Cuộc sống quanh ta

Một người "lính ngự lâm" đã ra đi (Thương tiếc thầy Cao Vũ Trân)

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày mùng 7 tháng 9, tức ngày 10 tháng 8 âm lịch, đang ngồi trước màn hình xem chương trình thời sự của TTXVN về những kí ức 10 năm khủng bố tòa tháp đôi tại New Yook, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại của Nguyễn Thu Thủy, giảng viên nhóm văn học Nga :

-   Anh Hinh ơi, anh đã nghe tin gì chưa?, giọng nói của Thủy qua điện thoại nhưcó vẻ nghẹn ngào khiến tôi có cảm giác như có một điều gì đó không lành xảy ra. Tôi hỏi Thủy:
-   Gì vậy em, nói nhanh lên xem nào. Thủy trả lời:
- Vậy anh chưa nghe tin gì thật à? Anh Trân, Cao Vũ Trân bị mất rồi anh ạ, lúc 1 giờ 30 chiều nay.
Rõ ràng, Thủy nói với tôi là Trân, Cao Vũ Trân mất lúc 1 giờ 30 chiều nay, có nghĩa là chỉ vừa cách đây một tiếng rưỡi. Và rõ ràng là, thật lòng trong cuộc đời của mình, tôi chưa có quen biết với bất cứ ai, ngoài Cao Vũ Trân ở khoa Văn. Rõ ràng Trân, Cao Vũ Trân là đồng nghiệp của tôi ở nhóm văn học Pháp khoa Văn học từ hơn 30 năm nay, vậy mà khi nghe Thủy thông báo thông tin sững sờ này, tôi vẫn không tài nào tin được đó là sự thật. Tôi hỏi lại Thủy:
- Trân nào hả em? Em nói Cao Vũ Trân nào? Thủy trả lời tôi:
- Cao Vũ Trân nhà mình ấy. Em không tin được anh ạ. Em nhận được thông tin này từ chị Nguyễn Thu Hương, văn phòng khoa. Chị Hương nói anh Đoàn Đức Phương thông báo cách đây mấy phút. Em không tin nên đã gọi điện lại hỏi anh Phương, nhưng anh ấy không nhấc máy. Anh ơi, hay là anh thử hỏi cô cháu của anh Trân chỗ L’Espace xem sao. Em sốt ruột quá. Em không nghĩ đó là thật anh ạ.
Giọng Thủy có vẻ rất buồn bã, khẩn thiết. Tôi bèn nói với cô là hãy ngắt máy đi, tôi sẽ hỏi và báo lại thông tin chính xác sau. Tôi không gọi cho Nguyệt, cô cháu Trân ở trung tâm L’Espace, mà gọi ngay cho chủ nhiệm khoa Đoàn Đức Phương. Nghe tiếng tút dài và đầu kia là giọng Phương nghẹn ngào xác nhận đó là thông tin chính xác. Về sau đó tôi mới được biết cùng thời điểm này có nhiều cú điện thoại xác nhận tin từ anh, nhưng anh không nghe máy. Hóa ra là trong khoảng thời gian Cao Vũ Trân đột quỵ tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đoàn Đức phương cũng phải đưa vợ đi cấp cứu vì một tai biến hi hữu và bất ngờ: cổ tự nhiên cứng ngắc lại, và đôi mắt thì bị lồi ra. Có thể vào điểm ấy, một cơn gió độc lướt qua khu vực Kim Liên, Trung Tự, Đào Trọng Tấn...và những vùng ven Hà Nội, mà những người không may mang sẵn trong mình một căn bệnh mãn tính, tim mạch hoặc thần kinh, sẽ bị quạt đổ bất ngờ.Tôi vẫn nhớ cái buổi chiều ngày 7 tháng 9 khủng khiếp ấy. Tiết trời đã vào thu mà không khi oi bức ngột ngạt đến kinh người. Cách đây 4 năm, cũng vào khoảng thời gian này, ngày 5 tháng 9 năm 2009, tôi nhớ đó là vào những ngày học sinh trên cả nước tựu trường, giáo sư viện sĩ Phan Cự Đệ, thầy giáo của chúng tôi và rất thân với Cao Vũ Trân bị quật ngã cũng vì căn bệnh ấy. Nhưng thầy Phan Cự Đệ ra đi khi đã bước qua tuổi 70. Và tôi nhớ lại rằng, khi bị đột quỵ ngay tại phòng làm việc của mình, khu phố Thái Hà