Cuộc sống quanh ta

"Người cầm bút nên quí nhất sự độc lập và sự liêm khiết"

VHNA: Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) là một trí thức lớn về trí tuệ và nhân cách. Sinh thời ông đã viết, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 120 bộ sách có giá trị. Di sản của ông để lại là một tài sản lớn của văn hóa nước nhà. Tinh thần lao động  sáng tạo, nhân cách cao thượng của ông cũng là một tấm gương sáng cho nhiều người, nhiều thế hệ. Ông đã từ chối mọi hư danh, kẻ cả những giải thưởng văn chương trị gía hàng trăm lượng vàng.

Nhân chuyện tỉnh nhà Nghệ An đang chuẩn bị cho việc trao giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, chúng tôi giới thiệu bức thư của học giả Nguyễn Hiến Lê gửi các con để qua đó chúng ta, nhất là các văn nhân tỉnh nhà, biết và hiểu thêm về một nhân cách trí thức - văn nghệ sỹ sống cách chúng ta không lâu và không xa.

Tiêu đề bài viết là do chúng tôi lấy một câu trong bức thư của học giả để đặt. Tên bức thư là của học giả đặt trong hồi ký của ông

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tôi tự xét mình hồi 60 tuổi

Sàigòn 8.1.1972
 
Các con
 
Tục lệ của mình không coi trọng sinh nhật bằng tử nhật. Chỉ một số gia đình sang trọng mới làm lễ chúc thọ cha mẹ, ông bà (hoặc thầy học) khi những vị đó 60 tuổi trở lên: vừa 60 tuổi được coi là lão rồi, có thể dưỡng lão, mọi việc trong nhà giao cho con cháu, mà việc nước cũng để cho “đàn sau gánh vác”.

Vì tục lệ đó cho nên ba không bao giờ nghĩ tới – mặc dù có thể nhớ tới sinh nhật của vợ con, ngay của chính ba nữa - cho nó là không quan trọng. Nhưng năm nay thì ba nghĩ tới, vì hôm nay ba đúng 60 tuổi Tây (tuổi ta 61 mà tháng rưỡi nữa qua năm Nhâm Tí đã là 62), nghĩa là đã sống được một hoa giáp (60 măm).

Hồi trẻ có người đoán số ba, bảo chỉ hưởng lộc tới năm nay thôi. Ba cho là sai; ba có thể sống được mươi năm nữa, nhưng từ năm nay thấy mình già rồi; mấy tháng trước té cầu thang, trật gân, mất ba tuần mới khỏi, và gần đây bác sĩ Mazaud chuyên về tim bảo động mạch của ba bắt đầu cứng (artériosclérose), và nghe tim có double souffle (phì phì), ngày nào cũng phải uống hai thứ thuốc sédocaréna và cordarone (hoặc amplivie), có lẽ cho tới suốt đời. Viết lách bình thường (dĩ nhiên trí nhớ đã giảm), nhưng đi nhanh và xách nặng không được. Tóm lại không có gì quan trọng: 60 tuổi mà như vậy cũng là “normal”. Má con kém ba 3 tuổi còn mạnh hơn ba, chỉ có một con mắt bị cataracte
[1][1], bệnh đó dễ trị, khi nào nó “chín” thì mổ.

Vậy hôm nay là sinh nhật của ba, cũng chẳng ăn mừng gì cả. Các cụ ngày xưa thường nhân dịp đó làm một bài thơ “tự trào”, nghĩa là tự giễu mình. Ba không làm thơ thì ôn lại cuộc đời đã qua.

Tuổi thơ và thiếu niên của ba cực khổ. Mồ côi cha từ hồi 10 tuổi ta, nhờ mẹ và bà ngoại mới được học hành, và cũng nhờ truyền thống gia đình, nhờ số tốt nên mới nổi tiếng là học giỏi trong họ nội họ ngoại và xuất thân được ở trường Cao đẳng Công chánh. Nếu sinh vào một gia đình khác thì đậu tiểu học rồi tất phải phá ngang mà đi làm. Có thể nói nhà chỉ đủ cơm ăn với rau, đậu; đau ốm thì uống thuốc Nam rẻ tiền rồi để cho cơ thể tự chống với bệnh tật chứ không mời ông lang, nhất là bác sĩ (một lần coi mạch của bác sĩ thời đó là 5đ bằng 5.000đ bây giờ). Thời đó những gia đình như gia đình mình sống nhờ thiên nhiên, gọi là nhờ số cũng được: bản chất mạnh thì sống, yếu thì chết.

Đầu năm 1935 ba ra làm việc, năm 1937 lập gia đình, 1938 có con, thì năm 1939 đã bắt đầu thế chiến thứ nhì. Trong mười năm 1935-1945, vì hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và của chiến tranh, cần kiệm lắm, gia đình mới đủ sống, để dành được một chút, năm 1945 tản cư, của cải mất hết. Từ 1945 đến 1950 vì không chịu trở lại Sở Công chánh nên sống thật vất vả.

