Thập niên đầu tiên của thiên kỉ thứ ba sắp trôi qua với bao bề bộn, nhọc nhằn, lo âu. Văn học nghệ thuật Nghệ An bước vào năm con hổ với một hành trang nhẹ nhàng, gần như theo cái đà mỏi mệt hằng thường, có điều năm nay mỏi mệt hơn.
Thập niên đầu tiên của thiên kỉ thứ ba sắp trôi qua với bao bề bộn, nhọc nhằn, lo âu. Văn học nghệ thuật Nghệ An bước vào năm con hổ với một hành trang nhẹ nhàng, gần như theo cái đà mỏi mệt hằng thường, có điều năm nay mỏi mệt hơn.
Năm 2009 vẫn cái đà tiến của năm 2008, cũng như năm 2008 đã từng bước theo cái đà bước của năm 2007…. Không có những tác phẩm khả dĩ làm sôi động hơn một chút môi trường văn học vốn đã quen với cái vẻ lặng lẽ, có phần heo hút của hoạt động sáng tạo mà lại ngấm ngầm xao động, ngấm ngầm chờ phun nham thạch ở một phần chìm khác mà người tinh ý và hiểu nội tình lắm mới nhận ra. Các trại sáng tác của các hội Trung ương vẫn mở, nếu Nghệ An được ưu ái, tất sẽ có nhà nghệ sĩ nào đó tham gia cho đủ mặt theo kiểu luân phiên ca trực. Các trại địa phương cũng vậy, vẫn mở đều và các hội viên đến ca vẫn tham gia đủ, có sản phẩm hay không, sản phẩm tốt hay không, mặc lòng. Việc đầu tư tác phẩm đã trở thành một thứ phản xạ có điều kiện hay một thứ lễ hội kiểu hội Lim hội Gióng. Danh sách tác giả, tác phẩm đầu tư ngắn hạn dài hạn chất lượng cao chất lượng vừa được công bố sau khi các ban bệ họp và những cánh tay vẫn giơ lên một cách hết sức dân chủ tập trung hay những ấn định từ một thiểu số người, nhưng theo cách nào thì đã theo thông lệ, vẫn không thể không có tiếng xì xào đâu đó, như là tiếng vọng của những nỗi niềm bị thất sủng.
Hội họa ỉu xìu. Người ta thấy, hoặc chỉ cần tưởng tượng, các họa sĩ vẫn kiên nhẫn với cây cọ, những vuông vải mướt mồ hôi trong căn phòng vốn không phải hạng sang với tổng hợp mùi vải cũ, vải mới, mùi màu nội, màu ngoại và đôi khi sền sệt mùi keo da trâu, mùi khói thuốc vi na lẫn thuốc ngựa, thuốc cò mềm hay thuốc lào. Các họa sĩ cao niên và trung niên - những người đã “có nghề” - thì vẫn tay cọ tay dao theo quán tính thẩm mĩ trong con người của một thời. Thường họ có những bức tranh chặt chẽ, có nghề ở cả cấu tứ và bố cục, song thật hiếm thấy những ánh sáng lạ có thể nhấc người thưởng thức lên cao hơn tầng cao mà chính họ đã đưa trước đó. Những người trẻ được coi là có triển vọng cố tìm tòi, cố cách tân, hòng mang đến một chút ánh sáng như đoàn tàu qua phố huyện nghèo, để rồi tiếp tục trình làng những khát vọng dang dở, như sự lỡ tay (tất nhiên không phải là của thiên tài); và người sành tranh đứng trước những họa phẩm của họ chỉ biết mỉm cười cái cười của nàng Monalisa (nhân vật trong tranh của Leonardo da Vinci) hay giữ thái độ im lặng của “người đàn bà xa lạ” (tên một bức tranh của Nikolaevich Kramxkoi). Những bức tranh vẽ xong đưa đi hoặc không đưa đi triển lãm rồi tác giả tự ngắm lấy - “tự sướng” - ở cái xứ sở mà thị hiếu thẩm mĩ còn lâu mới có thể trở thành thị trường tiêu thụ những bức tranh mà các họa sĩ đã phải kìm nén bao nhiêu nỗi thèm thuồng được sống một cuộc sống no đủ, mới có được. Những hạt thóc mùa triển lãm năm nay vẫn không chịu rơi vào cái cót lâu ngày kém phơi sấy của mĩ thuật Nghệ An. Cả năm đáng kể chỉ có Nguyễn Đình Truyền hái được giải ba triển lãm mĩ thuật toàn quốc (tổ chức ở Thanh Hóa) với Trung thu (khắc gỗ).
