Theo đó, các sinh viên thuộc đối tượng chính sách đều phải đóng 100% học phí tại trường sau đó làm thủ tục miễn giảm để được nhận lại khoản tiền đã đóng tại địa phương. Theo Thông tư 29 hướng dẫn thực hiện Nghị định 49 thì sau 15 ngày kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn giảm lên cơ quan chức năng thì gia đình chính sách sẽ được hoàn trả tiền học phí đã đóng cho con em mình. Quy định là vậy nên phía nhà trường thì thu triệt để còn địa phương ngược lại, thời gian đã trôi qua bằng nhiều lần 15 ngày, các gia đình chính sách vẫn chưa được nhận lại tiền vì lý do: chưa có nguồn. Việc bắt đầu từ thành phố Vinh…
Kiến nghị của một gia đình chính sách
Ngày 5/8/2011, chúng tôi nhận được đơn kiến nghị của ông Lô Văn Minh - thương binh ¼ - trú tại khối 11 phường Quang Trung, thành phố Vinh với nội dung như sau: “…Vợ chồng tôi có con là Lô Thị Thanh Hạnh là sinh viên lớp K54A, hệ chính quy khoa Luật khóa 2009 - 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm đầu nhập học con tôi không phải nộp học phí. Thế nhưng từ khi Nghị định 49 ra đời con tôi phải đóng 100% tiền học phí (đã nộp từ tháng 10/2010 đến nay). Sau khi nộp học phí, con chúng tôi được nhận biên lai nộp tiền, xác nhận của nhà trường. Chúng tôi đã làm đầy đủ thủ tục cần thiết và nộp lên cán bộ chính sách của phường Quang Trung từ tháng 3/2011 vậy mà đến nay chưa được nhận lại tiền đã đóng học phí cho con. Chúng tôi viết đơn này để nhờ quý báo kiểm tra giúp là con chúng tôi có được miễn giảm học phí hay không? Nếu vẫn được miễn giảm thì bao giờ được lấy lại số tiền đó? Chúng tôi cũng kiến nghị lên các cấp xem lại Nghị định 49 vì những quy định mới đó gây khó khăn cho những gia đình chính sách như chúng tôi. Không nộp tiền thì con chúng tôi không được nhà trường cho thi học phần mà nộp rồi thì không biết bao giờ mới được địa phương trả lại tiền. Cả hai vợ chồng tôi là thương binh nặng, nay đau mai ốm chỉ trông vào mấy đồng trợ cấp, vừa chi phí thuốc men, ăn uống lại chu cấp cho con nên rất khó khăn…”. Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Thông tư liên tịch số 29/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49 thì trường hợp con của ông Lô Văn Minh được miễn giảm 100% tiền học phí. Chỉ có điều trình tự miễn giảm là phải có đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn giảm có xác nhận của nhà trường và các giấy tờ liên quan… Về vấn đề này, vợ ông Lô Văn Minh - bà Bùi Thị Hòa (thương binh hạng ¾) thêm một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xin miễn giảm gồm: Đơn đề nghị miễn giảm học phí có xác nhận của nhà trường, sổ hưởng trợ cấp của cả hai vợ chồng và biên lai thu học phí của cả mấy đợt cháu Hạnh đã nộp. Những giấy tờ này chúng tôi in sao công chứng và nộp lên cán bộ chính sách của phường Quang Trung đã lâu nhưng vẫn chưa được nhận lại tiền. Hỏi thì cán bộ chính sách nói hồ sơ đã chuyển lên Phòng LĐTB&XH thành phố nhưng chưa thấy trả lời”. Ông Minh buồn bực: “Ngay từ khi cháu nói phải nộp học phí, chúng tôi đã gọi ra trường để hỏi và được họ cho biết quy định mới là thế, nhà trường thu, địa phương hoàn trả. Tôi thấy lạ kỳ cho Nghị định mới. Sinh lắm thủ tục nhiêu khê gây phiền nhiễu cho gia đình chính sách. Chúng tôi ở thành phố còn thế này, biết bao gia đình khác ở nông thôn miền núi thì ra sao…”.