nơi thầy ở bị tắc đường. Xe cấp cứu đã không kịp đến đưa thầy đi bệnh viện. Còn Cao Vũ Trân, hình như anh đã “lắng nghe được cơ thể” của mình. Tôi nghe mọi người kể lại, vài hôm trước đó, anh thấy mình mệt mỏi, tức ngực. Vợ anh Phạm Thị Hoàng Ánh giục anh đi bệnh viên kiểm tra sức khỏe xem thế nào. Vợ con anh chắc không ai ngờ rằng, hình như con tim của người đàn ông trụ cột gia đình đã có vấn đề. Nhưng chính Cao Vũ Trân lại chưa bao giờ mình có chuyện đó. Bằng cứ là, mấy năm vừa rồi, trường đều có tổ chức khám bệnh thường kỳ cho giáo viên, mọi người ai cũng lo lắng thu xếp kiểm tra sức khỏ của mình. Còn anh thì không. Cũng có thể, tự “lắng nghe trái tim mình”, anh chưa bao giờ nghĩ rằng nó có chuyện. Trong suốt hơn 30 năm làm việc cùng anh, tôi chưa bao giờ nghe anh nói đến căn bệnh này. Hồi tháng 11 năm 1987, tôi, anh Phan Quý Bích và anh cùng có chuyến đi Pháp với nhau. Vì một trục trặc nhỏ, anh đi sau tôi hai tuần. Tôi và anh Bích bay chuyến trước. Trước khi xuống Grenoble, tôi được bệnh viện Pháp kiểm tra và phát hiện tôi bị rối loạn thần kinh tim nên phải ở lại Paris điều trị vài ngày. Tôi tin rằng, cho đến lúc này, trái tim yếu ớt của tôi chưa bao giờ là ổn cả. Nhưng tôi vốn là người sợ bệnh viện. Biết rõ căn bệnh của mình, tôi cũng chỉ còn cách duy nhất phòng tránh là tự điều hòa trong cuộc sống hàng ngày, không ghét ai, dĩ hòa vi quý, không dám xô bồ. Cho đến bây giờ, tôi không dám khẳng định cái con tim có dấu hiệu bệnh tật của tôi sẽ còn trụ được đến lúc nào. Chỉ biết đến lúc này thì nó vẫn còn ổn. Còn Cao Vũ Trân, con tim của anh chưa bao giờ bất ổn. Hoặc nữa, chưa bao giờ chúng tôi, những đồng nghiệp của anh nghe nói nó bất ổn bao giờ. Tôi biết về thể chất, Trân là một con người khỏe mạnh. Hơn ba mươi năm nay ở cùng anh, tôi chưa bao giờ nghe Trân phàn nàn về bệnh tật, cũng ít khi thấy anh ốm vặt. Còn nếu cứ nhìn vào nhân tướng, chẳng ai lại có thể tin anh ra đi dễ dàng như thế. Mà lại gục vì một cú nhồi máu cơ tim. Một sự trớ trêu, cú nhồi máu ấy lại không quật anh ở nhà, hoặc giống như thầy Phan Cự Đệ, bị quật ở nơi không có phương tiện y tế cứu chữa. Anh bị đổ ngay tại trung tâm bệnh viện Đại học Y Khoa...Đó là điều khiến cho nhiều người khi nghe cái tin xấu về anh đều không tin đó là sự thật. Bản thân tôi, tôi vẫn cứ mãi ám ảnh điều đó. Quả là nếu biết mình bị tim mãn tính, hẳn hôm đó anh đã yêu cầu mọi người đưa mình đến Bệnh viện Bạch Mai, chuyên khoa tim, ở đó có những bác sĩ chuyên khoa và thiết bị y tế xịn nhất, chứ không phải bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tôi cũng được nghe kể lại, ngay cả khi đến bệnh viện rồi, đã được bác sĩ kiểm tra, thấy tim anh có một chút vấn đề, bác sĩ đã đề nghị anh ở lại để theo dõi tiếp.Lúc đó hình như đã vào giờ ăn trưa. Con gái anh, Minh Châu chạy ra ngoài mua cho bố suất cơm trưa dùng tạm, anh vẫn vui vẻ nói với mọi người rằng, cứ về đi, anh không có vấn đề gì đâu. Vậy mà chỉ mấy phút sau, cơn nhồi máu dội lên bất ngờ đã làm con tim bình thường rất khỏe mạnh của anh, vỡ nát. Tôi không phải là người đầu tiên, duy nhất khi nghe