Cuộc sống quanh ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh & Nhân dân Ấn Độ

Suốt nửa thế kỷ* hoạt động cách mạng - cầm bút - thể hiện tư tưởng trong cuộc đời vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ của đất nước, giống nòi rất nhiều trăn trở về những điều chưa thể (thậm chí là không thể) lý giải một cách đủ đầy. Một trong những “bức tranh đời” sống động và hấp dẫn nhất là những bài viết, những hoạt động, tình cảm mà Người đã dành cho nhân dân Ấn Độ nói riêng, vun đắp và xây dựng cho tình hữu nghị đặc biệt của nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ nói chung.

Bài viết nhỏ này nhằm khái lược một vài suy nghĩ chợt đến khi ngắm - nhìn bức tranh rất sâu và gợi mở nhiều chiều ấy. Do chưa đủ thời gian và hiểu biết trước một vấn đề khá lớn nên chỉ xin giới hạn thời gian mà bài viết đề cập đến là từ năm 1919 - 1959.

 1. Nguyễn Ái Quốc chính thức cầm bút từ tháng 6.1919, với “tác phẩm kép” là Bản Yêu sách của nhân dân An Nam và Thư gửi tổng thống Mỹ (Woodrow Wilson). Bài viết đầu tiên của Người về phong trào cách mạng là bài Phong trào cộng sản quốc tế - Đông Dương (5.1921). Và, bài thứ hai, chính là bài Phong trào cách mạng Ấn Độ, đăng ở tạp chí La Revue Communiste, số 18/19, tháng 8/9. 1921. Đây là một bất ngờ thú vị vì Ấn Độ thuộc Anh chứ không phải Pháp và tất nhiên, hiểu biết của người Việt Nam về Ấn Độ thời đó là không nhiều. Bài báo trên đây cho biết rằng, a) Ngay từ khi đến với lĩnh vực báo chí yêu nước cách mạng, NAQ đã chuẩn bị cho mình một “hành trang” thật chu đáo về kiến thức. Điều này càng được khẳng định khi chúng ta thấy rằng không phải tự nhiên mà NAQ đã chọn cái tên Le Paria cho tờ báo đầu tiên của Người. Người cùng khổ là cách dịch thoát ý nhưng chưa đủ nghĩa: Paria là thứ hạng tột cùng đau đớn trong 3 loại người khốn khổ và nhục nhã của đẳng cấp thấp nhất, Sudra! Điều này chứng tỏ NAQ hiểu nhiều, biết đủ về văn minh Ấn - Hằng như thế nào! b) Đọc bài báo trên, không thể không có cảm nghĩ rằng NAQ đã dành không ít tâm huyết, trí tuệ cho Ấn Độ - nơi có nền văn minh vĩ đại và, không thể không xét đến khả năng Người đã tiên định được vị thế của Ấn Độ trong tương lai – đồng nghĩa rằng dự cảm về tương lai đó có sự sánh bước của Việt Nam!? c) Khẳng định tính dự báo khoa học mẫn tiệp từ kết luận ở điểm (b) không hề đi quá xa vì ngay ở đoạn cuối của bài báo, NAQ đã nói: “ Trước làn sóng như vậy..., Đế quốc Anh không biết xoay xở ra sao... Ít ra, chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi Ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa” (1).

2. Trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử hiện nay, học sinh “bị ngầm hiểu” rằng thời gian từ 1926 – 1.1930, NAQ đi nhiều nơi vì SGK không hề đề cập đến. Đọc Hồ Chí Minh toàn tập, ta biết rõ NAQ đã đến Bỉ, gặp thân sinh của J. Nehru năm 1927; sống ở Ấn Độ rất lâu, ít nhất là vào năm 1928,... Trong những tháng ngày ấy, NAQ viết rất nhiều: Thư từ Ấn Độ, Phong trào công nhân ở Ấn Độ, Nông dân Ấn Độ, Phong trào công nhân và nông dân miền Đông Ấn Độ... Những chứng cứ lịch sử đó minh dẫn rằng NAQ đã có chủ định rất rõ về việc phải hiểu Ấn Độ thật kỹ càng. Phải chăng NAQ đã tiên liệu rằng một mối bang giao hữu nghị chặt chẽ giữa nhân dân hai nước là điều hết sức cần thiết trong một thế giới có nhiều biến động; nhất là, luôn có những kẻ khổng lồ ngang ngược muốn vùi dập các quốc gia yếu thế hơn bằng những toan tính tham lam ?

