Đòn tiến công chiến lược của quân dân miền Nam khiến cho ý chí xâm lược của kẻ thù bị lung lay, buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Trong thắng lợi chung đó, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã góp một phần quan trọng, đầy ý nghĩa. Đó là, từ năm 1962 đến năm 1965, những con người kiên cường và dũng cảm của Hải quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí và táo bạo, băng qua phong ba, bão dữ, vượt qua ngăn cản, truy đuổi của kẻ thù, làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển, thực hiện hàng chục chuyến tàu, đưa hàng ngàn tấn vũ khí đến các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ[1], tăng thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam, giành lấy thắng lợi trong cuộc đối đầu với kẻ thù, góp phần tạo thế và lực để Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nay những chiến sĩ quả cảm ấy lại sẵn sàng lên đường, quyết đưa vũ khí đến với quân dân trên các chiến trường miền Nam đánh thắng kẻ thù trong cuộc đọ sức mới. Dù tất cả biết rằng những thử thách khắc nghiệt, những hiểm nguy đang đợi chờ phía trước.
Sau khi xảy ra với sự kiện Vũng Rô (Phú Yên) (ngày 16 tháng 2 năm 1965) [2], con đường vận chuyển chiến lược trên biển, với bao kỳ công gây dựng đã không còn giữ được bí mật. Địch đã có bằng chứng khẳng định về một đường vận chuyển trên biển[3], đưa vũ khí từ miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam và quyết ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược này. Ngày 3 tháng 3 năm 1965, tướng W.Oét-mo-len (Westmoreland), Tư lệnh quân chiến đấu Mĩ ở miền Nam Việt Nam đã phê chuẩn chiến dịch Chống thâm nhập mang mật danh Merket Times, nhanh chóng tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa mặt biển, trên không và bờ biển miền Nam Việt Nam. Ngày 16 tháng 3 năm 1965. Mĩ đưa hai tàu khu trục Higbec D806 và Alaele D666 vào vùng biển miền Nam Việt Nam. Hàng ngày, máy bay SP2 của hải quân Mĩ cất cánh từ sân bay ở miền Nam và các nước trong khu vực, thực hiện các chuyến bay tuần duyên, giám sát chặt chẽ vùng biển Nam Việt Nam. Đến đầu tháng 4, Mĩ tiếp tục điều động 23 tàu thuộc Lực lượng đặc nhiệm 71 của Hạm đội 7 và 17 tàu WPB thuộc lực lượng phòng vệ ven biển tham gia chiến dịch này. Những tàu thuộc Hạm đội 7 có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn ngoài khơi từ 12 hải lý đến 40 hải lý, các tàu của quân đội Sài Gòn liên tục tuần tiễu khu vực từ bờ trở ra 12 hải lý.
Để hợp thức hóa hành động của Mĩ, ngày 11 tháng 5 năm 1965, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thừa nhận hải quân Mĩ được quyền hoạt động trên vùng biển Nam Việt Nam và được quyền kiểm soát, xử lý hoặc phá hủy các tàu “có dấu hiệu là tàu Bắc Việt”. Thiệu còn khuyến khích Mĩ hành động, không sợ nhầm, nếu có đánh nhầm vào các tàu dân sự hoặc tàu quốc tế, chính quyền Sài Gòn sẵn sàng chịu trách nhiệm bồi thường.