tin sự ra đi của anh chìm ngập trong những nỗi nghi ngờ. Phải đến khi nhận nhiều cú điện thoại của đồng nghiệp, bạn bè,  nghe mọi người lặp lại câu hỏi giống mình: “Trân nào? Sao lại như thế được? Mọi người có đùa không đấy?”, tôi mới lờ mờ hiểu được tấn bi kịch. Ở cái tuổi ngoài 50 như Trân và tôi, và ai cũng thế, “ngũ thập tri thiên mệnh”, ai dám đoan chắc rằng, bệnh tật đến bất ngờ có thể quật ngã mình bất cứ lúc nào. Nguyễn Bá Thành gọi điện cho tôi trong giọng nghẹn ngào và cứ nhắc đi nhắc lại một câu “gàn gàn” rất quen thuộc của anh: “Sao lại thế được! Không thể như thế được!”. Cô Lê Hồng Sâm khi được tôi gọi điện báo tin cũng nghẹn ngào trong điện thoại rằng: “Sao lại thế được em, Trân còn trẻ và khỏe thế cơ mà?”. Nguyễn Huy Hoàng từ nước Nga xa xôi ngay lập tức đã biết tin. Trong mail gửi qua tôi chia buồn với người thân của Trân, Hoàng viết: “Biết tin Cao Vũ Trân mất mình thật sự bàng hoàng. Nhờ Hinh chuyển lời chia buồn của mình tới Ánh và gia đình Trân. Đến viếng Trân thắp hộ mình một nén hương. Bộ môn văn học phương Tây của chúng ta lại có một khoảng trống vắng trong ký ức”...
*
Ba "người lính ngự lâm" từ trái qua phải: Trần Hinh, Phan Quý Bích, Cao Vũ Trân và
thầy Jean Dupcb, ĐH Paris 7, năm 1988
Quả thật, nếu nhìn nhân tướng, không ai dám tin Trân lại có thể đoản mệnh như thế. Thì vẫn biết, sống giữa cuộc sống hiện đại đầy rẫy những bất trắc này, không ai có thể lường trước điều gì. Hàng ngày, vào mạng, đọc báo tôi biết có hàng trăm cái chết khác nhau, bất ngờ, vô lý, không thể tin được. Nhưng sao tôi vẫn không chấp nhận nổi sự ra đi đột, phi lý của đồng nghiệp Cao Vũ Trân. Sao một người khỏe mạnh, với khuôn mặt vuông chữ điền, to, tai cũng to và dày, nhìn gương mặt anh, cứ như “mặt phật” sao lại đoản mệnh như thế? Không tìm được lý do xác đáng lý giải cái mất đột ngột của Trân, tôi cố tìm một lý do khác cho “thuyết phục” hơn. Tính cả tuổi âm, Trân năm nay bước vào tuổi 57, năm tuổi, không ít người đã ra đi vào cái năm quái ác này. Cao Vũ Trân sinh ngày 21 tháng 3 năm 1955, tuổi mùi, cái tuổi ai cũng đều tin rằng có cuộc sống an nhàn, sung sướng. Cứ nhìn vào cuộc sống của Trân, tôi nghĩ điều đó không có gì sai. Anh sinh ra trong một gia đình cán bộ trung lưu, bố là trưởng phòng quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa Nam Định, tất nhiên không giàu có gì, nhưng so với nhiều người trong khoa, anh hoàn toàn có đủ điều kiện để tạo được một cuộc sống tốt. Khi còn nhỏ, Trân được ăn học bài bản. Gia đình anh tuy không giàu nhưng tôi biết hồi phổ thông, Trân được ăn học bài bản, đàng hoàng. Nhờ sự thông minh hơn người, anh luôn là một học trò xuất. Tôi vẫn còn giữ được bản sơ yếu lý lịch do chính tay anh khai thời làm giấy tờ đi Pháp, nên được biết các năm học lớp 4, lớp 7, lớp 10, anh đều đoạt giải nhất kì thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục. Học hết cấp 3, anh thi đậu đại học Bách khoa, nhưng hết năm thứ nhất thì chuyển sang học Tổng hợp Văn. Hình như văn mới là sở trường thực sự của anh. Thông minh, sáng láng, chọn được đúng ngành học sở thích, quả nhiên học xong anh được giữ lại trường. Chỉ mấy năm sau, anh đã có dịp cùng những đồng nghiệp trẻ, trong đó có tôi du học tại Pháp. Ở thời điểm đó, những giảng viên đại học tìm được suất học bổng Pháp còn là rất hiếm hoi.  