Tượng đài Công nhân Việt Nam ở Hà Nội đã bị rạn nứt, hoen gỉ
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, từng lên tiếng: Hãy nhìn lại hàng loạt tượng đài danh nhân lịch sử đã dựng một cách ồ ạt tại các tỉnh, TP, sẽ dễ dàng nhận thấy quá giống nhau, không có không gian, thần sắc riêng. Tượng đài Trần Hưng Đạo nhang nhác tượng đài Quang Trung, Nguyễn Trãi hao hao Nguyễn Du...
Ý tưởng lớn gặp nhau ?
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng về hình khối, các tượng đài nước ta bị ảnh hưởng rất rõ nét phong cách của Liên Xô. Tuy nhiên, sự trùng lặp trong ngôn ngữ điêu khắc mới là điều đáng nói, nhất là với các tượng danh nhân, thanh niên xung phong, quân đội.
Theo ông Chương, ở ta, tượng anh hùng dân tộc luôn trong tư thế đi, đầu đóng khăn búi tó, không tay phải thì tay trái nhất định phải cầm kiếm. Tượng lãnh đạo bao giờ cũng một tay buông thõng, tay kia đưa lên. Tượng công nhân thì tay giơ cao và ngực ưỡn ra phía trước. Tượng bà mẹ thì hoặc quàng khăn, hoặc cầm khăn, tay giơ cao. Tượng đài chiến thắng luôn có một người giơ súng ở giữa, bên cạnh là vài người khác. “Tượng đài Thanh niên xung phong ở Cò Nòi - Sơn La hay Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đều có 3-4 nhân vật, tay giơ cuốc, tay giơ đèn hoặc cờ”- ông Chương nhận xét.
Báo chí đã nhiều lần lên tiếng về sự giống nhau giữa tượng đài Công nhân Việt Nam và tượng đài Công nhân Trung Quốc (ở Bắc Kinh); tượng đài Hoàng Quốc Việt ở Bắc Ninh và tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên - An Giang... Theo ông Trần Khánh Chương, hình tượng có thể không khác nhưng có nhiều cách bố cục khác nhau, làm cho tổng thể khác đi. Đằng này, việc giống nhau đến từng bố cục khiến cho nhiều người nhận xét các nhà điêu khắc Việt khi xây dựng tượng đài đều có chung “ý tưởng lớn”. Ông Nguyễn Trung, Trưởng Ban Mỹ thuật hiện đại - Viện Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định tất cả điều đó chứng tỏ sự không tiến bộ về thẩm mỹ.
Một nghịch lý nữa trong việc xây tượng đài ở ta là một nhân vật nhưng lại có đến hàng chục khuôn mặt khác nhau. Ông Trần Khánh Chương đã từng nhiều lần góp ý rằng cần phải có mẫu chính, ví dụ Nhà nước tổ chức một cuộc thi đưa ra hình ảnh chuẩn của vua Quang Trung, của anh hùng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... Chuẩn ở đây được sự thống nhất của các nhà sử học, để khi xây dựng tượng đài, nhà điêu khắc muốn tay chân để kiểu gì cũng được nhưng khuôn mặt thì phải giống nhau, không thể cứ mỗi tượng đài lại mang một khuôn mặt khác nhau.
Không gian vá víu
GS sử học Phan Huy Lê khẳng định trên phạm vi cả nước, chưa có tượng đài nào thật sự thành công. Điều này dễ hiểu vì đây là loại hình nghệ thuật mới mẻ, Việt Nam chưa có truyền thống, chưa có kinh nghiệm và chuyên gia còn hiếm. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng - xử lý không gian đặt tượng đài - cũng có nhiều bất cập. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, yếu nhất hiện nay không phải là tượng đài mà là không gian cho tượng đài. Nhiều tượng đài đặt không đúng vị trí, không phù hợp không gian, hoặc trên mô hình thế này nhưng đến khi thực hiện thì lại không như mong muốn của tác giả…
Giới chuyên môn vẫn đùa rằng tượng đài Quang Trung ở gò Đống Đa - Hà Nội giống như “ông tướng canh gò” nhưng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tượng này không xấu mà chính không gian đặt chưa đẹp. “Tượng đài thì thấp mà gò thì quá cao nên công trình bị lọt thỏm”- họa sĩ Đoàn nhận xét. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, nếu theo đúng quy hoạch, khu vực đằng sau tượng đài này bị giải tỏa thì hẳn đã có một tượng đài đẹp.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định cục đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương phải quy hoạch tượng đài song song với quy hoạch đô thị, không để tình trạng khi có tượng đài rồi mới cuống lên đi tìm vị trí đặt tượng nhưng không địa phương nào làm. “Chúng tôi “kêu gào” nhắc nhở nhiều nhưng có ai triển khai đâu? Đến khi có tượng mới san chỗ này, đền bù chỗ kia, rất vá víu. Cuối cùng là tượng bị đặt lọt thỏm ở không gian không phù hợp, thế là lại quay sang chê tượng xấu. Phải có một sự đồng bộ, đừng đổ lỗi riêng cho anh em mỹ thuật” - ông Thành nói.
