Ông đi như chạy, quên ăn quên ngủ, bất kể ngày đêm, quát tháo những người chậm chân, cắt rừng mà đi, vượt sông vượt thác, bất kể dốc cao, bất kể hố sâu…
Xuân 1975, sau chiến thắng mở màn Buôn Ma Thuột, ông Năm Công - tên gọi quen thuộc của ông Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, hoặc như cách gọi thương yêu và kính trọng hơn nữa của chúng tôi ở chiến trường hồi bấy giờ: “Ông Già Năm” - nhận lệnh của Trung ương lên Buôn Ma Thuột gặp tướng Văn Tiến Dũng để bàn củng cố thắng lợi vừa giành được, chuẩn bị cho tổng tấn công cuối cùng dự kiến vào năm 1976.
Ông lên đường cùng một bộ phận nhẹ gồm thư ký giúp việc, điện đài và mấy người trinh sát. Đến gần thị xã Kon Tum thì được Thị ủy Kon Tum báo cáo có hiện tượng địch rục rịch muốn bỏ Kon Tum tháo chạy. Ông liền điện hỏi Thị ủy Pleiku và cũng được báo cáo địch đang xôn xao chuẩn bị chạy khỏi Pleiku. Ông nhận định đã xuất hiện một tình huống hoàn toàn mới, vô cùng quan trọng: Địch bỏ Tây Nguyên! Ông quyết định không đi Buôn Ma Thuột nữa, và lập tức điện xin lãnh đạo tối cao ở Hà Nội cho đánh ngay Đà Nẵng.
Lúc này tại Đà Nẵng địch có hơn năm sư đoàn, để chúng có thời gian bố trí phòng ngự thì sẽ hết sức khó khăn. Cần một đòn thần tốc. Ông dự kiến và đề nghị ba phương án: hoặc quân chủ lực trung ương từ Huế vượt Hải Vân đánh vào; hoặc lực lượng chủ lực Khu 5, là Sư đoàn 2, vừa chiếm được Tam Kỳ, từ hướng nam đánh ra; hoặc nữa, nếu không kịp, thì dùng lực lượng địa phương Quảng Đà tấn công. Và ông băng băng vượt rừng quay về chiến trường Quảng Đà. Bấy giờ là trưa ngày 18-3-1975. Chiều hôm ấy, tại Hà Nội, lãnh đạo tối cao thống nhất quyết định đánh Đà Nẵng.
Bộ phận tùy tùng đi cùng “ông Già Năm” gồm toàn thanh niên trai tráng, vậy mà tất cả mướt mồ hôi mới theo kịp ông. Ông đi như chạy, quên ăn quên ngủ, bất kể ngày đêm, quát tháo những người chậm chân, cắt rừng mà đi, vượt sông vượt thác, bất kể dốc cao, bất kể hố sâu. Vừa đi ông vừa điện cho tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Khu 5, trao đổi kế hoạch; lệnh cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Nguyễn Chơn, sau khi chiếm Tam Kỳ, thay vì tiến vào giải phóng Quảng Ngãi như đã định, nhanh chóng chuyển hướng quay ra Đà Nẵng. Đấy là những thời khắc kỳ lạ, cấp trên và cấp dưới, quân và tướng hiểu nhau chỉ cần qua một bức điện ngắn, mấy lời trao đổi vắn tắt. Ý chí của người lãnh đạo cao nhất trở thành ý chí của từng người cầm quân, từng người lính. Lính của Nguyễn Chơn bấy giờ phần lớn là thanh niên miền Bắc, chưa hề quen đường Quảng Nam. Anh lệnh cho một trung đoàn tiến theo quốc lộ số 1, một trung đoàn theo đường sắt, trung đoàn thứ ba men theo ven biển, từ Tam Kỳ, Tuần Dưỡng trực chỉ hướng bắc, thế nào cũng đến Đà Nẵng! Trên đường, gặp đồn địch thì bỏ vòng qua mà đi, nhất thiết không được dừng lại đánh. Còn riêng anh, sư đoàn trưởng, anh chỉ dẫn theo một bộ phận gọn trinh sát và điện đài, phăng phăng đi trước, vừa đi vừa điều khiển cuộc tiến binh bằng cách gọi các trung đoàn bằng tên các trung đoàn trưởng.
Mờ sáng ngày 29-3, bộ phận đi đầu của Sư đoàn 2 chiếm được cầu Bà Rén trên cánh nam của sông Thu Bồn; 9 giờ sáng, chiếm thị trấn Vĩnh Điện, cách Đà Nẵng 20 km. Đánh một căn cứ hải lục không quân khổng lồ như Đà Nẵng, ngoài mũi tấn công của bộ binh, cần cả quân đổ bộ đường không, hoặc đổ bộ đường biển, mà ta đều không có - tướng Chu Huy Mân nhận định. Vậy thì dùng pháo binh mạnh thay. Ông điện cho Bộ Tổng Tư lệnh, xin cho sử dụng pháo 155 ly, trước đó được lệnh chỉ để dành cho năm 1976. Bộ đồng ý. Pháo 155 ly của quân khu, cùng lúc với pháo nặng của cánh quân từ Huế tiến vào trên đèo Mũi Trâu, một ngọn đèo nằm xế về phía tây đèo Hải Vân, dồn dập bắn suốt dọc ven biển Đà Nẵng. Nghe pháo ấy, tướng Ngô Quang Trưởng, chỉ huy quân Sài Gòn “tử thủ” Đà Nẵng, thốt lên: “Thế là hết!” và ra lệnh “Tùy nghi di tản”! Cuộc tử thủ Đà Nẵng vỡ tan! ...
7 giờ tối, sau khi hoàn thành đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cùng một bộ phận nhỏ tiến xuống tòa thị chính thành phố. Anh vô cùng kinh ngạc thấy “ông Già Năm”, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy quân khu, người chỉ huy cao nhất của anh, đã ngồi ở đấy, trong phòng chính của ngôi nhà uy nghi, biểu tượng trang trọng của thành phố này. Thì ra, từ xế chiều nay, ra tới Vĩnh Điện, ông Già quá sốt ruột, đã bắt một chiếc xe ôm, phóng thẳng vào thành phố, và đến ngay tòa thị chính mà lực lượng biệt động thành đã rất linh hoạt tràn vào chiếm. Rất điềm đạm, ông bảo người thư ký viết điện báo cáo “anh Văn”: Đà Nẵng đã được giải phóng. Từ Hà Nội, điện hỏi: Xác nhận đã đúng chưa? Ông Già Năm cười đọc cho người thư ký điện trả lời : “Tôi, Năm Công, hiện đang ngồi tại Tòa Thị chính Đà Nẵng. 19 giờ 15 phút, 29-3-1975”.
Một ngày lịch sử, của một mùa xuân lịch sử.
NN