Nhân dịp Quốc khánh 2- 9, GS- TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) trao đổi với PV xung quanh câu chuyện xây dựng Nhà nước pháp quyền và việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới.
Nhân dịp Quốc khánh 2- 9, GS- TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) trao đổi với PV xung quanh câu chuyện xây dựng Nhà nước pháp quyền và việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới.
GS- TS Lê Hồng Hạnh. |
Dân chủ là mục tiêu tối thượng
Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên khẳng định việc xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ông có thể nói cụ thể về mục tiêu này?
Thực ra, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ trước khi nhà nước kiểu mới ra đời. Khi chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo Hiến pháp 1946, Bác Hồ đã cố gắng thể hiện sâu sắc những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền trong điều kiện của đất nước vừa thoát khỏi chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến.
Mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN chính là tạo ra một nền dân chủ thực sự. Dân chủ là nguồn tài sản, nguồn động lực vô cùng to lớn và không thể thay thế đối với sự phát triển của bất cứ đất nước nào. Chúng ta thử điểm xem trên thế giới này có đất nước nào phồn thịnh, giàu mạnh, bình đẳng mà không dựa trên nền dân chủ.
Bác Hồ định nghĩa dân chủ rất cụ thể và chính xác trong những bối cảnh khác nhau. Trong Hiến pháp 1946, mục tiêu dân chủ được thể hiện ngay trong tên nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Điều 1 Hiến pháp 1946 do Bác chỉ đạo biên soạn đã thể hiện mục tiêu dân chủ như sau: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Không hề có sự ngẫu nhiên trong thứ tự của từ “Dân chủ” trong tên nước. Đó là tuyên ngôn về mục tiêu của Nhà nước Việt Nam lúc đó. Không có nền dân chủ thì không thể có nền cộng hòa. Có được dân chủ thì có được tất cả. Ở khía cạnh này, nền dân chủ thực sự chính là mục tiêu tối thượng, mục tiêu cuối cùng của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Để hoàn thiện nhà nước pháp quyền, cần những yêu cầu gì, thưa ông?
Nói đến Nhà nước pháp quyền là nói đến nhà nước dựa trên pháp luật mà phải là pháp luật thể hiện ý chí của đại đa số nhân dân. Khó có thể coi là Nhà nước pháp quyền khi mà lãnh đạo Nhà nước có thể quyết những việc “động trời” chỉ dựa vào ý chí của cá nhân, của một doanh nghiệp hay một ngành, mà không tính đến các qui định của pháp luật.
Sẽ là nguy cơ nếu những quyết định gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và quyền tự do dân chủ của nhân dân được đưa ra không dựa trên cơ sở luật định và hiến định. Vì thế, xây dựng Nhà nước pháp quyền cần phải có ít nhất những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, phải xây dựng được một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, có khả năng hạn chế tối đa sự lạm quyền của cán bộ, công chức nhà nước, đảm bảo tốt nhất quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Thứ hai, phải có một hệ thống cơ quan Nhà nước gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, và tuân theo pháp luật, chỉ làm những việc mà pháp luật qui định và đặc biệt là biết vì dân và sợ dân. Một bộ máy Nhà nước nếu chỉ bao gồm các quan chức hoạt động và hành xử dựa trên tư duy “trị dân”, vì lợi ích riêng thì không có khả năng thực hiện dân chủ.
Thứ ba, trong điều kiện một Đảng cầm quyền, cần phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động của Bộ máy Nhà nước. Đảng hóa Nhà nước hay nhà nước hóa Đảng không thể giúp thực hiện những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Không thể “mài quyền lực” để tư lợi
Ông từng cho rằng, điều đầu tiên để đảm bảo dân chủ là bộ máy nhà nước và con người. Bộ máy nhà nước phải dân chủ để dân có quyền quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Còn nếu hô khẩu hiệu chung chung, những giải pháp chung chung thì không tạo ra được bước phát triển cho đất nước trong những năm tới?
Đúng vậy! Dân trao cho Nhà nước quyền lực. Nhà nước là hệ thống các cơ quan tổ chức với những con người cụ thể được lựa chọn để thay dân thực hiện quyền lực. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là quyền lực là thứ dễ làm con người tha hóa, đặc biệt những người đã nắm quyền lực lại càng dễ tha hóa hơn. Điều này càng dễ xảy ra khi thiếu sự kiểm soát hiệu quả cả từ bên trong Nhà nước lẫn từ bên ngoài xã hội.
Không thể để đất nước trong tình trạng hễ ai có chút quyền lực là cố tìm cách “mài quyền lực” để làm lợi. Ký duyệt dự án, ký cấp đất, ký quyết định bổ nhiệm cán bộ, xét xử, truy tố đều có thể bị “mài bán”. Dân sẽ như thế nào sau khi dự án được thực hiện, đất được cấp, cơ quan tổ chức được điều hành quản lý như thế nào nếu những cán bộ, công chức như vậy được bổ nhiệm.
Như vậy là cần có sự thay đổi trong phương thức điều hành, thưa ông?