“Rút ruột”, làm ẩu
Ngoài chức năng giáo dục thẩm mỹ, mỗi tượng đài đều mang một ý nghĩa thiêng liêng. Do đó, việc xây dựng tượng đài lẽ ra phải rất coi trọng, không được có sai sót nhưng thực tế, nhiều công trình đã bị “rút ruột”, làm ẩu, thiếu cân nhắc về ý nghĩa khiến dư luận hết sức bức xúc. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên vụ tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ kéo dài mấy năm, đến tận tháng 1-2011 mới xét xử xong. Vài chục tấn đồng ở tượng đài này đã bị những người làm công trình bớt xén. Vài năm trước, báo chí cũng đồng loạt lên tiếng về tượng đài Nguyễn Văn Cừ đặt tại Bắc Ninh bị “rút ruột”, đồng nguyên liệu được lấy từ xoong, nồi khiến cho tượng bị thủng, xuống cấp ngay khi vừa dựng lên…
Một cuộc khảo sát 5 tượng đài đúc đồng tại Hà Nội (đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn, tượng đài Công nhân Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946, tượng đài Lênin) và 4 tượng đài đúc đồng ở các tỉnh lân cận (tượng Trần Hưng Đạo tại Nam Định, tượng Nữ tướng Lê Chân và danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại TP Điện Biên Phủ) của Trung tâm Công nghệ đúc - luyện kim đã khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, 6/9 tượng đài mới chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây như Lý Thái Tổ, Công nhân Việt Nam, Nữ tướng Lê Chân... đều đã có hiện tượng gỉ xanh cục bộ; một số tượng đài còn xuất hiện những vết rạn nứt, hoen gỉ và xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau.
Một nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật đã xót xa cho rằng có thể gọi tượng đài là “tượng làm ăn”. Theo ông, tượng gỉ còn có thể sửa chữa nhưng niềm tin vào việc xây tượng đài bị hao mòn do hiện tượng “rút ruột”, dối trá làm ẩu gây nên mới là điều đáng lo ngại.
Một nhà điêu khắc đặt vấn đề: “Để tránh thất thoát và bảo đảm chất lượng, nên chăng giao cho các tác giả thực hiện công trình từ đầu đến cuối, sau đó sẽ bán lại tượng đài cho bên A? Theo cách này, tác giả có quyền chọn những người sẽ thực hiện công trình cho mình chứ không phải qua các công ty để rồi không kiểm soát được chất lượng, khi có chuyện gì xảy ra, công ty lại bảo “anh thông cảm cho” thì mệt lắm!”. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Chương cho biết trong quản lý Nhà nước, các công trình đều phải có đấu thầu. Điều quan trọng cần làm ngay là phải xây dựng những quy định với các quy trình kỹ thuật rõ ràng, bên cạnh việc phối hợp giữa các nhà điêu khắc, nghệ nhân đúc đồng cũng như đơn vị thi công, trong đó phân định rõ trách nhiệm của từng bên để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.
Công bằng với các nhà điêu khắc
Dưới góc độ của người làm chuyên môn, ông Trần Khánh Chương cho rằng cần nhìn nhận một cách công bằng với các nhà điêu khắc. Cả nước hiện chỉ có khoảng 50 điêu khắc gia, phần lớn chỉ làm được 1-2 tượng đài, người làm được khoảng 10 công trình chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Nguyễn Hải, Tạ Quang Bạo...
Ngoài ra, tác giả tượng đài chịu trách nhiệm theo dõi tác phẩm nhưng chỉ được làm đến phác thảo, muốn phóng to phải do một công ty khác thực hiện; rồi đổ đồng, lắp đặt lại là đơn vị khác.
|
Hiểu sai lịch sử
Tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi (còn được gọi là Ba mũi tên đồng) kỷ niệm chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung Tết Kỷ Dậu 1789 tại huyện Thanh Trì - Hà Nội bị nhiều người trong giới xem là "thảm họa" trong việc xây tượng đài.
Giới chuyên môn cho rằng 3 mũi tên đồng vô hình trung giáo dục cho các thế hệ sau hiểu sai về trận đánh đồn Ngọc Hồi bởi theo lịch sử, vua Quang Trung dùng tượng binh, đại bác thần công và hỏa hổ để đánh đồn này, chẳng liên quan gì đến mũi tên đồng cả. Thậm chí, 3 mũi tên đồng lại khiến người ta hình dung đến quân của Tôn Sĩ Nghị nhiều hơn. Ngoài ra, tượng đài dựng ở ngoại thành nhưng 3 mũi tên lại hướng về nội thành Hà Nội.
Một nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá tác giả tượng đài này không chỉ suy nghĩ chưa đủ độ chín mà còn đơn giản hóa trong nhận thức về lịch sử và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tượng đài Ba mũi tên đồng, một tác phẩm chưa đủ độ chín
|