Nhiếp ảnh có một tiếng vang (không lớn). Đó là cú đúp của Nguyễn Đăng Việt khi nhận giải của Ủy ban toàn quốc các hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và vào luôn Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khi cái tuổi về hưu vuốt râu lĩnh tiền đã cận kề, như là một sự an ủi cho cả một quãng đời dài hăm hở. Ngoài ra hình như không một tác phẩm nào gây được chú ý và các cuộc triển lãm trong nước ngoài nước không mang lại may mắn gì cho giới nhiếp ảnh tỉnh nhà. Đáng chú ý và tạo được dư luận hơn cả (theo phương thức xuất bản mồm) có lẽ lại là việc nhà ông Trần Duy Ngoãn được bầu làm chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Nghệ An và được Đại hội của tổ chức này nhất trí giới thiệu vào Ban chấp hành hội toàn quốc. Các nhạc sĩ ca sĩ, vũ (công) sĩ vẫn mải mê hát cho dân tôi nghe, múa cho dân tôi xem, chỉ nhạc sĩ Mai Cường ẵm một giải của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vào những ngày đầu của năm 2010, cuối xuân kỉ sửu, tại Hội diễn nghệ thuật toàn quốc, tin vui lại đến: toàn đoàn Nghệ An chiếm vô địch với tổng số 17 giải thưởng, trong đó có huy chương vàng, giải tặng thưởng xuất sắc. Nhưng đấy là chuyện sẽ được viết trong bản báo cáo thành tích năm 2010. Ngoài ra không còn giải nào khác và sự thật này góp phần tích cực trong việc tô đậm thêm cái vẻ ảm đạm của VHNT Nghệ An phía cuối thập niên đầu của thế kỉ XXI.
Trong khi các tập sáng tác vẫn đều đặn được xuất bản với những nhãn mác sang trọng Nxb Hội nhà văn, Nxb văn học - những tác phẩm không một tiếng vang đang và sẽ còn tiếp tục nằm lặng lẽ ở một xó xỉnh nào đó không phải trong kí ức mà là trong ngăn kéo, trên kệ sách hay bất cứ nơi nào đó của một gia đình bạn hữu thân hoặc không thân, miễn là từng gặp, như một sự mai mỉa đối với văn hóa đọc và văn hóa xuất bản, thì cuộc thi sáng tác trên tạp chí Sông Lam dẫu sắp hạ màn, sắp đến giờ công bố giải thưởng mà vẫn chưa tìm ra được những ứng cử viên cho giải A của từng thể loại. Và làm thế nào để cuộc thi có thể được coi là thành công vẫn là một sự làm đau đầu những người tổ chức. Cuộc thi sẽ vắt sang năm 2010 và chắc hẳn sẽ có không ít những điều thú vị đang chờ đón những người yêu văn học hay tò mò văn học. Trong cái không khí trầm buồn ấy, cuộc gặp mặt cộng tác viên tạp chí Sông Lam trên bờ biển Diễn Thành dường như lại tạo được chút dấu ấn nào đó từ không khí trao đổi được hâm nóng bởi một vài tác giả ít khi chịu giữ cái đầu lạnh.