Đúng vậy! Cách thức điều hành quản lý Nhà nước cần thay đổi ở nhiều phương diện. Không thể để tình trạng doanh nghiệp, cá nhân nào đó tiếp cận lãnh đạo xin “bút phê” hay “ý kiến chỉ đạo” thì cầm chắc dự án của mình được duyệt hay việc của mình được giải quyết, thậm chí không cần phải qua các bước thẩm tra, thẩm định mà pháp luật qui định.
Hậu quả ra sao thì những người đặt bút phê vào đó đâu hề chịu trách nhiệm. Chỉ có dân là khổ với những “lưu bút” như vậy thôi. Điều này có nghĩa là cán bộ, công chức vẫn quen làm việc với những qui trình “gia đình”, bỏ qua các qui trình luật định. Tham nhũng cũng từ cách thức điều hành như vậy mà ra.
Quan tâm đến niềm tin của dân
Muốn cải cách gì thì cuối cùng khâu quyết định vẫn là công tác cán bộ, thưa ông?
Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là gốc của công việc”. Con người là nhân tố quyết định và vì vậy phát triển nguồn nhân lực được coi đó là một trong 3 điểm đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, cách mà các cơ quan Đảng và Nhà nước ta tuyển chọn và sử dụng cán bộ cần thay đổi cơ bản mới có thể thực hiện được đột phá này.
Chính sách cán bộ hiện nay được xác định là chọn người tài đức. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc lựa chọn cán bộ khó đạt mục tiêu này. Quan hệ thân quen, tiền bạc đều có dấu ấn lớn trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong không ít các cơ quan, tổ chức Nhà nước, nhất là những nơi nắm giữ và có quyền phân phối các nguồn lực của đất nước.
“Không có niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, không có sức mạnh của nhân dân được tạo nên từ niềm tin đó thì không thể phát triển đất nước, không thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia” – GS- TS Lê Hồng Hạnh. |
Một điểm đáng ngại khác nữa cần nhận thấy là việc sử dụng cán bộ. Đừng bắt một con người gánh vác quá nhiều trọng trách. Có người hỏi tôi: “Ông nghĩ gì khi hiện nay trong Quốc hội có 38 doanh nhân?” Thật khó trả lời cho đúng song tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề sau: Không hiểu các doanh nhân sẽ kết hợp như thế nào vai trò của một đại biểu Quốc hội- một chính khách chuyên lo về xây dựng chính sách, pháp luật vĩ mô với vai trò của chủ doanh nghiệp mong muốn tối đa hóa lợi nhuận. Con số nêu trên đồng nghĩa với tính chuyên trách, chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội không được tăng cường.
Ngoài ra, niềm tin của dân đối với cán bộ hiện nay cũng có vấn đề. Muốn dân tin, Nhà nước cần có được những công chức biết gần dân, thương dân. Không có niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, không có sức mạnh của nhân dân được tạo nên từ niềm tin đó thì không thể phát triển đất nước, không thể bảo vệ được chủ quyền đất nước.
Vậy theo ông để cộng hưởng sức mạnh tổng hợp bảo vệ độc lập và chủ quyền ấy, chúng ta cần phát huy tối đa quyền của dân như thế nào trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới?
Đất nước đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn. Chủ quyền quốc gia có nguy cơ bị xâm phạm, nền kinh tế đang trong sự khủng khoảng, tham nhũng chưa được đẩy lùi, đời sống nhân dân xuống thấp. Giúp đất nước vượt qua những thử thách đó chỉ có thể là nhân dân được đoàn kết lại trong niềm tin đối với Đảng và Nhà nước.
Hiến pháp cực kỳ quan trọng nhưng không phải có Hiến pháp là có ngay sức mạnh tổng hợp và sự đoàn kết của cả dân tộc. Song với tư cách là cương lĩnh chính trị- pháp lý tối cao của đất nước, Hiến pháp có thể giúp phát huy tối đa quyền lực của nhân dân bằng việc tuyên bố quyền lực Nhà nước tối cao thuộc về nhân dân và tập trung ở nhân dân, tạo ra những cơ chế pháp lý thích hợp để nhân dân thực hiện quyền lực tối cao của mình.
Phải thấy rằng không có cơ quan Nhà nước nào là tối cao trước nhân dân cả. Các cơ quan quyền lực Nhà nước đều chỉ thực hiện những sứ mệnh khác nhau do nhân dân ủy thác. Vì vậy, Hiến pháp sửa đổi sắp tới cần phải qui định cả quyền phúc quyết, tức quyền quyết định của nhân dân đối với những vấn đề trọng đại của đất nước chứ không đơn thuần chỉ là trưng cầu dân ý.
Trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới cần gỡ hết những qui định có thể dẫn đến các hành vi mà về bản chất là vi hiến. Nói ngắn gọn thì Hiến pháp sửa đổi phải thực sự hướng tới những đảm bảo thực chất cho quyền tự do dân chủ của công dân.
Xin cám ơn ông!
Ngọc Tiến thực hiện
Nguồn: Tạp chí Pháp lý/Tienphong
2219
2315
21370
220306
121356
114513433