Mặc dù đã huy động lực lượng lớn, nhưng sau 20 tuần tiến hành, chiến dịch chống thâm nhập vẫn không thu được kết quả. Tháng 7 năm 1965, Mĩ quyết định tăng gấp rưỡi số tàu tuần tiễu từ 36 lên 54 chiếc, bố trí ở Quy Nhơn, Cam Ranh và Vũng Tàu. Tiếp đó, tháng 8 năm 1965, Mĩ cho lập Lực lượng đặc nhiệm 115 (Task Force 115) gồm 7 tàu hộ vệ có rada cảnh giới, 5 máy bay trinh sát chiến thuật SP2H sẵn sàng cơ động đến địa điểm nghi vấn. Lực lượng này được bố trí theo 9 khu vực, dọc bờ biển từ vĩ tuyến 17 trở vào, mỗi khu vực có chiều dài 120 hải lý, cách bờ từ 30 đến 40 hải lý, có nhiệm vụ phối hợp với hải quân ngụy tuần tra, kiểm soát ven bờ, nhất là các cửa sông, cửa biển, các vịnh lớn, nhỏ…. Cùng với đó, Mĩ cho thiết lập 5 trung tâm giám sát ven biển đặt tại Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu và đảo Phú Quốc. Tại đây, rada của Mĩ hoạt động 24/24, bao quát toàn bộ vùng biển miền Nam Việt Nam, vượt ra ngoài vĩ tuyến 17 và hải phận quốc tế.
Song hành với các hoạt động trên, Mĩ gấp rút xây dựng cho quân đội Sài Gòn một lực lượng hải quân “mạnh vào hàng thứ 3 thế giới”. Đến giữa năm 1965, hải quân Việt Nam cộng hòa có trên 10 nghìn sĩ quan, binh sĩ, hơn 1000 tàu chiến các loại, có đủ các thành phần cơ động trên sông, trên biển, lính thủy đánh bộ, tuần thám… tất cả đều có nhiệm vụ “chống thâm nhập”[4].
Tuy vậy, vào giữa tháng 9 năm 1965, tại cuộc họp đánh giá về thực hiện kế hoạch chống thâm nhập giữa P. Paul, Phó Đô đốc Hạm đội 7 và tướng Westmoreland, Tư lệnh quân chiến đấu Mĩ ở miền Nam Việt Nam cùng Trưởng nhóm cố vấn hải quân Mĩ ở miền Nam Việt Nam và các sĩ quan của Cục tác chiến hải quân Mĩ, tất cả đều cho rằng tình hình kiểm soát bờ biển miền Nam Việt Nam vẫn còn khó khăn bởi “Cộng sản Bắc Việt chưa chịu chùn bước” và tiếp tục đề nghị tăng thêm lực lượng tuần tra trên biển, trên không… Ngay sau đó, Mỹ tăng thêm 5 tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông, 9 tàu tuần tiễu ven bờ. Các căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu chịu trách nhiệm thực hiện các chuyến bay giám sát tất cả các cửa sông thuộc Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Đầu năm 1966, Mĩ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 (Task force 116), gồm 120 chiếc tàu nhỏ (PBR), 20 tàu đổ bộ (LCPL), 1 tàu đốc nổi, một tàu đổ bộ chiến xa và 8 máy bay lên thẳng UH 1A. Đơn vị này có nhiệm vụ giúp đỡ quân đội Sài Gòn ngăn chặn hoạt động của ta ở các con sông lớn ở đồng bằng Sông Cửu Long. Cũng trong mùa hè năm đó, Mĩ thành lập lực lượng đặc nhiệm 117 (Task force 117), là lực lượng cơ động đặc biệt, gồm các giang đoàn với các tàu cỡ nhỏ có nhiệm vụ sục sạo, tìm diệt đối phương trên các sông, rạch. Các lực lượng đặc nhiệm đặt dưới sự chỉ huy của Phó đô đốc Elmo R.Zumwalt, tư lệnh của hải quân Mĩ ở miền Nam Việt Nam. Đỗ Hữu Trí, Phó đô đôc hải quân Sài Gòn thừa nhận “Chiến hạm của Mĩ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải Việt Nam cộng hòa!”[5]