Nhà văn Bá Dũng ra đi đã một năm. Tháng mười một có một ngày mà nói như một nhà văn đã yên nghỉ từ lâu, rằng người nằm trong quan tài chắc sẽ mỉm cười nếu không gật gù cái đầu. Một ngày đẹp trời, sau khi tranh cãi nhiều về tên gọi, về cách thức, người ta tổ chức tại hội trường UBND thành phố Vinh buổi “tọa đàm văn xuôi nhà văn Bá Dũng” (mà sau đó, một vài cây bút tỏ rõ sự nhanh nhảu, xông xáo của mình bằng cách đưa tin trên báo Văn nghệ, điểm trong một vài báo khác, đánh giá có tầm vóc một hội thảo khoa học). Khác với tinh thần của các nhận xét về chính tác giả này vài chục năm trước, khi người ta tổ chức hội thảo về bốn cây bút mới nổi là Bá Dũng, Hồng Nhu, Thạch Quỳ và Xuân Hoài, ngoài ba tham luận (theo người viết bài này là) nghiêm túc, khách quan và có lí lẽ của ba nhà khoa học uy tín nọ và một nhà thơ không còn dây rợ dính líu gì với xứ này, thì phần lớn các tham luận đều hướng về giọng tụng ca, có nhà báo lão làng nọ còn tung hô khiến nhiều cử tọa nhầm rằng mình đang dự hội thảo về M. Gorki hay Dxoievski vậy; bài phát biểu đề dẫn khoảng 800 từ nhưng lại có tham vọng đặt vấn đề nghiên cứu vị trí của Bá Dũng trong hành trình hơn 40 năm của VHNT Nghệ An (thường những người này lại rất ít quan tâm đến chính tả, và đặc biệt là ngữ pháp). Tuy nhiên, điểm nhấn của cuộc tọa đàm hình như không nằm ở các báo cáo khoa học hay phi khoa học, mà nằm trong những hành động/ lời phát biểu của một số văn nghệ sĩ khác xoay quanh những kỉ niệm với, hoặc những câu chuyện liên quan đến người quá cố.
En nờ trừ một cộng một bằng en nờ (n-1+1=n), có vẻ như là cái công thức có giá trị về quy luật bù trừ ở đâu đó, chí ít là việc luân chuyển cán bộ (dẫu rằng cuộc luân chuyển sắp kể ra đây thì chẳng ai muốn dự phần - nhưng đến lúc cũng chẳng đừng được). Bá Dũng đi Tùng Bách đến, và con số hội viên sinh hoạt tại chi hội nhà văn Việt Nam ở Nghệ An vẫn đảm bảo chẵn mười dẫu qua hơn một năm rồi sau khi Bá Dũng mất cái ghế chi hội trưởng vẫn âm thầm chờ một cái mông nào đó. Năm 2010 có thể có thêm những cái tên mới bổ sung vào danh sách hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Nghệ An nhưng chưa biết sẽ là cái tên nào vì rằng cuộc chạy đường trường từ phía ngoài đến phía trong cánh cửa ngôi nhà Hội nhà văn Việt Nam (qua mấy lần khất hẹn vẫn khép hờ) còn chưa kết thúc, và các ứng viên đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười, kiên nhẫn và mệt mỏi, chờ đợi, trong tâm trạng của anh nông dân của Kafka trước cánh cửa vững chãi và bí mật của pháp luật. Có lẽ cùng chung tâm trạng, các ứng viên đều tiến hành công việc của mình một cách nhún nhường, điềm đạm và khổ hạnh. Và việc một, hay hơn một, là ai/ những ai sẽ ngồi tiếp ở cái chiếu cao ngất ngưởng trong xứ gió lào này vẫn là chuyện hạ hồi phân giải.
Một năm lại qua, nhanh. Mà cứ theo cách nói của Nguyễn Huy Thiệp, năm nào mà chẳng trôi nhanh, hả giời. Văn học nghệ thuật Nghệ An vẫn đầy “bản lĩnh” để tiến từng bước thận trọng và chậm rãi, mặc lòng chỗ này người ta xôn xao vì tác phẩm gây shock, tác phẩm đạt giải, tác phẩm được dịch sang tiếng nước này nước kia hay ẵm một giải thưởng ở một phương trời xa lắc xa lơ. Chỉ có chuyện này là rôm rả: con số hội viên mới kết nạp 2009 là 18 người - một con số mang lại nhiều suy nghĩ trong lòng những người quan tâm đến văn học nghệ thuật.
2106
2337
22154
218653
121356
114511780