Tai nạn giao thông thường chỉ được nhắc tới trên báo chí khi xảy ra ở các trục đường lớn, người đi lại đông đúc, vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, chắc chắn là có người chết.
Còn theo lời Liên, một cháu giúp việc làm với gia đình tôi thì ở quê nó mấy năm trước, tai nạn như cơm bữa, gẫy chân sái tay là chuyện thường ngày, đi đâu chẳng nghe người kể.
Lại như nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Nông thôn đường có đông mấy vẫn là vắng so với thành thị. Mà nói tại người không có ý thức nghe cũng là chuyện xa xôi quá.
Khốn khổ, Liên bảo, cái chính là hồi ấy nhiều người có biết đi đâu, chỉ bảo nhau mấy câu là nhảy lên xe nổ máy, vừa gặp đám mấy con bò nghênh ngang rệ đường đã lúng túng không biết phanh hãm với lại về số thế nào.
Liều thế mà chỉ sứt đầu mẻ trán cũng còn phúc chán - ở tuổi mười tám, cái Liên cũng phải chép miệng như một bà già bẩy mươi.
Liên nói về chuyện đi lại của những người quê nó. Nhưng tôi muốn nghĩ rộng ra những trường hợp khác, cả tới cách làm ăn của dân mình hiện nay.
Như chính những người như cháu Liên đây, từ nông thôn lên, có biết gì đâu về cách sống đô thị. Nước máy mở tràn. Nước rửa nước giặt có gì thừa đổ xuống toilet. Ra đường thì dắt dây hàng hai hàng ba. Như giữa đường làng, chạy đuổi nhau hét inh ỏi trên phố xá.
Thiếu gì người như Liên chưa hiểu gì về cuộc sống thành thị đã phải sống kiểu thành thị, tránh sao khỏi lố bịch.
Một việc lớn như buôn bán phục vụ bàn dân thiên hạ cũng nghiệp dư một cục. Dạy nhau theo lối truyền khẩu mấy câu, không qua huấn luyện, đã phải ra bán hàng. Bao nhiêu lầm lỡ hư hỏng thất thoát. Bao nhiêu dối trá làm liều. Và cả bao nhiêu chấn thương trong lòng người - tôi muốn nói tới chấn thương tinh thần - cái phơi bày ra, cái chỉ tự biết với mình, chỉ quên đi là không nổi.
Nói rộng ra, bước vào một cuộc chuyển đổi mà không được chuẩn bị, cả cộng đồng đang sống kiểu nghiệp dư như vậy.
Đối với tôi, -- cũng như phần lớn các bạn cùng lứa và nhiều bạn trẻ ngày nay, chỉ được học ở các trường đại học Việt nam,-- tên tuổi những Platon, Aristote thường chỉ tượng trưng cho những điều rắc rối trừu tượng và có nhiều phần vô bổ.
Nhưng mới đây có dịp đọc Platon qua Câu chuyện triết học của W. Durant bản dịch ở Sài Gòn cũ mới in lại, tôi bắt gặp ở cái ông triêt gia thường bị gán cho cái tội tầy trời là duy tâm này, bao chuyện cụ thể có liên quan đến cuộc sống hôm nay.
Đối với công bằng xã hội, ông bảo trước tiên không phải là phân phối bình quân mà là mỗi người nhận được đúng cái gì mình đã làm ra và làm công việc thích hợp với mình nhất.
Một người thợ mộc đi làm việc thợ xây, một công nhân hoặc nhà buôn lại đi đăng lính hoặc thành một người có quyền thì sẽ trở thành tai họa cho cả xã hội.
Một chỗ khác ông nêu cái ý rằng đối với việc nhỏ như việc đóng giày, làm bánh, người ta còn cần tìm những người thợ chuyên môn, tại sao trong lĩnh vực có quan hệ rộng lớn hơn, là quản lý xã hội — tức việc cai trị một cộng đồng một quốc gia -- người ta tưởng ai cũng làm được.
Nghe đúng quá mà lại toàn là chuyện chúng ta không biết, không muốn biết và hơn thế nữa đang làm ngược.
Chúng tôi là lớp người được đào tạo từ chiến tranh.
Mà chiến tranh là gì? Là đi bất cứ đâu thực tế đang cần. Là cấp trên bảo sao làm vậy. Là không cần chuyên môn năng khiếu gì cả.
Phải nói thực là hồi ấy chúng tôi đã biết sẽ khó tìm được chỗ đứng trong xã hội tương lai. Thứ dao gì mà vừa chẻ củi được vừa chẻ rau được, thì chẻ rau cũng dở mà chẻ củi cũng gẫy luôn - lúc tỉnh táo, có người trong bọn, nhờ biết nhìn xa, đã tự nghĩ như vậy.
Nhưng học ở đâu bây giờ, có thầy đâu mà học, và nhìn quanh chả ai chịu học cả, thì mình cũng nản luôn.
Sau 30-4-1975 vào Sài Gòn ít ngày , tôi nghe một bà cô đằng nhà vợ bảo:
- Kỹ sư bác sĩ ngoài Bắc người nào cũng biết nấu cơm với lại trông con, việc nhà đến khéo, không như cái bọn tốt nghiệp đại học trong này.