Cùng với tăng cường tuẫn tiễu, giám sát trên sông, trên biển, Mĩ ngụy còn thiết lập hệ thống đồn bốt dày đặc trên các con sông lớn, những nơi chúng cho rằng tàu ta có thể cập bến. Ở những khu vực rừng rậm, địa hình không thuận lợi cho việc kiểm soát, Mĩ đã dùng không quân, pháo binh, pháo tàu biển bắn phá. Đặc biệt chúng còn rải chất độc hóa học, phát quang những cánh rừng nghi là bến bãi của ta. Riêng trong hai năm 1965 và 1966, máy bay Mĩ đã rải 22 đợt với hơn 15 triệu lít chất độc hóa học xuống rừng tràm Cà Mau, chiếm 1/5 số chất độc hóa học mà Mĩ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.[6]
Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn ngoài khơi, Mĩ đã chuyển phần lớn lực lượng của Hạm đội 7 sang thực hiện nhiệm vụ chống thâm nhập. Những năm trước đây, nhiệm vụ chính của hạm đội này là đối phó với Hạm đội Viễn Đông của Liên Xô và hải quân Trung Quốc, có phạm vi hoạt động trên 500 triệu km2, kéo từ eo biển Bering đến quân đảo Guam, vươn sang tây Ấn Độ Dương, thì nay co hẹp lại, 40% lực lượng tập trung vào khu vực Đông Nam Á làm nhiệm vụ “ngăn chặn sự thâm nhập đường biển” của miền Bắc vào miền Nam[7].
Mĩ ngụy đã tiến hành chiến dịch Chống xâm nhập bằng lực lượng hùng hậu với đủ mọi phương tiện, kết hợp chặt chẽ giữa các loại tàu lớn, tàu nhỏ, máy bay, các đài trạm ra đa quan sát và các lực lượng khác ở trên bờ, hình thành một hệ thống kiểm soát nhiều vòng, nhiều lớp với mật độ tuần tiễu ngày càng cao, phạm vi ngày càng rộng, tạo thành một phòng tuyến gần như khép kín từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Tàu địch rình rập khắp nơi, sẵn sàng bao vây, áp sát và nhả đạn vào bất cứ tàu, thuyền nào nghi là tàu từ miền Bắc. Những chuyến chở hàng chi viện miền Nam của “Đoàn tàu không số” phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thử thách.
Trước hoàn cảnh đó, tháng 7/1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân đã xác định phương châm vận chuyển trong tình hình mới là: “chuẩn bị chu đáo, tận dụng sơ hở của địch”[8]; “du kích, bí mật, kiên quyết, mạnh dạn”[9]. Hướng đi mới được xác định là: xa bờ hoạt động trên vùng biển quốc tế, dẫn tàu theo phương pháp thiên văn. Với tuyến mới này, những chuyến đi của các “con tàu không số” phải thực hiện hải trình dài hàng ngàn hải lý. Để tránh theo dõi của địch, tàu phải đi ngược lên phía bắc đến gần Ma Cao (Trung Quốc), rồi đi ra vùng biển quốc tế, sang sát Philippines, xuống Indonessia, có khi vòng tới đảo Palawan, xuống gần Singapore, qua eo biển Malaca rồi về vịnh Thái Lan… chọn thời cơ thuận lợi cho tàu chạy nhanh vào bến. Để che mắt địch và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới, các tàu được cải dạng cho giống với những con tàu đánh cá hoặc tàu buôn nước ngoài, được lắp máy công suất lớn, tốc độ cao, đồng thời phải tính toán dự trữ thêm nhiều xăng dầu, lương thực, thực phẩm, bảo đảm đủ cho một chuyến đi dài ngày trên biển.
