dân (1988): Mất 30 năm. Còn nếu kể từ khi sáng kiến khoán ở Vĩnh Phúc bị ngăn chặn (1968) cho tới khi cơ chế khoán được thừa nhận một cách đầy đủ với Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988), nền nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân đã phải chờ đợi mất 20 năm.
Từ khi có quyết định xoá bỏ kinh doanh của tư nhân trong công thương nghiệp, cải tạo những nhà tư bản, biến họ thành những người lao động chân tay (1958) cho tới khi Nhà nước quyết định thừa nhận kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế đó phát triển (1987)... đã có 29 năm trôi qua. Trong 29 năm đó đã mất mát biết bao nhiêu những năng lực về con người, về vốn liếng, về kỹ thuật, về các quan hệ kinh tế đối nội và đối ngoại...
Lại đã có những lúc tư duy sớm nhận biết được những vấn đề của thực tế và nhanh chóng chuyển thành chính sách, dũng cảm đưa nó vào cuộc sống, thì kinh tế chuyển biến rất nhanh. Thí dụ như những quyết định về khoán 100, về khoán 10, về 25-CP, nhất là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, rồi sau đó là những quyết định nâng lãi suất tiết kiệm và tín dụng năm 1989, quyết định mở cửa, xoá bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ... Tất cả đều dẫn đến những kết quả rất tích cực, rất hiệu nghiệm và rất nhanh chóng...
Từ ngày đổi mới đến nay, sự tăng trưởng cao của GDP, việc cải thiện đời sống nhân dân, sự dồi dào của xuất nhập khẩu, của nền tài chính quốc gia... cũng tuỳ thuộc vào việc giải quyết tốt những mối quan hệ kể trên.
Ngày nay ta có được một nước Việt Nam giàu đẹp, ổn định, có vị thế quốc tế... chính là nhờ vận dụng tốt mối quan hệ đó.
2/ Để có được một sự vận động kịp thời và nhanh chóng của chu trình kể trên, điều kiện tối quan trọng là những kênh truyền dẫn.
- Truyền dẫn những thông tin, truyền dẫn những ý tưởng và sớm chuyển nó thành đường lối, chính sách.
- Truyền dẫn những đường lối chính sách tới thực tiễn.
Tất cả những thời kỳ mà sự vận động này bị chậm chạp đều là do những kênh truyền dẫn bị ách tắc.
Khi những vấn đề của thực tiễn không được phản ánh đầy đủ tới những bộ óc đang điều hành đất nước, thì sự ách tắc tất yếu xảy ra.
Khi những thông tin từ thực tiễn đã tới nơi, mà những bộ óc điều hành thiếu nhạy cảm, thậm chí vô cảm, thì sự trì trệ cũng tất yếu xảy ra.
Có chính sách đúng, có chủ trương đúng... vẫn chưa đủ. Cần phải có những kênh truyền dẫn những chính sách và chủ trương đó tới đời sống kinh tế. Con đường truyền dẫn này được thiết kế bởi hàng loạt những biện pháp cụ thể như: Hệ thống luật pháp, những thiết chế về lợi ích và trách nhiệm, hệ thống giáo dục và đào tạo, những con người được xếp đặt đúng chỗ, hệ thống ra lệnh và phản hồi nhạy bén và hữu hiệu...
3/ Để tạo được những kênh truyền dẫn tối ưu, vấn đề tổ chức hệ thống là cực kỳ quan trọng. Đã có lần Lenin nói rằng tổ chức quyết định tất cả. Tổ chức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: Đó là những thiết chế của toàn bộ một xã hội từ trên xuống dưới, từ lĩnh vực này tới lĩnh vực kia, theo một mô hình như thế nào để toàn bộ các mối quan hệ có thể vận hành tốt nhất. Trong đó phải có cả những sự khích lệ thích đáng lẫn những sự răn đe và trừng phạt đích đáng. Một hệ thống mà khích lệ thói cơ hội, giả dối, kiêu ngạo... sẽ chỉ có thể là một xã hội trì trệ. Một hệ thống không đủ khả năng ngăn chặn những quyết sách sai lầm thì khó tránh khỏi hiểm họa.