Vậy nên, tôi nghĩ cái vận tuổi mùi của anh mà mọi người đoán là gặp nhiều may mắn là hoàn toàn đúng. Về vật chất, gia đình bé nhỏ hiện nay của anh tuy không thuộc hạng giàu có, nhưng cũng được xếp vào hàng khá giả.  Trân hay nhắc đi nhắc lại với nhiều người rằng, cái tuổi mùi của anh là “thân cư thê”, nghĩa là sống phụ thuộc vợ. Vợ ở đâu thì mình ở đó ở. Trân tin vào điều đó tuyệt đối như người ta tin vào Chúa. Còn tôi, tôi nghĩ rằng, cũng chả phải anh tuổi mùi mới “thân cư thê”. Ai làm cái nghề giáo viên như chúng tôi lại không “thân cư thê” cơ chứ. Trân có cái may, vợ anh, chị Ánh, làm ở Petrolimex, hẳn nhiên thừa sức để “bao” một anh giáo quèn như Cao Vũ Trân. Cũng có thể vì luôn tin vào cái vận “thân cư thê” của mình, trong cuộc sống và trong công việc suốt những năm giảng dạy ở khoa Văn của anh luôn luôn bình lặng. Hoặc cũng có thể anh không thích mình dậy sóng. Anh không đòi hỏi và tranh giành với ai bất cứ điều gì. Thậm chí cả cái quyền được dạy, hơn ba mươi năm nay anh vẫn chỉ đảm nhận duy nhất một giáo trình 30 tiết, không hơn không kém. Cũng có lúc, nhìn anh làm việc chuyên môn, chúng tôi thấy tiếc cho anh, một người thông minh và có điều kiện, đáng ra phải cống hiến được nhiều hơn nữa. Nhưng biết thế nào khi chính anh luôn xác định đấy là sự lựa chọn của anh. Anh vui vẻ với sự lựa chọn của mình. Gặp anh ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, không ai lại có thể buồn rầu. Cuộc đời với anh cứ nhẹ tênh tênh ngay cả khi nó không hề nhẹ. Anh vẫn thường đùa với chúng tôi rằng thân phận một thằng đàn ông như anh chẳng khác nào một “ôsin đực”. Anh rất chịu khó trông coi con nhỏ cho vợ toàn tâm toàn ý kiếm tiền nuôi gia đình. Gần đây, anh khoe với mọi người vợ chồng anh đã mua được một căn hộ cao cấp ở khu Mỹ Đình, khu nhà ở hiện nay nhiều người mơ ước có được. Tôi thỉnh thoảng nói đùa là sao anh không chuyển ra đó mà ở cho sướng, ở mãi cái khu Kim Liên chật hẹp thì “chán mớ đời”. Anh tâm sự, thì “thân cư thê” mà, cái nhà ở Kim Liên tuy chật chội nhưng lại có nhiều lộc. Anh đã nhường cho vợ chồng đứa con gái lớn ở căn hộ Mỹ Đình. Thậm chí mấy hôm chấm thi, anh còn tranh thủ đôn đáo đến đó để xem người ta sửa chữa, tu bổ căn hộ như thế nào. Dù không đến đó ở, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được nhìn thấy vợ chồng đứa con gái hạnh phúc. Căn nhà vợ chồng anh cùng cô con gái nhỏ ở hiện thời khu Kim Liên, dù chật hẹp, nhưng hình như anh vẫn yêu nó lắm.  Anh cố tìm ra cái lý để yêu mến những cái có được của mình. Và anh lập luận, dù ở “xóm Kim Liên”, nhưng nhà anh vẫn tọa lạc ở bên kia sông Tô Lịch. Anh đùa dân Mễ Trì chúng tôi là những kẻ sống ngoài sông Tô Lịch, dân “làng Mùi” (hình như là cái tên làng của AQ của Lỗ Tấn thì phải), không phải Hà Nội “thứ thiệt”. Nghe anh lập luận thấy đôi chút buồn cười, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui. Hà Nội bây giờ rất rộng, bên kia sông Tô Lịch có khi lại là khu đẹp nhất Hà Nội bây giờ. Vậy mà trong suy nghĩ “tếu táo” của anh, vẫn cứ không phải là Hà Nội gốc. Cũng như (tôi nhớ), hồi mới ở Pháp về, cái ti vi Philip màu 21 inche anh mua được từ bên đó là “xịn” nhất; cái xe máy DD màu đỏ chói cũng nhất...vân vân và vân vân.  