Bằng phương thức ấy, năm 1965 ta đã tổ chức thành công ba chuyến chở 187,8 tấn vũ khí vào miền Tây Nam Bộ, kịp trang bị cho những đơn vị chủ lực mới được thành lập, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Nam Bộ, với những thắng lợi nổi bật như trận thắng Mĩ ở Bầu Bàng, Đất Cuốc, Dầu Tiếng…
Tuy nhiên, bước sang năm 1966, khi Mĩ tăng cường lực lượng đặc nhiệm 116, 117, công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường càng khó khăn hơn. Trong năm ta tổ chức 6 chuyến hàng vào Nam Bộ nhưng chỉ có 2 chuyến cập bến Cà Mau (tàu C 42, C 69) thành công, 2 chuyến gặp địch phải quay về, 2 chuyến buộc phải nổ súng chiến đấu (tàu C 100, C 187). Tàu C 100 bị địch bắn cháy. Do phá hủy không thành, địch cướp mất tàu C 187. Sau vụ tàu C187, con đường vận chuyển càng khó khăn bội phần. Biết rõ ta vẫn không ngừng vận chuyển chi viện cho chiến trường, Mĩ ngụy càng tăng cường khả năng ngăn chặn. Cuối năm 1966, tàu C 41 và C43 lại tiếp tục chuyển hàng cho chiến trường Khu 5. Tuy vậy chỉ có Tàu C41 cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), nhưng không thể trở ra, buộc phải phá tàu; còn Tàu C43 gặp địch phải quay lại. Năm 1967, Đoàn 125 tổ chức 5 chuyến vào Khu 5 nhưng bị địch phát hiện, ngăn chặn, 3 tàu phải quay về, tàu C 43 và C198 vào được bến nhưng phải trực tiếp chiến đấu với địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh, phải hủy tàu. Trước những khó khăn ấy, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân nhận định “Những tháng cuối năm 1967, địch vẫn ráo riết tăng cường ngăn chặn ta trên các khu vực biển xa và gần bờ, nhưng không phải ta hoàn toàn không có khả năng đưa tàu vào bến. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động của địch, chủ động tạo ra thời cơ làm cho địch có những sơ hở để vận chuyển kỳ được cho chiến trường và tiếp tục nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển phù hợp”.[10]
Nhằm đánh thẳng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ, “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”[11]. Từ đêm 30 tháng 1 năm 1968, quân dân ta ở miền Nam “thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa” [12], đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, các cơ quan đầu não của Mĩ ngụy. Góp sức vào cuộc Tổng tiến công, nổi dậy, Quân chủng Hải quân tổ chức đợt vận chuyển vào miền Nam. Đoàn 125 được lệnh chuẩn bị các tàu C 165, C235, C56, C68 và C43 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, kịp thời tiếp tế vũ khí, đạn dược cho các chiến trường. Để phân tán sự đối phó của địch, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng 4 tàu vào 4 bến khác nhau. Tàu C165 được giao nhiệm vụ chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), Tàu C235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa), Tàu C43 vào Đức Phổ (Quảng Ngãi), Tàu C 68 vào bến Lộ Giao (Quảng Ngãi).
Đây thời điểm hết sức căng thẳng và quyết liệt. Sau những đòn tấn công choáng váng của quân và dân ta, Mĩ ngụy đã tổ chức phản kích mãnh liệt nhằm giành lại những vị trí đã mất, cố đánh bật lực lượng ta ra xa các đô thị. Lực lượng hải quân Mĩ và của quân đội Sài Gòn được lệnh đánh phá ngăn chặn các vùng biển gần bờ, các cửa sông. Biết trước đầy hiểm nguy, nhưng tất cả “Vì miền Nam ruột thịt” cán bộ chiến sĩ “Đoàn tàu không số” lại sẵn sàng lên đường. “Phương châm đột kích là: Dũng cảm, thận trọng, táo bạo, ngoan cường”[13]
18 giờ 30 phút ngày 6 tháng 2 năm 1968, Tàu C 235 gồm 21 cán bộ chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy, chở hơn 16 tấn vũ khí, rời căn cứ A2 đi Hòn Hèo (Khánh Hòa). Ngày 10 tháng 2 , khi cách bờ 38 hải lý, bị tàu chiến và máy bay địch phát hiện và bám theo. Mặc dầu đã tiến hành nghi binh, nhưng địch vẫn đeo bám. 12 giờ ngày 11 tháng 2, Sở chỉ huy lệnh cho tàu trở về căn cứ. Tại đây, tàu được sơn lại màu khác, thay tên biển mới, kiểm tra, sửa chữa hệ thống máy móc, thiết bị chờ lệnh xuất phát. Sau Tàu C 235, đêm 18 tháng 2 năm 1968, Tàu C68 do Thuyền trưởng Đỗ Văn Bé và Chính trị viên Phạm Văn Bát chỉ huy thực hiện hải trình vào Nam. Đến ngày thứ 3, bị địch phát hiện, chúng cho máy bay và tàu chiến bám theo. Không thể cắt được sự đeo bám của địch, Tàu C68 được lệnh chuyển hướng vòng lên phía Bắc, trở về căn cứ A2. Tuy 2 chuyến đầu không thực hiện thành công nhiệm vụ, nhưng đã để lại bài học và kinh nghiệm về cách thâm nhập, phân tán, đánh lừa địch, tạo thời cơ vào bến.