 Những nước phát triển cao đều là những nước đã có những tổ chức hệ thống rất tốt.
Nhưng không có hệ thống nào là tốt muôn thuở. Một hệ thống tốt phải là một hệ thống có khả năng điều chỉnh cao. Tuỳ theo từng thời kỳ, tuỳ theo những điều kiện xã hội, văn hóa và tâm lý, tổ chức hệ thống cũng phải kịp thời thay đổi để thích ứng. Với cách thông tin bằng ngựa chạy trạm thì tổ chức hệ thống khác với thông tin bằng telephone. Với hệ thống truyền thông và lưu trữ dữ liệu bằng hệ thống tin học hiện đại thì mối quan hệ lại càng phải khác đi. Tính ưu việt của một hệ thống không chỉ là sự nhanh chậm của việc truyền dẫn các thông tin, mà còn là sự nhanh chậm trong việc vận dụng tối đa những khả năng khoa học kỹ thuật, để không ngừng tự hoàn thiện.
Có một thời kỳ Việt Nam và nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã xây dựng một hệ thống quá cồng kềnh, chồng chéo, giẫm chân lên nhau. Cách tổ chức hệ thống như vậy là một trong những nguyên nhân làm cho các kênh truyền dẫn bị ách tắc, chậm chạp, làm cho hầu hết các nước XHCN đã bị tụt hậu.
Từ khi chúng ta có những cải cách về mặt tổ chức bộ máy, thì hệ thống vận hành tốt hơn. Điều đó không những góp phần đưa những tư duy của cả nước vào việc xây dựng đường lối, mà còn góp phần thẩm tra và phát hiện sớm những sai lầm, ách tắc, kể cả những vi phạm...
4/ Tất cả những yếu tố kể trên đều lệ thuộc vào một yếu tố chính trị quan trọng là: Dân chủ. Thời nhà Trần, để đối diện với quân Nguyên - Mông đang hoành hành trên khắp thế giới, với Hội nghị Diên Hồng, toàn dân đã hạ quyết tâm “sát thát” thì những sức mạnh thần kỳ đã đưa đến chiến thắng vẻ vang. Thời nhà Lê, việc xoá bỏ chế độ đẳng cấp khép kín, để cho toàn dân được tham gia các khoa thi, bất cứ ai thuộc thành phần nào có tài, có đức, thi đỗ đều được trực tiếp tham gia điều hành quốc sự. Chính vì thế, nhà Lê đã tạo ra một trong những thời đại thịnh trị nhất của lịch sử Việt Nam xưa.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đại đoàn kết toàn dân, trước nguy cơ xâm lược, toàn dân đã đứng lên kháng chiến, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo, nam nữ, già trẻ. Một lần nữa sức mạnh của toàn dân đã đánh thắng kẻ thù.
Ngược lại, không phải đã không có những lúc chủ nghĩa thành phần, sự kì thị giai cấp, tính biệt phái trong hệ thống chính trị... đã làm cho sức mạnh của dân tộc suy yếu.
Dân chủ đồng thời cũng còn có nghĩa là tính công khai và minh bạch về mặt chính trị trong toàn xã hội. Khẩu hiệu Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra... chính là thể hiện tính dân chủ của một xã hội văn minh. Khi người dân không biết Nhà nước làm gì, không được bàn bạc những việc quốc sự, thì như thế là đã đánh mất đi một nguồn lực quan trọng của trí tuệ và thông tin. Sự chậm trễ, ách tắc và tụt hậu cũng từ đó mà ra.
Định nghĩa khái niệm dân chủ và cách ứng xử đối với nó cũng là vấn đề mà trước đây và hiện nay vẫn còn những cách nhìn khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một cách định nghĩa dân chủ rất đơn giản và ngắn gọn: “Các chú diễn giảng hai chữ dân chủ sao mà rắc rối, dài dòng thế? Dân chủ thực ra có nghĩa là: để cho dân được mở miệng. Liệu có làm được không, có dám làm thế không?”[1]