Nghe anh khẳng định vậy, ai cũng cười, nhưng không ai giận anh. Ở khoa Văn nếu cứ giận Cao Vũ Trân thì chắc phải giận cả đời. Vì anh “tếu táo”, “bộc tà bộc tuệch”, gặp mọi người là giành lấy nói từ đầu đến cuối. Anh giống hệt một chiếc máy phát và thu, nếu không tắt thì cứ ra rả suốt ngày. Những thông tin anh nhận được và truyền đi thì nhanh và nhiều vô kể. Cũng có tin đúng tin sai. Anh không giữ lại nó trong lòng mình bao giờ. Cũng chả có bộ lọc nào trong những thông tin được anh phát ra. Ngay cả trong những dịp chấm thi tuyển sinh đại học hàng năm, là dịp khoa tập trung đông đủ nhất, không ít người vì phải tập trung vào việc chấm thi nên không góp chuyện bao giờ, nhưng hễ cứ có sự xuất hiện của anh thì chuyện lại râm ran như pháo. Khoa Văn dường như đã có thói quen mỗi dịp chấm thi không thể thiếu những câu chuyện tếu táo của anh. Những câu chuyện anh kể thường làm không khí chấm thi “nghiêm túc” hơn và năng suất chấm cũng cao hơn...Cao vũ Trân là như vậy. Có lẽ vì vậy, khi nghe tin sự ra đi bất ngờ của anh, ai cũng đều bùi ngùi thương cảm. Chúng tôi không biết bao giờ thì khoa Văn mới quen được dần việc không có anh ra vào ở cái địa chỉ quen thuộc thân thương này...
*
Vậy mà “người lính ngự lâm” ấy đã ra đi. Bây giờ tôi mới xin được giải thích cái biệt danh có vẻ là lạ này. Về người lính ngự lâm, tôi tin rằng dân khoa Văn không ai là không biết. Chính tôi là người viết chương Dumas trong bộ Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XIX của bộ môn Văn học Pháp do cô Lê Hồng Sâm, đồng thời cũng là cô giáo đỡ đầu của Cao Vũ Trân phụ trách. Cái tên này thực ra cũng không phải do chúng tôi, nhóm giáo viên trẻ bộ môn văn học Pháp tự gán cho mình. Mà đó là cái tên của các thầy cô giáo trường Đại học Paris 7 đặt cho. Tôi không nhớ người đầu tiên nghĩ ra cái tên này là ai: Nicole Mozet, Guy Roza, Jean Dupeb, F.Marmande hay Grojnovski? Nhưng hồi đó, cách đây hơn 20 năm rồi, nhóm văn học Pháp rất thân thiết với khoa STD của Paris 7, vẫn thường xuyên trao đổi giao lưu giảng viên qua lại. Chúng tôi thì được sang Pháp tu nghiệp, các thầy cô của Paris 7 thì sang Việt Nam thỉnh giảng. Chúng tôi sang Pháp thì ok, như một người nhà quê ra tỉnh, mê tít, không có vấn đề gì. Còn các thầy cô Pháp, cứ mỗi lần sang Việt Nam, cô Sâm, cô Hạnh, thầy Hiểu, thầy Khỏa thường hay “cắt cử” chúng tôi, đèo xe máy các thầy đi khắp các phố phường Hà Nội. Phải nói rằng, ở thời điểm cách đây hơn 20 năm, ở Hà Nội, để có được chiếc xe máy dù chỉ “tàng tàng” cũng không hề dễ. Nhưng chúng tôi, “ba chàng lính ngự lâm” Phan Quý Bích, Cao Vũ Trân và tôi (về sau có thêm ngự lâm Đào Duy Hiệp), ai cũng đều được sở hữu riêng một chiếc xe máy cũ của Nhật, mà chúng tôi tậu được thời du học ở Pháp. Tôi còn nhớ một lần tôi