Từ 1950 mới vào dạy trường Trung học Long Xuyên
[2][2], vừa viết sách; ba năm sau, cần kiệm lắm, mới gây được một số vốn là non 200.000đ (bằng hai triệu ngày nay) và 1953 bỏ dạy học, lên Sài Gòn sống bằng cây bút. Nhưng mới lên Sài Gòn thì bị hai bệnh nặng: lao phổi và loét bao tử (ulcère bulbaire), trị 4-5 tháng mới hết. Hết rồi, tận lực làm việc, năm 1960 mua được căn nhà ở Kì Đồng này, lúc đó ba đã là 50.

Tóm lại trong non 50 năm vất vả, lúc lên lúc xuống, từ hai bàn tay trắng mới xây dựng được thì vì chiến tranh bị tiêu huỷ hết, rồi lại từ hai bàn tay trắng xây dựng lại nữa. Nét chính trong đời ba là trải qua những đau khổ trong cảnh nghèo hồi nhỏ, nên lớn lên lúc nào cũng tận lực chiến đấu với nó; tính tình có lẽ do đó mà nghiêm khắc, gay gắt, đó là “mặt trái của huy chương”; nếu sinh vào hoàn cảnh như các con các cháu ngày nay, không phải chiến đấu thì tính tình chắc ôn hoà hơn, nhưng nghị lực chắc cũng kém.

Có thêm điểm này nữa cũng đặc biệt: tuy chống với cảnh nghèo mà không bao giờ ba ham làm giàu: năm 1953 lên Sài Gòn, có tiếng tăm một chút rồi, một số bạn rủ ba xuất bản sách giáo khoa hoặc mở trường tư (trung học), hai nghề đó ba làm thì tất thành công và mau giàu, ba từ chối hết, chỉ viết rồi xuất bản sách của mình thôi, mà má con cũng chỉ dạy riêng một lớp tại nhà thôi, không muốn khuếch trương kinh doanh, hễ dư ăn, phong lưu rồi thì thôi. Ngay bây giờ, chỉ xuất bản sách của ba thôi, lợi tức cũng có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng ba không muốn: ba bán tác quyền khoảng 50 cuốn cho mươi nhà xuất bản khác, chỉ giữ lại mươi cuốn xuất bản lấy thôi. Nghĩa là ba để thì giờ mà viết chứ không muốn kinh doanh làm giàu, và biết “tri túc”, hạn chế nhu cầu cùng thị dục của mình. Tri túc là một nét của triết lí phương Đông của nhà Nho (tri túc nghĩa là biết thế nào là đủ rồi thì thôi, không cần thêm nữa). Ba nhận thấy rằng con, Hằng và Hải đều không ham làm giàu, tính tình liêm khiết, điều đó đáng khen, giữ được nếp nhà đấy.

Nhờ tri túc như vậy, nhờ để thì giờ mà viết lách, nên tuy non hai chục năm nay – từ 1953 – sự nghiệp văn chương của ba tiến nhiều. Tới nay có trên trăm cuốn (tome), non 90 nhan đề (titre), khoảng một nửa là dịch, một nửa soạn. Về số lượng (quantité) đó, từ trước tới nay chưa ai hơn được. Về phẩm (qualité), ba được coi là cây bút biên khảo và dịch thuật có giá trị nhất; và ba nghĩ rằng trong trên 100 cuốn đó, sau này khi ba chết, còn được mươi cuốn lưu lại đời sau (trong dăm ba chục năm); văn xuôi của ba có được vài chục bài ngắn, dài vào hạng mẫu mực (classique), hay. Nhưng điều đáng mừng hơn là ba được mọi giới trọng là nhà văn độc lập, có tinh thần nhân bản và tinh thần quốc gia cao, có tính tình liêm khiết: đã trên mười lần, ba từ chối những cái mà người ta cho là vinh dự của người cầm bút, như giải thưởng văn chương, làm giám khảo chấm giải thưởng văn chương, làm giáo sư đại học, vô uỷ ban điển chế văn tự, dịch thuật, và hội đồng Văn hoá Giáo dục v.v… Ba cho những cái đó là hư danh mà cũng không ưa những cơ quan đó, người cầm bút nên quí nhất sự độc lập và sự liêm khiết.

Còn sống được mươi năm nữa, cuộc sống được bảo đảm về vật chất rồi ba mong giữ được hai điều đó: độc lập, thanh khiết cho tới cùng và viết hoặc dịch thêm độ mươi cuốn nữa để cho có công việc mà đời bớt buồn, thế thôi.

Cái vui nhất là ít năm nữa được thấy hoà bình, các con cháu, cả Hằng và Hải, về đây tụ họp ít tháng, cúng giỗ ông bà – gia đình mình học hành được như ngày nay là nhờ tổ tiên mấy đời sống liêm khiết và rất trọng sự học – rồi đi thăm ít nơi thắng cảnh của non sông, thăm quê hương mồ mả ở Hà Nội, Sơn Tây. Sau đó các con có tản mác mỗi người một nơi thì cũng là lẽ tự nhiên; nếu không xây dựng được gì cho quốc gia dân tộc thì sống một đời chính trực, giữ được tư cách, dạy dỗ con cái cho đàng hoàng, cũng là tạm được rồi. Ước nguyện đó, bao lâu nữa mới toại?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513512

Hôm nay

2298

Hôm qua

2315

Tuần này

21449

Tháng này

220385

Tháng qua

121356

Tất cả

114513512