Những suy dẫn trên đây có thể bị chỉ trích là thiếu thỏa đáng, nhưng nếu ta đọc lại Nhật ký trong tù sẽ gặp một sự “bất ngờ” quen biết: Ngay trong những ngày phải chịu tù đày, NAQ vẫn “nhớ” đến Ấn Độ, bằng cách làm thơ gửi Jawaharlal Nehru – người sau này sẽ làm thủ tướng Ấn Độ trong suốt 18 năm (1947-1964). Nehru là vị lãnh tụ cách mạng duy nhất có tên trong cuốn Ngục trung nhật ký: “Vạn lý dao dao vị kiến điện/ Thần giao tự tại bất ngôn trung... Ngã môn tao phùng bản thị đồng/ Bất đồng đích thị sở tao đồng” - Muôn dặm xa xôi chưa từng gặp mặt/ Nhưng mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời... Cảnh ngộ của chúng ta vốn giống nhau/ Nhưng không giống nhau lại cũng là ở cảnh ngộ(2).

Rõ ràng tương giao dẫu bất kiến nhưng tình cảm lại sâu nặng đến mức ấy thì chỉ có sự hài hòa, cộng hưởng từ thẳm sâu của tâm thức, cao mẫn tuyệt vời của trí tuệ, mới có thể đạt đến được.

3. Những liên hệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Ấn Độ trong những năm 1948-1954 chưa được công bố đầy đủ nên chúng ta chưa thể kết luận từ những đường dẫn nào mà quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đạt đến mức phi thường, đặc biệt, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Hồ Chủ tịch là người (ở phía Việt Nam) đóng vai trò quyết định. Một dẫn chứng tiêu biểu: Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bề bộn thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kịp thời gửi điện thăm hỏi nhân dân Ấn Độ sau vụ động đất ở Asam – tháng 8.1950(3).

Tháng 10.1954 là một trong những tháng 10 đẹp nhất của lịch sử nước ta: Ngày 10.10, Hà Nội rợp trời cờ hoa mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Chỉ một tuần sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, Đoàn đại biểu cấp cao của Nước Cộng hòa Ấn Độ, do Thủ tướng J. Nehru dẫn đầu, đã sang thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đón ngoại giao đoàn cao cấp quốc tế. Hơn thế nữa, đoàn ngoại giao đó đến từ nước đông dân thứ hai và là một trong những đại diện rực rỡ nhất của văn minh nhân loại thời cổ trung đại. Mặt khác, đoàn ngoại giao đầu tiên đó không thuộc về các nước XHCN như truyền thống của nhiều thập niên sau này. Khó có thể nói hết ý nghĩa của sự kiện nhanh, dứt khoát, mạnh mẽ của tính đột phá ấy...

Hiểu rất rõ sự thúc bách và đòi hỏi của nền chính trị thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ phát triển có chiều sâu hơn: Liên tiếp trong hai tháng 11 và 12 năm 1954, Hồ Chủ tịch đã gửi điện chúc mừng sinh nhật của thủ tướng và tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ (4)...

Chuyến thăm Ấn Độ của Hồ Chủ tịch tháng 2.1958 là sự kiện nổi bật, đỉnh cao của quan hệ giữa hai nước. Bác đã ở thăm Ấn Độ 10 ngày, từ 5 đến 14.2.1958 (một kỷ lục) và, đã viết một bài rất dài (cũng là kỷ lục) về Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến(5). Bài viết của Bác dài 58 trang, in liên tục trên báo Nhân Dân từ số 1.447 đến 1.474 – riêng phần dành cho Ấn Độ là 48 trang. Lịch sử báo Nhân Dân nói riêng, lịch sử ngoại giao Việt Nam nói chung chưa bao giờ (và có lẽ chẳng bao giờ) chứng kiến một sự kiện đặc biệt và khác thường đến thế!