và Cao Vũ Trân còn đèo bằng xe máy hai vợ chồng Grojnovski xuống tận làng Lim, nghe hát quan họ và ăn cơm với những người nông dân ở đây. Thầy Marmande, ngoài vị trí giảng dạy ở trường Paris 7, còn là phóng viên kiêm nhiệm của báo Le Monde, nhờ có những cuộc dạo chơi bằng xe máy với chúng tôi mà khi về Pháp đã viết một cuốn sách có nhan đề “Mémoire du chien”, trong đó có nhắc đến một chi tiết rất thú vị là, có lần đã thử ngồi sau xe máy của Trân dạo phố phường Hà Nội, ông đếm được trong một phút “chàng lính ngự lâm” này bấm còi xe máy tới 17 lần. Những kỷ niệm đáng yêu của một thời gian khó tôi không thể nào quên được. Ngày ấy, chúng tôi không gán cho ai (Đào Duy Hiệp, Phan Quý Bích, Cao Vũ Trân hay tôi), cái tên cụ thể nào của các chàng lính ngự lâm: Athos, Pothos, Aramis hay D’Artagnan. Điều đó không có gì quan trọng. Thế nhưng, tôi, anh Bích và Trân chắc chắn là ba chàng ngự lâm gốc. Hiệp là ngự lâm D’Artagnant có mặt sau cùng. Hiệp không học cùng chúng tôi ở Tổng hợp Văn mà anh tu nghiệp ở Roumanie về. Trong bốn chàng lính ngự lâm, có lẽ Trân là người ít tuổi nhất, nên cũng nhanh nhẹn nhất. Trân có trí nhớ tuyệt vời, đặc biệt về khả năng nhớ phố phường. Về tài nhớ đường, nhớ phố, nhớ tên sinh viên, tôi tin không có thầy cô giáo nào trong khoa Văn vượt qua được anh. Chúng tôi đôi lúc rất buồn cười khi nghe anh vanh vách kể về lý lịch, tính cách, hình dáng của một cô cậu học trò nào đó mà anh chỉ có dịp gặp đôi lần. Tôi nhớ hồi ở Paris, cứ mỗi lần có việc đi đâu, đều nhờ Cao Vũ Trân đi cùng. Anh có thể nhớ và biết cách cắt một góc đường nào gần và tiện nhất đến nơi cần đến. Chúng tôi mệnh danh anh là cái “loa phát ngôn” của khoa Văn. Anh giống như một chiếc máy nhận và phát tin tức hàng ngày cực nhậy. Anh biết hôm nay ở Hà Nội diễn ra những sự kiện gì; ai sắp được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề bạt lên chức Bộ trưởng; ai sẽ sắp bị “mất ghế”,vân vân và vân vân. Những khi chúng tôi tranh cãi với nhau về điều gì mà không tìm được tiếng nói chung, cuộc tranh cãi đang đến hồi bế tắc, có ai đó nói “Trân nó bảo thế” thì dù đúng hay sai cuộc tranh luận sẽ ngừng ngay tắp lự. Cao Vũ Trân cởi mở và tận tụy với tất cả những ai cần nhờ đến mình. Ngay cả với sinh viên, là một thầy giáo, anh cũng không bao giờ có sự ngăn cách. Những ai mới gặp anh lần đầu, nhất là những sinh viên mới lần đầu nghe anh giảng, đều không khỏi bất ngờ về sự “bỗ bã” của thầy Cao Vũ Trân. Anh cũng chả bao giờ để ý đến điều đó. Rồi họ cũng quen dần. Quen dần thì thấy quý. Quý đến mức có những học trò ngay từ khi mới bước chân vào lớp đã trở thành “đệ tử ruột” của thầy Cao Vũ Trân. Rỗi một tí, có dịp một tí là họ lại “ới” thầy Trân ra quán làm một chầu bia. Thói quen này đôi khi cũng làm “hại” anh. Anh mất quá nhiều thời gian về những cuộc “trà dư tửu hậu” như vậy và cũng có thể con tim khỏe mạnh của anh bị gậm nhấm hàng ngày hàng giờ mà chính anh không biết. Tôi vẫn nhớ, ngày mới ở lại trường, Trân trẻ nhất, thư sinh, con nhà, và đặc biệt là thông minh. Vậy mà chỉ sau những năm “lăn lộn” với nghề, anh trở nên “bụi bặm”. Mỗi khi vào trường, nhìn bộ dạng anh, ít ai lại nghĩ đó đó là thầy Cao Vũ Trân thư sinh, trịnh trọng, súng sính trong những bộ trang phục “mốt” nhất khoa Văn trong những dịp “lễ lạt”. Còn ngoài ra, anh cố tình tạo ra cái bụi bậm của mình bằng cách “áo bỏ ngoài quần, đầu đội mũ cối”, giống hệt một anh xe ôm vậy.
