Cuộc sống quanh ta

Đối thoại - Một cách thế sống và một lối ứng xử hiện đại trong thế giới hôm nay

ĐỐI thoại đã trở thành một danh từ thời thượng, một nếp nghĩ, một cách thế sống và một lối giải quyết vấn đề. Là một đường lối ứng xử và cách thức giải quyết các xung đột bằng sức mạnh của trí tuệ, kiến thức, khả năng thuyết phục của lẽ phải, không dựa trên sức mạnh của vũ lực hay thể lực.

Ngày nay, đối thoại xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: đối thoại trong đời thường, đối thoại giữa các thế hệ, các nền văn hóa, các cộng đồng tôn giáo, các thành phần xã hội, các nhà khoa học, các thể chế chính trị, các khu vực kinh tế, các đại học, các xí nghiệp và ngay cả đối thoại giữa người và máy vi tính. Sâu xa hơn ở thời đại dân chủ và đa nguyên, đa văn hóa này, tất cả đều đối thoại bởi tất cả đều trở thành đề tài để thảo luận, suy tư và kiếm tìm. Nhiều quan niệm và quy tắc ngày xưa tưởng chừng như chân lý vĩnh cửu, bất di bất dịch, bất khả xâm phạm... cũng đang bị mổ xẻ và giải thích lại. Tất cả là đối thoại và đối thoại nghiễm nhiên trở thành một biểu hiện tích cực của thời đại.