Nhằm phân tán sự theo dõi của địch, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thực hiện chiến thuật cho các tàu cùng xuất phát ở các địa điểm khác nhau và đi theo nhiều hướng khác nhau. Tàu nào không vào được bến thì làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch, tạo điều kiện cho các tàu khác tiếp cận bến. Theo kế hoạch, từ ngày 23 đến 27 tháng 2 năm 1968, các tàu lần lượt lên đường.
Ngày 23 tháng 2, từ căn cứ A2, Tàu C165 gồm 18 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Lương chỉ huy, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Song do tình hình không có lợi, nên được lệnh lùi ngày xuất phát. Trong khi đó, tại Đoàn 125, Sở chỉ huy dã chiến nhanh chóng được hình thành gồm các đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh quân chủng, đồng chí Kim Sang, Phó Tham mưu trưởng quân chủng cùng các đồng chí Võ Huy Phúc, Chính ủy Đoàn 125, Huỳnh Công Đạo, Quyền đoàn trưởng và các cán bộ tác chiến của Đoàn trực tiếp chỉ huy xử lý tình huống.
Đêm 25 tháng 2 năm 1968, từ căn cứ A2, Tàu C165 chở 64 tấn vũ khí khởi hành thực hiện hải trình vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Trên đường đi, nhiều lần tàu bị máy bay trinh sát địch rà thấp, theo bám. Đến ngày 29 tháng 2, tàu chuyển hướng vào bờ, khi đến vị trí 8o45 vĩ bắc và 105o kinh đông, 8 tàu chiến địch bao vây, chúng nổ súng uy hiếp, gọi hàng hòng bắt gọn tàu và thủy thủ đoàn. Trước hành động của địch, cán bộ chiến sĩ trên tàu sẵn sàng quyết tử. Phát hiện tàu ta chuẩn bị chiến đấu, chúng tập trung hỏa lực và gọi máy bay đến hỗ trợ, bắn xối xả vào tàu. Về sau, các đồng chí ở bến Vàm Lũng kể lại: đêm 29 tháng 2 năm 1968, họ nhìn thấy phía biển nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời, địch thả pháo sáng trắng rực cả khu vực. Biết rằng tàu ta đã gặp địch và đang chiến đấu. Những ngày tiếp theo, bến cử người đi dọc bờ biển tìm anh em nhưng chỉ thấy những mảnh gỗ nhăm nhở đạn. Như vậy, cán bộ chiến sĩ Tàu C165 đã chọn phương án cuối cùng, điểm hỏa khối bộc phá để phá hủy tàu. Tập thể Tàu C165, trong đó có 15 đảng viên đã hi sinh cùng con tàu chở đầy vũ khí khi chưa thể hoàn thành nhiệm vụ.