Biết mới tiếp xúc nên bà chưa hiểu đây thôi, để cô đỡ thất vọng, tôi phải thú nhận ngay:
- Rồi cô xem, nay mai chúng con kỹ sư không thạo việc, bác sĩ không sạch nghề, và mang về rất ít lương, thì cô đừng có mắng đấy nhé.
Thoắt cái đã mấy chục năm, chúng tôi tỏa đi bao công việc, chia nhau nắm đủ mọi ngành nghề, không biết lạ cái gì, thì lẽ tự nhiên cũng không việc gì gây cho chúng tôi nỗi sợ.
Vốn dân đánh đồn diệt viện, học phổ thông qua loa, học đại học tại chức, học sau đại học theo kiểu nộp tiền cho thầy xin bằng, ấy vậy mà có người đang nắm những công ty lớn, mua bán tiêu pha bạc tỉ, chịu trách nhjệm về sinh mạng và cuộc sống cả hàng triệu dân.
Cờ đến tay ai người ấy phất, gặp việc gì cũng chỉ tự nhủ phải làm dấn tới, cố là được. Tôi nghiệp dư, anh nghiệp dư, nó cũngnghiệp dư nốt, chẳng phải những khi tỉnh táo, chúng ta vẫn nói với nhau thế sao?
Thì so với cánh dân nông thôn ra đô thị như cháu Liên nói ở trên có khác là mấy?
Từ góc độ của những người từ chiến tranh bước ra, cái tội không thạo việc thạo chuyên môn chỉ là chuyện nhỏ, đánh nhau khó bằng mấy còn làm được, nữa là quản lý kinh tế, cứ quyết tâm và có kỷ luật là hoàn thành tất.
Chẳng những hồi ấy mà cho đến hôm nay, vẫn có người nghĩ thế.
Lúc đầu là một sự tự động viên. Sau nữa là một kiểu cãi chày cãi bửa, che giấu cho việc thả lỏng mình làm bừa , sẵn sàng tranh giành địa vị và tham ô kiếm chác.
Nhớ có hồi có cả chủ trương phá rừng trồng sắn, nhắc lại mà vẫn nhói trong lòng.
Biết đâu lúc này cũng đang có những việc được làm một cách nghiệp dư tương tự, để rồi sang năm, sang năm nữa nhìn lại, cùng thấy nhói lòng tương tự?!
Nhưng còn tỉnh táo đã là may!
Lại không thiếu người, năm quyền một thời gian, quen thói ra lệnh. Mà lệnh vừa ban là cấp dưới sai đúng thế nào cũng răm rắp tuân theo. Thế là tưởng mình giỏi thật, khinh thường hết các chuyên gia.
Đối với các ông bạn thường hành xử theo kiểu này, có ngu mấy thì bọn tôi cũng không bao giờ dám nhắc nguồn gốc nghiệp dư của anh ta nữa. Chỉ đành nhủ thầm có phải riêng bạn mình đổ đốn thế này đâu, mấy chục năm nay cả nước quen nghề chinh chiến, có ai chịu học nghề, có ai làm ăn theo chuẩn theo mực.
Sự nghiệp dư hóa vẫn ngày ngày diễn ra trên diện rộng và có những biến dạng theo những chiều hướng kỳ cục .
Điều đáng sợ nhất của tình trạng nghiệp dư hóa hiện nay, là ở một số người, nó đã ăn vào thành một quan niệm chi phối cả tư tưởng lẫn hành động. Kiêu ngạo càn rỡ. Dương dương tự đắc.Tự thấy mình chúa tể thiên hạ. Khinh rẻ trí tuệ. Quy luật nào cũng bất chấp hết.
Một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Công Hoan mang tên Người vợ lẽ bạn tôi. Truyện viết về Huệ, vợ lẽ của một người bạn tác giả là Quý. Lúc đầu, lấy Quý trong cảnh gượng gạo chót thì phải chét, thôi thì đành nhận vai vợ lẽ con thêm, Huệ tỏ ra rất nhút nhát. Nhưng lần lần Huệ thao túng người chồng nhu nhược, ghen ngược lên cả người vợ cả, và nắm quyền sinh quyền sát trong gia đình, đến mức nhân vật xưng tôi trong truyện cảm thấy thế là người bạn xưa nay không còn là chính anh ta nữa .
Cuối truyện nhân vật xưng tôi này đưa ra một khái quát:
-- Tôi biết Quý không còn khi nào để có thể đi chơi với tôi. Vì cả đến cái tự do của anh cũng bị cô vợ lẽ chiếm nốt. Hẳn từ nay, tự nhiên hoàn toàn anh bị tước quyền làm chủ nhân ông.
Thì ra ở đời, mỗi khi nước nọ xâm chiếm nước kia, cuộc chinh phục về mặt kinh tế về mặt chính trị, cũng đi dần dần từng bước nguy hiểm như vậy.
Tôi đã thấy bao nhiêu ca thế rồi.”
Sự lấn lướt của thói nghiệp dư hôm nay và những biến dạng của nó ,t heo tôi, là rất đúng cái lô gích tiếm quyền và lên ngôi của người vợ lẽbạn tôi mà Nguyên Công Hoan đã mô tả.
Đã in TBKTSG 7- 2008, dưới nhan đề Tôi nghiệp dư anh nghiệp dư nó cũng nghiệp dư
và in lại trong Những chấn thương tâm lý hiện đại, Nxb Trẻ,,2009
Phần cuối mới bổ sung thêm 3-9-2011 Nguồn:vuongtrinhan blog