Hạn từ đối thoại rất phong phú và được hiểu nhiều cách khác nhau. Trước hết, ở bình diện thuần túy nhân bản, đối thoại có nghĩa là chia sẻ, trao đổi, truyền thông cho nhau các thông tin, quan điểm, kinh nghiệm, cảm nghiệm và chọn lựa nhằm đạt tới một mục đích nào đó. Trên bình diện cao hơn, đối thoại dẫn đến sự hiệp thông liên nhân vị, với tất cả sự cởi mở, trân trọng và phong phú hóa cho nhau. Hình thức đối thoại này dẫn đến sự gặp gỡ tình bạn.
Không còn là lời nói suông, hoặc độc thoại khô khan hay kiểu nói để thóa mạ, vu khống, lấn át người khác. Lời nói ở đây chính là nhịp cầu - bằng biểu tượng tâm linh hay hành động - để đi tới tha nhân, để lấp đầy khoảng trống và hố cách biệt sâu thẳm giữa ta với người. Đối thoại dịch thực luôn giả thiết thái độ cởi mở, can đảm vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, tập quán để kiên nhẫn lắng nghe, sáng suốt lĩnh hội quan điểm của người và bình thản đón nhận hay nêu thắc mắc, đặt vấn đề.
Với Socrate, nhà hiền triết của Triết học Tây phương quan niệm đối thoại là một phương thế truy tầm chân lý, ngang qua hình thức trao đổi và đối chất về tư tưởng. Ông sử dụng đối thoại như một đường hướng triết lý giáo dục. Dưới cái nhìn của ông tổ triết học Tây phương, đối thoại là thái độ dấn thân kiếm tìm chân lý, xây dựng niềm cảm thông giữa người với người. Theo Socrate, sứ mệnh của giáo dục là soi sáng và hướng dẫn, chứ không phải truyền đạt kiến thức một cách máy móc cho người khác. Đây là một hành trình chung giữa thầy và trò. Ông thường mệnh danh phương pháp giáo dục này là "khích biện pháp" (maievtrique) và ông thú nhận đã học được nó nơi nghề hộ sinh của mẹ ông. Hộ sinh không có nghĩa là sinh thay mà là giúp cho sản phụ sinh dễ dàng hơn, đảm bảo hơn. Nhiệm vụ của giáo dục không phải là chụp lên đầu môn sinh những quan niệm tiền chế, nhét vào óc họ những tri thức khách quan, mà là khai mở, soi sáng, hướng dẫn, giúp đỡ... làm triển nở chân lý tiềm ẩn nơi mỗi người qua đối thoại...
Trong thế giới hiện đại, điều kiện tiên quyết của một cuộc đối thoại đích thực là phải chấp nhận đa nguyên, đa diện, đa văn hóa và trân trọng những khác biệt căn bản giữa người với ta. Đối thoại vì vậy là cuộc gặp gỡ giữa các nhân vị, chứ không phải là sự so sánh về ý tưởng hay một cuộc đọ sức giữa các hệ thống. Do đó cần phải quan tâm đến mỗi con người cụ thể, với tính tình kinh nghiệm sống, trình độ học vấn, điều kiện xã hội riêng biệt. Qua đối thoại mỗi cá nhân được nhìn nhận như những nhân vị có quyền lợi, tự do, cá tính về sắc thái riêng.
Từ bản chất, đối thoại đòi hỏi phải tôn trọng sự khác biệt và chối từ tham vọng chinh phục người khác. Người khác tự bản chất không những không thể đồng hóa với ta, mà còn thực sự khác ta rõ rệt. Nhưng chính từ sự khác biệt này ta tìm thấy căn tính và đặc thù của họ, làm cho họ là họ, chứ không phải là ta hay một ai khác. Sau một quá trình đối thoại chân thành, rất có thể chúng sẽ vượt qua một số bất đồng ban đầu để đi đến một đồng thuận nào đó. Nhưng không thể dễ dàng đốt cháy giai đoạn hay một ý đồ "xâm lược" ngay tự bắt đầu.
Cám dỗ thường xuyên của chúng ta là muốn nhanh chóng loại trừ mọi khác biệt, muốn đúc nặn đối tượng theo quan niệm và hình ảnh của riêng mình thế nên ta cố sức nhào nặn bắt ý đối tượng phải vào một khuôn nhất định, phải có những cảm nghĩ hành động, tư tưởng y hệt như ta. Thậm chí nhiều khi còn lấy tiêu chuẩn chủ quan của ta để đánh giá, phê phán và xếp loại tha nhân, ai phù hợp với ta sẽ được xếp vào hàng gương mẫu, còn ai có lối sống, nếp nghĩ, tâm thức khác ta... sẽ bị nghi ngờ hay đánh giá thấp.
Nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ nhận ra tính phi lý của thái độ nói trên. Phần nào nó tương tự như tâm trạng của anh chàng hủi trong sách Trang Tử ngày xưa. Lần nọ, vợ anh sinh đứa con đầu lòng, anh chàng hết sức nôn nóng, vừa mừng, vừa lo. Nửa đêm vội thắp đèn đi xem mặt con. Anh canh cánh lo sợ đứa con sẽ khác mình, nghĩa là không hủi như anh!
Ở đây chắc chắn không thiếu tình yêu và thiện chí, có điều nó bị hiểu sai và đặt không đúng chỗ, nên có nguy cơ biến thành chiếc giường Procuste. Theo thần thoại Hi Lạp, Procuste là một tên cướp kì khôi. Y có một chiếc "giường kiểu mẫu". Mỗi lần bắt được ai, y đặt lên giường đó để đo. Nếu vừa vặn, y sẽ thả cho đi bằng an, nếu thừa, y dùng gươm xén bớt, còn nếu ngắn quá, y sẽ kéo cho tới khi bằng chiếc giường mới thôi. Suốt dọc lịch sử nhân loại, biết bao nhiêu lần người ta đã áp dụng chiếc giường Procuste vào lãnh vực giáo dục, xã hội, chính trị, tư tưởng, tôn giáo...
Vì không chấp nhận tính đa nguyên và đa diện của cuộc sống, rất nhiều lần sự khác biệt của tha nhân đã gây nên nỗi bất an, lo sợ, phiền muộn. Nhiều khi ta đau khổ vì không chịu nổi sự khác biệt của tha nhân hay vì thấy tha nhân có lối sống, quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo... không giống ta. Ta quên mất chính tha nhân là tha nhân khác ta, để nhìn từ một góc độ khác, những khác biệt đó, không những có thể làm giàu cho xã hội, mà còn bổ túc và làm triển nở bản sắc của riêng ta. Khai trừ những khác biệt giữa người với ta có thể dẫn đến thái độ áp đặt độc quyền, độc tôn, mà hậu quả tai hại của nó là có thể khai trừ chính tha nhân. Thái độ đối thoại, trái lại, đòi hỏi phải chấp nhận và trân trọng tính đa diện, cũng như sự khác biệt căn bản giữa người với ta để cố gắng bắt nhịp cầu thông cảm và tiến tới một giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.
Một cuộc đối thoại đích thực đòi hỏi phải đảm nhận đồng thời hai yếu tố có vẻ trái ngược nhưng bổ túc cho nhau: giữ căn tính của mình và tôn trọng quan điểm của người; trân trọng những nét riêng biệt của họ, mà vẫn không đánh mất căn tính của mình. Đòi hỏi cả hai bên phải ý thức rõ rệt căn tính và bản sắc của mình cũng như của người. Albert Camus đã nhận định sâu sắc: "Điều tôi mong muốn nói với quý bạn hôm nay chính là thế giới đang cần có cuộc đối thoại chân chính. Thái độ giả dối cũng như im lặng đều tương phản với đối thoại. Chỉ có đối thoại thực sự giữa những người chân thành với chính mình và nói sự thật, không thể có đối thoại đích thực ẩn núp dưới chiêu bài "đánh lận con đen" hay "cả vú lấp miệng em". (A.Camus, Atuelles i, Chronowques 1944 - 48 trong Essais, Paris, 1965. Tr372. Câu văn trích từ một bài nói chuyện tại Tu viện Đaminh ở Bonlevard Lour - Mau beurg).
Trong đối thoại phải có xác tín, có lập trường và luôn giữ vững bản sắc của mình, không phải là chướng ngại, mà còn là điều kiện cần thiết để có thể đối thoại thực sự. Paul Ricoeur (Nhà Xã hội học tiến bộ Anh quốc) từng nói "Để có thể là mình, hãy đối thoại với người, nhưng để đối thoại với người, mình phải là mình". Mấy chục năm về trước Martin Buber đã quả quyết: "Tôi trở nên người thành toàn qua tương giao với anh; khi trở thành tôi, tôi gọi Anh. Tất cả cuộc sống đích thực bao hàm việc gặp gỡ".
Đối thoại là dấn thân và chấp nhận thách đố. Đòi hỏi người đối thoại phải ra khỏi tháp ngà định kiến và can đảm sửa đổi chính quan điểm và cuộc sống của mình. Người đối thoại chân thành là người dám chấp nhận đặt lại ngay cả những xác tín của mình.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559209

Hôm nay

2226

Hôm qua

2301

Tuần này

2527

Tháng này

226752

Tháng qua

122920

Tất cả

114559209