Hôm sau, ngày 26 tháng 2 năm 1968, Tàu C56 rời căn cứ A3. 17 cán bộ chiến sĩ dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và Chính trị viên Đỗ Như Sạn quyết tâm đưa 37 tấn vũ khí vào bến Lộ Giao (Bình Định), kịp chi viện cho chiến trường. Đi theo đường biển quốc tế, nhưng tàu thường xuyên bị máy bay và tàu chiến địch đeo bám, khiêu khích. Suốt đêm 29 tháng 2 và ngày 1 tháng 3 năm 1968, Sở chỉ huy liên tục nhận được điện báo tàu địch bám sát. Phân tích tình hình, Sở chỉ huy nhận định, tàu vẫn chưa bị lộ, có thể tiếp tục hành trình. Qua những ngày treo cờ Nhật Bản, thực hiện hành trình theo hướng 90o, nhưng vẫn bị tàu địch bám sát, bắn doạ; máy bay sà sát khiêu khích. Khi cách bến 40 hải lý, tàu địch đã tăng tốc chặn lại. Trong tình thế tàu địch đông, hỏa lực mạnh, có máy bay hỗ trợ, nhận thấy tình hình không thuận lợi, Sở chỉ huy lệnh cho Tàu C56 giữ đúng đối sách, tránh đụng độ tàu địch, quay về căn cứ. Tập thể Tàu C56 đã bình tĩnh xử lý tình huống, vượt qua vòng kiểm soát của địch trở về căn cứ an toàn.
Sau khi tàu C 56 rời bến, vào 1 giờ sáng ngày 27 tháng 2, tại cảng A3, Tàu C43 gồm 17 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, rời vị trí neo đậu, chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Sau một ngày trên biển, máy tàu gặp sự cố, anh em cố gắng khắc phục cho tàu tiếp tục hành trình. Đêm 29 tháng 2, khi ở vị trí 14o19’ vĩ độ bắc, 109o04’ kinh đông, cách bờ chừng 12 hải lý, bị 6 tàu địch bao vây, trên trời máy bay trực thăng không ngừng quần đảo, săm soi... Thuyền trưởng lệnh cho toàn tàu tập trung chiến đấu. Trong vòng vây của địch, Tàu C43 vừa chiến đấu vừa cơ động vào gần bờ. Đạn từ tàu C 43 đã bắn rơi một trực thăng, bắn cháy một tàu chiến địch. Thấy đồng bọn bị trúng đạn, các tàu khác vội giãn ra. Lợi dụng thời cơ, thuyền trưởng lệnh tập trung hỏa lực, kiên quyết phá vòng vây. Anh cho tàu hướng gần bờ. 1 giờ ngày 1 tháng 3, thuyền trưởng phân công chính trị viên đưa anh em thương binh, liệt sĩ lên bờ. Anh cùng hai thuyền phó ở lại hủy tài liệu, thực hiện phương án cuối cùng. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, các vị trí điểm hỏa. Khối bộc phá phát nổ, Tàu C 43 bùng lên như quả cầu lửa trước sự kinh hoàng của kẻ thù. Trong trận chiến đấu này Thủy thủ trưởng Phan Văn Rai, Hàng hải số 1 Vũ Xuân Ruệ, và Y tá Võ Tòng Nho hi sinh. Các đồng chí còn lại được sự giúp đỡ của nhân dân Ba Làng An đưa về căn cứ, sau hơn ba tháng về đến miền Bắc.
Cũng trong đêm 27 tháng 2 năm 1968, cùng thời điểm với Tàu C43, tại vị trí khác của cảng A3, Tàu C235 với thủy thủ đoàn gồm 20 người, do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy tiếp tục xuất phát, nhằm đưa hơn 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Hòn Hèo, thuộc hai xã Ninh Phước và Ninh Vân là khu vực hiểm trở, cách Nha Trang gần 19 hải lý về phía Bắc. Nơi đây luồng hẹp, nhiều đá ngầm, phía ngoài có núi cao bao bọc rất bất lợi cho cơ động. Với địa hình đó, đòi hỏi thuyền trưởng có trình độ giỏi, nhiều kinh nghiệm mới đưa tàu vào khu vực này được an toàn. Chọn Hòn Hèo làm bến là tương kế, tựu kế; là nơi nguy hiểm, dễ lộ nhất và cũng là nơi địch không ngờ tới. Do vậy phải hành động hết sức táo bạo, nhanh chóng và chính xác.