Đã có một thời kỳ nhiều người tranh luận về khái niệm lấy dân làm gốc, cho rằng dùng chữ “lấy” là có ý chủ quan, như là sự ban phát, dùng hay không dùng một vật gì đó, mà cái được “lấy” ở đây chính là “dân”. Không bàn về chữ nghĩa, mà nói về ý nghĩa thôi, thì phải thừa nhận rằng trong khái niệm dân chủ, nội hàm quan trọng nhất chính là dân. Đặc biệt là ở Việt Nam, người dân có một sức sống mãnh liệt, dồi dào tính năng động tự thân, khả năng thích nghi, khả năng đề kháng, khả năng chịu đựng, khả năng phản ứng linh hoạt đối với tất cả ngoại cảnh, trong đó có những chính sách.
Lịch sử đã cho thấy rằng nhân dân Việt Nam có thể xả thân và ủng hộ hết lòng, đem cả của cải, sự nghiệp, thân xác, gia đình để ủng hộ một chính sách, một chủ trương, khi thấy nó là của mình, vì mình.
Khi một chính sách không hợp với lòng dân thì người dân có những biện pháp thiên biến vạn hóa để ứng xử. Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, chính dân đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đối phó với những chính sách phản dân hại nước của kẻ xâm lược và chính quyền tay sai. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi có những chính sách sai lầm, mà dân không được góp ý hoặc góp ý mà chưa sửa, thì dân cũng có trăm phương ngàn kế để “chấp hành”. Chính những phản ứng đó làm cho những chính sách sai lầm không phát huy được tác hại quá đáng, mà bị vô hiệu hóa một phần, từ chỗ vô hiệu hóa đến chỗ phải sửa đổi. Trong sự sửa đổi này, cũng chính người dân đã có những đóng góp vô hình bằng những phản ứng như làm chui, như phá rào, như chấp hành theo kiểu “kính nhi viễn chi”...
Như vậy dân chủ là một thực thể chính trị của mọi xã hội. Nó không phải là cái để đem cho, đem ban phát, nó không giống như những tờ tem phiếu mà có thể cắt từng ô từng ô, cắt bao nhiêu, lúc nào.... Nó nằm trong đời sống xã hội, nó có sức mạnh và tác dụng đương nhiên. Cũng như ánh sáng mặt trời, như gió... nếu biết khai thác nó, tận dụng nó thì có thể tạo ra những năng lượng hữu ích, hạn chế được những tác dụng tai hại của nó...
5/ Sự thịnh suy của một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào bộ máy lãnh đạo và đặc biệt là những người lãnh đạo. Xưa nay, trong lịch sử mọi quốc gia, không có thời đại nào được gọi là thịnh trị mà lại không phải là thời đại có một vị minh quân. Ngược lại, không có một thời đại nào suy đồi mà lại không liên quan tới một vị hôn quân, một bộ máy nhà nước hủ bại.
Người lãnh đạo tốt không chỉ là một người giỏi về mọi mặt. Không phải nhà lãnh đạo tốt nào cũng là toàn tài. Điều chính yếu là thấy được vấn đề, biết dùng được nhân tài, biết tránh được những kẻ gian thần. Lê Lợi là như vậy. Quang Trung là như vậy. Hồ Chí Minh là như vậy.
Ngược lại, nếu người lãnh đạo không những thiếu kiến thức, mà lại tự cho mình hiểu biết tất cả, tự mình suy nghĩ và quyết định tất cả, thì lúc ấy đất nước có thể sa vào thảm họa. Lịch sử không thiếu gì những tấm gương tày liếp về mặt này.
