Thành ngữ chọc gậy bánh xe nếu xét về từ ngữ thì khá đơn giản. Các từ đều rõ ràng, hiển minh. Hiểu theo nghĩa đen, thành ngữ này miêu tả động tác dùng vật dài đâm vào bánh xe để làm hư hỏng. Nhưng kỳ thực, nghĩa của thành ngữ chọc gậy bánh xe được hiểu khác xa nghĩa gốc này. Hành vi trong thành ngữ chọc gậy bánh xe là một hành vi phá hoại, nhưng không phải là phá cho hư hỏng một vật cụ thể mà là gây cản trở sự phát triển tốt đẹp trong công việc của người khác. Ý nghĩa đó được hình thành trên cơ sở tính biểu trưng của bánh xe. Trong thành ngữ này, bánh xe được dùng theo phép hoán dụ,tức là lấy bộ phận để chỉ chỉnh thể. Theo đó, bánh xe được dùng để chỉ xe. Dĩ nhiên bánh xe và xe đều biểu trưng cho sự chuyển động, tiến lên phía trước, biểu trưng cho sự tiến bộ. Và, hành vi chọc gậy bánh xe trở thành nhân tố cản trở, phá hoại sự tiến triển có tính tốt đẹp đó. Như vậy, thành ngữ chọc gậy bánh xe mang trong nó sự đánh giá tiêu cực đối với kẻ phá ngang, ngăn cản, ngược lại, dành sự đánh giá tích cực cho người bị ngăn cản, bị chọc gậy bánh xe. Trên thực tế, không phải mọi sự ngăn cản công việc người khác đều là xấu. Kẻ làm điều tai ác đều bị ngăn cản, nhưng người đời có bao giờ dùng thành ngữ chọc gậy bánh xe để ví với sự ngăn cản có tính chất tốt đẹp và đầy lòng nhân ái đó đâu! Chỉ có những kẻ ngăn cản công việc tốt đẹp bị ví bằng thành ngữ chọc gậy bánh xe hàm chỉ bao giờ cũng xấu, đáng phê phán. Thí dụ:
"Thời bây giờ, người tốt rất nhiều, kẻ chọc gậy bánh xe chưa phải là hết. Họ sẽ túm lấy, la lối lên, xuyên tạc đủ điều ai bịt miệng được" (Vũ Tuyến, "Thành phố mới").
"Tôi không phải là hạng người đi chọc gậy bánh xe kẻ khác đâu" (Huy Phương, "Xi măng").
Trong tiếng Việt, thành ngữ chọc gậy bánh xe cong có các dạng thức khác nữa là chọc gậy vào bánh xe, thọc gậy bánh xe, thọc gậy vào bánh xe. Về ý nghĩa, các biến thể này được dùng hoàn toàn giống dạng chọc gậy bánh xe. Thí dụ:
"Xóm làng đang vui, đang dự tính hoặc tiến hành bao nhiêu công chuyện, chúng nó ngang nhiên thọc gậy bánh xe!" (Bùi Hiển, "Đường lớn").