Sau hai ngày hành quân với tốc độ lớn, 18 giờ ngày 29 tháng 2 năm 1968, Tàu C235 đã đến vùng biển cách thành phố Nha Trang 10 hải lý, lúc này có máy bay trinh sát của địch ngang qua. Sau hội ý chớp nhoáng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định đưa tàu đến nơi quy định. 23 giờ, tàu cách Hòn Hèo 6 hải lý bị địch phát hiện. 3 tàu chiến mang số hiệu HQ 12, HQ 617 và Ngọc Hồi của Vùng 2 Duyên Hải quân đội Sài Gòn và 4 tàu khác thuộc Duyên đoàn 25 lập tức được điều đến vùng biển phía bắc Nha Trang, hòng bắt sống Tàu C235. Trước tình thế nguy cấp, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn quyết định hành trình vào bến. Trong khi đó, các tàu địch tắt hết đèn, lặng lẽ phục kích đợi tàu ta, với ý đồ khi chúng đồng loạt bật đèn, tàu nào không có đèn sáng chứng tỏ tàu của Bắc Việt. Lợi dụng tình thế đó, Nguyễn Phan Vinh điều khiển cho tàu luồn lách qua đội hình địch, vào sát bờ phía xã Ninh Phước. 0 giờ 30 phút ngày 1 tháng 3, Thuyền trưởng phổ biến: Ta len vào đây, tàu địch giăng hai lớp sau lưng rồi, khả năng thoát ra ngoài là rất ít. Chắc đến 90 phần trăm là phải chiến đấu. Có thể hi sinh lớn. Nhưng đang lúc chiến trường tổng tiến công, cần súng đạn hơn bao giờ hết. Ta thả được càng nhiều cho anh em càng quí… Vào lúc 1 giờ, thủy thủ Tàu C235 thả hết các bao hàng xuống nước để bến vớt sau. Trong khi phía ngoài, tàu địch đang rập rình, chờ đợi. Không để địch phát hiện vị trí thả hàng, Tàu C235 chạy dọc ven bờ, hướng về xã Ninh Vân. 2 giờ 30 phút ngày 1 tháng 3, các tàu địch đồng loạt bật đèn, phát hiện tàu ta đang ở vị trí gần bờ, chúng đồng loạt nổ súng, bắn đạn cỡ lớn chặn phía trên bờ ngăn không cho anh em ta chạy thoát và dùng các súng cỡ nhỏ bắn thẳng vào tàu khống chế, hòng bắt cả tàu và người. Trong tình thế cực kỳ khó khăn, phía trước là núi, phía sau tàu địch không ngớt nhả đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu chạy sát bờ. Hai thủy thủ Hà Minh Thật và Nguyễn Văn Phong liên tiếp phát hỏa ĐKZ về phía tàu địch kiến chúng không dám áp sát. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, 5 cán bộ chiến sĩ của Tàu C235 hi sinh, 7 người bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết sử dụng phương án 2, phá vòng vây, hi vọng với tốc độ cao của tàu để vượt ra khơi, nếu không thoát sẽ cho tàu lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang, cho nổ tàu phá cảng; hoặc không thì lao thẳng vào tàu địch, rồi cho nổ bộc phá diệt luôn tàu của chúng. Phương án này đã được quát triệt, chuẩn bị tư tưởng từ trước.