 Vài nhận xét và...

 a) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể trong việc quan tâm, mong muốn cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ phát triển hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó (1959-1969), rất có thể do sức ép, sự phức tạp của tình hình thế giới (nhất là Trung Quốc, với cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962) mà nước ta không thể thắt chặt hơn quan hệ với Ấn Độ. Ấn Độ là nước đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở cấp độ Tổng lãnh sự, thế nhưng, phải đến năm 1972 mới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ở cấp đại sứ quán(!)

b) Trên Cổng thông tin chính thức của Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, phần Ấn Độ, có viết rằng chuyến thăm ngoại giao cao cấp đầu tiên là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978(?) Đây là một nhầm lẫn(!) khó hiểu và không thể chấp nhận. Cho dù trang web đó không nói rõ là “đầu tiên” đi nữa thì cách liệt kê theo thứ tự thời gian sau đó, cái sự “vô tình quên”(?) chuyến thăm của Hồ Chủ tịch, buộc người đọc phải tin như thế.

c) Trong thời gian ở thăm Ấn Độ, Hồ Chủ tịch đã công bố công khai và thẳng thắn rằng “Nước Việt Nam thành lập đã hơn 2 nghìn năm” (6, sic). Rất mong các nhà sử học và các cấp ngành có trách nhiệm làm rõ vấn đề này. Lâu nay, hàng nghìn năm hay 4.000, 3.000 năm là cả một câu chuyện dài. Cách khẳng định không thống nhất ấy đã tạo ra tính mơ hồ và sự thiếu tin cậy đối với lịch sử. Quan điểm riêng của người viết bài này, nói lịch sử nước ta hơn 2.000 năm là thỏa đáng.

d) Sự mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngoại giao là điều đã được một số người nói đến. Xin nêu thêm một dẫn chứng: Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài nhân dịp thăm Ấn Độ, khi được một nhà báo Mỹ hỏi khó rằng “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến Ngài về Casơmia”? (tức là muốn “gài bẫy” Bác về sự xung đột Ấn Độ - Pakistan trong tranh chấp vùng Kashmire), Bác đã trả lời: “Nếu nói đến Casơmia thì cũng phải nói đến Đêli, Bănggalo, Bombay, v.v... Như thế thì sẽ phải nhiều thì giờ lắm” (7) Câu trả lời ấy chắc chắn thuộc về tính kinh điển của bài học ứng xử ngoại giao tuyệt vời.

e) Việt Nam đã để “mất” trong một thời gian quá dài mối quan hệ với Ấn Độ - điều mà Hồ Chủ tịch vô cùng mong muốn nhưng cũng đã chưa từng thực hiện được trọn vẹn. Hoàn cảnh của nước ta trong những năm 1959-1969 đã tạo ra vô số cái ngưỡng, điểm dừng khó có thể vượt qua. Bây giờ, chưa lúc nào Việt Nam cần một người bạn, một quan hệ song phương tin cậy, thủy chung và, quan trọng hơn, hai bên phải thực sự cần có nhau như lúc này. Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ là điều cần thiết vì cả hai nước đều có rất nhiều điểm chung về mâu thuẫn, xung đột với một nước thứ ba nên, chắc chắn nó là điều cần (và PHẢI) được quan tâm nhiều nhất, vì lợi ích chung của nhân dân, chính phủ hai nước; đồng thời cũng là vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định của vùng Nam Á – Đông Nam Á...

Việt Nam và Ấn Độ có thật nhiều những điều đầu tiên, thứ nhất, kỷ lục đến mức có thể khẳng định rằng trong quan hệ quốc tế đương đại, chưa bao giờ có một mối quan hệ nào lại nhiều điểm “đầu tiên” như thế. Rất tiếc là mãi cho đến nay, mối quan hệ giữa hai nước vẫn chỉ giới hạn trong những phạm vi hạn hẹp và hoàn toàn không tương xứng với thực tế. Tại sao chưa thể thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc như mong muốn của Hồ Chủ tịch là điều thật đáng để nghĩ suy?...

 * Tạm tính từ 1919 đến 1959

1.     Hồ Chí Minh TT, nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, T. 1, tr. 44-45.

2.     HCM TT, T. 3, tr. 371.

3.     HCM TT, T.6, tr. 91.

4.     HCM TT, T. 7, tr. 382 & 395.

5.     HCM TT, T.8, từ trang 75 đến 132.

6.     HCM TT, T. 9, tr. 49.

7.     HCM TT, T. 9, tr. 119-120.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513536

Hôm nay

29

Hôm qua

2313

Tuần này

21473

Tháng này

220409

Tháng qua

121356

Tất cả

114513536