Quá nhiều bất cập
Tìm gặp ông Nguyễn Xuân Phong - cán bộ chính sách phường Quang Trung, thành phố Vinh thì được biết, Nghị định 49 đã được triển khai thực hiện tuy nhiên nguồn kinh phí chi trả miễn giảm tiền học phí cho con em đối tượng chính sách chưa có. Ông Phong nói: “Sau khi các gia đình chính sách làm thủ tục đầy đủ, chúng tôi nộp lên thành phố để trên xét duyệt đối tượng. Phường Quang Trung có khoảng 50 đối tượng được xét duyệt nhưng đúng là chưa được chi trả. Tôi hỏi thì Phòng LĐTB&XH thành phố cho biết chưa có nguồn cấp bù tiền miễn giảm học phí cho con em đối tượng chính sách…”. Theo tìm hiểu, nguồn chi trả tiền trợ cấp học phí cho các đối tượng được miễn giảm học phí chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được cân đối trong dự toán sự nghiệp giáo dục hàng năm của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đối với những địa phương chưa tự cân đối ngân sách để thực hiện các chính sách cấp bù học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí thì sẽ được nhận ngân sách từ trung ương. Nghệ An chưa tự cân đối được ngân sách địa phương để chi trả, vậy nên phải tổng hợp nhu cầu cấp bù học phí của các đối tượng được miễn giảm ở tất cả các huyện, thành, thị để gửi ra Bộ Tài chính rà soát lại trước khi chuyển tiền về. Công tác tổng hợp, rà soát mất một khoảng thời gian khá dài. Vậy nên đến tận ngày 19/7/2011 Sở LĐTB&XH mới có Công văn số 1039 về việc: “Dự toán nhu cầu kinh phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP” gửi UBND tỉnh với tổng số tiền cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập của các huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh lên đến 144 tỷ 936.769.000 đồng. Theo cán bộ có trách nhiệm của Sở LĐTB&XH thì tổng số tiền được cấp mới được 74 tỷ đồng và đã được chuyển về cho các huyện, thành, thị chi trả khoản hỗ trợ chi phí học tập còn tiền cấp bù học phí thì chưa có. Hỏi đến bao giờ thì có khoản tiền cấp bù học phí?. Ông này cười khổ mà nói: Đấy là điều tôi cũng đang mong được giải đáp…
Có một thực tế là các gia đình chính sách có được mấy nhà kinh tế khá giả. Để cho con cái kiếm lấy mảnh bằng, họ phải chia món tiền trợ cấp máu xương ra làm mấy phần: nào thuốc men, nào ăn uống sinh hoạt của bố mẹ, nào ăn học của con… Để có tiền đóng học phí khẩn cấp cho con (vì không đóng thì kể như con họ sẽ phải nghỉ học), hầu hết họ đành giật gấu vá vai, thậm chí nhiều gia đình phải vay nóng chịu lãi suất. Vì vậy, ngày nào chưa được nhận lại tiền cấp bù học phí thì ngày đó họ còn kêu khổ là một điều dễ hiểu. Gia đình chính sách kêu khổ đã đành nhưng cán bộ thực hiện chính sách đủ mọi cấp cũng đồng thanh kêu khổ. Từ cán bộ chính sách của phường, xã, huyện, thành và thậm chí đến cấp tỉnh. Ai cũng nói Nghị định, Thông tư mới có vấn đề, thậm chí người còn nói toẹt ra: Nghị định 49 và Thông tư 29 là Nghị định “bốn chán”, Thông tư “hai chán”.
Ông cán bộ chính sách phường Quang Trung Nguyễn Xuân Phong nói: “Việc thực hiện Nghị định 49 rất mệt cho đối tượng thụ hưởng và những người làm công tác chính sách. Để được xét duyệt cấp bù tiền miễn giảm học phí, các đối tượng phải có đơn đề nghị được miễn giảm có xác nhận của nhà trường, có giấy khai sinh… biên lai thu tiền học phí. Mà biên lai thu tiền cũng không phải là cái để căn cứ mức miễn giảm mà lại căn cứ theo quy định có tại Nghị định. Từng ngành học, từng trường Đại học, cao đẳng, trung cấp… có những quy định khác nhau. Tiền cấp bù chưa có để trả thì khổ cho đối tượng được thụ hưởng rồi nhưng đến khi có để trả cũng sẽ sinh ra bức xúc vì có người nộp học phí thấp nhưng được hưởng mức cao, có người phải nộp học phí cao nhưng lại được hưởng mức thấp… Rõ ràng việc thực hiện Nghị định 49 đang gây lãng phí một khoảng thời gian rất lớn nhà trường và chính quyền các cấp từ xã, phường, huyện, thành, thị, tỉnh và rất phiền hà cho các đối tượng thụ hưởng. Theo tôi, nên có sự xem xét để có điều chỉnh Nghị định 49 sớm” . Ông Trần Quốc Thọ - Trưởng phòng LĐTB&XH thành phố Vinh thì: “Thành phố Vinh có trên 5000 đối tượng với kinh phí hỗ trợ trên 12 tỷ đồng. Thế nhưng mới chỉ được chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập còn phần cấp bù học phí chưa có nguồn nên chưa được chi trả. Nguồn cấp bù học phí thì cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa có mảy may thông tin. Mà việc chi trả muộn đợt này sẽ ảnh hưởng đến lần chi trả của đợt sau. Tôi thấy về vấn đề này Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH phải có ý kiến với Chính phủ vì cứ như thế thì rất khổ cho gia đình chính sách. Cứ đến mùa đóng học phí là họ phải chạy đôn chạy đáo. Họ rất là lo vì không đóng không được. Hãy hình dung thế này, các gia đình chính sách đã là đối tượng được miễn giảm thì họ làm gì có tiền để đóng. Chỉ khía cạnh đó đã thấy rất bất cập…”. Kế toán trưởng Sở LĐTB&XH Trần Phi Hùng cũng có ý kiến: “Qua thực tế, tôi thấy nội dung của Nghị định 49 thì tốt nhưng để quản lý, điều hành, thực hiện thì lòng vòng, luẩn quẩn. Đáng lẽ giao cho các trường thực hiện miễn giảm sau đó cấp nguồn về thẳng cho các trường đó thì tốt hơn”.
Bao giờ gia đình ông Lô Văn Minh cũng như hàng ngàn, hàng vạn gia đình chính sách được nhận lại khoản tiền học phí đã đóng cho con em mình? Những bất cập của Nghị định 49 rồi đây có được sửa đổi? Những câu hỏi này cần được các cơ quan cơ quan có thẩm quyền, các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng trả lời. Vì rằng, những gia đình chính sách - là những gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn nhất của xã hội - đang rất mong chờ!.
Ảnh: Thương binh ¼ Lô Văn Minh: “…lạ kỳ cho Nghị định 49. Sinh lắm thủ tục nhiêu khê gây phiền nhiễu cho gia đình chính sách”.