        Cao Vũ Trân là một người thích tự do. Anh thích làm gì và không làm gì thì khó có ai cản được. Vậy mà gần đây, chú ý quan sát, tôi nhận thấy có hai thầy khoa Văn có thể thay đổi được thói quen và tính cách của Cao Vũ Trân. Đó là chủ tịch công đoàn Đỗ Tiến Thắng và chủ nhiệm khoa Đoàn Đức Phương. Thời còn ở bộ môn văn học Phương Tây, là chi ủy viên, có lúc là bí thư chi bộ, tôi không tài nào thuyết phục được Cao Vũ Trân vào Đảng. Từng tham gia học lớp đối tượng đảng không dưới ba lần, nhưng cho đến lúc này anh vẫn chưa được kết nạp đảng viên. Lý do cũng thật rất đơn giản. Khi cần bảo anh đi học đối tượng thì anh sẵn sàng, nhưng lúc chuẩn bị kết nạp, nhắc anh chú ý giữ mồm giữ miệng, tuân thủ một đôi điều cần thiết thì anh không thực hiện được. Anh vẫn hay bị người ta bắt bẻ về sự phát ngôn. Bất cứ chuyện gì trên đời anh cũng đều biết và đều tham gia bàn luận. Những điều bàn luận của anh đúng hay sai, lâu dần chúng tôi cũng không còn quan tâm. Điều đó đâu có gì quan trọng. Miễn là câu chuyện của anh giúp cho mọi người có được những trận cười. Anh là người lính ngự lâm vô tư nhất mà tôi từng được biết. Một số năm gần đây, nhóm ngự lâm quân cũng tan rã dần. Anh Phan Quý Bích là người rời “nhóm” sớm nhất. Cách đây ba năm, 2009, anh đã nghỉ hưu. Từ lúc nghỉ hưu, anh tuyệt nhiên không hề quay trở lại công việc giảng dạy như đôi thầy cô khoa Văn khác vẫn từng làm. Còn tôi, tôi tuy chưa nghỉ hưu, nhưng từ năm 2008, đã được điều động sang xây dựng một bộ môn mới. Nhóm ngự lâm chính thức giờ chỉ còn Cao Vũ Trân và Đào Duy Hiệp. Còn tôi, chỉ một nửa phần xác và phần hồn của “ngự lâm quân”. Năm học mới này tôi và Cao Vũ Trân dự định cùng dạy chung một giáo trình. Dự kiến đến học kì 2 này thì chính thức lên lớp. Vậy mà anh đã đột ngột “bỏ đi” giữa chừng, để lại biết bao điều dang dở. Những người lính ngự lâm của A.Dumas, tuy tính cách khác nhau, cũng như chúng tôi, mỗi người có riêng một cuộc đời, một số phận, nhưng có chung một khẩu hiệu “tất cả vì một người, một người vì tất cả”, thế nhưng “20 năm sau”, nhìn lại chúng tôi biết mình chưa kịp thực hiện được khẩu hiệu này. Nay thì đội quân ấy thất bát dần, người còn, người mất. “Mười năm sau nữa”, rồi 10 năm nữa,  chắc sẽ còn mất mát thêm. Những người lính ngự lâm rồi sẽ chết. Đó âu cũng là quy luật chung của cuộc đời. Là người còn sống, tôi viết những dòng này thay một nén hương thắp cho một người lính ngự lâm đã ra đi. Cầu mong linh hồn anh dưới suối vàng mãi mãi được thanh thản.
 
                                                                                Mễ Trì ngày 10 tháng 9 năm 2011

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513464

Hôm nay

2250

Hôm qua

2315

Tuần này

21401

Tháng này

220337

Tháng qua

121356

Tất cả

114513464