Nhưng khi tàu chưa kịp quay mũi ra biển thì khoang máy bị trúng đạn, máy hỏng, tàu không cơ động được nữa. Không thể chần chừ, thuyền trưởng lệnh cho anh em bị thương rời tàu, phân công đặt kíp nổ, phá tàu. 2 giờ 30 phút, khối bộc phá trên Tàu C235 phát nổ, sức công phá dữ dội chấn động đến thành phố Nha Trang, một nửa Tàu C235 văng lên lưng chừng núi Bà Nam (Xã Ninh Vân), một nửa tan thành những mảnh vụn hòa vào lòng biển Khánh Hòa. Trong cuộc chiến đấu này, 14 cán bộ chiến sĩ của đội Tàu 235, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hi sinh[14], những người còn lại bắt liên lạc được với bến, sau đó theo đường Trường Sơn trở lại miền Bắc.
Các trận chiến đấu và hi sinh của Tàu C 43, C265 và C 235 đã phản ảnh thực tế, địch tập trung và phát huy mọi ưu thế kĩ thuật quân sự, sức mạnh hải quân để bao vây, ngăn chặn hoạt động vận chuyển đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách các chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” đã nêu cao tinh thần anh dũng, chấp nhận thử thách, hi sinh, thực hiện những chuyến vận chuyển vũ khí, kịp chi viện cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, với quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Dù chưa thể hoàn thành nhiệm vụ, nhưng những chuyến tàu, những con người ấy đã để lại những tấm gương quên mình cao cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần làm nên huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển, làm sáng ngời ý chí “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.
[1] Từ tháng 10 năm 1962 đến tháng 2 năm 1965, ta đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu, vận chuyển 4.719 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Trong đó: Cà Mau 45 chuyến, Trà Vinh 12 chuyến, Bà Rịa 3 chuyến, Bến Tre 23 chuyến, Khu 5, 5 chuyến. (Nguyễn Đắc Thắng, Vai trò của đoàn tàu không số trong kháng chiến chống Mĩ (1954 – 1975), Tỉnh ủy Cà Mau – Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bảo đảm giao thông vận tải, nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân ở đồng bằng Sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh 2007, tr 238
[2] 23 giờ ngày 15 tháng 2 năm 1965, Tàu C143 sau khi cập bến, thả hàng ở Vũng Rô (Phú Yên) đã hỏng tời neo, không kịp quay ra khơi trước khi trời sáng. Ngày 16/2, địch phát hiện, cán bộ, chiến sĩ tàu và bến buộc phải chiến đấu. Do không cân sức, không để tàu rơi vào tay địch, ta phải phá hủy tàu.
[3] Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mĩ R.Schrosbay nhận định “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62 mm của địch ở những khu vực ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển." Dẫn theo Nguyên Ngọc.Có một con đường mòn như thế trên biển Đông¸Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 113
[4] Bộ Tư lệnh Hải Quân, Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, tr .233
[5] Dẫn theo Sư lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quân đội về chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr 116
[6] Nguyễn Văn Thép, Lực lượng vũ trang Cà Mau với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ bến bãi, kho tàng, giữ vững căn cứ trong kháng chiến chống Mĩ (1954 – 1975),Tỉnh ủy Cà Mau – Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bảo đảm giao thông vận tải, nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân ở đồng bằng Sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Nxb Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh 2007, tr 435
[7] Xem Đặng Phong, 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri thức, Hà Nội 2008 .tr 195
[8] Hồ sơ số 70, phông Lữ đoàn 125, Lưu Văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân
[9] Hồ sơ số 45, phông Lữ đoàn 125, Lưu Văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân
[10] Hồ sơ số 49B, Lưu trữ Văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, Hà Nội 2004
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, tr.50
[13] Bộ Tư lệnh Hải Quân, Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 – 1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, tr 250
[14] Ngày 25 tháng 8 năm 1970 Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau ngày đất nước thống nhất, tên anh được đặt cho hòn đảo san hô ở tọa độ 8o56' vĩ Bắc, 113o38' kinh Đông thuộc quần đảo Trường Sa,.