Thời kỳ đổi mới là một bài học sáng giá cho chúng ta: Những người lãnh đạo đã thực sự bức xúc trước những khó khăn kinh tế, tập hợp những nhân tài, lắng nghe mọi nguồn thông tin, thấu cảm tâm tư của mọi giai tầng xã hội, trăn trở với những giải pháp, kiên trì đấu tranh để thuyết phục tập thể lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời... Ở những cấp thấp hơn, những người lãnh đạo địa phương với tinh thần trách nhiệm cao, với dũng khí của người cách mạng, với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đã mạnh dạn đột phá, mở ra những hướng đi. Đó là sự chuẩn bị trực tiếp cho sự nghiệp đổi mới. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam gắn liền với những tên tuổi rất đáng được tôn vinh. Không có những con người đó, có lẽ khó có được sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.
6/ Nói đến tư duy kinh tế, không thể không nói tới một yếu tố cực kì quan trọng: Trí thức. Như Lenin đã từng đưa ra công thức: Nhiệt tình cách mạng + Ngu dốt = Phá hoại. Những tư tưởng kinh tế, dù là của dân cư, của quần chúng, nhưng nó phải được đúc kết, gạn lọc, hình thành bởi những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Chính thành phần tinh hoa này của xã hội là nơi chuẩn bị cho những đường lối chủ trương và chính sách.
Nguyễn Trãi viết rằng: “Đất nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng hào kiệt thì thời nào cũng có.” Nếu hào kiệt thời nào cũng có thì sự thịnh suy của quốc gia trong một chừng mực đáng kể là tuỳ thuộc vào việc đất nước có sử dụng tốt các bậc hào kiệt hay không.
Một xã hội thịnh trị chỉ có thể là một xã hội mà ở đó trí thức được tôn trọng, được tạo điều kiện để làm việc và được đề xuất những ý tưởng của mình. Một tấm gương sáng chói về mặt này là Hồ Chí Minh trong việc thành lập và điều hành Chính phủ thời kỳ lập quốc. Đến ngày 25-08-1945, lần đầu tiên Hồ Chí Minh mới tới Thủ đô Hà Nội. Nhưng ngay ngày hôm sau ông đã lập được một Chính phủ gồm những nhân tài xuất sắc của đất nước. Chắc chắn là cho đến lúc đó Hồ Chí Minh vẫn còn rất bỡ ngỡ về Hà Nội, về những vấn đề lớn lao đang đặt ra trước đất nước mà bản thân ông thì không thể nào biết hết được những giải pháp. Nhưng ông có 2 cái biết vô cùng quan trọng: Thứ nhất: Biết rằng mình không biết, và không giấu giếm để nhờ mọi người giúp ông. Thứ hai, do đó biết dùng những người biết. Nhờ đó tuy ông không biết hết, nhưng Chính phủ của ông thì biết cách giải quyết hầu hết các vấn đề nan giải của đất nước.
Ngược lại, một xã hội đốt sách chôn kẻ sĩ (đồ thư khanh nho), hoặc sử dụng trí thức vào những việc có tính chất “điếu đóm”, ca tụng, minh họa hoặc sai vặt, thì dù có đưa ra bao nhiêu khẩu hiệu lớn lao, có ra các khẩu lệnh “đại tiến vọt”, “thiên lý mã”... thì xã hội vẫn chỉ có thể là một xã hội trì trệ, tụt hậu, dân vẫn đói, vẫn thiếu. Trước thảm cảnh đó, dù có xây bao nhiêu Vạn Lý Trường Thành để tự vệ thì cuối cùng họa ngoại xâm cũng khó tránh khỏi. Nếu không có họa ngoại xâm, thì cũng có loạn trong nước. Nếu không có loạn trong nước thì dân sẽ “nổi loạn” một cách thầm kín bằng những chuyện tiếu lâm, hò vè, châm biếm... Trong lịch sử thế giới đã có không ít thí dụ về những nhà cầm quyền không biết rằng mình không biết, hoặc sợ người ta biết rằng mình không biết. Do đó, từ coi thường tri thức đến sợ hãi trí tuệ, bất cần kiến thức và né tránh những kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Kết quả cuối cùng là đất nước lâm vào khủng hoảng. Mà khi đã không biết rõ nguyên nhân của khủng hoảng thì thường lại khắc phục khủng hoảng bằng những biện pháp bạo lực, đẩy khủng hoảng tới chỗ ngày càng trầm trọng hơn.
Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đương nhiên là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của toàn dân, của các địa phương, của những nhà lãnh đạo ở Trung ương... Nhưng đồng thời trong đó luôn luôn có vai trò của trí thức. Trong lĩnh vực kinh tế thì trước hết là vai trò của những nhà kinh tế.
Vai trò của trí thức trong sự hình thành tư duy và chính sách kinh tế không chỉ lệ thuộc vào thái độ của Nhà nước đối với trí thức, mà còn lệ thuộc vào thái độ của bản thân trí thức đối với những kiến thức và tư duy của mình.
7. Thiết kế mô hình là điều vô cùng quan trọng. Thời đại nào cũng vậy, nhà nước nào cũng vậy, cần có một nhà thiết kế bộ máy nhà nước và các chính sách quốc gia. Chính yếu tố này quyết định sự thịnh suy của một đất nước, một thời kỳ.
 Thời Hồ Chí Minh, chính Hồ Chí Minh là nhà thiết kế vĩ đại đối với Đảng, đối với Nhà nước và đối với các quan hệ xã hội và các quan hệ quốc tế. Từ Nhà nước đến Đảng, từ Mặt trận đến các quan hệ giữa người giàu với người nghèo, giữa trí thức và thường dân, giữa trong Đảng với ngoài Đảng, giữa quan lại cũ với cán bộ cách mạng, giữa Việt Nam với thế giới, với từng nước, thậm chí từng nhà lãnh đạo của mỗi nước, tất cả đều được thiết kế thành một rường cột chắc chắn, trong đó mọi người đều dấn thân vì lợi ích chung, mà Hồ Chí Minh là điểm mấu chốt của hệ thống rường cột đó... Cùng với việc thiết kế mô hình, Hồ Chí Minh đã xác định rất trúng các mục tiêu trọng yếu và khả thi, từ đó ông cô đúc lại thành những khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu. Khác với người Trung Quốc thường dùng những khẩu hiệu quá to tát nhưng khô khan, như toàn dân làm gang thép, đại tiến vọt, bốn hiện đại hóa..., Hồ Chí Minh đưa ra những khẩu hiệu bình dị, gần gũi với cuộc sống, đậm đà tình người như Tấc đất tấc vàng, Nhường cơm sẻ áo, Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết, Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành,...
Đến thời đánh Mỹ thì một lần nữa lại có một nhà thiết kế tài ba của cuộc chiến tranh, đó là Lê Duẩn: Tư tưởng đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đánh vào những lá phiếu trong Quốc hội Mỹ, đánh vào lòng nhân dân Mỹ, đánh vào lương tâm nhân loại, dùng sức mạnh tổng hợp của ba dòng thác cách mạng, ba mũi giáp công, nắm thắt lưng địch mà đánh, tổ chức hậu phương lớn, mở con đường chi viện cho miền Nam bằng mọi giá, tổ chức các khu căn cứ địa, đẩy mạnh hoạt động nội thành, đưa người vào và leo lên đến những đỉnh cao nhất của bộ máy đối phương, tận dụng và phát huy sức mạnh của các lực lượng đối lập... Đó là một bản thiết kế tổng hợp tài tình.
Nhưng từ sau khi thắng lợi vẻ vang trong chiến tranh, thì việc thiết kế một nước Việt Nam độc lập, thống nhất hòa bình lại gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Tuy lúc này các nhà thiết kế có một thuận lợi rất lớn là có uy tín rất cao trong nước và trên trường quốc tế. Với thuận lợi đó, nếu chọn con đường đi hợp lý thì chắc chắn có thể thành công lớn. Nhưng tiếc rằng bản thiết kế chưa được hoàn hảo, các mục tiêu ít tính khả thi, những ý tưởng cao xa thiếu những biện pháp thiết thực để thực hiện:
Tư tưởng chủ quan, say sưa với thắng lợi, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào khủng hoảng, trì trệ.”[2]
Đến thời kỳ đổi mới lại có một nhà thiết kế tài ba nữa là Trường Chinh. Lúc này Trường Chinh vừa có uy tín lớn, vừa có một cách nhìn đúng đắn để chuẩn bị những tư tưởng cơ bản cho Đại hội Đảng lần thứ VI và thuyết phục được mọi người.
Sau đó, chính những di sản của Đại hội Đảng lần thứ VI đã tạo ra cả một lộ trình tư tưởng để những người lãnh đạo tiếp theo hoàn thiện thêm, xử lý tiếp từng lĩnh vực, sửa đổi một loạt thiết chế kinh tế, dọn dẹp những chướng ngại vật của thiết chế cũ...
8. Nếu nhìn lại cả một chặng đường dài của lịch sử cách mạng VN, có thể thấy rằng ph­ương pháp tư­ duy tả khuynh, chủ quan, duy ý chí... đã từng dẫn tới nhiều sai lầm nghiêm trọng về kinh tế. Chỉ khi nào khắc phục được phư­ơng pháp t­ư duy đó, mạnh dạn sửa chữa sai lầm thì mới tạo được sức mạnh toàn dân và tạo được đà cho phát triển. Đó cũng là lúc Việt Nam đạt đư­ợc những thành công rực rỡ trong đấu tranh cách mạng cũng như­ trong phát triển kinh tế.
Thử điểm lại một số giai đoạn lịch sử, thấy rất rõ sự “đắp đổi” này:
Thời kỳ mới thành lập Đảng, xu h­ướng tả khuynh của Quốc tế III đã là một động cơ của Xô viết Nghệ Tĩnh và dẫn tới thất bại, lực lượng Đảng bị tổn thất nghiêm trọng. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc định h­ướng cho Đảng, phát triển đấu tranh công khai, lợi dụng mặt trận dân chủ Đông Dương để phục hồi sức mạnh của Đảng. Từ đó, Đảng lại phát triển.
Đến Nam Kỳ khởi nghĩa, lại một xu hư­ớng manh động, tả khuynh đã dẫn tới thất bại, lực l­ượng Đảng bị tổn thất rất nặng nề.
Bác về Pắc Bó, cũng vừa là lúc có chủ tr­ương khởi nghĩa non. Bác đã kịp thời ngăn chặn lại. Bác điều chỉnh lại đ­ường lối chủ trư­ơng, xây dựng mặt trận Việt Minh, sử dụng mọi lực l­ượng để phát triển phong trào cách mạng, mở các lớp học, phát triển phong trào tới mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng vùng giải phóng, không manh động, không nhấn mạnh nội dung giai cấp... Từ đó phong trào cách mạng phát triển rất mạnh và dẫn tới Cách mạng tháng Tám thành công.
Trong kháng chiến chống Pháp, với chủ trương của Bác là đại đoàn kết, đã huy động đ­ược s­ức mạnh toàn dân, không những kháng chiến thắng lợi mà kiến quốc cũng thành công.
Từ 1951 trở đi, xu hư­ớng tả khuynh lại có chiều phát triển mạnh nhờ sự tiếp sức của các chuyên gia bên ngoài. Kết quả là các phong trào chỉnh đốn tổ chức và cải cách ruộng đất đã làm cho Đảng ta và cách mạng chịu một tổn thất vô cùng nặng nề. Chính từ vấp váp đó, xu h­ướng tả khuynh lại tạm thời lắng xuống. Đến Hội nghị Trung ư­ơng lần thứ 10 và 11 năm 1956 thì Đảng đã nghiêm khắc phê phán xu hư­ớng tả khuynh này. Từ đó những vết th­ương của những sai lầm dần dần đ­ược hàn gắn, lòng dân lại yên, kinh tế dần dần phục hồi, hàng ngũ Đảng được củng cố.
Như­ng không bao lâu, xu hư­ớng tả khuynh lại tái phát. Những cuộc cải tạo ồ ạt đối với công thư­ơng nghiệp và nông nghiệp đã dẫn tới những khó khăn, sa sút.
Sau khi giải phóng miền Nam, đã từng có nhiều bộ óc suy nghĩ về việc duy trì một nền kinh tế nhiều thành phần, về kinh tế mở, về hợp tác quốc tế, về việc sử dụng các quan hệ thị tr­ường... Như­ng với Đại hội IV, xu hư­ớng tả khuynh, chủ quan duy ý chí lại ảnh hưởng đến các đ­ường lối và chủ trư­ơng. Cải tạo công th­ương nghiệp và nông nghiệp ồ ạt, vội vã... Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới những khủng hoảng và ách tắc, gây những thiệt hại rất lớn cho kinh tế kể từ 1977 trở đi.
Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đã đi đến cùng cực thì xu hướng tả khuynh bộc lộ rõ tính bất lực của nó. Những bộ óc khách quan, trí tuệ, tỉnh táo hơn đã cứu vớt từng mảng của nền kinh tế. Đó chính là những cuộc phá rào ở các cơ sở và phá rào trong cả đ­ường lối chính sách ở trung ư­ơng.
Nh­ưng từ 1983, xu hư­ớng tả khuynh lại trỗi dậy nơi này nơi kia, muốn gò lại nền kinh tế, tình trạng ngăn sông cấm chợ lại xuất hiện, cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp lại có xu h­ướng phục hồi.
Đến Đại hội VI, những khuyết tật của xu hư­ớng tả khuynh duy ý chí đã tạm thời lùi b­ước. Nhờ đó, kinh tế lần lượt đạt đ­ược những bước tháo gỡ rất căn bản.
Khi xem xét căn bệnh này, không thể chỉ quy về từng con người cụ thể, mà cần tính đến những hoàn cảnh lịch sử của sự hình thành đội ngũ cách mạng. Như ở trên đã dẫn lời nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Căn bệnh này có liên quan đến “nguồn gốc lịch sử là nước ta chưa trải qua giai đoạn dân chủ tư sản”, “tư tưởng phong kiến còn nặng nề”, “trình độ kiến thức, khả năng thông tin còn thấp kém”...
Nếu đọc lại cuốn Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản của Lenin thì thấy rằng không riêng ở Việt Nam, mà ở hầu hết những nước phải tiến hành cách mạng vô sản, những điều kiện đấu tranh khắc nghiệt với kẻ thù đã dẫn đến những đặc điểm chung của sự hình thành đội ngũ cán bộ: Thiếu điều kiện để được đào tạo một cách có hệ thống, thiếu cơ hội tiếp xúc với thế giới phương Tây ở những khía cạnh văn minh của nó. Ngược lại chỉ tiếp xúc nhiều với khía cạnh xấu xa của thế giới đó là áp bức dân tộc, bóc lột giai cấp, tù đày, tra tấn... Khi đã quen nhìn thế giới đó qua chấn song của những nhà tù đế quốc thì khó tránh khỏi những căn bệnh hẹp hòi, thành phần chủ nghĩa, thù ghét người giàu, cảnh giác với trí thức tư sản và trí thức nói chung, nghi kỵ tất cả những gì là của thế giới tư bản, nhìn ở đâu cũng thấy địch, thấy những âm mưu nguy hiểm...
Tính quy luật này có thể được kiểm chứng bằng phương pháp phản đề: Lại thử xét những trường hợp các nhà cách mạng đã từng trải nhiều năm tại thế giới phương Tây, hiểu thấu xã hội đó, giao tiếp với nhiều chính khách và trí thức của các nước đó, thì phong cách khác, tư duy khác, cách nhìn và cách ứng xử cũng khác, tự tin hơn, và nhờ tự tin hơn nên cũng ít mặc cảm, ít hẹp hòi và ít kỳ thị hơn. Do đó nguy cơ tả khuynh, chủ quan, duy ý chí cũng ít hơn. Lenin là như thế. Hồ Chí Minh cũng là như thế. Mà sự nghiệp đổi mới, trên một khía cạnh nào đó, chính là khôi phục lại những giá trị đích thực của Lenin, của Hồ Chí Minh, mà như Nguyễn Phú Trọng đã nói ở trên, không chỉ là tìm ra cái mới, mà cũng còn là lấy lại những cái đúng đã bị hiểu sai, làm sai.
 
[1] Trích theo Tố Hữu trong Nhớ lại một thời. Hồi ký, Nxb Hội Nhà văn, 2000, tr.280.
[2] Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới 1986-2006, đd, tr.38.
(*) Đây là toàn văn chương cuối, "Kết luận" của cuốn sách "Tư duy Kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989", NXB Tri Thức, Hà Nội 2008.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513401

Hôm nay

2187

Hôm qua

2315

Tuần này

21338

Tháng này

220274

Tháng qua

121356

Tất cả

114513401